​Ngạc nhiên ở xứ mưa dài

ĐỖ PHẤN 08/07/2015 20:07 GMT+7

Rất nhiều năm rồi tôi không quay lại mảnh đất cố đô bình lặng bên dòng sông Hương. Hình như đã có một ký ức buồn bã len lỏi đâu đó trong tâm trí từ những ngày mới giải phóng cho đến những năm tháng cuối cùng của thời kỳ bao cấp.

Ảnh: ĐỖ PHẤN

Một thành phố lẻ loi, trầm mặc nghèo với âm hưởng những câu hò da diết trên dòng Hương giang. Những cung đường mù mịt bụi lổn nhổn gạch đá lên vùng Long Thọ, chùa Thiên Mụ. Những đền đài, cung điện, lăng tẩm cũ nát chìm trong cỏ dại. Những đêm mất điện với cái nóng kinh hoàng tháng 6. Và những gương mặt người lao động khắc khổ, gầy gò vắng bặt nụ cười trên khắp các ngả đường...

Sân bay Phú Bài lúc mười giờ sáng tĩnh lặng đến không ngờ. Chỉ có duy nhất chiếc máy bay A321 chở tôi và một người bạn vừa hạ cánh. “... Nhiệt độ bên ngoài đang là 380C”. Giọng nói trong veo của cô tiếp viên trưởng chuyến bay vừa thông báo cho hành khách trước lúc máy bay tiếp đất như thế.

Đúng là nhiệt độ bên ngoài với cái nắng trắng tinh trên đường băng như thế thật, nhưng đã được xua đi bởi những cơn gió tràn qua cây cỏ xanh rì suốt tầm mắt. Thành phố Huế hiện ra thanh thản với những sắc màu tươi rói suốt trên đường đi. Những ngôi nhà vườn ẩn mình thấp thoáng dưới tán lá xanh ngay mặt phố. Vẫn những bước chân khoan thai trên vỉa hè vắng lặng.

Có cảm tưởng như suốt mấy chục năm vừa rồi dân số ở đây không có nhiều biến động. Xe cộ thưa thớt trên đường. Nhà cửa vẫn phần lớn thấp tầng. Những hàng rào thấp trang trí hoa văn giản dị, thân thiện tạo cho người ở xa tới một cảm giác an toàn đến kỳ lạ. Người Hà Nội đã từ rất lâu rồi phải làm quen với chỗ ở chăng đầy những lồng sắt kín cổng cao tường không khỏi có chút chạnh lòng.

Huế đã thật sự trở thành điểm đến đáng mơ ước của du khách Việt Nam và quốc tế. Những hàng cây rợp bóng trên phố phường được xén tỉa công phu. Con đường lên chùa Thiên Mụ đã giải tỏa toàn diện những nhếch nhác vài chục năm trước, trả lại cho bờ sông Hương những thảm cỏ xanh rì thoáng đãng đúng nghĩa là một sản phẩm du lịch không đâu có được. Con đường Lê Lợi sát bên bờ sông Hương trở thành một vườn hoa êm ả trải dài giữa lòng thành phố. Tượng nhà chí sĩ Phan Bội Châu và các tác phẩm lừng danh của điêu khắc gia Lê Thành Nhơn đã được mang về đây trưng bày như một niềm tự hào của thành phố.

Vỉa hè lát gạch và đường sá thảm nhựa phẳng lì rất hiếm khi nhìn thấy một cọng rác. Quán cà phê vỉa hè trước cửa khách sạn tôi ở khi có khách đến lập tức mang ra một chiếc gạt tàn thuốc lá. Điều không thể thấy ở quán cà phê Hà Nội. Rất ít người Hà Nội rỗi hơi gạt tàn thuốc lá vào đấy khi ngồi trên vỉa hè.

Những người bạn Huế đưa tôi đến Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng nằm sát bên dòng sông Hương bồi hồi gió. Đó là một ngôi biệt thự lớn kiến trúc Pháp được sửa chữa nâng cấp sơn trắng tinh khôi và vườn hoa xung quanh rộn rã sắc màu phượng vĩ, mẫu đơn, dâm bụt. Thành phố đã có những ưu ái đặc biệt với các nghệ sĩ tạo hình từ hơn hai chục năm trước khi cũng dành một ngôi biệt thự lớn ngay trung tâm cho nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị làm nơi sáng tác và trưng bày tác phẩm của bà cho đến tận những năm cuối đời.

Do đặc thù của chuyên ngành, tất cả những tác phẩm họa sĩ Lê Bá Đảng dành tặng cho Huế đều là bản chính và duy nhất. Suốt hai tầng nhà rộng rãi là cả một cuộc đời sáng tạo say mê nhiệt huyết của họa sĩ được trưng bày ngăn nắp, sang trọng. Ngoài giá trị như một tài sản lớn, người xem còn đọc được ở đây cả một tấm lòng hướng về quê hương đất nước của người nghệ sĩ Việt ở xa Tổ quốc.

Và cũng như thế, đọc được cả niềm kính trọng đối với một tài năng của chính quyền và nhân dân thành phố. Điều mà không phải nơi nào trên đất nước cũng làm được. Tôi biết, ngay đến họa sĩ trụ cột lão thành Nguyễn Tư Nghiêm ở Hà Nội cũng chỉ được Nhà nước phân cho một căn hộ 40m2 ở khu tập thể Trung Tự mà thôi.

Huế vẫn còn nghèo. Giá cả sinh hoạt ở đây còn tương đối rẻ để phù hợp với túi tiền người dân. Nhưng cung cách sinh hoạt của một cố đô sang trọng nghiêm ngắn đã dần được khôi phục. Bạn bè cũ của tôi không còn nhiều ở Huế. Giờ đây phần lớn là bạn mới trong vòng dăm năm trở lại. Nhưng ngạc nhiên thay, lúc chia tay chợt thấy rất nhiều bịn rịn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận