Nghe túi xách kể chuyện

HIẾU THẢO 28/01/2021 20:05 GMT+7

TTCT - Trong thế giới thuở chưa xuất hiện virus corona, bất cứ ai cũng cần một chiếc túi để mang theo một ít đồ cá nhân khi ra đường, từ thường dân đến người nổi tiếng như tổng thống hay các ngôi sao giải trí. Túi xách vì lẽ đó đã trở thành một trong những phụ kiện thiết thực và phổ biến nhất của thời trang trong suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm.

 

 Một góc không gian triển lãm.

Trong thời buổi mà việc diện túi trở nên vô nghĩa với những người chủ yếu ở nhà vì virus corona, Bảo tàng Victoria và Albert (London, Anh) lại mở triển lãm về lịch sử trăm năm của món “phụ kiện thời trang tối thượng”, theo cách gọi của tạp chí Smithsonian. Triển lãm (kéo dài đến tháng 9) có chủ đề “Túi xách: từ trong ra ngoài” giới thiệu bộ sưu tập túi xách từ thời Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất đến trào lưu túi hàng hiệu hiện đại nở rộ sau loạt phim đình đám Sex and the City, với hơn 300 chiếc túi, từ ví nhỏ cầm tay đến balô quân sự từ thế kỷ 16 đến ngày nay.

Mặc dù bảo tàng hiện đang đóng cửa không tiếp khách tham quan trong bối cảnh đợt phong tỏa mới nhất vì COVID-19 của Anh, nhưng những người đam mê thời trang có thể xem triển lãm trực tuyến. Những món phụ kiện đủ hình dạng, chất liệu và màu sắc này không chỉ nhắc nhở người xem về ý nghĩa lịch sử, xã hội và giai cấp mà còn hâm nóng lại tình yêu của nhân loại với mặt hàng thời trang thiết yếu kiêm biểu tượng phong cách này.

Lịch sử từ những chiếc túi

Trước khi có ví hay túi xách, phụ nữ sẽ… đeo lủng lẳng những vật dụng cần thiết bên người. Phụ kiện này phổ biến ở châu Âu vào thế kỷ 19, dưới dạng đính vào hông như chiếc ghim cài áo, gọi là chatelaine. Triển lãm có bày một chiếc chatelaine vào khoảng năm 1863, với 13 dụng cụ treo đó bao gồm một chiếc kéo, ví con, đê khâu, sổ tay nhỏ và kính lúp.

“Tính biểu tượng của loại phụ kiện này thật hấp dẫn. Nó thể hiện một cách rõ ràng những gánh nặng và trách nhiệm của phụ nữ, nhưng đồng thời cũng là một nét tô điểm, một chiến thắng tinh tế từ những công việc nhà không tên” - Rachel Cooke đã viết trong một bài đánh giá cho Observer.

                                                                          
                                   
                                                                          
                               
Chatelaine (trái) và túi đeo inro

Còn ở Nhật Bản vào thế kỷ 18, nam giới đeo inro, các hộp đựng nhiều tầng treo trên thắt lưng obi chứa con dấu cá nhân, mực và thuốc men. Inro trưng bày trong triển lãm tại Bảo tàng Victoria và Albert bao gồm các ngăn dành cho kanryō, một loại thuốc làm dịu gan và saikō, một loại thuốc kích thích tình dục. Một phiên bản “túi” gây chú ý nhất trong triển lãm lần này là một chiếc hộp đựng đồ màu đỏ tươi được Churchill sử dụng khi ông còn là bộ trưởng thuộc địa vào đầu những năm 1920.

Túi xách thường được tạo ra như những món đồ xa xỉ thể hiện địa vị của một người. Các nữ thợ may ở Pakistan thế kỷ 20 thêu một chiếc ví làm của hồi môn dành cho cô dâu có địa vị cao. Ở Paris thế kỷ 18, các nghệ sĩ làm việc hàng giờ đồng hồ để đính hạt những chiếc ví nhỏ bằng cách sử dụng một kỹ thuật được gọi là sablé (có nghĩa là phủ cát) để tạo ra một thiết kế đặc biệt đắt tiền, theo đơn đặt hàng riêng.

Đóng vai trò làm cầu nối giữa cá nhân và chính trị, một số túi xách được thiết kế để tạo ra một tuyên bố với thông điệp rõ ràng, mong muốn có thể gây tiếng vang và tạo nên những thay đổi nhất định trong xã hội. Vào năm 1827, một nhóm vận động bãi bỏ chế độ nô lệ có tên là Hiệp hội Phụ nữ Birmingham đã tạo ra một chiếc túi lưới nhỏ được trang trí bằng hình ảnh của một phụ nữ nô lệ da đen đang cho con bú. Phụ nữ trong xã hội đương thời đã sử dụng những chiếc túi như thế này để đựng và phân phát tài liệu chiến dịch chống chế độ nô lệ.

Với mục tiêu tương tự, chiếc túi “I’m Not a Plastic Bag” đình đám vào năm 2007 của Anya Hindmarch được sử dụng như một cách khuyến khích hạn chế sử dụng túi nhựa và “My Body, My Business” của Michele Pred được sử dụng như một cách trao quyền cho phụ nữ.

Ví đính đá thế kỷ 18 và túi với thông điệp chống chế độ nô lệ

Biểu tượng chiếc túi - bánh mì

Cây bút chuyên viết về phong cách sống Olivia Petter lưu ý trong một bài đánh giá cho tờ Independent rằng triển lãm V&A “tự hào trưng bày một loạt túi xách hiện đại sẽ gây ấn tượng với bất kỳ khách nào am hiểu về thời trang”. Trong số này có chiếc túi Birkin đầu tiên mà nhà mốt danh tiếng Hermès làm riêng cho người mẫu kiêm ca sĩ người Anh Jane Birkin năm 1984, sau khi cô phàn nàn về việc không thể tìm thấy chiếc túi da ưng ý khi ngồi trên máy bay bên cạnh giám đốc điều hành Jean-Louis Dumas của Hermès.

Ngày nay, các thiết kế sinh sau đẻ muộn của chiếc túi này vẫn nổi tiếng là một trong những chiếc túi xách đắt nhất thế giới, giá dao động từ 10.000 đến 150.000 bảng Anh. “Chính sự khan hiếm của túi Birkin đã khiến nó trở nên đáng mơ ước... Mọi thứ xuất phát từ ý tưởng rằng nếu bạn chạm tay vào một chiếc túi hiệu, bạn là một phần của thế giới xa hoa đó” - giám tuyển Lucia Savi giải thích.

Túi Birkin 1984

Ngoài ra, khách tham quan cũng sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng chiếc ví Fendi đính sequin màu tím mang tính biểu tượng mà diễn viên người Mỹ Sarah Jessica Parker đã đeo trong vai Carrie Bradshaw trong phim Sex and the City. Trong tập phim khi cô bị giật túi ngoài đường, Carrie vẫn cố gắng “sửa lưng” một tên cướp đang hung hăng giành lấy món phụ kiện hàng hiệu thời thượng của mình. “Nó không chỉ là một chiếc túi. Đó là một chiếc túi bánh mì (vì chiếc túi Fendi có hình dáng như một ổ baguette)!” - cô tuyên bố.

Khi Silvia Venturini Fendi, cháu gái thế hệ thứ 3 của nhà sáng lập thương hiệu Fendi, được giao nhiệm vụ sáng tạo ra một chiếc túi “có tính thực tiễn” cho phụ nữ, ý tưởng ban đầu của cô chỉ là tạo ra một chiếc túi giản tiện nhưng nhiều công năng, có quai đeo ngắn cho phép phụ nữ chuyển động dễ dàng.

Thành công của Fendi Baguette nằm ngoài dự đoán của hãng thời trang này khi chiếc túi xách này thu hút một lượng lớn fan hâm mộ và nhanh chóng trở thành chiếc túi được săn lùng nhiều nhất trên khắp thế giới. Hơn 1.000 phiên bản “bánh mì baguette” cầm tay ra đời sau này có giá từ 350 đến 29.000 đôla Mỹ tùy vào chất liệu, độ hiếm và giá trị sưu tầm của từng mẫu.

Túi "bánh mì baguette" xuất hiện trong phim Sex and the City năm 2000.

“Chúng tôi đặt tên mẫu túi là Baguette theo tên một loại bánh mì ổ của Pháp - người ta thường kẹp chúng sát vào người bằng cánh tay. Kiểu dáng túi này dễ đeo nhưng vẫn bảnh và trông lịch sự, kích thước cỡ bằng ổ bánh mì cũng là vừa đủ để phụ nữ mang theo những đồ lặt vặt thiết yếu. Không nhiều hơn. Cũng không ít hơn” - Silvia Venturini Fendi chia sẻ. ■

(Ảnh trong bài: Bảo tàng Victoria 

và Albert)

Để có thể giới thiệu sâu hơn về lịch sử hấp dẫn của món phụ kiện không hề khiêm tốn này, giám tuyển Lucia Savi đã dành hơn hai năm cẩn thận lựa chọn những món phù hợp. Khoảng 80% lựa chọn trưng bày của cô ấy đến từ 2.000 chiếc túi có sẵn trong kho lưu trữ của Bảo tàng Victoria và Albert; 20% còn lại mượn từ các bộ sưu tập tư nhân và những người nổi tiếng như siêu mẫu Kate Moss và biểu tượng thời trang nước Anh Alexa Chung.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận