Mùa dế ở Sài Gòn...

LÊ NGỌC HẠNH 29/06/2014 04:06 GMT+7

TTCT - Mùa hè, mùa mưa, mùa dế sinh sôi nẩy nở, bây giờ thêm mốt “nuôi dế” chế biến thành món dế lăn bột, dế chiên nước mắm, dế rang... có cả bốn mùa. Và dường như trẻ con thành phố cũng mất dần đi cái thú chơi đá dế của mùa hè...?

Minh họa: Salem

Năm ấy, trong lần dự giờ một lớp 9 trường X ở quận 10, lớp học lặng im phăng phắc, học sinh chăm chú tập trung nghe lời giảng của một cô giáo, tuổi còn rất trẻ, đang say sưa bình giảng một đoạn trích của truyện Kiều, bỗng có tiếng “chịch, chịch...” nổi lên, rồi tiếng dế gáy “tờ... rét, tờ... rét, rét...” vang lên đầy phấn khích ở dãy bàn trước mặt tôi và đồng nghiệp.

Lớp học rộ lên tràng cười. Cô giáo im bặt, cặp lông mày nhíu lại, cố kìm nén cơn giận dữ đang bùng lên. May là đang có quý thầy cô dự giờ, nếu không thì...

Tôi quan sát một học sinh nam mặt đang biến sắc, cúi xuống hộc bàn, bàn tay em mò mẫm vào cái cặp, trái tim tôi chợt thắt lại, mơ hồ tôi nghe một tiếng “bụp”, rồi tiếng thét thảm thiết trỗi dậy. Em học sinh vì sợ đã bóp chết con dế lửa tội nghiệp! Một chiến binh dế rất chiến của mùa hè...

Lớp học, ngôi trường lầu kiên cố, bốn phương tám hướng đều bêtông cốt thép, lấy đâu dế cho học sinh chơi và đem vào lớp học? Tôi thoáng suy nghĩ khi bước ra khỏi lớp, nhìn lên trời cao đang bị che khuất bởi các nhà cao tầng. Nhưng khi đi bộ ra ngoài cổng trường thì tôi đã hiểu.

Những con dế, những chiến binh của mùa hè trong sâu thẳm của tiềm thức, tuổi ấu thơ bên cạnh mùa dế, mùa hè, trên những cánh đồng thênh thang mùa rơm rạ, như ẩn hiện trong lớp sương mù của cơn mưa buổi sáng sớm ở quê nhà.

Những con dế ấy đã được những người trung niên, nét mặt còn dấu ấn của đồng quê, ở ngoại thành Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, bắt bỏ vào những thùng gỗ xung quanh đóng lưới nhuyễn, mang bán tận các cổng trường. Dế than, dế lửa, dế cồ, dế mén và cả những con dế mái, dùng để... ngắt lấy đầu cắm vào cọng chân nhang để khiêu khích, nhử những con dế đá hung hăng và thiện chiến, cánh phùng lên gáy rét rét, còn miệng há to hai cái càng sắc bén!

Chính những con dế đá những người nông dân bắt được trên cánh đồng lúa hoặc đồng cỏ quê nhà, khi những cơn mưa đầu mùa vừa trút xuống, hoa phượng hé nụ báo hiệu mùa hè, cỏ non bắt đầu xanh mướt mát, tiếng dế gáy râm ran trong vườn, ngoài ruộng. Đám trẻ con thường tổ chức nhau đi bắt dế, cuốc moi hang, lật đất, đổ nước hoặc bắt bằng cách bỏ kiến “bù nhọt” vào hang, đến rắn rít, bò cạp khi gặp kiến bù nhọt cũng phải chui ra “bỏ hang chạy lấy thân”.

Họ đã mang “mùa dế” đến cho trẻ con, học trò của thành phố, của Sài Gòn hoa lệ, cùng với thú nuôi chim, chơi cá...

Ở cầu thang lầu chung cư, tôi đã gặp rất nhiều trẻ con túm tụm chơi đá dế, cũng có cá cược những cái bánh, cây kẹo, cũng có đá “bắt sát”, bên nào thua sẽ thua luôn con dế chiến của mình. Cũng có “tấn phong” chức cho con dế chiến thắng của mình như “đại tướng dế than”, “đô đốc dế lửa”...

Cũng chính vì tuổi thơ “say đắm” với những chú dế mà tôi đã phân biệt được đâu là tiếng dế than, đâu là tiếng dế lửa. Chịu khó lắng nghe, chịu khó để ý bạn sẽ nhận ra trong cái âm thanh “tờ ri ri, tờ rét rét” đó đâu là anh dế lửa cánh vàng như nghệ, và đâu là anh dế than trừ hai chấm vàng trên cánh, còn thì đen tuyền đến thích thú...

Những ngọn đèn neon trong nhà, những ngọn đèn cao áp ngoài đường phố đôi khi cũng “khuyến dụ” được những chú dế... lỡ chân “phiêu lưu ký” vào thành phố, bay đến nơi có ánh sáng, nhưng dù là dế than hay dế lửa cũng ít đá và nhát đòn hơn dế bắt từ ruộng rẫy.

Mùa hè, mùa mưa, mùa dế sinh sôi nẩy nở, bây giờ thêm mốt “nuôi dế” chế biến thành món dế lăn bột, dế chiên nước mắm, dế rang... có cả bốn mùa. Và dường như trẻ con thành phố cũng mất dần đi cái thú chơi đá dế của mùa hè...?

TRẦN HOÀNG VY

Mặc cả

Dạo một vòng chợ, chị ghé lại nơi bà cụ đang ngồi với cái mẹt xoài tươi còn nguyên xi những nhành lá. “Bao nhiêu tiền một ký xoài vậy bà?”. “Mười lăm ngàn cô à!”. Xoài tươi mà giá lại rẻ nhưng chị vẫn mặc cả theo thói quen: “Mười ngàn được hôn bà?”.

Không ngờ bà cụ lại cười hiền khô gật đầu: “Cô trả bao nhiêu tôi cũng bán, trả bao nhiêu tôi cũng có lời. Cây nhà lá vườn chứ tôi có mua đi bán lại đâu mà sợ lỗ”.

Lần đầu tiên chị thấy lời mặc cả của mình vừa thừa thãi mà lại vừa vô duyên...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận