Năng lực lập pháp là then chốt

NGUYỄN ĐỨC LAM 21/04/2015 18:04 GMT+7

Tại sao một quy định như điều 60 Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) được ví như tấm lưới đỡ cho người lao động khi về già lại bị chính người lao động phản đối, đến nỗi Chính phủ phải đề nghị Quốc hội sửa đổi? Tự chuyển hóa, lợi ích nhóm, suy thoái đạo đức lối sống... có phải là tội phạm hình sự không? Có nên sử dụng những thuật ngữ “lạ tai” như “vật quyền” hay không?

Đồ họa: Đặng Hữu Nhất

Những câu hỏi này và rất nhiều câu hỏi khác trong chương trình lập pháp của Quốc hội đã và đang gây nhiều bối rối cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Để gỡ vướng, để hết bối rối, năng lực lập pháp của cá nhân từng ĐBQH có ý nghĩa then chốt.

NĂNG LỰC LẬP PHÁP LÀ GÌ?

Có thể coi năng lực lập pháp của ĐBQH là khả năng của ĐBQH trong việc lựa chọn phương án hợp lý nhất để hướng tới hoàn thành chức năng lập pháp hiến định của mình.

Cụ thể, đó là năng lực ban hành những đạo luật không chỉ khả thi, tức là được cuộc sống chấp nhận, áp dụng được, mà còn tạo ra động lực cho sự phát triển. Đây là năng lực từ góc nhìn thẩm định, phản biện chính sách lập pháp để ban hành những chính sách có lợi cho người dân, cho cử tri, cho quốc gia; học cách nhìn nhận, đánh giá các dự luật từ các góc nhìn chính sách đó. Đây chính là nội dung chủ chốt trong năng lực lập pháp của ĐBQH.

Suốt cả quy trình lập pháp, trong đầu mỗi ĐBQH có lẽ sẽ xuất hiện những câu hỏi như: Đại biểu có thể làm gì để nhận biết lợi ích của cử tri khi làm luật? Để thương lượng, tìm lời giải chung thỏa đáng khi làm luật? Để hiểu ý đồ của các ban soạn thảo luật, tìm ra tác động của dự luật đối với cử tri và phản biện dự luật? Để giúp lan rộng tư duy phục vụ người dân sang các lĩnh vực pháp luật công?...

Sau khi đã cân nhắc những câu hỏi như thế, ĐBQH có thể sử dụng quyền to nhất của mình - quyền “gật” và “lắc” - để bấm nút quyết định về dự luật.

Lấy điều 60 Luật BHXH làm ví dụ. Khi thảo luận ở cả hai kỳ họp của Quốc hội năm 2014, chỉ có một ĐBQH nhắc đến điều này. Sở dĩ như vậy vì ai cũng tin vào ý định tốt đẹp của quy định này nhằm bảo vệ người lao động một cách lâu dài, có một khoản để dành khi về già. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách toàn diện hơn, tinh ý hơn, đại biểu sẽ để tâm đến những nỗi lo thực tế khác của người lao động.

Đại biểu sẽ không khỏi “giật mình” trước con số 80% người lao động được giải quyết chế độ hưu trí nhận tiền BHXH một lần; mỗi năm có khoảng 500.000 người như vậy và con số này có xu hướng ngày càng tăng. Đại biểu sẽ không khỏi lo ngại trước thực tế quản lý quỹ BHXH lâu nay và về sau, rằng liệu một số tiền rất lớn của người lao động có được quản lý một cách hiệu quả, minh bạch. Các cơ quan của Quốc hội, cá nhân ĐBQH đã lắng nghe hết tiếng nói của người lao động chưa? Đã bắt mạch trúng nỗi lo, nỗi đau của họ chưa?

Đây chính là năng lực lập pháp của ĐBQH cần đến khi xem xét, bấm nút những dự luật.

KIẾN THỨC, KỸ NĂNG LẬP PHÁP

Hiện tại mỗi năm, trong lĩnh vực lập pháp, mỗi đại biểu phải tìm hiểu trung bình 20-25 dự luật để cho ý kiến và thông qua. Thậm chí có những năm như 2012, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường 44 văn bản có chứa quy phạm pháp luật. Kèm theo đó là các hoạt động thẩm tra tại ủy ban, các cuộc lấy ý kiến ĐBQH và nhân dân tại địa phương...

Nghĩa là ít nhất đại biểu phải đọc hàng ngàn trang dự thảo, tờ trình, báo cáo thẩm tra với những vấn đề khó, chuyên sâu, phạm vi rộng.

Để có thể trả lời những câu hỏi mà thực tiễn lập pháp đặt ra, nhiều phần phụ thuộc vào bản thân ĐBQH tự trau dồi, học hỏi bởi lẽ “làm luật - không học không làm được”.

ĐBQH học để không sa đà bàn vào chuyện chuyên môn, kỹ thuật cụ thể, cơ bản như chuyển hóa, lợi ích nhóm, suy thoái đạo đức lối sống... có phải là tội phạm hình sự không, mà bàn đến những chính sách như đã đề cập ở trên.

ĐBQH cần đến nhiều kỹ năng đặc thù: đọc hiểu các vấn đề kỹ thuật và chính sách của một dự luật; đánh giá một dự luật; phân tích chính sách một dự luật, trong đó có phương pháp đánh giá tác động của một dự luật tương lai; tham vấn các nhóm đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng của đạo luật; thu thập ý kiến các giới về dự luật; tranh luận về một dự luật tại phiên họp...

Những kiến thức và kỹ năng đó không phải tự dưng mà có. Chúng có thể được truyền tải từ những người đi trước, từ các đồng nghiệp, các chuyên gia. Mặt khác, kỹ năng cũng chỉ có thể xuất phát từ yêu cầu của công việc, mà công việc của ĐBQH có những đặc thù riêng, bởi vậy muốn phát triển kỹ năng lập pháp, ĐBQH lại phải nắm rõ, hiểu thấu về hoạt động lập pháp.

Thế nhưng từ trước tới nay, 2/3 tổng số ĐBQH VN là những người mới, những người được bầu khóa trước vừa bắt đầu quen với công việc nghị trường thì đã rời nhiệm sở, mang theo kiến thức, kỹ năng của mình thu nhận được qua năm năm hoạt động. Một Quốc hội với đa số đại biểu mới phải đối mặt với thách thức “chảy máu năng lực”. Những ĐBQH mới phải học từ đầu cách đưa ra quyết định đúng đắn.

THÔNG TIN - NGUYÊN LIỆU LẬP PHÁP CỦA ĐBQH

Trên các diễn đàn khác nhau, nhiều ĐBQH đã thừa nhận thông tin giúp đại biểu hiểu vấn đề, từ đó mới biểu quyết cho đúng, “không thì rất tai hại”. Đây là thông tin đã qua xử lý chứ không phải thông tin “thô”, không phải chỉ các dữ liệu, dung lượng thông tin.

Một trong những khía cạnh hết sức quan trọng trong thông tin của ĐBQH là hiểu tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của cử tri và “sợi dây liên hệ” gắn kết các tâm tư, nguyện vọng đó, mong muốn đó với các chính sách, pháp luật do Quốc hội xem xét, thảo luận, thông qua.

Bản thân các ĐBQH và những nghiên cứu, khảo sát hiện có cho thấy ĐBQH rất cần thông tin về các chính sách ẩn đằng sau các quy định pháp luật, được - mất của mỗi phương án; kết quả, hạn chế; phân tích các con số, dữ liệu... Đại biểu không phải “ông Biết Tuốt” nên đặc biệt cần thông tin chuyên sâu từ các chuyên gia... Đồng thời, với số lượng lớn các dự luật và mỗi dự luật chứa đựng rất nhiều chính sách thì đại biểu cần thông tin tóm tắt, súc tích, ngắn gọn để khai thác tiếp.

Một trong những khía cạnh hết sức quan trọng trong thông tin của ĐBQH là hiểu tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của cử tri và “sợi dây liên hệ” gắn kết các tâm tư, nguyện vọng đó, mong muốn đó với các chính sách, pháp luật do Quốc hội xem xét, thảo luận, thông qua.
 

Theo các ĐBQH, cần cung cấp thông tin đầy đủ, đề cập mọi khía cạnh của vấn đề đang được Quốc hội xem xét; thông tin về các vùng miền, địa phương, toàn quốc, trong và ngoài nước...

Thông tin vừa theo các chức năng của Quốc hội vừa có thông tin chuyên đề như nợ xấu, tập đoàn kinh tế, BHXH, quyền sở hữu... vừa có thông tin về các vấn đề thời sự, mới, nóng... Thông tin tiêu biểu, đại diện cho số đông trong xã hội, tức phải là những thông tin hàm chứa đầy đủ nhất lợi ích, tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của xã hội, của cộng đồng.

Thông tin dành cho ĐBQH cũng cần từ các góc độ, quan điểm khác nhau, tránh việc cung cấp thông tin một chiều. Ví dụ, không chỉ cần thông tin từ BHXH, hay là Bộ Lao động - thương binh và xã hội, mà cả thông tin từ các chuyên gia, nhất là từ những người chịu tác động trực tiếp từ chính sách, cụ thể là người lao động. Như ĐBQH cho biết “cần thông tin “trái chiều” để cân nhắc kỹ hơn”.

Quốc hội, với tính chất là “diễn đàn chính sách quốc gia”, rất cần chú ý đến những nội dung được đúc rút từ những nguồn thông tin đa dạng, đa chiều, mang tính phản biện này nhằm giúp quá trình ra quyết sách tại Quốc hội được cẩn trọng, chính xác, toàn diện.

Vấn đề càng phức tạp, đại biểu càng cần đến sự hỗ trợ của bộ máy giúp việc, của chuyên gia, của các nguồn thông tin khách quan. Đó là cơ sở chắc chắn để đại biểu xem xét, thông qua và có thể là trình một dự luật. Tuy nhiên, lọc và sử dụng thông tin như thế nào lại phụ thuộc nhiều vào bản thân ĐBQH.

Sau khi đã thu nhận thông tin, với tư cách và quyền hạn của mình, ĐBQH đưa ra quyết định đối với thông tin đã tiếp nhận theo các hướng: dùng nguồn thông tin đó thể hiện chính kiến trên diễn đàn ở Quốc hội (nếu thấy thông tin đó là tin cậy); thẩm định lại tính chính xác, độ tin cậy của thông tin (nếu còn băn khoăn); chuyển cho các cơ quan hữu quan nghiên cứu xử lý (thường là các ý kiến, kiến nghị, đơn thư dân nguyện...); lưu vào kho dữ liệu thông tin tham khảo của cá nhân.

Lại lấy điều 60 Luật BHXH làm ví dụ, ông Đặng Ngọc Tùng - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN - cho biết trong quá trình góp ý, Tổng liên đoàn đã nêu vấn đề, nhưng vì là ý kiến thiểu số nên “chìm” trong nhiều ý kiến khác, Tổng liên đoàn cũng không theo đuổi tiếp nên càng “chìm”. Tổng liên đoàn đã không “đánh thức” được một hoặc nhiều ĐBQH lưu ý đến thông tin từ luồng ý kiến thiểu số đó.

Ngược lại, nếu có kỹ năng phân tích chính sách, kỹ năng tham vấn, con tim lắng nghe thêm “nhịp đập” từ những người lao động như đã nói ở phần trước, vấn đề có thể được ĐBQH lật ngược, xem xét đa chiều, kỹ lưỡng hơn.

CÁI BẤM NÚT

Một vị ĐBQH kể lại trước khi tham gia biểu quyết về một vấn đề rất khó, ông đã phải nhân ngày nghỉ cuối tuần trong kỳ họp đến hỏi ý kiến một vị tướng, đồng thời là nhà sử học, rồi bay vào Nam hỏi một giáo sư trong làng sử học, hỏi một vị cựu lãnh đạo cấp cao từng có những quyết sách kinh tế táo bạo. Nhưng ba người đưa ra ba phương án khác nhau. Cuối cùng, vị ĐBQH vẫn phải tự quyết định câu trả lời để bấm nút.

Câu chuyện này cho thấy quyết là một quyền to nhất, nhưng cũng là gánh nặng trách nhiệm của Quốc hội và mỗi ĐBQH.

Hiến pháp chỉ có thể trao cho ĐBQH các chức năng, nhiệm vụ, chứ không thể trao các năng lực tương ứng. Muốn quyết mà tâm thanh thản, an tâm rằng mình đã quyết đúng theo những gì được cho là tốt nhất cho cử tri, cho quốc gia, không có gì khác, chính năng lực lập pháp và việc thu thập, “chế biến” thông tin - nguyên liệu lập pháp cho tốt là chỗ dựa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận