Myanmar: Cuộc chiến bị lãng quên

THANH TUẤN 18/11/2023 10:51 GMT+7

TTCT - Một loạt vụ tấn công của các lực lượng vũ trang khác nhau đã gây tổn thất nặng nề cho quân đội Myanmar trong mấy tuần qua khi đất nước Đông Nam Á này chìm dần vào một cuộc nội chiến ngày càng mất kiểm soát.

Cuộc chiến ở Myanmar đang tới hồi khốc liệt.  Ảnh: Globe and Mail

Cuộc chiến ở Myanmar đang tới hồi khốc liệt. Ảnh: Globe and Mail

Chính sách "chia để trị" đã được chính quyền quân sự Myanmar duy trì bấy lâu nay đang có dấu hiệu đổ vỡ hàng loạt khi các nhóm vũ trang thiểu số và đối lập liên tiếp giành chiến thắng trên cả nước.

Trong cuộc họp khẩn tuần trước, Tổng thống Myint Swe của chính quyền quân sự cảnh báo Myanmar "có thể tan rã" nếu chính quyền không kiểm soát được chiến sự ở bang Shan. Ba nhóm quân sự dân tộc thiểu số, với sự hỗ trợ của một số lực lượng đối lập, đã tấn công và chiếm một loạt đồn quân sự, cửa khẩu biên giới và tuyến giao thương huyết mạch với Trung Quốc.

Liên minh Ba anh em

Liên minh Ba anh em - bao gồm Quân đội Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA), Quân đội Giải phóng quốc gia Ta'ang (TNLA) và Quân đội Arakan (AA) - nói họ đã chiếm hơn 100 đồn quân sự, 4 thị trấn, cùng các cửa khẩu ở Chinshwehaw và Hsenwi và cho nổ bom các cầu để cản quân đội đưa viện binh lên. 

Hàng nghìn người nước ngoài được cho là đang mắc kẹt ở thị trấn Laukkaing.

Cuộc chiến Myanmar khét tiếng là rối rắm - như thể hiện từ tên gọi của các nhóm chống chính quyền quân sự ở trên. 

Xung đột liên quan tới vô số nhóm vũ trang, có thể phân chia đại khái thành các tổ chức vũ trang theo sắc tộc có chiếm giữ lãnh thổ (EAO), Lực lượng Phòng thủ nhân dân (PDF) trung thành với Chính quyền quốc gia thống nhất (NUG, hiện lưu vong ở Mỹ), và quân đội (vốn lại gồm rất nhiều phe phái, trong đó có lực lượng biên phòng (BGF) với vai trò đặc biệt quan trọng, do xung đột dữ dội nhất là ở các vùng biên giới).

Trẻ em người Karen tập chạy trốn xuống hầm lánh nạn khi đang trong lớp học nếu có báo động pháo kích hay ném bom. Ảnh: Globe and Mail

Trẻ em người Karen tập chạy trốn xuống hầm lánh nạn khi đang trong lớp học nếu có báo động pháo kích hay ném bom. Ảnh: Globe and Mail

Tổn thất lớn nhất kể từ đảo chính 2021

Theo BBC, đây là tổn thất lớn nhất của chính quyền quân sự kể từ cuộc đảo chính tháng 2-2021 lật đổ chính quyền của bà Aung San Suu Kyi. 

Chính quyền quân sự đáp trả bằng các đợt không kích và bắn trả đạn pháo, nhưng tới nay vẫn chưa đưa được viện binh lên hay giành lại được vùng đất đã mất. 

Hàng trăm lính chính quyền được cho là đã thiệt mạng, gồm cả chuẩn tướng Aung Kyaw Lwin, sĩ quan cao cấp nhất thiệt mạng trong giao tranh, kể từ sau đảo chính. Một loạt quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, đã ra kêu gọi công dân sơ tán người và tài sản khỏi khu vực.

Sau hơn hai năm rưỡi chiến đấu với các lực lượng phiến quân, chính quyền quân sự Myanmar đang có dấu hiệu suy yếu khá rõ. Vụ tấn công càng gây chú ý khi lần đầu tiên phiến quân ở bang Shan công khai liên minh với các lực lượng khác nhằm lật đổ chính quyền quân sự. 

Vốn nổi tiếng là một trong những địa điểm sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới, bang Shan hiện đã mở rộng làm ăn sang cả các dịch vụ sòng bài và trung tâm lừa đảo online.

Theo The Economist, thế giới đang quên mất cuộc chiến Myanmar. Phương Tây đang đối mặt nhiều khó khăn nội tại, cuộc chiến Ukraine, và mới nhất là xung đột ở Dải Gaza. 

Các nước láng giềng trong khu vực cũng ngần ngại không muốn can thiệp, dù hàng chục nghìn người tị nạn đã tràn qua Thái Lan và Ấn Độ. 

Thuốc phiện và ma túy tổng hợp như methamphetamine đang tràn vào các nước Đông Nam Á khi các băng tội phạm tranh thủ hỗn loạn để tăng sản lượng. Các nước lớn cũng ít động lực can thiệp khi tiềm năng kinh tế ở Myanmar không nhiều.

Trẻ em Myanmar trong hầm tránh bom. Không có số liệu chính thức và đầy đủ, nhưng Liên Hiệp Quốc nói hàng nghìn trẻ em đã thiệt mạng vì cuộc chiến. Ảnh: Globe and Mail

Trẻ em Myanmar trong hầm tránh bom. Không có số liệu chính thức và đầy đủ, nhưng Liên Hiệp Quốc nói hàng nghìn trẻ em đã thiệt mạng vì cuộc chiến. Ảnh: Globe and Mail

Trung Quốc là nước có liên quan nhiều nhất trong các diễn biến ở đây do tình hình bất ổn có nguy cơ lan sang nước này, cũng như một số dự án hạ tầng lớn của "Vành đai, con đường" đang đầu tư dang dở ở Myanmar. 

Hôm 6-11, Bắc Kinh đã lên tiếng yêu cầu Myanmar duy trì ổn định ở biên giới giữa những đụng độ mới nhất. 

"Chúng tôi kêu gọi Myanmar hợp tác với Trung Quốc để ổn định tình hình dọc biên giới, thật sự đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản và thực hiện các biện pháp hữu hiệu để tăng cường an ninh cho người Trung Quốc", Nông Dung, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc, nói. 

Asia Times cho biết ít nhất một người Trung Quốc thiệt mạng và một số bị thương khi đạn pháo của quân đội Myanmar bắn trượt mục tiêu và rơi sang bên kia biên giới.

Ông Nông đã tới thăm Myanmar từ 3 tới 5-11, bày tỏ hy vọng nước này sớm ổn định tình hình và các bên dàn xếp được bất đồng thông qua đối thoại càng sớm càng tốt. 

Ông cũng kêu gọi chính quyền Myanmar tăng cường an ninh cho các cơ sở và dự án của Trung Quốc và thăm đường ống dẫn khí dài 793km do Trung Quốc đầu tư nối đảo Ramree ở phía tây Myanmar với thành phố biên giới Thụy Lệ ở tỉnh Vân Nam. 

Thái Lan thì đang cố đưa 162 công dân mắc kẹt trong vùng chiến sự ở Myanmar về nước.

Một nạn nhân của cuộc chiến. Ảnh: Globe and Mail

Một nạn nhân của cuộc chiến. Ảnh: Globe and Mail

Rạn nứt với chính quyền quân sự

Trong khi phương Tây nhiều lần lên án chính quyền quân sự và áp cấm vận, Trung Quốc và Nga vẫn ủng hộ chính quyền này. Thông điệp từ Bắc Kinh là hỗ trợ Myanmar tìm con đường riêng và kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng chủ quyền. 

Trong phát ngôn mới nhất, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ theo dõi sát diễn biến cuộc xung đột. "Chúng tôi kêu gọi các bên lập tức ngừng giao tranh, dàn xếp bất đồng một cách hòa bình qua đối thoại và tham vấn, tránh leo thang", người phát ngôn Uông Văn Bân nói.

Theo BBC, quân đội Myanmar đã mất kiểm soát phần lớn khu vực biên giới với Trung Quốc khi các lực lượng đối lập liên tiếp phối hợp tấn công bất ngờ. Mục tiêu của các đợt tấn công có vẻ là nhằm chặn con đường giao thương thuốc phiện nhiều lợi nhuận dọc biên giới với Trung Quốc, vốn mang lại nguồn tiền lớn cho lực lượng biên phòng thân chính quyền quân sự.

Các vụ tấn công cũng tận dụng chiến dịch mà chính quyền Bắc Kinh đang thực hiện nhằm trấn áp các nhóm tội phạm xuyên biên giới. Nếu "chiến dịch 1027" (theo ngày bắt đầu chiến dịch 27-10) thành công, lực lượng nổi dậy ở Myanmar có thể tiến tới thành lập các vùng tự trị, đồng thời sẽ buộc Bắc Kinh phải tính đến họ.

Sở dĩ nói lực lượng chống đối "tận dụng" chiến dịch của Bắc Kinh là vì Trung Quốc và chính quyền Naypyitaw đang có bất đồng đáng kể về vấn nạn buôn người và lao động cưỡng bức. 

Kể từ tháng 5, Bắc Kinh đã gửi thông điệp rõ ràng với các tướng lĩnh Myanmar là họ không chấp nhận các băng nhóm sử dụng lao động cưỡng bức đang buôn bán hàng chục nghìn người từ khắp thế giới để tạo thành các ổ lừa đảo online quốc tế ở khu vực biên giới giữa hai nước.

Bắc Kinh yêu cầu chính quyền Myanmar kiểm soát chặt BGF, không để lực lượng này bảo kê các nhóm lừa đảo. Nhưng đó là chuyện nói dễ hơn làm. BGF đã có những hoạt động tội phạm gần như công khai ngay sát biên giới với Thái Lan và Trung Quốc. 

Cách đây mấy tháng, Trung Quốc thậm chí đã cho phép truyền thông và các hãng phim nước này ghi nhận tình hình ở Myanmar để đưa tin về tình hình người Trung Quốc bị các băng nhóm tội phạm lừa đảo "việc nhẹ lương cao" đưa sang đây làm lao động nô lệ ở các ổ lừa đảo.

Chính quyền quân đội đã công khai phản đối những can thiệp này. Các quan chức quân sự Myanmar xuất hiện trên Đài truyền hình Trung Quốc phàn nàn về việc truyền thông "thổi phồng vụ việc" và làm ảnh hưởng xấu tới uy tín của Myanmar. 

Chính quyền quân sự cũng nói Trung Quốc nên đưa khách du lịch thay vì cảnh sát tới, nếu muốn giúp Myanmar vượt qua khó khăn kinh tế.

Đáp lại, từ tháng 9, Bắc Kinh đã bắt đầu cứng rắn hơn - tập trung đặc biệt mạnh vào hai khu vực đang được tự trị nhiều là vùng Wa và Mong La ở bang Shan. 

Cả hai khu vực này đều bị lực lượng quân sự địa phương kiểm soát và trong vùng ảnh hưởng của Bắc Kinh, dùng đồng tiền, hệ thống điện, Internet và viễn thông của Trung Quốc. Ở Wa, người dân thậm chí còn có thể sử dụng hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc.

Chính quyền Wa cũng đã tiến hành các vụ trấn áp với hơn 40 cơ sở tội phạm và bàn giao hơn 4.000 người cho phía Trung Quốc, gồm hàng trăm người là công dân các nước thứ ba. Hàng chục nghìn máy tính, điện thoại với hàng triệu thông tin liên quan các băng nhóm lừa đảo cũng được cung cấp cho chính quyền Trung Quốc.

Phân rã?

Chính quyền quân sự đã tổn thất nặng nề khi "Chiến dịch 1027" tấn công và đánh chiếm được hơn 100 đồn dọc biên giới bang Shan, kiểm soát được một loạt thị trấn và điểm kiểm soát quan trọng của con đường giao thương từ Trung Quốc tới Mandalay. 

Đây cũng là lần đầu tiên các nhóm phiến quân khác nhau có sự phối hợp tốt và gây tổn thất nặng nề như vậy cho lực lượng quân sự quốc gia. 

Chính quyền quân sự đang đối mặt nguy cơ mất kiểm soát một loạt khu vực cửa khẩu quan trọng chiếm tới hơn 40% giao thương biên giới. Việc mất dòng tiền từ các băng nhóm tội phạm ở vùng Kokang, bang Shan, là một tổn thất lớn nữa. Nếu BGF ở Kokang sụp đổ hoàn toàn thì chính quyền quân sự sẽ mất lực lượng chiến đấu quan trọng nhất ở phía bắc.

Vai trò của Trung Quốc trong "Chiến dịch 1027" cũng đẩy NUG vào một tình thế mới. Một mặt, thất bại của chính quyền quân sự ở Shan sẽ là cú khích lệ tinh thần lớn cho PDF và các nhóm quân sự phản kháng - điều có thể tạo ra đột phá trong bối cảnh hiện tại. 

Các tay súng của lực lượng Quân đội Giải phóng quốc gia Ta'ang (TNLA). Ảnh: AFP

Các tay súng của lực lượng Quân đội Giải phóng quốc gia Ta'ang (TNLA). Ảnh: AFP

Mặt khác, tuyên bố của NUG lên án các nhóm tội phạm xuyên quốc gia ở Myanmar cũng được phía Trung Quốc chú ý và có thể đưa NUG vào vị thế giúp Trung Quốc giải quyết một vấn đề đau đầu với họ lâu nay. ■

Sự nổi lên của các băng nhóm tội phạm và xung đột vũ trang ở Myanmar cũng gây quan ngại cho Mỹ.

Việc Trung Quốc trấn áp hoạt động tội phạm dọc biên giới đang đẩy các băng nhóm chuyển hoạt động tới các vùng khác trong nước - vốn phần lớn đang trong tình trạng vô pháp luật.

Đã có dấu hiệu các băng nhóm tội phạm ở Yangon, Mandalay và Naypyitaw đang ngày càng nhắm vào những công dân không phải người Trung Quốc để tránh chọc giận Bắc Kinh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận