Nga sẽ thu hồi vốn thế nào?

TƯỜNG ANH 17/06/2018 17:06 GMT+7

TTCT - World Cup 2018 ở Nga sẽ là đắt đỏ nhất trong lịch sử. Theo các ước tính khác nhau, tổng ngân sách cho lễ hội tưng bừng này vào khoảng 13 tỉ USD. Dĩ nhiên, vị trí “vô địch” này chỉ là tạm thời, bởi theo truyền thống, chi phí đầu tư cho World Cup tăng theo từng mùa!

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) thị sát sân Luzhniki tráng lệ gần như được xây mới. Ảnh: visiteuropehome.com
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) thị sát sân Luzhniki tráng lệ gần như được xây mới. Ảnh: visiteuropehome.com

 

Đánh giá hiệu quả chi phí đầu tư của Nga cho World Cup 2018, đến nay các chuyên gia vẫn chưa thống nhất ý kiến. Một mặt, đầu tư vào cơ sở hạ tầng thể thao và phát triển du lịch, đó là đầu tư dài hạn; mặt khác, trong điều kiện bị cấm vận hiện nay, không thể phát triển kinh tế bằng chi phí của cúp bóng đá thế giới.

Ngắn hạn hay lâu dài?

Theo ước tính sơ bộ của Chính phủ Nga, chi phí cho cúp bóng đá 2018 (tính đến trước thềm World Cup tháng 6) là 683 tỉ rúp (khoảng 13 tỉ USD theo tỉ giá năm 2013). Còn theo tính toán của các nhà phân tích hãng tài chính - đầu tư SA Ricci, chi ngân sách vào khoảng 9 tỉ USD, trong đó ngân sách liên bang và chính quyền địa phương đầu tư khoảng 68% tổng chi phí.

Theo những tính toán khác, việc xây dựng và tái thiết một số cơ sở thể thao ngốn mất 2,5 tỉ USD, cho hạ tầng giao thông 6 tỉ USD. Các nhà phân tích nhấn mạnh: khi nêu lên chi phí phải đánh giá hiệu quả của chúng. Liệu các khoản đầu tư này có thu hồi được không, được bao nhiêu và cái chính là khi nào?

Theo lập luận của Chính phủ Nga, tính toán các khoản chi cho sự kiện thể thao thế giới này như chi phí ròng là sai. Bởi cuối cùng, đây là những khoản đầu tư sẽ đem đến lợi nhuận trong tương lai. Đồng thời, Moscow ước tính hiệu quả kinh tế tích cực của giải bóng đá thế giới 2018 là 867 tỉ rúp, dựa theo ước tính của công ty quốc tế McKinsey và tất nhiên, đây chỉ là tính toán sơ bộ.

Một phần đáng kể của những lợi ích cho nền kinh tế này được tính trong GDP năm 2017, bởi việc xây dựng các công trình thể thao chính đã được hoàn tất trong năm ngoái. Trước đó, Chính phủ Nga cũng lưu ý rằng tăng trưởng thấy được trong kinh tế Nga là gắn với World Cup 2018.

Trong 5 năm gần đây, mức đóng góp cho GDP gắn với việc chuẩn bị cho sự kiện thể thao vào loại lớn nhất hành tinh ước tính đạt tối đa khoảng 0,4 điểm %. Trong khi đó, năm 2018, một phần đáng kể nền kinh tế Nga sẽ đến từ bóng đá. McKinsey ước tính phát triển du lịch sẽ giúp Nga tăng GDP thêm 121 tỉ rúp, và trong 5 năm tới, mỗi năm tăng 40-70 tỉ rúp. Lượng du khách từ nước ngoài đến dự World Cup 2018 sẽ tăng từ 14-18%, còn du khách Nga là 10-26%.

Moody’s thì cho biết theo phân vùng địa lý, tác động kinh tế của World Cup sẽ rõ nhất ở các vùng Mordovia, Kaliningrad và Rostov. Tuy nhiên, tác động này chỉ là ngắn hạn. Kinh tế ở các khu vực có World Cup vẫn tăng trưởng không quá 3% trong năm 2018. Alexander Morozov - giám đốc tư vấn, nghiên cứu và định giá của SA Ricci - ước tính tổng tác động kinh tế trực tiếp, ngắn hạn của World Cup ở Nga vào khoảng 0,5-1 tỉ USD.

“Trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ có thể thu về 1/10 chi phí cho việc chuẩn bị. Tuy nhiên, kinh nghiệm của 5 nước tổ chức World Cup gần nhất cho thấy không nước nào bù đủ chi phí trong ngắn hạn, kể cả ở những nước phát triển như Đức hay Nhật Bản” - báo kinh doanh Nga Vedomosti trích lời Morozov.

Cũng theo Morozov, các kỳ World Cup hiệu quả kinh tế nhất là Mỹ 1994 và Pháp 1998, do phần lớn các cơ sở hạ tầng bóng đá đã có sẵn ở hai nước này, giúp giảm thiểu các khoản đầu tư mới. World Cup Mỹ 1994 đã “hoàn vốn” thậm chí trước khi giải kết thúc, chưa kể tác động kinh tế dài hạn, theo các ước tính khác nhau, từ 3-11 tỉ USD. Ở Pháp, World Cup 1998 giúp GDP tăng trưởng ở mức 1%, trên tổng chi phí 1,6 tỉ USD.

Bữa tiệc thời dịch hạch

Một cuộc thăm dò ý kiến chuyên gia được kênh truyền hình Nga Tsargrad tiến hành cho thấy khi dự đoán khả năng hoàn vốn của World Cup 2018, các nhà tổ chức đặt cược vào hiệu quả đầu tư lâu dài. Ông Oleg Safonov, giám đốc điều hành BKS Ultima, lưu ý rằng 65% đầu tư cho World Cup 2018 là vào các dự án chiến lược quan trọng cho đất nước.

“Ước tính (lợi ích kinh tế gián tiếp) đạt gần 1% GDP. Ảnh hưởng tích cực đối với nền kinh tế trong tương lai sẽ là những con đường mới, sân bay và hạ tầng giao thông vận tải. Còn ảnh hưởng trực tiếp đối với GDP có thể rất hạn chế, trong khoảng 0,2-0,3%” - theo lời ông được Sự Thật Komsomol trích dẫn.

Trong khi đó, các tồn tại kinh tế trong nước vẫn chưa được giải quyết. Bỏ tiền cho World Cup 2018, vì thế, theo nhà kinh tế học, giáo sư khoa tài chính quốc tế Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) Valentin Katasonov là bất lợi. Ông nhận định: “Toan tính nhận được những tờ đôla nào đó nhờ World Cup cho thấy lý trí lu mờ của chúng ta”.

Ông cho rằng không thể tăng trưởng kinh tế nhờ đầu tư vào giải vô địch bóng đá này, thay vào đó, các khoản chi phí khổng lồ lẽ ra phải được đầu tư cho việc khác, và kết luận: “Toàn bộ câu chuyện về khả năng hoàn vốn của World Cup tại Nga là bữa tiệc thời dịch hạch”.

Chừng mực hơn, kinh tế gia Nga Mikhail Delyagin cho rằng hiệu quả kinh tế của World Cup “có thể cân nhắc”, nhưng cùng lúc phải tính đến việc đưa những công trình xây dựng này vào khai thác hậu World Cup. Ông nói: “Tôi hi vọng các sân vận động được xây dựng một cách khôn ngoan và không chịu chung số phận của “Tổ chim” ở Bắc Kinh (tổ hợp thể thao được xây dựng cho Thế vận hội mùa hè 2008), bị bỏ rơi sau khi Olympic 2008 kết thúc.

Không thể nói trước, nhưng tôi nghĩ sự phát triển thể thao cũng như uy tín và ảnh hưởng gia tăng của nước Nga gắn với World Cup giúp có cơ hội hoàn vốn”. Ông tin những điều đó chỉ có thể xảy ra trong dài hạn và nhấn mạnh nên tính đến hiệu quả của đầu tư cho World Cup theo nhiều cách, bao gồm hiệu quả về mặt xã hội nói chung.

Đồng tình với cách tính của Delyagin là kinh tế gia Alexander Dubchak. Ông cho rằng lợi ích của World Cup 2018 với Nga không nằm ở “những trận đấu phát sóng trực tiếp, mà ở những công trình thể thao mới sẽ được sử dụng”, và nhấn mạnh không thể có những lợi ích trước mắt, nhanh chóng, mà ở triển vọng lâu dài.

Các nhà phân tích cũng hi vọng vào sự cải thiện của thị trường ngoại hối liên quan đến việc tiến hành World Cup. “Kinh nghiệm của những giải vô địch trước đây cho thấy tiền tệ của nước chủ nhà có xu hướng tăng giá khoảng 2% trong thời gian giải đấu diễn ra, do dòng tiền đi kèm du khách vào nước chủ nhà” - một nhà phân tích của Ngân hàng Nordea cho biết. Theo ngân hàng này, dự báo vào giữa tháng 6, đồng rúp có thể tăng mạnh. Để an ủi, Tsargrad dẫn ví dụ Qatar, nước dự tính chi cho World Cup 2022 khoảng 200 tỉ USD. Không cần nói nhiều, kỷ lục Nga sẽ sớm bị phá sâu!■

Kịch bản lạc quan

Tờ Sự Thật Komsomol giới thiệu đáp án bài toán World Cup của nhà phân tích đầu tư thuộc Global FX, Vladimir Rozhanovsky:

1/ Tiền bán vé: 5-6 tỉ USD.

2/ Đóng góp của FIFA: khoảng 1 tỉ USD.

3/ Doanh thu từ du khách nước ngoài: dự kiến 5 tỉ USD.

4/ Bán quyền phát sóng truyền hình và truyền thanh: khoảng 4 tỉ USD.

5/ Doanh thu từ tài trợ quảng cáo: 5 tỉ USD.

6/ Doanh thu từ bán quà lưu niệm: 200 triệu USD.

Tổng cộng, ước tính thu trực tiếp khoảng 21-22 tỉ USD, trừ đi chi phí khoảng 13 tỉ, trong kịch bản lạc quan, doanh thu sẽ vượt hơn chi phí chừng 8-9 tỉ USD, tương ứng khoảng 0,7-0,8% GDP Nga.

(Theo http://www.mk.ru/economics/2018/06/05/milliardy-na-mundial-stoimost-chm-2018-podschitali-eksperty.html)

Chỉ “ngư ông” đắc lợi?

Phía duy nhất có thể nắm chắc phần thắng trong World Cup 2018 lẽ đương nhiên vẫn là Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA): lịch sử cho thấy FIFA nắm phần thu nhập chính từ tiền bán bản quyền truyền hình và thương mại, trong khi phí tổn chính do nước chủ nhà gánh chịu. Lãi ròng của FIFA từ mùa World Cup trước đây, tính theo một chu kỳ bốn năm, kết thúc vào tháng 12-2014, là 2,6 tỉ USD. Trong khi đó, hầu như không nước chủ nhà nào nhận được kết quả tích cực hữu hình từ World Cup.

“Lợi ích kinh tế thường bằng không. Thậm chí nếu có mức tăng khiêm tốn, nó cũng không biện minh được cho cái giá của giải đấu” - giáo sư chuyên về kinh tế học của các sự kiện lớn Victor Matheson ở Trường Holy Cross tại Massachusetts nhận định.

Còn theo nhà phân tích vĩ mô Stanislav Murashov của Raiffeisenbank, trong năm 2018, dòng tiền đổ vào nền kinh tế Nga nhờ World Cup sẽ có tác động tích cực một lần, nhưng về lâu dài sẽ là tiêu cực. Nga sẽ chi tiêu nhiều vào giải đấu hơn là nhận được lợi ích từ đó. Ông kết luận: “Nói chung, đây là một dự án không có lời”.

(https://www.rbc.ru/economics/01/12/2017/5a1ff2e19a7947379548d5bc)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận