TTCT - Thị trường tái chế Việt Nam rục rịch sôi động khi quy định về trách nhiệm tái chế bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2024 và danh sách các đơn vị tái chế đủ năng lực đã được công bố hồi tháng 2. Rác thải nhựa là vấn đề gây nhức nhối tại Việt Nam nhưng đang đem đến cơ hội cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực tái chế vật liệu. Ảnh: PVTín chỉ nhựa "đắt hàng"Bên trong khuôn viên 65.000 m2 tại Cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa Hạ (Long An) là nhà máy nhựa tái chế Duy Tân, nơi đang xử lý khoảng 30.000 tấn rác thải nhựa/năm. Ông Lê Anh, giám đốc phát triển bền vững Công ty cổ phần nhựa tái chế Duy Tân, cho biết họ dự kiến đầu tháng 4 sẽ lắp thêm một dây chuyền sản xuất, nâng khả năng xử lý rác thải nhựa của nhà máy lên 60.000 tấn/năm, tăng gấp đôi so với hiện nay và sẽ sớm đạt công suất tối đa (100.000 tấn/năm).Từ nhiều tháng nay, các đơn vị sản xuất, thương mại đã liên hệ Duy Tân để mua tín chỉ nhựa, tuân thủ quy định EPR về thực hiện trách nhiệm tái chế của doanh nghiệp chính thức có hiệu lực từ 1-1-2024. Chỉ trong hai tháng đầu năm, doanh nghiệp này đã bán xong 70% tín chỉ nhựa, bao gồm năng lực thu gom rác nhựa và chế biến nhựa tái chế.Từ ngày 1-1, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và bao bì thương phẩm của một số sản phẩm sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỉ lệ, quy cách tái chế bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và nghị định số 08. Bộ TN&MT đã công bố danh sách 24 đơn vị tái chế đủ năng lực tái chế nhiều loại sản phẩm, bao bì, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.Với quy định mới, các doanh nghiệp nhập khẩu và có sản phẩm tiêu dùng trên thị trường nội địa phải thu gom và liên hệ với các đơn vị thu gom để mua tín chỉ rác thải theo tỉ lệ quy định. Bên bán cũng phải chứng minh được năng lực thu gom đáp ứng nhu cầu đó. Tỉ lệ thu mua rác thải sẽ thay đổi sau ba năm.Nhà máy nhựa tái chế Duy Tân là một trong những đơn vị nằm trong số 12 đơn vị ở phía Nam có đủ năng lực tái chế nhựa… Nhà máy này, đi vào hoạt động từ 2019, đã đón đầu được nhu cầu tái chế nên đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc, hệ thống xử lý nước thải ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo đầu ra sản phẩm có thể xuất khẩu và các chất thải đều an toàn với môi trường. Hai sản phẩm chính của nhà máy là hạt nhựa tái sinh rPET cho bao bì thực phẩm và rHDPE cho bao bì hóa mỹ phẩm.Để tiện hình dung, nhà máy tái chế rác thải nhựa lớn nhất thế giới ở Phần Lan hiện có công suất tối đa khoảng 200.000 tấn/năm. Công suất thiết kế tối đa của nhà máy tái chế Duy Tân là khoảng 100.000 tấn - một năng lực mà ông Lê Anh cho rằng chỉ "như muối bỏ biển" nếu so với hàng triệu tấn rác nhựa của Việt Nam cùng nhu cầu xử lý, tái chế nhựa rất lớn.Trong danh sách công bố những đơn vị làm tái chế, có hai tổ chức được ủy quyền tổ chức tái chế, bao gồm Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy (VAMM) tại tỉnh Vĩnh Phúc (cho sản phẩm, bao bì được tái chế là ắc quy, pin, săm lốp, dầu nhớt và phương tiện giao thông), Công ty cổ phần Tái chế bao bì - PRO Việt Nam tại TP.HCM, tái chế bao bì.Cơ chế này cho phép những doanh nghiệp có nhiều sản phẩm buộc phải thu gom khác nhau có thể thông qua hai tổ chức này để mua các tín chỉ thu gom rác thải, như một cách đóng góp quỹ bảo vệ môi trường. Đây cũng là cách làm phổ biến trong điều kiện năng lực các nhà máy tái chế ở Việt Nam còn hạn chế.Thị trường có sẵnÔng Trần Việt Anh - chủ tịch Hiệp hội tái chế Việt Nam - cho rằng danh sách công bố đợt đầu nói trên được coi là sự công nhận về năng lực, công nghệ, sự tuân thủ các yêu cầu bảo vệ môi trường của đơn vị trong hoạt động tái chế. Thị trường tín chỉ nhựa tái chế vốn được xem là công cụ để các nước giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn.Trên thực tế, trước khi có quy định về EPR của Bộ TN&MT, thị trường đã sôi nổi bởi nhiều doanh nghiệp đã tìm cách đưa chai nhựa tái chế vào sử dụng. Một số doanh nghiệp FDI trong ngành giải khát, vốn tiêu thụ một lượng chai nhựa (chai PET) lớn đã cho ra những chai nước "tái chế tôi" từ nhiều năm qua.Chai Coca-Cola hiện nay 100% là chai nhựa tái chế. Các sản phẩm dầu gội, sữa tắm của Unilever đều là chai làm từ bao bì tái chế… Theo đại diện Coca-Cola Việt Nam, Việt Nam là một trong 30 thị trường trên thế giới của tập đoàn này sử dụng chai làm từ 100% nhựa tái chế. Hãng cũng đặt mục tiêu sử dụng ít nhất 50% nguyên liệu tái chế trong bao bì sản phẩm trên toàn cầu đến năm 2030, mặc dù chi phí các loại chai này cao hơn nhựa nguyên sinh từ 20-25%.So với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất và thương mại Việt Nam có phần lúng túng hơn do chưa chuẩn bị tài chính cho khoản phát sinh này, bởi chi phí tái chế không hề nhỏ. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ chờ một hướng dẫn khả thi hơn cho việc tuân thủ quy định về môi trường.Xử lý chai nhựa tại nhà máy tái chế. Ảnh: PVÔng Nguyễn Hồng Quân, viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn, nhận định các doanh nghiệp có xu hướng thực hiện trách nhiệm thu gom, hỗ trợ người lao động chứ không chỉ là góp một khoản tiền vào quỹ bảo vệ môi trường. Vì thế, tiềm năng cho ngành tái chế là rất lớn.Hiện nay quy trình ở Việt Nam mới dừng ở yêu cầu trách nhiệm thu gom theo tỉ lệ bắt buộc, việc sử dụng sản phẩm tái chế còn mang tính tự nguyện. Nhưng theo các chuyên gia, chương trình EPR, dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, nội hóa chi phí quản lý cuối vòng đời của vật liệu, bao gồm thu gom và tái chế.Đại diện Coca-Cola Việt Nam cho rằng để đạt được các mục tiêu tái chế rác thải, cần khuyến khích lực lượng thu gom rác thải nhựa trong khu vực phi chính thức - một mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam. Qua đó, thúc đẩy mô hình phân loại, thu gom và tái chế rác thải trong các dự án triển khai tại Việt Nam.Thách thức của bài toán thu muaNhững bất ổn trong việc phân loại rác tại nguồn hiện nay đã dẫn đến lượng phế thải cao. Tỉ lệ này cao ngay cả với nhiều nhà máy sản xuất lớn, dù họ đã xây dựng hệ thống trạm thu mua từ đầu và phân loại, làm sạch. Thông thường, những chai nhựa không đạt chất lượng phải loại ra để làm sản phẩm thấp cấp hơn, bán với giá rẻ hơn cả giá nguyên liệu.Ông Lê Anh cho biết các chai nước thu gom bị nhiễm bẩn làm tăng lượng hao hụt thu gom vào. Chẳng hạn, khi thu gom 100 tấn nhựa, nhà máy tái chế Duy Tân chỉ cho ra được khoảng 60 tấn có thể dùng sản xuất, tỉ lệ hao hụt lên đến 40%, khá cao so với thế giới. Điều này giải thích vì sao nhựa tái chế đắt hơn nhựa nguyên sinh.Cái khó thứ hai là thành phần chai nhựa ở thị trường Việt Nam gồm nhiều cấu phần nhựa khác nhau, chẳng hạn nắp chai là nhựa PP, thân là nhựa PT và nhãn là loại nhựa khác. Việc chưa chuẩn hóa được vật liệu chai nhựa làm việc tái chế khó khăn hơn. Để chai có thể tái chế được ngay và hữu dụng tối đa, chai nước đó phải sạch và chỉ có một chất nhựa.Với các loại rác thải độc hại hơn như pin cũ hay rác thải điện tử, mọi thứ khó khăn hơn nữa. Việc thu gom rác thải điện tử hiện chủ yếu thông qua những người thu mua ve chai, cơ sở thu gom tự phát. Vì thế, khối lượng thiết bị điện tử được thu gom luôn quá nhỏ so với hàng chục ngàn tấn rác thải điện tử mà người dân thải ra môi trường mỗi năm. Tương tự, hầu hết lượng rác thải pin trên cả nước đều chỉ được thu gom nhỏ giọt thông qua một số dự án môi trường.Mặc dù ngành công nghiệp tái chế đang gặp nhiều khó khăn, nhưng theo các doanh nghiệp, nó cũng mang lại cơ hội và các ý tưởng kinh doanh. Hiện một số đơn vị đã tăng cường thu gom rác thải nhựa hiệu quả hơn, khuyến khích tái chế nhựa thành các sản phẩm phái sinh chất lượng cao để mang lại lợi nhuận."Để giải quyết tình trạng thu gom chai nhựa trên thị trường, hành vi của người tiêu dùng rất quan trọng - ông Lê Anh nói - Ở nhiều nước châu Âu gần như không thấy chai nhựa trên đường phố vì có họ chính sách giá chai riêng và giá nước riêng. Người dùng trả lại chai thì có thể nhận lại đến 25 cent". Dù vậy, các doanh nghiệp thừa nhận điều này không dễ thực hiện, vì hành vi tiêu dùng của người dân chưa sẵn sàng.Trước mắt, việc công bố danh sách các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và các bên liên quan sẽ giúp thị trường có thông tin rõ ràng về các đơn vị tái chế có khả năng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Điều này giúp tạo ra một cơ sở dữ liệu đáng tin cậy để các bên liên quan có thể lựa chọn đơn vị tái chế phù hợp, cũng như khuyến khích sự hợp tác giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng. Các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hợp tác với các đơn vị tái chế được công nhận để tạo ra một chuỗi cung ứng tái chế bền vững. Hoạt động này sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm lượng rác thải.Chủ tịch Hiệp hội tái chế Việt Nam Trần Việt Anh nhìn nhận thị trường tái chế rác thải đang bước vào giai đoạn mới với sự thay đổi rõ về nhận thức, xem rác thải cũng là tài nguyên. "Mới đây, chúng tôi tiếp các doanh nghiệp tái chế của Đài Loan đến TP.HCM và một số tỉnh. Họ muốn đầu tư và khai thác tái chế rác sinh hoạt, thậm chí họ sẵn sàng khai quật tất cả các bãi rác đã chôn lấp hàng chục năm nay để tìm nguyên liệu tái chế", ông cho biết. Việt Nam có khoảng 3,9 triệu tấn chất thải nhựa. Với tỉ lệ thu gom 22% theo quy định mới, ước tính các doanh nghiệp phải thu gom ít nhất 880.000 tấn nhựa. Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Rác thải nhựaNhựa tái chếPhát triển bền vữngTái chếThu gom rác
Sóc Trăng dừng tổ chức đoàn xổ số kiến thiết đi học tập kinh nghiệm ở châu Á BỬU ĐẤU 09/10/2024 Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản hỏa tốc yêu cầu dừng tổ chức đoàn xổ số kiến thiết đi học tập kinh nghiệm các nước châu Á.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Hà Nội rực rỡ trong nắng thu vàng mừng Ngày Giải phóng thủ đô NGUYỄN HIỀN 09/10/2024 Những ngày đầu tháng 10, Hà Nội sôi động lại thêm lung linh với cờ hoa rợp phố trong nắng thu vàng mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô 10-10.
Công an triệu tập ngoại binh cũ của CLB Hoàng Anh Gia Lai QUANG THỊNH 09/10/2024 Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai gửi đơn tố cáo ngoại binh Martin Dzilah lên Công an tỉnh Gia Lai, sau khi cầu thủ người Ghana kiện đội bóng lên FIFA.