TTCT - Công nghệ đã cho phép con người phần nào tạo ra một thế thân, thay ta làm nhiều chuyện. Câu hỏi là có nên làm vậy hay không. Cái gì cũng giao AI làm thì con người còn tồn tại vì lẽ gì? Ảnh: mindstream.newsCông nghệ đã cho phép con người phần nào tạo ra một thế thân, thay ta làm nhiều chuyện. Câu hỏi là có nên làm vậy hay không. Cái gì cũng giao AI làm thì con người còn tồn tại vì lẽ gì?Lâu rồi, người viết từng bị cuốn hút bởi một phim kỳ lạ do Michael Keaton thủ vai chính, Multiplicity (Đa diện, 1996). Nhân vật của Keaton là một người bận rộn công việc đến nỗi không có thời gian cho gia đình, làm vợ con buồn bực. Cũng may anh quen với một nhà khoa học lập dị, đang nghiên cứu nhân bản con người. Nhà khoa học đồng ý giúp anh, tạo ra một bản sao Keaton để đi làm, bản gốc ở nhà chơi với vợ con. Số phận run rủi để cuối cùng có đến ba bản sao, mỗi cái lo một góc cuộc sống của Keaton. Chuyện phim nay kể lại nghe khá nhảm nhí nhưng nó có một sức hút kỳ lạ, kể cả những thước phim kể chuyện vợ Keaton lần lượt làm tình với các bản sao mà cứ tưởng đó là chồng mình.Những tưởng câu chuyện khoa học viễn tưởng này chỉ có trên phim, loại phim giải trí giữa thập niên 1990. Ngờ đâu hôm 10-10 vừa rồi, Evan Ratliff - CEO một công ty phần mềm kiêm nhà báo tự do và chủ podcast - có bài trên The New York Times, kể chuyện đã tạo ra một bản sao thế thân, thay mình trò chuyện với bạn bè, giao tiếp với xã hội. Ratliff bảo đã tạo ra một bản sao giọng nói của anh bằng ChatGPT kết hợp với điện thoại di động, một quy trình anh nói chỉ tốn chưa đến một giờ là chạy hoàn hảo, ai muốn bắt chước đều có thể làm được.Tôi không tư duy, tôi còn tồn tại?Thật ra AI bằng giọng nói đã thâm nhập cuộc sống của chúng ta khi thỉnh thoảng bị quấy rối bởi các cuộc gọi quảng cáo tự động, ở Mỹ thì nhận đơn hàng ở các cửa tiệm bán thức ăn nhanh, giao tiếp với khách hàng, ghi nhận các than phiền của họ… Thế nhưng thí nghiệm của Ratliff khác ở chỗ anh bảo con AI thế giọng giả làm anh để gọi điện trò chuyện với bạn bè.Có lẽ công nghệ giả giọng chưa tinh vi, đa phần bạn anh sau vài ba phút chuyện trò sẽ phát hiện đang nói chuyện với robot. Có người tức giận, mắng anh lừa họ; có người cười xòa cho qua và cũng có người nhận xét, nếu họ bị lừa để nói chuyện với máy, cái cảm giác cô đơn sẽ trĩu nặng như thể mình đang tự nói chuyện với mình.Ngoài đời, con người đang bị xô đẩy để cuối cùng buộc phải dùng AI làm vật thế thân trong nhiều trường hợp. Nay mở một email ra, rất có thể máy đã chuẩn bị sẵn thư trả lời, bạn chỉ cần nhấp chọn đồng ý là thư được gởi đi. Đó có phải là bạn không, hay chỉ là một chú robot thế thân thay bạn soạn thư? Đọc một bài báo dài, bạn lười có thể nhờ AI tóm tắt trong vài câu; cả cuốn sách vài trăm trang nó cũng nhanh chóng đọc giúp bạn rồi tóm tắt trong vài đoạn súc tích. Thế cuối cùng, ai đọc sách, ai thưởng thức, bạn hay nó?Một người bạn cũ của người viết bày tỏ nỗi hoang mang khi biết đa số sinh viên ngày nay đang sử dụng AI để làm bài tập nộp cho thầy cô. Càng hoang mang hơn khi biết thầy cô lại sử dụng AI để chấm các bài này. Vậy cuối cùng ai học, ai dạy - cái viễn cảnh máy với máy dạy học với nhau, còn con người thờ ơ đứng ra bên cạnh thật đáng ngại."Tôi tư duy nên tôi tồn tại", lời khẳng định của René Descartes nay còn đúng không khi con người từ bỏ tư duy, trao nó cho AI làm giúp. Còn đâu niềm vui khi làm xong một bài tập, tự tin mình đã làm hoàn chỉnh, giờ chỉ đợi thầy trả bài, kèm điểm cao?Lẽ nào giao đời ta cho AI?Trở lại với câu chuyện tạo ra AI thế giọng của Evan Ratliff. Anh bảo mục đích ban đầu chỉ là phá những kẻ từng quấy rối mình - tức những người làm tiếp thị từ xa qua điện thoại. Thoạt tiên, AI của anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các nhân viên quảng cáo nổi khùng vì nó vẫn tưng tưng tiếp chuyện chứ không dập máy nhưng không bao giờ mắc bẫy mua hàng. Nhưng không lâu sau, anh nhận ra một tỉ lệ lớn cuộc gọi tiếp thị là do máy thực hiện. Rốt cuộc, máy nói chuyện với máy, một cuộc trò chuyện kéo dài không dứt, không biết ai lừa ai, ai làm mất thời gian của ai?Cũng như nhân vật trong phim Multiplicity, Ratliff cũng dạy cho AI đủ mọi thông tin về mình rồi giao cho nó thay anh đi họp các cuộc họp từ xa, chỉ dùng giọng nói chứ không có hình ảnh. Anh cũng thử bảo nó thay anh đi phỏng vấn nhân vật rồi ghi âm đem về cho anh sử dụng. Sau một chặp anh nhận ra một điều kỳ lạ: các nhân dạng AI thế thân cho anh có một khả năng tiếp chuyện không dứt, cứ tán gẫu đủ loại đề tài, lâu lâu đặt ra câu hỏi để kích thích người đối diện tiếp tục chuyện trò. Chỉ cần công nghệ tiến thêm chút nữa, người nghe sẽ khó lòng phân biệt được họ đang nói chuyện với máy hay với người.Có nhiều nhà khoa học cảnh báo AI sẽ dẫn tới sự diệt vong của loài người. Người viết bài này nghĩ có lẽ nên hiểu lời cảnh báo này không phải theo hướng AI ngày càng thông minh và có lúc sẽ chiếm quyền điều khiển mọi thứ, tiến đến chỗ hủy diệt con người để tối ưu hóa sự tồn tại của chúng. Công chúng thích suy nghĩ theo hướng này vì chịu ảnh hưởng của phim ảnh như loạt phim Terminator nổi tiếng.Đúng ra, AI có thể dẫn tới sự diệt vong của loài người theo cách chúng thay con người làm hết mọi thứ từng là phẩm chất làm nên con người, như sự suy tư, óc tò mò, sự khát khao tìm hiểu, lòng mong muốn khám phá. Nếu mọi chuyện giao cho AI làm, con người sẽ không còn lý do gì để tồn tại như cách họ từng tồn tại trong lịch sử.Ảnh: Midjourney/UBCHiện nay với chiếc điện thoại thông minh có cài ChatGPT tôi đã có thể trò chuyện với một người Hàn Quốc dù tôi không biết tiếng Hàn và người kia không biết tiếng Việt. Với Google Translate, chúng ta có thể đọc một website sử dụng tiếng Nhật dù một chữ Nhật bẻ đôi cũng không biết. Vậy cuối cùng niềm vui, sự hứng khởi được học và sử dụng một ngoại ngữ để đắm mình trong một thế giới khác, một nền văn hóa khác có còn lý do để tồn tại?Ở mức độ xã hội, sẽ có ngày chúng ta nhường quyền kiểm soát cho AI. Ngày nay một trường đại học ra thông báo chỉ tuyển sinh viên cao một mét sáu lăm trở lên sẽ bị phê phán và dưới sức ép của công luận sẽ phải bãi bỏ quy định kiểu đó. Nhưng giả thử sau này chuyện tuyển sinh được giao cho các thuật toán AI trong đó ý muốn của nhà trường chỉ tuyển người cao ráo vào học vẫn còn đó nhưng được thuật toán AI che giấu dưới các tiêu chí khác một cách tinh vi thì sao? Không ai biết để phản đối có nghĩa trường này thoát tội phân biệt đối xử à?Giao cho AI lo chuyện tuyển dụng, xét điều kiện nhập cư, xét xử các vụ tranh chấp tài sản… là chuyện rất có thể xảy ra và đã xảy ra ở một mức độ nào đó, tại một nơi nào đó. Các thẩm phán hiện được trang bị các trợ lý pháp lý giúp họ tham chiếu nhanh các điều luật, các án lệ, các thay đổi trong luật sau so với luật trước. Giả thử AI mắc một lỗi nào đó, dẫn tới quyết định của người thẩm phán bị sai - ai sẽ chịu trách nhiệm? Và số phận con người không lẽ sẽ giao phó cho AI chi phối?Thử tưởng tượng mọi chức năng của xã hội lần lượt được giao cho các AI vô hồn, không có tính người đảm trách, kể cả chuyện an ninh trật tự, quản lý xã hội, viễn cảnh này sẽ tạo ra một phản ứng như những người bạn của Evan Ratliff trong thử nghiệm của anh.Kết thúc bộ phim Multiplicity, nhân vật của Keaton lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống, tống tiễn ba bản sao đi xa, qua một tiểu bang khác, mở tiệm pizza để sinh sống. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nghiêm túc tính đến chuyện hạn chế sự can thiệp của AI vào cuộc sống của chúng ta; chí ít từng cá nhân phải có quyền quyết định có giao phó cuộc sống của mình cho thuật toán và AI hay mạnh tay tống tiễn nó đi chỗ khác chơi. Giữa tháng 9, cây bút công nghệ Joanna Stern của tờ The Wall Street Journal cũng thử nghiệm việc tạo thế thân AI: Joannabot - chatbot cá nhân hóa trên nền Gemini của Google, có nhiệm vụ tư vấn cho người đọc liệu họ có nên lên đời iPhone 16 hay không. Joannabot được nạp kiến thức gồm nhiều năm đánh giá và đưa tin về iPhone của Stern. Hàng ngàn độc giả đã tương tác với thế thân của AI và được nó tư vấn.Sau thí nghiệm, Joanna Stern đúc kết được vài điều: dù được dạy kỹ, chatbot vẫn lắm khi bịa chuyện và lạc đề, chưa kể khá tốn tiền thuê dịch vụ (Vertex AI, sản phẩm của Google Cloud). Nhưng nhìn chung vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao: lắng nghe và tư vấn.Stern kể một độc giả 77 tuổi viết thư nói chatbot "không thể thay thế cô", bởi nó chỉ "như một cuốn sổ tay hướng dẫn sử dụng". Hàng chục người khác cũng nói rằng họ nhớ giọng văn của cô. Song, kết luận lớn nhất cô rút ra là Joannabot "không phải là tôi, nhưng nó cũng không phải là thứ "AI vô hồn" đâu".Sam Altman, Satya Nadella hay các giám đốc công nghệ hàng đầu khác thường cho rằng AI tạo sinh sẽ giải phóng con người khỏi những công việc nhàm chán và mở ra những mục tiêu mới. Viết đánh giá iPhone không phải là công việc nhàm chán, nhưng nó đã trở nên hơi lặp đi lặp lại, đặc biệt khi mẫu mới chỉ có vài cải tiến nhỏ như năm nay. Joannabot có thể cung cấp câu trả lời cá nhân hóa nhanh hơn nhiều so với "chính chủ", cũng như có thể làm những việc cô không thể, chẳng hạn lập tức tạo ra một biểu đồ so sánh iPhone cũ của độc giả với mẫu hiện tại.Với thế thân lo hộ, Stern có thể đi nghỉ mát hoặc dành thời gian đầu tư hơn cho các bài viết. Các điểm bất lợi như bịa chuyện hay chi phí rõ ràng có thể cải thiện trong thời gian tới. Tới khi đó, câu hỏi vẫn là có nên để AI làm thay mình hay không.TỊNH ANH Tags: Công nghệ AI
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
Đà Lạt hướng tới mục tiêu trở thành hình mẫu tiêu biểu về tăng trưởng xanh MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.