TTCT - Đại dịch COVID-19 đã thực sự khiến cả xã hội và nền kinh tế “phát sốt” trong năm 2021, nhưng điều tưởng như nghịch lý là đồng thời lại diễn ra một cơn sốt khác, thậm chí còn dữ dội hơn, với hàng loạt các loại tài sản, như bất động sản, vàng và chứng khoán. Nói nghịch lý là vì cơn sốt đó diễn ra trong bối cảnh là thực trạng khó khăn của khu vực sản xuất, dịch vụ, cũng như nguy cơ lạm phát rình rập. Nhiều hãng xưởng đã gặp khó khăn chưa từng thấy trong năm vừa qua. Ảnh: Getty Images Những cột mốc không tưởngĐợt đấu giá đất cuối năm của trung tâm tài chính Thủ Thiêm bất ngờ ghi nhận mức cao kỷ lục 2,4 tỉ đồng/m2 cho một lô có diện tích 10.060m2. Đây là mức giá thậm chí còn cao hơn khu trung tâm cũ. Ngay cạnh đó, khu vực thành phố Thủ Đức liên tiếp xuất hiện các dự án căn hộ đắt tiền, giá hơn trăm triệu đồng 1m2 với tốc độ thanh khoản khá nhanh. Các mức giá “trên trời” này có thể là dấu hiệu của một cơn sốt đất diện rộng sẽ xuất hiện ngay từ đầu năm sau. Giấc mơ về một chốn an cư lâu dài của không ít người dân sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có kế hoạch phát triển 1 triệu ngôi nhà giá rẻ dành cho người lao động mà UBND TP.HCM vừa nói tới. Hiện giá nhà đã quá cao so với thu nhập người dân. Nghiên cứu của hãng Numbeo cho thấy tỉ lệ giá nhà trên thu nhập của TP.HCM đang ở mức 27,72 lần. Tỉ lệ này thậm chí vượt những đô thị phát triển và có mức sống cao hơn TP.HCM nhiều như Singapore hay Tokyo, và càng cách xa những đô thị gần TP.HCM hơn như Bangkok hay Jakarta, khiến thành phố lớn nhất Việt Nam dần trở thành một trong những đô thị có bất động sản đắt đỏ nhất châu Á.Chứng khoán cũng có một năm thăng hoa gây nhiều ngạc nhiên khi giới đầu tư ngoại bán ròng với khối lượng lớn. Chỉ số VN-Index tăng trưởng ấn tượng hơn 40% tính từ đầu năm. Thanh khoản thị trường năm 2021 tăng gấp 2,5 lần so với năm ngoái. Hãng chứng khoán Vndirect dự báo VN-Index sẽ tăng lên mức kỷ lục 1.700 - 1.750 điểm trong năm 2022, dựa trên cơ sở P/E đạt khoảng 16,5 lần và tăng trưởng lợi nhuận 23% của các doanh nghiệp niêm yết.Xu thế tăng của thị trường có thể kéo dài nhờ việc nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng và sự tham gia ngày càng nhiều của dòng vốn cá nhân trong nước. Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi MSCI của Việt Nam sớm hơn dự kiến có khả năng giúp thị trường thêm dư địa tăng giá.Lãi suất thấp, tâm lý e ngại lạm phát, các biến chủng mới của virus corona liên tiếp xuất hiện còn kích thích dòng vốn đầu tư chảy mạnh vào vàng. Kết quả năm nay chứng kiến vàng tiếp tục phá những kỷ lục mới và vươn tới cột mốc 61 triệu đồng/lượng.Trong bối cảnh nền kinh tế thực gặp nhiều khó khăn vì các đợt giãn cách xã hội sâu rộng, thị trường tài chính và bất động sản lội ngược dòng là một điểm khác thường.Nhiều thách thức cho sản xuất2021 là năm khó khăn chưa từng có với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. GDP quý 3 giảm 6,2% - mức tăng trưởng hằng quý thấp nhất từng được ghi nhận. Trong 9 tháng đầu năm 2021, GDP chỉ tăng nhẹ 1,4%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng 2,2% của cùng kỳ 2020.Ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất và giảm 9,3% vào quý 3 khi nhiều địa phương dừng các dịch vụ không thiết yếu. Hàng không, du lịch, khách sạn… thiệt hại lớn nhất. Ngành công nghiệp và xây dựng cũng giảm 5% do thiếu hụt lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng vì các biện pháp giãn cách xã hội được thắt chặt. Nhiều khu công nghiệp và nhà máy ở các tỉnh phía Nam phải tạm dừng hoạt động để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và khiến giá cả hàng hóa ngóc đầu tăng.Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và giá vật liệu xây dựng tăng cao còn khiến việc triển khai đầu tư công đình trệ. Giải ngân vốn ngân sách nhà nước 11 tháng là hơn 294.000 tỉ đồng, chỉ đạt gần 64% kế hoạch Chính phủ giao.2022: Cần nắn lại dòng tiềnCơn say đầu tư chứng khoán, bất động sản, và vàng đi kèm tâm lý lo ngại bong bóng đầu cơ. Một lượng lớn dòng tiền thay vì chảy vào khu vực sản xuất và nền kinh tế thực lại đổ vào các lĩnh vực có tính đầu cơ cao, có thể gây hệ lụy xấu cho nền kinh tế, làm gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và tăng rủi ro hệ thống. Nhìn sang quốc gia láng giềng Trung Quốc, sự kiện đổ vỡ của người khổng lồ bất động sản Evergrande là lời cảnh báo không thể rõ ràng hơn.Hướng tới sự ổn định và an toàn, 2022 có thể là năm Chính phủ cần ban hành các chính sách siết lại dòng vốn có tính đầu cơ và ưu tiên cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu, bởi khu vực này mới đảm bảo tạo ra việc làm và cải thiện thu nhập cho đại bộ phận người dân.Nếu dịch bệnh được kiểm soát và các hoạt động kinh tế quay trở lại nhịp điệu bình thường, 2022 có thể đánh dấu sự khởi sắc hơn của nền kinh tế. Vndirect dự báo GDP năm sau sẽ tăng 7,5%, được thúc đẩy bởi 4 động lực chính: hoạt động sản xuất và xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng, FDI vẫn là điểm sáng trong bối cảnh các nhà sản xuất đa hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, cầu nội địa phục hồi, và các gói hỗ trợ tài khóa sắp triển khai.Những yếu tố hỗ trợ này có thể giúp Việt Nam đối phó với rủi ro bên trong và bên ngoài, bao gồm áp lực lạm phát cao hơn, đồng USD mạnh lên và điều kiện thị trường tài chính toàn cầu kém thuận lợi hơn so với năm 2021.Cùng các gói hỗ trợ tài khóa sắp tới, Chính phủ có kế hoạch tăng cường đầu tư công vào năm sau để bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác: dự chi đầu tư công là 566 nghìn tỉ đồng cho năm 2022 (tăng 10% so với 2021) vào các dự án trọng điểm như sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam, các tuyến metro tại TP.HCM và Hà Nội.Các chuyến bay thương mại quốc tế có thể được nối lại từ quý 1-2022 sẽ hỗ trợ đáng kể cho hoạt động của ngành du lịch, một trong hai động lực chính cho sự phục hồi khu vực dịch vụ. Du lịch từng đóng góp hơn 9,5% vào GDP năm 2019 và tạo ra 2,9 triệu việc làm, bao gồm 927.000 việc làm trực tiếp.Về trung hạn, sự gia tăng quy mô tầng lớp trung lưu và giàu có sẽ là động lực phát triển bền vững khi người dân bắt đầu chi tiêu nhiều hơn. Hãng McKinsey dự báo Việt Nam có vị trí tốt để trở thành một động lực quan trọng trong một châu Á hướng tới tiêu dùng nhiều hơn. Thập kỷ tới, ước tính sẽ có thêm 36 triệu người có thể tham gia tầng lớp tiêu dùng ở Việt Nam (được định nghĩa là những người chi tiêu ít nhất 11 đôla mỗi ngày theo sức mua tương đương).Năm 2000, chưa đến 10% dân số Việt Nam có điều kiện đó, đến nay con số này đã là 40%, và 2030, dự kiến là gần 75%. Đặc biệt, những tầng lớp tiêu dùng cao nhất (chi tiêu mỗi ngày từ 30 đôla trở lên) đang tăng nhanh nhất và có thể chiếm 20% dân số Việt Nam vào năm 2030. Đô thị hóa cũng sẽ đẩy nhanh xã hội tiêu dùng. Dân số đô thị được dự báo tăng thêm 10 triệu người trong thập kỷ tới, và tỉ lệ thị dân sẽ tăng từ 37% năm 2020 lên 44% năm 2030. Các thành phố sẽ đóng góp khoảng 90% tổng mức tăng trưởng tiêu dùng trong 10 năm đó. Tags: Bất động sảnChứng khoán2021Sản xuấtSốt tài sản
Thủ tướng họp bàn huy động nguồn lực cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam NGỌC AN 05/10/2024 Cần làm rõ về huy động nguồn lực, các điều kiện cần thiết khác, cũng như tiến độ triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, theo Thủ tướng.
TP.HCM kiến nghị Quốc hội phân bổ 25% vốn Trung ương làm đường sắt đô thị TIẾN LONG 05/10/2024 TP.HCM kiến nghị Quốc hội chấp thuận việc phân bổ nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho TP.HCM (khoảng 25% đến 2035) để làm đề án đường sắt đô thị, còn lại sử dụng ngân sách TP.HCM.
Trực tiếp từ Seoul, Hàn Quốc: Hương phở Việt chính thức lan tỏa NHƯ BÌNH 05/10/2024 Ngày 5-10, giữa tiết trời thu Seoul Hàn Quốc, phở Việt đã chính thức gặp gỡ những thực khách Hàn Quốc để cùng trải trải nghiệm và khám phá thú vị về văn hóa, ẩm thực Việt Nam.
Hàng loạt vụ nổ ở thủ đô Lebanon, nhóm Hezbollah đang đụng độ với Israel THANH BÌNH 05/10/2024 Một loạt vụ nổ được ghi nhận ở vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut của Lebanon vào sáng sớm nay 5-10, sau khi quân đội Israel phát lệnh sơ tán đối với một số nơi trong khu vực.