Mùa hè ở không gian nghệ thuật mới

ĐOÀN BẢO CHÂU 07/07/2013 07:07 GMT+7

TTCT - Thoát ra khỏi những không gian nghệ thuật truyền thống như bảo tàng, nhà hát, phòng tranh…, mùa hè năm nay nhiều bạn trẻ đang tìm đến các không gian nghệ thuật mới để từng bước nâng tầm hiểu biết và cả sự yêu thích nghệ thuật.

Phóng to
Buổi nói chuyện của nghệ sĩ Trương Thiện nhân triển lãm “Túi nhựa” của anh tại Ga 0 - Ảnh: Như Huy

Phóng to
Các em nhỏ đến Sàn Art đọc sách và làm quen với nghệ thuật - Ảnh: Hồng Nhung

8g tối một ngày giữa tháng 6, trong căn phòng khoảng 15m2, mười bạn trẻ ngồi bệt thành hình chữ U, chăm chú xem bộ phim mới của An, một bạn cùng nhóm. Sau đó An kể chuyện làm phim của mình bằng tiếng Anh, trả lời những câu “hỏi xoáy đáp xoay” của bạn học cũng bằng tiếng Anh.

Cuối cùng, thầy giáo - nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm (đã có nhiều năm làm việc ở nước ngoài) tỉ mỉ sửa cách dùng từ, phong thái thuyết trình cho từng người.

“Học” nghệ thuật

Đó là một buổi học của dự án Tiếng Anh cho nghệ sĩ kéo dài trong bảy ngày do Ga 0 (Zero Station) tổ chức. Mùa mưa, chiều tối nào trời cũng lướt thướt mưa nhưng không một ai bỏ về sớm trước 10g đêm. Họ lắng nghe và hỏi cặn kẽ từng chi tiết câu chuyện bạn mình kể, bật cười sảng khoái trước những câu pha trò bằng tiếng Anh của thầy giáo.

Không khí càng “nóng” lên khi lớp học đón tiếp ba nghệ sĩ người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam là Erin O'Brien, Antonio Rosciano và Richard Streitmatter-Tran đến giao lưu, thực hành tiếng Anh với các bạn. Những câu chuyện về nghệ thuật, ngôn ngữ cứ thế kéo dài như không có điểm dừng.

Đều đặn hằng tháng, hầu hết các không gian nghệ thuật mới như Sàn Art, Địa Project... đều cố gắng duy trì mở cửa miễn phí các lớp học, workshop, buổi thảo luận giữa nghệ sĩ và công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Chỉ cần một căn phòng nhỏ, một máy chiếu, diễn giả và chừng 10-15 người tham gia là đã có một buổi chia sẻ với chủ đề rất đa dạng, từ thiết kế đồ họa đến kỹ thuật làm phim hoạt hình, hay đơn giản là giải thích ý nghĩa các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt…

Đứng trước những khối vuông chồng chéo đủ màu sắc trong triển lãm “Xưởng thí nghiệm Sàn Art - phiên 2”, chúng tôi thật sự lớ ngớ. Nhờ có buổi trò chuyện với tác giả mà chúng tôi mới hiểu rằng các khối vuông đó, theo ý tưởng của Ngô Đình Bảo Châu, là những đường sáng đặc trưng của đô thị và được thể hiện bằng kỹ thuật sơn mài truyền thống ở vùng làng quê, một sự kết hợp thú vị của cái gọi là “chuyển thể hồi ức tuổi thơ khi ánh sáng điện về làng” của nữ nghệ sĩ này.

Trong hai năm trở lại đây, cùng với không khí cởi mở của văn hóa nghệ thuật hướng ra thế giới cũng như tác động truyền thông của mạng xã hội, số bạn trẻ tìm đến các không gian này ngày càng tăng. Người tham gia các buổi thảo luận rất đa dạng, từ nghệ sĩ, sinh viên các ngành kiến trúc, mỹ thuật, điện ảnh đến nhân viên văn phòng, kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân, đủ mọi lứa tuổi nhưng đa số vẫn là người trẻ.

Thanh Thanh, sinh viên ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho biết: “Việc tìm đến các không gian này giống như xoay từng vòng trong kính vạn hoa vậy. Mỗi buổi là một hình ảnh khác, góc nhìn khác, cái nào cũng đáng để ngắm nhìn, lắng nghe và bồi đắp dần cho tư duy nghệ thuật của tôi”.

Bên cạnh việc tạo tương tác giữa nghệ sĩ và công chúng, các không gian nghệ thuật này đầu tư tối đa cho công chúng kiến thức nghệ thuật từ sách, tạp chí, phim ảnh. “Có lần chỉ có ba bạn gọi đến vì muốn xem phim Iran, chúng tôi vẫn sắp xếp chiếu” - ông Nguyễn Như Huy, giám đốc Ga 0, kể.

Mang ra chồng đĩa về visual art (nghệ thuật thị giác) cao ngất ngưởng của Đức, ông Huy nói thêm: “Chuẩn bị chiếu cho các bạn đây. Không chỉ xem cho vui, những bộ phim này có thể thậm chí thay đổi tư duy nghệ thuật của các nghệ sĩ vì có rất nhiều khác biệt so với ở ta”.

Tương tự, các không gian như Decibel Louge hay Saigon Outcast định luôn giờ chiếu phim vào các buổi tối nhất định trong tuần, sau khi xem phim còn có thảo luận, chia sẻ cảm nhận về phim. Sàn Art thì dành hẳn một phòng đọc với hơn 2.000 cuốn sách, tạp chí nghệ thuật và đầy đủ bàn ghế, máy lạnh, WiFi cho các bạn trẻ đến đọc, tìm hiểu miễn phí từ 10g30-18g30 mỗi ngày.

Phóng to
Khách đến tham quan cùng nhau sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật - Ảnh: Quang Định

Xin chào cuộc sống

Không chỉ ngồi nghe hay đọc, tinh thần hòa mình vào nghệ thuật còn thể hiện ở sự tham gia đúng chất “trẻ” tại những không gian này. 12g trưa, trời nắng như đổ lửa không ngăn cản hơn trăm bạn trẻ kéo đến Saigon Outcast, một không gian nằm sâu trong khu Thảo Điền, Q.2, để thỏa sức vui chơi với những môn nghệ thuật đường phố.

Chúng tôi thoải mái lắc lư với nhạc sàn rất “chất” của các DJ, ồ à thót tim với những màn trình diễn ván trượt, mướt mồ hôi cùng rock, rồi sau đó ai nấy nhâm nhi miếng pizza do chính mình nướng trong một cái lò đất có hình chú mèo Totoro của phim hoạt hình Nhật Bản…

Xuất phát từ hai chiếc container được chọn làm nhà của hai người trẻ “quái quái”, Saigon Outcast giờ đã là địa chỉ vô cùng quen thuộc trong giới trẻ, đến mức ở đây cứ có chương trình là các bạn lại rủ nhau đến để “cháy” hết mình trong âm nhạc, nhảy, vẽ, triển lãm nghệ thuật...

Quay về Ga 0 ở trung tâm thành phố. Trên khoảng tường rộng bên ngoài của Ga 0 là hình vẽ graffiti một cậu bé có gương mặt bầu bĩnh, hồn nhiên. Cậu bé đó ở nhà tên là Đỏ, 8 tuổi, đang sống trong chính khu cư xá 288 (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3) này. Bức vẽ ra đời từ dự án “Vẽ graffiti lên tường hẻm” do Ga 0 tổ chức. Trong 20 ngày, bốn bạn trẻ nhóm Click 9 đã đến ăn ở và làm việc toàn thời gian ở đây. Ngày nào họ cũng vẽ graffiti lên tường, hôm sau lại xóa, rồi vẽ tiếp.

Từ chỗ ngó nghiêng, dè chừng, người dân ở đây đã quen dần với “kiểu vẽ chỉ thấy trên phim Mỹ mà nay về Việt Nam rồi” - ông Nguyễn Lâm, một người trong cư xá, cho biết. Thậm chí một ông lão còn mang ảnh của vợ ra nhờ nhóm vẽ chân dung lên tường để tặng sinh nhật cho bà, hay chính bé Đỏ vốn rất hiếu động đã chịu ngồi yên để cho các anh vẽ.

Liar Ben, một nghệ sĩ đường phố chuyên về graffiti, cho biết: “Việt Nam vốn ít có không gian cho graffiti nên ít nhất dự án cũng đã thay đổi được cách nhìn của người dân trong một cư xá giữa thành phố về loại hình này. Ngược lại, chúng tôi cũng hiểu hơn về cách nghĩ của họ đối với graffiti”.

Không chỉ là “đời thực” tại Việt Nam, không gian nghệ thuật mới cũng chính là nơi các bạn trẻ có thể tìm hiểu sống động nhất về “đời thực” ở khắp nơi trên thế giới. Hầu hết các không gian nghệ thuật mới đều có chỗ cho nghệ sĩ nước ngoài đến lưu trú, làm việc miễn phí, đổi lại họ sẽ có hoạt động hợp tác với người bản xứ, có thể là triển lãm, giao lưu, chiếu phim…

Chẳng hạn trong dự án “Sự kiến tạo các tưởng tượng khác nhau về đô thị châu Á” của Lã Huy và Cheng Ting Ting, cả hai đã cùng nhau chụp hàng trăm ngóc ngách của Sài Gòn, sau đó chọn lọc và thực hiện thiết kế theo kiểu bưu thiếp, với chú thích tiếng Việt (của Huy) và tiếng Anh (của Cheng) ở phía sau. Chú thích được lựa chọn theo ý riêng, không cần dịch đồng nghĩa. Điều này khiến người xem cảm thấy rất thú vị về các góc nhìn khác nhau trước một sự kiện, một hình ảnh.

Thường xuyên lui tới các không gian này, Minh Quý, 23 tuổi, làm phim độc lập, cho biết: “Khi tiếp xúc nhiều nghệ sĩ với quan điểm nghệ thuật và văn hóa khác nhau, nhiều lúc tôi thấy mình thật sự bị xáo động trong quan niệm làm phim. Nhưng sau giai đoạn chao đảo đó là sự tĩnh tại, học hỏi và thay đổi mình để hội nhập với thế giới nhiều hơn”.

Không chỉ nghệ sĩ, ngay cả công chúng người nước ngoài cũng lui tới các không gian nghệ thuật này khá thường xuyên.

Chị Trà Nguyễn, phụ trách đối ngoại của Sàn Art, nhận xét: “Nghệ thuật đương đại đối với người Việt Nam còn khá xa lạ, nhưng lại quen thuộc với người nước ngoài nên họ thường tìm đến đây đọc sách, xem triển lãm. Thậm chí một số trường tiểu học quốc tế cũng đưa học sinh đến xem triển lãm, các bé chỉ 8-9 tuổi nhưng đã xem và nghe cô giáo giải thích rất chăm chú. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong các hoạt động này sẽ thu hút nhiều người Việt Nam hơn vì đó mới là mục tiêu chính của các không gian nghệ thuật mới này”.

Và như một câu trả lời, sáng thứ bảy ngày 22-6, có chừng chục em người Việt khoảng 9-10 tuổi được bố mẹ dắt đến, chăm chú dán những miếng sticker đủ màu sắc lên một tấm vải căng trắng, theo đúng dụng ý của tác giả là mỗi công chúng đến xem sẽ là người tương tác, sáng tạo một sản phẩm nghệ thuật cho riêng mình.

“Qua năm năm làm việc, hợp tác với các không gian nghệ thuật mới tại TP.HCM, tôi nhận thấy giới trẻ Việt Nam ngày càng cởi mở và có nhiều khát khao, hứng thú hơn với việc tìm hiểu nghệ thuật. Tuy nhiên, nghệ thuật là một thế giới rất mênh mông và chúng ta còn rất nhiều điều phải học. Chính vì thế, khi đến đây tôi rất háo hức được chia sẻ với các bạn về lĩnh vực nghiên cứu của tôi là AudioVideo Performances, New Media Art, Interactive Art.

Tôi tin rằng trong tương lai, lực lượng nghệ sĩ và cả người yêu thích nghệ thuật tại TP.HCM sẽ lớn mạnh nhanh chóng nếu phát triển theo hướng này”.

Antonio Rosciano
(người Ý, đang sống tại Việt Nam, một trong những giám đốc của dự án Live Performaners Meeting,
được Chương trình văn hóa của Liên minh châu Âu tài trợ
)

___________

Địa chỉ một số không gian nghệ thuật tại TP.HCM: Sàn Art: 3 Mê Linh, Q.Bình Thạnh. Địa Project: 227 đường 9A, khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh. Ga 0: Cư xá 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3. Saigon Outcast: 118/1 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Q.2.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận