Nghệ thuật vị AI

HỮU CHÍ 04/06/2023 06:29 GMT+7

TTCT - AI có thể làm nghệ thuật? Câu hỏi này không phải tới thời ai cũng có thể tiếp cận công nghệ Generative AI

Tranh kỹ thuật số trẻ em chơi thả diều do một người dùng nghiệp dư đặt câu nhắc cho Midjourney vẽ.

Tranh kỹ thuật số trẻ em chơi thả diều do một người dùng nghiệp dư đặt câu nhắc cho Midjourney vẽ.

AI có thể làm nghệ thuật? Câu hỏi này không phải tới thời ai cũng có thể tiếp cận công nghệ Generative AI (AI tạo sinh) mới có. Trong 5 năm trở lại đây, đã có những cách tiếp cận khác nhau nhằm khám phá tiềm năng của AI trong việc tạo ra các loại hình nghệ thuật mới.

Có người dùng thuật toán AI để tạo ra các hình ảnh và hoạt ảnh trừu tượng vừa gây ấn tượng về mặt hình ảnh vừa kích thích tư duy, có người cùng với robot có hỗ trợ AI đồng tạo ra tác phẩm trong thời gian thực, có người mày mò các câu nhắc (prompt) để AI vẽ theo ý mình.

AI là công cụ

Nghệ sĩ người Đức Mario Klingemann được xem là người tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI Art). Trong một cuộc phỏng vấn nhân phiên đấu giá "Ngày nghệ thuật đương đại" của Sotheby (London) cho tác phẩm Memories of Passersby I do AI thực hiện ngày 6-3-2019, Klingemann nói: "Vẽ hay tô màu chưa bao giờ là thế mạnh của tôi, vì tôi chưa bao giờ kiểm soát được các cơ tay của mình như khi viết mã máy tính (code). Vì vậy, thay vì chiến đấu chống lại cơ thể của mình để tạo ra một hình ảnh trong đầu, tôi muốn học cách hướng dẫn máy móc làm điều đó".

Memories of Passersby I là tác phẩm digital art phản ánh niềm đam mê cả đời của Mario Klingemann đối với việc sáng tạo và thao tác hình ảnh sử dụng công nghệ số. 

Để thực hiện nó, Klingemann đã huấn luyện mô hình AI của mình bằng cách sử dụng hàng nghìn bức ảnh chân dung từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Anh đã tạo ra một ứng dụng giống như Tinder để đẩy nhanh quá trình học tập và dạy cho cỗ máy sở thích thẩm mỹ của riêng mình, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực (surrealism) như Max Ernst. 

Nhờ vậy, Memories of Passersby I thể hiện những cách diễn giải kỳ lạ về khuôn mặt con người, những ví dụ do AI tạo ra về cái mà André Breton gọi là "vẻ đẹp khó cưỡng".

Bức Memories of Passersby I.

Bức Memories of Passersby I.

Sinh năm 1970, Klingemann lớn lên trong buổi bình minh của trò chơi máy tính trên các thiết bị cầm tay, điện tử thùng và máy tính gia đình. Là một người tự học, Klingemann bắt đầu học lập trình máy tính vào những năm 1980 và mong muốn theo đuổi sự nghiệp công nghệ và nghệ thuật thị giác (visual arts). 

Klingemann bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo và thiết kế. Năm 1994, anh thiết kế các trang web trên thế giới mạng lúc bấy giờ còn non trẻ. Kể từ đó, hoạt động nghệ thuật của anh đã phát triển cùng với những đột phá về AI và học sâu, với những đóng góp hàng đầu của Klingemann.

Klingemann phát động một khuynh hướng nghệ thuật gọi là neurography, viết gọn của neural photography (nhiếp ảnh mạng thần kinh). Đó là cách làm việc với các hình ảnh do mạng thần kinh AI tạo ra. 

Giống như một nhiếp ảnh gia truyền thống thâm nhập thế giới, phát hiện ra một mô típ thú vị rồi tìm kiếm những cách tốt nhất để lên bố cục và thực hiện, các "nhiếp ảnh gia mạng thần kinh" (neurographer) xâm nhập vào những không gian tiềm ẩn đa chiều trong các GAN (Generative Adversarial Network, mạng đối nghịch tạo sinh) của mình để tìm kiếm sự thú vị. 

Sự khác biệt đối với nhiếp ảnh cổ điển là bằng cách huấn luyện GAN của riêng mình, neurographer có thể tạo và khám phá những thế giới mới và khác nhau mọi lúc, đồng thời không giới hạn ở một thế giới duy nhất mà tất cả chúng ta đang sống.

Klingemann từng nói rõ quan điểm của anh về AI trong nghệ thuật: "Đối với tôi, AI chỉ là một công cụ trong lịch sử lâu dài của các công cụ nhất định được sử dụng cho mục đích nghệ thuật. 

Nhưng tôi muốn nói rằng tôi sử dụng AI như một công cụ và những tác phẩm tôi tạo ra bằng công cụ này là của tôi chứ không phải là sự hợp tác, giống như cách tôi sẽ không gọi một cái búa hay một cây dương cầm là "cộng tác viên"".

Nhưng cũng có một xu hướng AI art khác, mà ở đó máy móc thật sự được xem là cộng tác viên của con người.

Chân dung Edmond de Belamy (2018), được xem là bức họa AI đầu tiên, được bán với giá kỷ lục 432.500 USD, trong khi giá khởi điểm là chỉ là 7.000-10.000 USD.

Chân dung Edmond de Belamy (2018), được xem là bức họa AI đầu tiên, được bán với giá kỷ lục 432.500 USD, trong khi giá khởi điểm là chỉ là 7.000-10.000 USD.

AI là cộng sự

Họa sĩ người Canada gốc Trung Quốc Tố Quân (Sougwen Chung) có một cộng sự đắc lực - Doug4, hay Drawing Operations Unit, Generation Four. Doug thực chất là một robot. Nó dùng cần điều khiển để giữ cọ và phối hợp nhịp nhàng với Tố Quân, cùng cô vẽ lên trên một canvas lớn.

Trước COVID-19, Tố Quân đã thực hiện các buổi biểu diễn vẽ tranh có sự hỗ trợ của AI này qua livestream, trên sân khấu hoặc trong bối cảnh phòng trưng bày. Tại phòng trưng bày Gillian Jason ở London, một loạt bốn tác phẩm hợp tác với robot của Tố Quân được định giá 100.000 bảng Anh/bức.

Tố Quân làm việc cùng cộng sự AI.  Ảnh: Washington Post

Tố Quân làm việc cùng cộng sự AI. Ảnh: Washington Post

Tố Quân đã thiết kế và lập trình khoảng 20 Doug, với chi phí lên tới 8.000 USD cho mỗi robot. Cô nạp các bức vẽ của mình trong 20 năm cho chúng, khiến chúng thuần thục với việc mô phỏng các nét vẽ của mình. 

Doug4 thậm chí còn gắn bó mật thiết hơn với Tố Quân: Nó kết nối với dữ liệu sóng não của cô và điều này ảnh hưởng đến cách robot hành xử. Khi Tố Quân và robot của mình "song kiếm hợp bích", dữ liệu liên kết chặt chẽ thông qua các tín hiệu chuyển động và hình ảnh trực tiếp, tức thì, giống như các vũ công phối hợp nhịp nhàng.

Tố Quân thích gọi các Doug của mình là những cộng sự, giữa cô và chúng có sự tương tác và hợp tác. Ngôn từ của Tố Quân tiết lộ cách cô nghĩ về AI: robot không phải là nô lệ và cô ấy không phải lúc nào cũng là chủ nhân.

Tố Quân vẽ cùng "cộng sự". Ảnh trên web cá nhân của cô

Tố Quân vẽ cùng "cộng sự". Ảnh trên web cá nhân của cô

AI là kẻ làm thay

Rất nhiều người không có năng lực lập trình và am hiểu công nghệ mạng thần kinh như Klingemann, không có khả năng vẽ và tài chính để có những cộng tác robot như Tố Quân, nhưng họ vẫn có khao khát sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật nung nấu trong tim óc mình. 

Sự ra đời và phát triển các AI tạo sinh vào năm ngoái như DALL-E, Stable Diffusion và Midjourney đã khiến những mơ ước chính đáng này thành hiện thực.

Chỉ với các lời nhắc, một người có thể thực hiện được các "ý đồ nghệ thuật" của riêng mình, và AI đã làm được một điều kỳ diệu đó là "dân chủ hóa" sáng tạo nghệ thuật đến với mọi người.

Tác phẩm do tác giả đặt prompt cho Stable Diffusion.

Tuy nhiên, không phải lời nhắc nào cũng giống nhau. Anh Trung, một người nghiên cứu AI Art, cho biết cần phải am hiểu kỹ thuật nhắc (prompt engineering) mới có thể cho ra những bức ảnh ăn ý. 

Để thực hiện các ý đồ nghệ thuật, cần cung cấp một loạt các yếu tố như phong cách, ánh sáng, máy ảnh, nghệ sĩ, màu sắc, chất liệu, kích thước, độ sâu trường ảnh và chất lượng để bổ sung và sắp xếp lời nhắc.

Ngoài những lời nhắc tăng cường (positive prompt) lại cần sử dụng cả những lời nhắc giảm thiểu hiệu ứng (negative prompt). Đôi khi phải thử hàng trăm lời nhắc mới chọn ra được vài tấm ảnh phù hợp với ý tưởng của người nhắc (prompter).

Ngoài ra nếu muốn kiểm soát sâu hơn nguồn sáng, phối hợp các phong cách khác nhau, cần phải sử dụng các phần mở rộng (extension) như Control Net. Rồi để tinh chỉnh bức ảnh, có thể dùng công cụ inpainting và mở rộng không gian bức ảnh dùng outpainting. Không đơn giản chỉ là lời nhắc, nghề AI Art cũng lắm công phu.

Ảnh chụp do một người dùng nghiệp dư đặt câu nhắc cho Midjourney tạo.

Ảnh chụp do một người dùng nghiệp dư đặt câu nhắc cho Midjourney tạo.

Tóm lại, những quan điểm của Klingemann hay của Tố Quân thể hiện sự đa dạng và tiềm năng đóng góp của công nghệ AI vào quá trình phát triển không ngừng của nghệ thuật. Người dùng phổ thông thì đang có dịp thỏa sức sáng tạo với AI tạo sinh.

Cuộc tranh luận về vai trò của AI trong nghệ thuật vẫn đang tiếp diễn và có khả năng các nghệ sĩ khác nhau sẽ có quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Vẫn có nhiều nghệ sĩ phản đối việc "AI làm nghệ thuật", với nhiều lý do khác nhau. Một số người tin rằng nghệ thuật do AI tạo ra không thực sự sáng tạo hoặc độc đáo vì nó được lập trình bởi con người và thiếu khả năng tạo ra thứ gì đó thực sự mới lạ hoặc đột phá; ngoài ra nó còn thiếu sự tiếp xúc cá nhân và chiều sâu cảm xúc mà các nghệ sĩ con người có thể mang đến cho tác phẩm của họ.

Về mặt triết học hoặc đạo đức, số nghệ sĩ coi ý tưởng máy móc tạo ra nghệ thuật là sự vi phạm cơ bản trải nghiệm và sự sáng tạo của con người, đồng thời cho rằng chỉ có con người mới có khả năng sáng tạo.

Và tất nhiên là những người lo ngại rằng nghệ thuật do AI tạo ra sẽ thay thế các nghệ sĩ và dẫn đến ít cơ hội việc làm hơn cho họ.



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận