Mục đích gì, kết quả đó!

SĨ PHU 17/09/2016 21:09 GMT+7

TTCT - Nếu học sinh hoang mang một phần sau khi Bộ GD-ĐT công bố những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sang năm thì nay, các em càng hoang mang hơn khi thấy những chuyên gia hàng đầu người thì phê phán các thay đổi này như thi môn toán dưới hình thức trắc nghiệm, người thì khen bộ theo đúng xu hướng các nước khác đang theo.

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD


Vì sao những điều chỉnh của bộ, dù sao cũng là những nỗ lực làm sao kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng tốt hơn, lại bị dư luận phản ứng như thế?

Vì sao những người giỏi giang nhất nước trong từng lĩnh vực cũng chưa có sự đồng thuận về một chuyện đơn giản là tổ chức một kỳ thi quốc gia? Và quan trọng hơn cả, làm thế nào để toàn xã hội không còn bận tâm chuyện thi cử để còn tập trung vào điều quan trọng hơn nhiều là dạy và học?

Không thể có chuyện “hai trong một”

Câu trả lời thật ra cũng đơn giản. Hàng chục năm kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra khá bình lặng, bỗng hai năm gần đây lại gây hoang mang, bàn cãi, xáo động, ồn ào - tất cả chỉ bởi Bộ GD-ĐT gán cho nó hai mục đích khác xa nhau: xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học.

Bộ tự hào gọi nó là kỳ thi “hai trong một”. Nhưng chừng nào kỳ thi này vẫn còn phải phục vụ hai mục đích tách biệt, chừng đó bộ còn loay hoay thay đổi, học sinh còn hoang mang, xã hội còn tranh cãi.

Lấy ví dụ chuyện tranh cãi môn toán có nên thi dưới dạng trắc nghiệm không để thấy rằng không thể thiết kế một kỳ thi “hai trong một” hoàn hảo được.

Các lập luận phản đối việc thi trắc nghiệm môn toán bao gồm: mục tiêu của môn toán không phải chỉ dạy cho học sinh kỹ năng tính toán cụ thể, mà quan trọng nhất là dạy cho học sinh phương pháp tư duy, khả năng đặt vấn đề, giải quyết vấn đề; thi trắc nghiệm toán sẽ bỏ sót người giỏi; học sinh sẽ học theo cách đối phó, những mánh lới để làm bài thi trắc nghiệm chứ không thật sự học toán...

Suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy các lập luận này hoàn toàn hợp lý nếu đó là bài thi toán dùng trong tuyển sinh đại học. Các đại học ngành toán hay ngành dùng nhiều toán chắc chắn cần tìm ra các sinh viên có tư duy độc lập; trường sẽ tìm những bài thi có thể đáp số không hoàn chỉnh nhưng con đường giải bài toán đầy sáng tạo, đầy tiềm năng... và loại trừ các bài làm theo kiểu may rủi, học vẹt.

Ngược lại, những lập luận ủng hộ việc thi trắc nghiệm môn toán cũng khá dễ tóm tắt: các nước đều thi trắc nghiệm như kỳ thi chuẩn hóa SAT của Mỹ; cuộc sống nhiều lúc cần kỹ năng phán đoán nhanh, không cần chính xác nhưng gần đúng, tức là cần khả năng “chọn phương án nhanh” theo kiểu trắc nghiệm”; loại trừ chuyện gian lận...

Các lập luận này cũng hoàn toàn thuyết phục nếu đó là bài thi dùng trong một kỳ thi xét tốt nghiệp đơn giản, với mục đích tìm ra đến 95-98% học sinh đủ điều kiện tốt nghiệp.

Tuyển sinh đại học Mỹ ngoài SAT I - tức SAT bình thường kiểm tra kỹ năng đọc, viết và toán - còn có SAT II, tức SAT từng môn, đủ các môn toán, lý, hóa, sinh, sử, địa dù cũng thi dạng trắc nghiệm nhưng khó và chuyên sâu từng môn hơn nhiều so với SAT I. Các trường danh tiếng đều yêu cầu SAT II.

Nói khái quát, hai năm qua kỳ thi “hai trong một” nghiêng về phục vụ việc tuyển sinh đại học nên đề thi, các môn thi gần giống như các kỳ thi tuyển sinh đại học ngày xưa. Hệ thống phổ thông ăn theo dùng kết quả đó để xét tốt nghiệp.

Nay các cải tiến mà Bộ GD-ĐT vừa công bố nghiêng về hướng kỳ thi sang năm sẽ phục vụ việc xét tốt nghiệp. Từ đó mới thấy các ý kiến phản đối, các băn khoăn, sự lo lắng học sinh chưa chuẩn bị kỹ, tất cả đều nhìn từ góc độ dùng kết quả thi để xét tuyển đại học.

Tất cả những băn khoăn đó đều chính đáng. Ví dụ bài thi khoa học tự nhiên (là tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) làm sao là cơ sở đúng đắn, chính xác để tuyển một học sinh muốn thi vào ngành vật lý chẳng hạn.

Quan chức Bộ GD-ĐT cho biết bài thi tổ hợp gồm 60 câu hỏi trắc nghiệm chia làm ba phần riêng biệt, mỗi môn trong tổ hợp có 20 câu hỏi.

Như vậy để tìm một sinh viên tương lai có năng khiếu môn vật lý mà chỉ trông chờ vào một phần ba bài thi có liên quan bên cạnh ba bài thi khác không liên quan gì đến môn vật lý, làm sao không lo cho được? Nên nhớ 20 câu này cũng phải bao gồm các câu dễ để còn phục vụ mục đích xét tốt nghiệp nữa như bộ từng diễn giải.

Chắc rằng từ đây cho đến vài tháng nữa, dư luận sẽ tiếp tục nóng bởi những phát hiện chỉ rõ sự vô lý của cách thức thi sang năm nếu nhìn từ góc độ phục vụ tuyển sinh đại học. Đi kèm đó là những phát hiện khen ngợi cách thi mới do nhìn từ góc độ dùng nó để xét tốt nghiệp như giao cho các sở GD-ĐT địa phương chủ động tổ chức...

Cái nào ra cái đó

Nếu nhìn ra vấn đề của chuyện thi cử chính là sự gán ép hai mục đích cho một kỳ thi, cách giải quyết đơn giản nhất là kỳ thi nào ra kỳ thi đó. Nhưng làm như thế có nguy cơ bị chê là quay về cách thi tuyển của những năm trước, không ai dám đương đầu với một trách nhiệm nặng nề như thế.

Giải pháp tối ưu là nương theo những gì bộ đã công bố với những điều chỉnh nhỏ, không gây thêm nhiều xáo động.

Cách tốt nhất là duy trì phương án thi như đã công bố, nhưng nói rõ kỳ thi này chỉ phục vụ chủ yếu việc xét tốt nghiệp THPT. Như thế có lẽ sẽ chẳng ai phản đối chuyện thi trắc nghiệm môn toán nữa.

Tổ hợp các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thành hai bài thi cũng là một chọn lựa hợp lý theo hướng học gì thi nấy chứ không học tủ nữa. Sở GD-ĐT chủ trì ở các địa phương cũng là chuyện hợp lý.

Riêng chuyện tuyển sinh đại học, thay vì công bố bốn phương án cho các trường đại học chọn lựa mà thực chất phương án nào cũng phải dựa vào kết quả kỳ thi nói trên, bộ hãy trao quyền tự chủ đích thực trong tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng, họ muốn thi tuyển, xét tuyển như thế nào tùy ý họ.

Trường nào kỹ có thể tự tổ chức thi, đề thi tự soạn, bài thi tự chấm và chịu trách nhiệm tuyển chọn đúng sinh viên cho mình. Trường nào năng lực còn yếu có thể dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp quốc gia. Trường nào cẩn thận hơn nữa có thể yêu cầu học sinh viết bài luận, thi các môn năng khiếu, thậm chí phỏng vấn trực tiếp.

Ở đây có hai xu hướng cần lưu ý: một là, không phải tất cả học sinh tốt nghiệp phổ thông đều muốn vào đại học, con số 32% học sinh lớp 12 không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng vừa qua cho thấy điều đó; hai là, năng lực đào tạo của tất cả các trường, kể cả tư nhân, liên kết... đủ để đáp ứng mọi học sinh có nhu cầu theo học.

Từ đó, tại sao Bộ GD-ĐT không mạnh dạn thay đổi suy nghĩ, tháo gỡ rào cản đầu vào đại học, thậm chí ai muốn học thì cứ ghi danh theo học. Sau đó siết lại đầu ra, ai không đáp ứng các tiêu chí chặt chẽ thì không được tốt nghiệp.

1.000 sinh viên ngành luật vào học nhưng tốt nghiệp, sẵn sàng làm luật sư chỉ có 100 là chuyện hoàn toàn bình thường, có trở ngại gì đâu mà không chấp nhận. 900 sinh viên không tốt nghiệp dù sao cũng trang bị cho họ những kiến thức luật cần thiết cho bản thân họ.

Ngoài các tiêu chí do bộ đặt ra, uy tín về lâu về dài của trường sẽ khiến các trường cùng siết chất lượng đào tạo.

Bởi cái làm nên danh tiếng của một ngôi trường chính là đội ngũ cựu sinh viên ra trường có ngay việc làm, ra đời trở thành những nhân vật thành đạt, đủ bản lĩnh đương đầu với các thách thức của cuộc sống. Trường nào vì lợi nhuận để chạy theo sự dễ dãi sẽ phải nhanh chóng trả giá khi xã hội không chấp nhận sản phẩm của họ.

Mục đích gì, kết quả đó - suy cho cùng không chỉ là kết thúc một loại hình “hai trong một” không giống ai, mà còn là mục đích hướng tới của từng học sinh, sinh viên, từng ngôi trường và cả một ngành giáo dục.■

Có thể chấp nhận ý tưởng tổ chức một kỳ thi quốc gia đáp ứng hai yêu cầu: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng để tạo ổn định trong giai đoạn ngắn (chẳng hạn từ năm 2017 - 2018), nhưng không thể kéo dài việc đó trong tương lai xa.

Bộ GD-ĐT cần có hướng tốt hơn để thật sự trao quyền tự chủ cho địa phương, hoặc cơ sở giáo dục về đánh giá quá trình giáo dục phổ thông cũng như quyền tự chủ cho trường đại học về xét tuyển sinh.

Có giao quyền tự chủ trọn vẹn như thế, Bộ GD-ĐT sẽ có điều kiện để toàn tâm toàn ý làm nhiệm vụ chính là điều hành chính sách giáo dục và quản lý nhà nước như rất nhiều quốc gia đã làm.

Về hình thức thi kỳ thi quốc gia được đề cập trong dự thảo, lộ trình cho thấy Bộ GD-ĐT muốn tiến đến vận dụng tuyệt đối công nghệ thông tin; giai đoạn 2017 - 2019 chỉ có một môn tự luận là ngữ văn, còn lại làm bài thi trắc nghiệm khách quan, từ năm 2020 trở đi thi tất cả các môn trên máy tính có kết quả ngay.

Vấn đề gây tranh luận: phía ủng hộ bởi sự khách quan, chính xác, nhanh chóng, gọn nhẹ của quá trình thi từ đề thi, coi thi đến chấm thi. Đó là những ưu điểm không thể phủ nhận (nhiều nước đã sử dụng hình thức thi trắc nghiệm để đảm bảo tính gọn nhẹ, khách quan, minh bạch).

Nhưng không phải mọi kỳ thi đều sử dụng trắc nghiệm, bởi có nhiều năng lực khác của người học cần được kiểm tra bằng hình thức tự luận hoặc phỏng vấn mặt đối mặt mới bộc lộ được khả năng.

Các quốc gia tiên tiến về giáo dục như Anh, Mỹ, Pháp, Phần Lan, Úc... vẫn luôn đảm bảo hình thức tự luận và trắc nghiệm ở các cấp độ khác nhau trong các kỳ thi tốt nghiệp hoặc tuyển sinh.

Đối với tương lai gần, tôi thật sự băn khoăn đối với một ý tưởng nêu trong đề án về điểm quá trình (điểm TB năm học) tham gia để xét tốt nghiệp.

Trong đó bộ quy định giảm dần giá trị tỉ lệ: 50% cho năm 2017, 40% cho năm 2018, 30% cho năm 2019 trở đi. Có nghĩa là càng về sau càng xem trọng giá trị của bài thi hơn là giá trị của quá trình học tập.

Điều đó đi ngược lại với đặc trưng của giáo dục hiện đại là xem trọng nỗ lực của người học trong quá trình học tập. Phải chăng là do không có phương thức hiệu quả để quản được điểm số của các trường THPT?

Đúng là các cơ sở giáo dục phổ thông luôn mong muốn và có nhiều cách để học sinh mình đạt được điểm số tốt tham gia xét tốt nghiệp. Nhưng không thể vì thế mà dần giảm giá trị của một yếu tố đánh giá quan trọng quá trình học tập của học sinh.

Sự cân bằng giữa kết quả đánh giá quá trình và đánh giá qua một bài thi của một thời điểm luôn là một thể hiện của tiến bộ giáo dục hiện đại. Và không phải không có cách để quản lý tốt yếu tố đánh giá này.

Cao Huy Thảo (nguyên hiệu trưởng Trường quốc tế Việt - Úc)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận