​Ngao du cùng thắng cố!

TẤN TỚI 22/09/2014 23:09 GMT+7

TTCT - Những đàn ngựa đẫy đà, nhởn nhơ gặm cỏ nơi triền dốc Tây Bắc không chỉ là bạn hiền, tài sản có giá trị mà còn góp nên món ngon thắt chặt tình nghĩa bản làng của đồng bào miền cao: thắng cố.

Ảnh: Hùng LeKima
Ảnh: Hùng LeKima

Mùa này, núi đồi Bắc bộ đã chớm sang thu. Mãi đến 7-8g sáng, những chùm hoa mây trắng muốt còn chờn vờn, mải mê chơi trò trốn tìm ở lưng chừng đèo. Cảnh sắc thật ảo diệu. Hơi núi tỏa ra nghe lành lạnh.

“Nào! Lên xe nhanh, tôi đèo bác đi chợ phiên Bắc Hà thưởng thức bát thắng cố, nhâm nhi chén rượu ngô đầu mùa” - anh bạn là “dân thổ địa” ở báo Lào Cai nhiệt tình.

“Vợ tao trả tiền!” 

“Vợ con mày đâu?”. “Bán măng bán ớt ở kia. Ngồi xuống uống (rượu) với tao!”, anh bạn hỏi chuyện ông bạn quen người Mông trong khu ẩm thực của chợ phiên.

Gần chục bàn lúp xúp, mỗi bàn 5-7 gương mặt đỏ tía vì rượu ngô (bắp) và bát thắng cố bốc khói lãng đãng. Họ cười nói ồn ào như người gần... say. Nhìn vào ánh mắt họ, chúng tôi đoán họ đang rất hạnh phúc.

“Mày say rồi làm sao về nhà chiều nay?”. “Đừng lo, nhà tao mới trúng mùa ngô. Vợ tao có tiền đầy túi. Nó hứa sẽ mua một con ngựa khỏe cõng tao về. Mày phải uống cạn, ăn no với tao. Vợ tao trả tiền!” - Lý A Phìn, 31 tuổi, trông già như cụ non, vỗ bàn quá mạnh làm bát thắng cố chao đảo.

Nhìn anh bạn đi cùng hớp chén rượu ngô ngọt xớt và nhai miếng gan ngựa ngon lành, người viết bỗng... ớn ớn. Trên mặt bát có vài ba váng bọt nổi phập phều và thoang thoảng mùi hôi cỏ. Đành nhấp rượu suông, không đủ dũng khí “cố thắng”, viện cớ mới ăn tô phở chua còn quá no.

Nhưng chẳng lẽ lặn lội từ Sài Gòn ra đến tận đây mà không biết mùi vị miếng thắng cố tròn méo ra sao?

Thắng cố trong đời thường của người dân địa phương - Ảnh: Hoàng Thạch vân
Thắng cố trong đời thường của người dân địa phương - Ảnh: Hoàng Thạch vân
Thắng cố do người Kinh ở thị trấn Bắc Hà nấu, Tây - ta đều gật gù - Ảnh: Tấn Tới
Thắng cố do người Kinh ở thị trấn Bắc Hà nấu, Tây - ta đều gật gù - Ảnh: Tấn Tới

Thắng cố hội nhập?

Như đi guốc trong bụng, anh bạn “thổ địa” lại dẫn đi “thăm” món thắng cố “quốc tế”, do một đầu bếp người Kinh nấu cũng tại thị trấn Bắc Hà.

Khác hẳn chảo thắng cố trông có vẻ không hợp vệ sinh vừa kể, tô lẩu thịt ngựa ở đây ngọt thơm. Nước lẩu mỡ màng, tựa nước béo trong những tiệm phở ngon ở TP.HCM. Riêng miếng thịt ngựa vừa mềm ngọt, còn phần da béo dẻo vô cùng thú vị.

Đặc biệt, món này lâu ngán nhờ công lớn từ ít bột hạt dỗi trong chén nước chấm. Nó tỏa mùi cay dịu giống như tiêu rừng (mắc khén) lẫn độ hăng the nhẹ của tinh dầu quế, hồi và chứa mùi thơm - chua thanh na ná xá xị. Nhờ vậy tạo cảm giác thanh tân - kích thích thèm ăn, lại lâu ngấy và dễ tiêu hóa nên thêm thống khoái.

Bằng chứng là vài cặp khách Tây ngồi bàn kế bên vừa nhai khí thế vừa gật gù, rồi trỏ ngón tay cái nghiêng nghiêng, ý là ngon số dzách!

Chị Nguyễn Thị Loan - chủ quán Ngọc Loan, số 213 Ngọc Uyển, sống lâu năm ở thị trấn nhỏ xinh này - tiết lộ phải có loại rau thắng cố, lá dài nhỏ tựa như rau hẹ được đồng bào trồng trong vườn hoặc rẫy thì chén nước chấm mới hội đủ vị mằn mặn - chua chua - cay cay - ngòn ngọt và nồng nồng đặc trưng.

Ông Hà Mèo - ở thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai - còn cho biết thêm ngựa phải trên 3 tuổi, nặng không dưới 1 tạ, mang nấu món canh thịt thập cẩm truyền thống của người Mông mới đặc sắc.

Nhóm gia vị căn bản không thể thiếu cũng không khác biệt mấy so với cách nấu phở gồm: quế, hoa hồi, thảo quả, gừng củ (nướng sơ), sả, lá chanh rừng. Chính nhóm gia vị chứa tinh dầu mạnh này ngoài nhiệm vụ khử tanh còn giúp ôn ấm tì vị, trợ tiêu hiệu quả theo đông y.

Chia tay, anh bạn “thổ địa” không quên căn dặn: “Gần tết, bác tranh thủ ra đây thưởng thức món khô ngựa gác bếp. Ngon cực kỳ!”. Vâng! Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ sớm hoàn thành, rút ngắn phân nửa thời gian di chuyển: 3 giờ. Mong cho nàng xuân đến sớm! 

Theo từ điển mở Wikipedia, tên món thắng cố có bốn cách giải thích như sau:

1. Bắt nguồn từ tiếng Hán, đọc theo âm Hán Việt là “thang cốt”, có nghĩa “canh xương”.

2. Cũng bắt đầu từ tiếng Hán, đọc theo âm Hán Việt cách khác là “thang hoắc”.

3. Thắng cố là biến âm của “thoảng cố”, trong tiếng Mông có nghĩa là “nồi nước”.

4. Lại có người cho rằng trong tiếng Mông thắng cố được gọi là “khấu tha”, có nghĩa là “canh thịt”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận