Nẻo rừng hun hút gió

MAN ÔNG 10/03/2016 02:03 GMT+7

TTCT - Đã 35 năm trôi qua không có dịp quay trở lại vùng rừng núi Thái Nguyên - nơi đơn vị tôi đóng quân rải rác trong những cánh rừng hun hút gió. Nhà cửa doanh trại tuềnh toàng tự tay lính đi rừng chặt tre nứa về dựng lên áp sát một bên vách đá.

Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí


Rét Thái Nguyên từng đi vào thơ ca đến cả mấy chàng lính Hà Nội cũng phải choáng váng. Với lính miền Nam là cả một nỗi kinh hoàng. Thau nước múc về để qua đêm tháng chạp sáng ra đóng váng băng lạnh buốt. Mưa rừng hí hóp giọt gianh. Đường rừng trơn như đổ mỡ. Giày vải cao cổ phát cho lính giữ gìn lắm cũng chỉ cầm cự được chừng hai tháng đi rừng là bục đế. Vắt xanh vắt đỏ lẻn vào trú ngụ trong cổ bít tất tròn căng.

Giải ngũ đến ba năm sau vẫn còn rùng mình nhớ đến cái rét. Nhớ những cơn mưa rừng dai dẳng hàng tháng trời. Nhớ mấy chàng lính trẻ người miền Nam quấn chiếc chăn dạ sù sụ lên cổ ngồi co ro bên bếp lửa.

Bạn rủ lên Thái Nguyên vào những ngày đông cuối năm nghe chừng cũng ngài ngại. Nhưng cậu ấy cười an ủi, xe có máy sưởi, lên đấy sẽ vào khu nghỉ dưỡng mới xây đẹp đẽ ấm áp, bác sợ gì! Cuối cùng thì cái háo hức trở về nơi chốn cũ đã chiến thắng.

Khoác balô lên đường. Chưa đầy hai giờ đồng hồ trên con đường cao tốc mới mở, thị xã Thái Nguyên đã lờ mờ hiện ra trong màn sương huyền ảo. Thêm hơn chục phút nữa về hướng Sông Công là đến làng du lịch Thái Hải.

Những nếp nhà sàn thân quen ẩn hiện trong khu rừng được quy hoạch cẩn thận. Những con đường quanh co lát gạch sạch sẽ. Hàng rào bằng nứa tép ken dày thỉnh thoảng lọt ra một sắc hoa râm bụt đỏ rực như lửa.

Tiếp chúng tôi là người quản lý đứng tuổi. Anh đưa cả gia đình vợ con lên sinh sống và làm việc ở mảnh rừng rộng chừng bảy chục hecta này. Anh dẫn chúng tôi ra cây cầu gỗ ngắm đàn cá nuôi trong một hồ nước lớn.

Chợt nhớ nhiều tháng đóng quân ở vùng này chúng tôi không một lần được ăn cá. Giờ thì trước mắt là đàn cá chép con vàng con trắng tung mình tụ hội dưới mặt nước chen chúc đớp nắm bỏng ngô chủ nhà ném xuống. Cảnh thần tiên ấy ngay cả dưới đồng bằng cũng hiếm đâu có được.

Những ngôi nhà sàn cỡ lớn được mua nguyên bản từ trong các bản làng ở vùng Định Hóa đưa về tu sửa dựng lại. Chỉ cải tạo phần dưới gầm sàn làm nơi ngồi chơi tiếp khách và công trình vệ sinh. Tất cả vật dụng được chế tác thô sơ bằng chính bàn tay của người thợ ở làng.

Vách nứa đan nong đôi, cửa nứa nẹp tre chắc chắn đóng mở êm ru không tiếng động. Những chiếc đèn trên tường cũng bằng những ống bương khoét vát treo bóng điện bên trong. Bàn tre vuông vức kê ngay ngắn giữa nhà và những chiếc thảm thổ cẩm tuyệt đẹp dùng làm ghế ngồi. Khăn bàn là những tấm mành tre mộc mạc sạch sẽ tinh tươm.

Chủ nhà cho nhân viên dọn ra một mâm cỗ thịnh soạn. Những cô gái mặc trang phục người Tày chít khăn đen mặt ửng hồng thoăn thoắt mang ra những món ăn nóng rẫy. Thịt ngựa xào tỏi. Rau dớn trộn nộm hoa chuối, thịt khâu nhục nóng vừa úp bát. Cá chép nấu bỗng rượu, xôi tím của người dân tộc gói trong lá chuối. Bạn đã nói đúng. Cái rét hình như không hề có mặt ở nơi này.

Rượu ngâm củ khúc khắc sóng sánh màu vàng mật do chủ nhà tự chế. Những chum rượu khổng lồ bọc miệng vải đỏ để dưới gầm sàn được chiết ra chai vuông. Bàn tay cô gái Tày trắng nõn rót rượu ra từng ly thủy tinh đều tăm tắp. Chủ nhà dường như cũng là tay sành rượu. Anh uống thong thả nhưng không kém khách bất kỳ lần chạm chén nào.

Ngoài khu hội trường lớn đang có đám cưới. Những điệu hát then được giàn máy tăng âm tiếp sức vang vọng qua mặt hồ lững thững bóng mây. Chiều miền núi tối sớm. Đã nghe líu ríu tiếng đàn chim về tổ trong các lùm cây sẫm đen. Nẻo rừng hoang vu hun hút gió chợt mờ đi trong ký ức.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận