​Nghe nhìn qua loa tranh

ĐOÀN BẢO CHÂU 26/12/2014 03:12 GMT+7

TTCT - Trước đây, nhắc đến mua loa người ta chỉ hình dung việc mang về cặp loa kềnh càng với màu đen truyền thống.

Lắp ráp loa tranh tại cửa hàng Châu Giang, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Lắp ráp loa tranh tại cửa hàng Châu Giang, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Gần đây, không ít người tìm mua loa tranh để “vừa nghe nhạc vừa có tranh treo cho đẹp nhà, tiện cả đôi đường”, theo lời một khách hàng vừa mua một cặp loa tranh trang trí cho căn hộ mới ở quận Tân Phú, TP.HCM.

Loa tranh được hiểu nôm na là loại loa có mặt vải bố phía trước được thiết kế chuyên dụng cho việc vẽ, in tranh, phần máy móc phía sau được thiết kế mỏng nhẹ, chỉ dày chừng 10cm, giống đến 90% một bức tranh thật, với đủ thể loại từ tranh phong cảnh, trừu tượng đến cả... chân dung người mua loa. 

Nhộp nhịp loa tranh mùa cuối năm 

Đầu tháng 12, từ sáng sớm điện thoại đặt hàng đã liên tục gọi đến cửa hàng loa tranh Châu Giang (quận 1, TP.HCM). Khách đặt không chỉ ở TP.HCM mà còn cả ở Hà Nội, Nghệ An, An Giang, Tây Ninh... T

ranh thủ những lúc hiếm hoi được nghỉ ngơi, anh Đoàn Ngọc Quỳnh, chủ cửa hàng, cho biết: “Cuối năm là mùa mọi người đổ đi mua sắm đồ điện máy, rồi xây nhà mới, đi tiệc tân gia... nên nhu cầu đặt mua loa tranh trang trí nhà, làm quà tặng cũng tăng lên hẳn. Tầm này năm ngoái, chúng tôi bán được 100-150 cặp loa chỉ trong một tháng, hi vọng năm nay duy trì được mức này”. 

Trong gian phòng nhỏ chừng 20m2, anh Quỳnh sắp xếp ken chật đủ loại loa hàng mẫu để khách lựa chọn, từ loa tranh sơn dầu đến loa tranh in, từ tranh tĩnh vật đến tranh thư pháp, tranh thủy mặc... Hiện nay loa tranh có ba dòng chủ yếu: loa hát karaoke, loa nghe nhạc và loa xem phim.

Bộ loa tranh được ưa chuộng nhất là một cặp loa hát karaoke kích thước 50x70cm, kèm theo loa trung tâm cân chỉnh âm thanh 22x75x7,5cm, giá 5-7 triệu đồng. Khi khách quyết định mua loa, nhân viên sẽ đến lắp đặt tại nhà và kỹ thuật giấu dây phải thật khéo để người ngoài nhìn vào không nhận ra đây là một cặp loa. 

“Nếu trong giai đoạn thi công xây nhà, khách đến gặp mình trao đổi luôn về lắp đặt loa thì quá tiện. Nhiều người khi xây nhà thường thiết kế đi dây điện âm tường cho mọi thứ mà quên mất phần dàn âm thanh, đến lúc xây xong lại tiếc vì việc giấu dây sẽ không còn được hoàn hảo 100% nữa” - anh Quỳnh cho biết thêm. 

Anh Nguyễn Hợp (40 tuổi, khách mua loa) cho biết về dàn loa tranh thủy mặc của mình: “Dàn loa thiết kế như thế này là vừa đẹp với màn hình LCD, nhìn rất cân đối. Tôi mua về để trong nhà, khách đến chơi hát karaoke cứ thắc mắc mãi nhạc phát ra từ đâu vì cứ tưởng loa là tranh trang trí. Mức giá này tôi nghĩ cũng ổn, so với các loại loa khác ngoài thị trường thì không quá đắt. Mua loa đắt tiền mà không sử dụng hết tính năng âm thanh cũng phí”. 

Nghe có tương xứng với nhìn?

Với loa tranh, nếu quá chú trọng vào phần nhìn, liệu giá trị của phần nghe, vốn là cốt lõi của loa, có bị ảnh hưởng? Dù đã có nhiều cửa hàng bán loa tranh rải rác ở nhiều nơi trong TP.HCM và các tỉnh thành nhưng theo ghi nhận của chúng tôi tại khu vực chợ Nhật Tảo (quận 10) chuyên bán linh kiện điện tử, hầu hết chủ cửa hàng loa vẫn trung thành với các dòng loa thuần túy.

Anh Lê Hùng, chủ một cửa hàng, cho biết: “Loa tranh là hàng làm theo nhu cầu của khách hàng nên toàn bộ phụ kiện, quy trình lắp ráp đều do cửa hàng chủ động làm. Chính vì thế cần phân biệt có hai dạng. Một là những người làm loa đã rất cứng tay nghề, nay đứng ra tự làm loa và thêm phần tranh ảnh, ra loa có thời hạn bảo hành lâu dài.

Hai là những chỗ chỉ làm ăn theo trào lưu, mua hàng Trung Quốc về lắp đặt tạm bợ rồi bán vì thấy có nhiều khách hỏi mua. Chất lượng âm thanh cũng tùy theo tay chỉnh của từng nơi mà có sự khác nhau, không có chuẩn mực chung như các loại loa sản xuất hàng loạt.

Nếu xét về hình ảnh, màu sắc, tất nhiên loa tranh hơn hẳn loa thùng bình thường. Nhưng về chất lượng âm thanh, loa tranh lại phụ thuộc rất nhiều vào sự tinh tường của người mua”.

Việc loa “bỗng dưng có tranh” này cũng khiến chị em phụ nữ trước nay vốn khá xa lạ với đồ chơi âm thanh, kỹ thuật bắt đầu quan tâm.

Có mặt tại cửa hàng loa tranh AA (quận 10) chừng 6g chiều, một nhóm phụ nữ trung niên liên tục trầm trồ trước những cặp tranh sơn dầu vẽ phong cảnh ngọt ngào dân dã ở vùng đồng quê nước Pháp, rồi tranh hoa sang trọng kiểu cổ điển châu Âu... Các cô thậm chí còn quên cả việc đề nghị nhân viên mở nhạc lên nghe thử âm thanh nếu như không được chính người bán gợi ý.

Chị Lê Ngọc Anh - 38 tuổi, nhân viên ngân hàng - cho biết: “Sắp tới có tiệc tân gia của một người bạn, chúng tôi muốn chọn quà gì đó lạ một chút, hỏi thăm thì được gợi ý loại loa tranh này. Khi đến nơi, quả thật tôi rất ngạc nhiên, không ngờ loa mà lại giống hệt tranh như vậy. Cả phòng tôi có tám người, chia ra mua cặp loa chừng 6 triệu đồng thấy cũng vừa túi tiền”.

Chị Trương Vân Nhi, cửa hàng tranh Châu Giang, cho biết thêm: “Hồi trước, khi làm loa bình thường thì 99% khách là nam giới, nhưng khi chuyển qua loa tranh thì đến 70% khách là nữ. Các chị đến lựa chọn hình ảnh, loại loa, các ông chỉ bỏ hầu bao, chốt lại mua hàng. Có lẽ vì loa này mang yếu tố trang trí cao, có màu sắc, hình ảnh nên thu hút chị em hơn”. 

Ảnh: Quang Định
Ảnh: Quang Định

Bên cạnh phục vụ khách lẻ, các cửa hàng loa tranh còn có không ít khách hàng là các quán cà phê, nhà hàng, spa... có nhu cầu sử dụng rất nhiều loa và đặc biệt rất quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ nội thất.

quán cà phê Hương Thảo (quận Tân Bình), dù được giới thiệu trước nhưng thực khách vẫn gặp khó khăn trong việc phân biệt đâu là tranh thật, đâu là loa tranh vì tất cả đều được sắp đặt khéo léo, xen kẽ trong không gian sân vườn của quán.

Điều bất ngờ chỉ đến khi nhạc trong quán chuyển sang ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn) và nhân viên quán hướng dẫn khách đến vị trí loa tranh.

“Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu...”. Từng lời bài hát vang lên hòa hợp một cách kỳ lạ với hình ảnh phố cổ Hà Nội rêu phong trên loa tranh, tạo nên một sự phối hợp đầy cảm xúc.

Tương tự, tại nhà hàng Mr Park (quận 3), toàn bộ hệ thống loa là những bức tranh phong cảnh Hàn Quốc phối hợp rất tự nhiên với không gian nội thất đậm chất Hàn Quốc của nhà hàng, thay cho những thùng loa đen cồng kềnh thường thấy trước đây. 

Ảnh: Quang Định
Ảnh: Quang Định

Đủ kiểu chiều khách 

Cùng với nhu cầu ngày càng tăng của khách, thị trường loa tranh bắt đầu bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt hơn.

Cách nay khoảng năm năm, khi nhắc đến loa tranh, người trong giới chỉ biết đến Sơn “loa”, tức Nguyễn Hùng Sơn (hiện là chủ cửa hàng loa tranh AA). Nay nhiều cửa hàng bắt đầu giành phần “miếng bánh” loa tranh bằng các dòng sản phẩm khác nhau.

Chẳng hạn cửa hàng Sơn Hà (quận 10) chỉ đi sâu, sử dụng độc quyền tranh của họa sĩ Hà Sơn nên khá thống nhất về phong cách thẩm mỹ, nét vẽ. Còn cửa hàng loa Châu Giang (quận 1) lại có thế mạnh về dịch vụ tranh in ảnh, khách chỉ cần gửi ảnh cho chủ cửa hàng, hôm sau đã có thể nhận được loa in hình cưới, in hình con gái hoặc đơn giản là chân dung gia chủ. 

Ảnh: Quang Định
Ảnh: Quang Định
Ảnh: Quang Định
Ảnh: Quang Định

Sau một thời gian sử dụng, khách mua loa tranh có thể yêu cầu thay tranh, ảnh khác để tạo không khí tươi mới cho nhà mình với mức giá thay tranh 350.000-800.000 đồng/cặp tranh. Loa tranh có thiết kế tháo ráp linh động nên ngay cả chủ nhà cũng có thể tự làm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số khách thường thay tranh theo bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông) hoặc theo con giáp vào đầu năm mới. Bên cạnh đó, một số cửa hàng còn có thêm dịch vụ làm tranh đúc đồng, tranh khảm đá quý, đánh mạnh vào nhu cầu trang trí thẩm mỹ của gia đình.

Được biết, tranh đúc đồng làm khoảng một tuần là hoàn tất, tranh đá quý đòi hỏi quy trình tỉ mỉ hơn nên mất ít nhất ba tuần ra thành phẩm. Dạng loa tranh này có diện tích khá lớn, từ 1,6mx700cm trở lên, chủ yếu lắp đặt ở các biệt thự có không gian rộng và yêu cầu trang trí nội thất phòng khách công phu, sang trọng. 

Loa tranh được gắn ở một nhà hàng trên đường Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Loa tranh được gắn ở một nhà hàng trên đường Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Chị Trương Vân Nhi cho biết: “Hầu hết tranh ở đây mình đều đặt họa sĩ vẽ hoặc thợ thủ công làm riêng, sau đó chuyển về đây lắp ráp vào thùng loa và mang đến lắp đặt tại nhà khách hàng”.

Chị Nhi cho biết cặp loa tranh đắt nhất mà chị từng bán có giá 45 triệu đồng với kích thước 1,6x1,4m, ghép hai loa âm dưới tranh Napoleon đang cưỡi ngựa và tất cả đều làm từ đá quý. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận