Năm đầu của chính quyền Shinzo Abe

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG 08/12/2013 18:12 GMT+7

TTCT - Từ ngày lên cầm quyền sau thắng lợi của Đảng Dân chủ tự do (LDP) trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 16-12-2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã làm được nhiều việc quan trọng để đổi mới nước Nhật, từ kinh tế, xã hội đến an ninh quốc phòng, dù không phải mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ.

Phóng to
Các chính sách của Abenomics đem đến nhiều thay đổi, nhưng không phải người dân nào cũng nhận thấy kinh tế phục hồi. Trong ảnh là một cửa hàng bán giày ở Tokyo - Ảnh: Reuters

Thành tựu nổi bật của chính phủ ông Abe là thay đổi đáng kể tâm trạng thất vọng của người dân. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 7 năm nay, cử tri đã trao cho LDP và lực lượng liên minh là Đảng Công minh mới (NKP) một đa số tại Thượng nghị viện để liên minh cầm quyền thực hiện những chương trình chấn hưng đất nước và cải cách kinh tế, an ninh quốc phòng cần thiết.

Những tín hiệu kinh tế tích cực

Do đồng yen suy yếu, xuất khẩu của Nhật Bản tăng mạnh, gần 19% trong tháng 10-2013 so với một năm trước, theo Bộ Tài chính. Tuy nhiên, nhập khẩu lại tăng nhanh hơn (26%) do phải nhập nhiều khí đốt và dầu hỏa, sau khi sự cố Fukushima buộc Chính phủ Nhật phải ngừng chạy các nhà máy điện hạt nhân.

Chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe - còn được gọi là Abenomics - đã đạt được những kết quả ban đầu nhờ các liệu pháp sốc. Đồng yen hạ giá đã tạo động lực mới cho xuất khẩu.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda đánh giá hôm 25-11: “Kinh tế Nhật Bản đang tăng trưởng như dự kiến trên mức tiềm năng của nó, chu kỳ sản xuất, thu nhập và chi tiêu sẽ tiếp tục”. Nền kinh tế đang phục hồi một cách khiêm tốn nhưng vững chắc để đạt mục tiêu lạm phát 2% vào năm tới.

Bằng những bước đi thận trọng, một số cải cách cơ cấu đã được thực hiện. Chính phủ Nhật vừa đưa ra quyết định quan trọng chấm dứt chính sách bảo hộ ngành sản xuất gạo trong nước thông qua biện pháp hạn chế sản lượng và trợ cấp tiền mặt có thời hạn cho những người trồng lúa gạo, đồng thời khuyến khích các hộ nông dân chuyển dịch sản xuất thích ứng với việc Nhật Bản sẽ tham gia Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Các số liệu về sản lượng công nghiệp tăng, cơ hội việc làm cao nhất trong vòng năm năm trở lại đây cho thấy những tín hiệu tích cực của nền kinh tế. Một kỷ lục cao đạt được hồi tháng 9 với 63% phụ nữ ở độ tuổi từ 15-64 có việc làm, tăng 2% so với một năm trước. Điều này cho thấy ngày càng có nhiều công ty tuyển nhân viên nữ.

Tuy nhiên, như phát biểu của Thủ tướng Abe tại phiên khai mạc kỳ họp lưỡng viện Quốc hội ngày 15-10, Chính phủ chỉ mới đi được nửa chặng đường trong nỗ lực giải quyết tình trạng giảm phát. Các chính sách kinh tế đã đem đến nhiều thay đổi, nhưng không phải tất cả người dân đều nhận thấy kinh tế phục hồi. Chiến lược tăng trưởng kinh tế của Chính phủ “tiếp tục hướng tới tạo việc làm cho phụ nữ và lao động trẻ, cũng như tăng thu nhập của họ”.

Jerry Chriff, người đứng đầu phái đoàn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Nhật Bản, nhận định: “Abenomics có một khởi đầu tốt, song những nhiệm vụ nặng nề vẫn còn ở phía trước”. Đáng kể là làm sao khuyến khích đầu tư và tiêu dùng nhiều hơn, hạ giá đồng yen để thúc đẩy xuất khẩu nhưng đồng thời hạn chế nhập siêu đang ở mức cao, giải bài toán kích thích kinh tế mà vẫn phải giảm nợ công đã lên đến mức kỷ lục thế giới (trên 230% GDP).

Ngày 26-11, khi bày tỏ quyết tâm “bãi bỏ những chính sách đi ngược lại các cuộc cải cách cơ cấu”, Thủ tướng Abe sẽ phải khắc phục những rào cản mà các nhóm lợi ích dựng ra đối với các ngành kinh tế khác nhau. Chỉ thông qua các biện pháp cải cách mạnh mẽ thì chính phủ mới thu hút giới đầu tư, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, qua đó thực hiện một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới, bền vững, làm nền tảng cho những cải cách an ninh đối ngoại.

Quốc phòng: từ thụ động sang chủ động

Sự đình trệ của tư duy cùng tính bảo thủ của các nhóm lợi ích luôn là trở lực của mọi tiến trình cải cách. Tại Trung Quốc, khi Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi “sự giải phóng tư tưởng” như một vấn đề ưu tiên để phá vỡ các rào cản từ các nhóm lợi ích cố hữu, thì tại Nhật Bản chính quyền Abe muốn giành lại quyền chủ động chiến lược trước tình hình an ninh khu vực đang mỗi ngày một khắc nghiệt hơn.

An ninh quốc gia trở thành một trọng tâm của những nỗ lực cải cách chính sách, thể hiện trên ba lĩnh vực lớn liên quan đến học thuyết phòng thủ, hiện đại hóa quân sự, từng bước điều chỉnh thực tế một số điều khoản hiến pháp.

Thủ tướng Abe đang triển khai những bước đi đầu tiên để chuyển chính sách quốc phòng của Nhật Bản từ thụ động sang chủ động và tích cực với việc cải cách các lực lượng vũ trang trên quy mô lớn.

Trong số những biện pháp đó có việc tăng ngân sách quốc phòng, thành lập một lực lượng lính thủy đánh bộ đáng tin cậy như một thành tố quan trọng trong chiến lược quốc phòng mới, triển khai các đơn vị phản ứng nhanh có khả năng hoạt động cả trên cạn lẫn dưới nước và tiến hành các chiến dịch đổ bộ lên những hòn đảo xa xôi hẻo lánh, nâng cao năng lực cảnh báo và giám sát của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF), đề ra chủ trương tấn công các căn cứ quân sự của đối phương bằng những loại tên lửa hành trình, nâng cao hiệu quả phòng thủ tên lửa...

Hiến pháp hòa bình 1947 vẫn để ngỏ nhiều điều cho phép giải thích và đưa ra những điều chỉnh trên thực tế, thay vì tìm cách sửa đổi nó trong khi chờ đợi điều kiện chín muồi hơn. Trong các cuộc gặp gỡ cấp cao năm qua, giới lãnh đạo Tokyo và Washington đã tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật, trao cho Nhật Bản “trách nhiệm” phòng vệ lớn hơn.

Tại hội nghị tham vấn bảo đảm an ninh Nhật - Mỹ được tổ chức đầu tháng 10 vừa qua với sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước Nhật - Mỹ (2+2), hai bên nhất trí sẽ tiến hành sửa đổi “Kim chỉ nam hợp tác phòng vệ Nhật - Mỹ” từ năm 1997, nhằm cởi trói và mở rộng phạm vi chức năng của SDF, tăng ngân sách quốc phòng, ủng hộ Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể, xây dựng lộ trình nhằm tiến thêm một bước trong việc tăng cường đồng minh Nhật - Mỹ trong 15-20 năm tới.

Quyền tự vệ tập thể

Sau khi Bắc Kinh thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, chính phủ Abe vượt qua được trở ngại tại nghị trường khi ngày 27-11, Quốc hội Nhật Bản đã nhanh chóng thông qua dự luật thành lập Hội đồng an ninh quốc gia.

Theo luật này, hội đồng được đặt dưới quyền chỉ đạo của Văn phòng nội các, với mục đích chính là tập trung hóa các tiến trình hoạch định chính sách của chính phủ, loại bỏ những sự kình địch giữa các cơ quan quyền lực và khắc phục tình trạng đối phó tản mác trước các vụ việc liên quan đến phòng vệ quốc gia.

ADIZ được Trung Quốc lập ra một phần nhằm hỗ trợ tuyên bố chủ quyền của nước này trong cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Với ADIZ, cuộc cạnh tranh quân sự mới Trung - Nhật từ trên biển đã mở rộng cả trên không.

Không quân Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển mới, bên trong thì cạnh tranh phân chia “chiếc bánh” ngân sách quốc phòng với hải quân, bên ngoài thì hình thành sự phối hợp không - biển nhằm tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc ở biển gần, đột phá chuỗi phòng vệ hải đảo thứ nhất.

Theo nguồn tin của Tuần San Châu Á (Hong Kong), ADIZ của Trung Quốc là nhằm vào Mỹ - Nhật và hướng ra biển xa. Đây là bước đột phá quan trọng hình thành chiến lược hải quân - không quân. Việc ADIZ tiếp cận tuyến đường qua eo biển Miyako của Nhật Bản cho thấy hạt nhân đối kháng Trung - Nhật đã phát triển từ khu vực đường trung tuyến trên biển Hoa Đông về hướng đảo Miyako.

Để đương đầu hiệu quả với những thách thức ngày càng táo bạo đôi lúc mang tính bất thường của Bắc Kinh, Tokyo đã có những bước hiện đại hóa quân sự đáng kể nhưng tránh bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh tiêu hao trên biển và trên không.

Một trong những giải pháp mà chính quyền Abe đang ráo riết theo đuổi là quyền tự vệ tập thể. Cựu đại sứ Shinichi Kitaoka, cố vấn cao cấp của Thủ tướng Abe, cho biết phải giải thích lại hiến pháp để loại bỏ sự cấm đoán mà họ tự áp đặt đối với quyền tự vệ tập thể.

“Nếu chúng tôi phải ứng phó với tất cả mối đe dọa chỉ bằng sức mạnh của chính mình thì có lẽ chúng tôi phải có một quân đội lớn. Vì thế, quyền tự vệ tập thể chẳng những không nguy hiểm mà còn là một cách thức an toàn hơn để duy trì hòa bình” - ông Kitaoka nói.

Việc Bắc Kinh tìm cách thay đổi nguyên trạng ở Đông Bắc Á thông qua ADIZ làm dấy lên mối quan ngại về Trung Quốc trong cộng đồng khu vực. Chính phủ Nhật Bản có điều kiện định hướng dư luận trong nước thực hiện các thỏa hiệp với những nước láng giềng phục vụ cho tập hợp lực lượng mới.

Abenomics và các chủ trương cải cách an ninh quốc phòng đã qua một năm triển khai, nhưng lần sinh nhật đầu tiên không mấy êm đềm. Giới quan sát chính trị hi vọng chính quyền ông Abe sẽ đưa nền kinh tế Nhật Bản vượt lên trong thời kỳ kinh tế thế giới chưa ra khỏi khủng hoảng, thực hiện các cải cách mạnh bạo để phát triển kinh tế một cách bền vững.

Nếu chính quyền ông Abe đứng vững vài năm, không lo gì các chương trình nghị sự lớn không được thực hiện. Sự ổn định chính trị ấy là hết sức cần thiết để đưa Nhật Bản tiến lên thực hiện giấc mơ chấn hưng đất nước theo hướng “Minh trị tự cường” thế kỷ 21.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận