Nghị sĩ Quốc hội Pháp Stéphanie Do: Tôi luôn cần thử thách mới

CODET HANOI 06/02/2024 06:09 GMT+7

TTCT - Sang Pháp năm 11 tuổi, tới năm 2017, Stéphanie Do chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp, trở thành người phụ nữ Pháp gốc Việt đầu tiên di cư tới Pháp được bầu làm nghị sĩ

Sang Pháp năm 11 tuổi, tới năm 2017, Stéphanie Do chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp, trở thành người phụ nữ Pháp gốc Việt đầu tiên di cư tới Pháp được bầu làm nghị sĩ. Cuốn sách Đường tới Quốc hội của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên của cô kể lại hành trình bước vào chính giới của mình. 

Cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ Cuối Tuần hé mở nhiều câu chuyện khác của cô cùng những ước vọng sâu đậm cho quê hương.

Stéphanie Do tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tháng 8-2023. Ảnh: ĐỖ TẤN ĐẠI

Stéphanie Do tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tháng 8-2023. Ảnh: ĐỖ TẤN ĐẠI

Tự hào và biết ơn tổ tiên

Mở đầu cuốn sách, chị nhắc tới câu: "Đừng quên bạn là nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên và là dân nhập cư ở Pháp". "Dân nhập cư" thường có những khó khăn gì, dưới góc nhìn của chị?

- Đường vào lĩnh vực chính trị của Pháp khó khăn ngay cả đối với một người Pháp bản địa. Đối với một phụ nữ Pháp gốc Việt có nguồn gốc nhập cư và là người đầu tiên ra tranh cử nghị sĩ Pháp, con đường này dường như bị đóng lại hoàn toàn. Khó khăn, nhưng tôi luôn tự hào về nguồn cội Việt Nam, thân phận một phụ nữ Việt Nam, di sản của tổ tiên và cả lòng biết ơn của tôi đối với nước Pháp. Vì tất cả những lý do này, tôi ước mơ được phục vụ và cống hiến cho đất nước Pháp và giúp đỡ Việt Nam nhiều nhất có thể.

Tôi cảm thấy có trách nhiệm trong mọi hoạt động của mình và mong muốn truyền lại những gì tôi học được trong chính trị Pháp, cả con đường của cuộc sống và hành trình nghề nghiệp của tôi. Tôi là người luôn cần những thử thách mới.

Chị thường nhấn mạnh hai từ "tổ tiên". "Tổ tiên" với chị, có thể hiểu là những gì?

- Điều này có tầm quan trọng đáng kể đối với tôi. Một mặt, tôi lớn lên bên cạnh ông nội và bà nội, những người đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục của tôi cho đến khi tôi 11 tuổi. 

Mặt khác, tôi xuất thân từ một gia đình trí thức, có lòng tận tụy với xã hội và đất nước từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây vừa là nguồn tự hào và cũng là động lực giúp tôi làm điều tốt nhất có thể trong cuộc sống để xứng đáng với tổ tiên của mình.

Mỗi lần về Việt Nam tôi đều về quê để thắp hương tưởng nhớ các cụ. Ông cố nội tôi là thầy giáo Đỗ Quang Đẩu dạy tiếng Pháp và tiếng Việt tại Trường trung học Pháp Jean-Jacques Rousseau (nay là Trường Lê Quý Đôn). 

Cụ nổi tiếng với những tác phẩm chứa những bài học làm người và cách sống qua thơ, ca dao, tục ngữ, góp sức quan trọng trong sự phát triển của chữ viết tiếng Việt hiện đại. Cụ đã được trao tặng Bắc đẩu bội tinh và tại TPHCM có một con đường mang tên cụ ở quận 1.

Ông nội tôi là Đỗ Quang Huê, từng giữ chức chánh án Tòa án nhân dân tối cao Bạc Liêu thời kỳ Đông Dương. Từ ông nội, tôi thừa hưởng tính công bằng, sự chăm chỉ, sự kiên trì và uy quyền. Bà nội tôi vốn là một nhan sắc Gò Công, bà là em gái của sư Thiện Chiếu. Tôi cũng được bà dạy dỗ rất nhiều.

Bố tôi là giáo sư toán, lý và hóa ở Trường trung học Nguyễn Bá Tòng (nay là Trường THPT Bùi Thị Xuân), cũng là một kiến trúc sư đam mê âm nhạc và thể thao. Bố tôi dạy tôi chơi đàn guitare, vẽ chân dung, chơi bóng bàn, bơi lội và cầu lông khi còn nhỏ, luôn tươi cười, lạc quan, coi trọng bạn bè.

Trong ký ức của chị, những ngày tuổi thơ ở Việt Nam là những ngày thế nào?

- Tôi có những kỷ niệm rất đẹp về Việt Nam. Gia đình tôi không phải lo lắng về tài chính, cuộc sống hằng ngày rất yên bình bởi bố mẹ tôi được làm đúng nghề đam mê của họ. Bố mẹ tôi luôn vui vẻ và rộng lượng, thường hay giúp đỡ những người gặp khó khăn. 

Những ngày tuổi thơ ở Việt Nam là những ngày hạnh phúc bình yên, và đây là một trong những lý do tôi tiếp tục học tiếng Việt, xem tin tức tiếng Việt, đặc biệt là phim Việt Nam. Tôi về Việt Nam cùng gia đình hầu như mỗi năm vào mùa hè từ 2006 ngoại trừ thời kỳ Covid-19. 

Trở về quê hương, tìm lại nguồn gốc của mình, tôi không thấy một khoảng cách nào. Tôi mơ ước một ngày có thể làm việc và sinh sống ở cả hai nước Pháp và Việt Nam.

Khi sang Pháp, gia đình chị đã phải thích nghi thế nào? Có những ký ức gì mà chị muốn quên nhất?

- Chúng tôi đến Pháp theo hệ thống đoàn tụ gia đình. Tôi hiểu rằng cuộc sống của gia đình mình đã thay đổi khi phải qua hai trung tâm tị nạn liên tiếp để làm thủ tục hành chính. Ở đây, bố mẹ tôi không có nguồn tài chính nào cả. 4 tháng trôi qua trong các trại tị nạn quả là thử thách khắc nghiệt với chúng tôi. 

Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ được người thân đón về nhà khi đến Pháp, nhưng vấn đề nhà ở giải quyết rất trễ và vì thế, chúng tôi buộc phải qua hai trung tâm tị nạn. Đoạn đường khổ ải này đã giúp tôi hiểu rõ hơn những người phải sống hàng tháng, thậm chí hàng năm ở các trại tị nạn: bạn không còn là người làm chủ số phận của mình nữa khi trong tay bạn không có gì, không biết nói tiếng Pháp, và phải xây dựng lại mọi thứ ở một đất nước mới.

Nhưng không có điều gì tôi muốn xóa khỏi ký ức của mình, nếu không, tôi sẽ không là Stéphanie Do ngày hôm nay. Đây là những thử thách cuộc sống tạo nên tính cách. Tôi lưu giữ những kỷ niệm ấy. 

Đến giờ, mỗi khi phải đối mặt với một trở ngại nào đó, tôi chỉ cần nhớ lại những ngày đầu ở Pháp và cuối cùng mọi thứ dường như thật đơn giản để vượt qua.

Nghị sĩ Quốc hội Pháp Stéphanie Do: Tôi luôn cần thử thách mới- Ảnh 2.

Một cô bé 11 tuổi đã không chỉ hòa nhập "nhanh" mà còn vượt trội, chị đã làm những gì để có những bước tiến lớn trong đời?

- Trong năm đầu tiên học ở lớp 6, tôi phải học ở lớp dành cho những đứa trẻ chưa nói được tiếng Pháp hoặc chỉ mới biết chút ít. Tôi nhận ra rất nhanh rằng nếu muốn được vào một lớp học bình thường như bao đứa trẻ khác, tôi phải chăm chỉ và trau dồi vốn tiếng Pháp. 

Năm 11 tuổi, tôi ngủ rất ít (4-5 tiếng mỗi đêm) và có nhiều đêm không ngủ để hoàn thành bài tập về nhà. Năm đầu tiên, tôi vẫn phải dịch tiếng Pháp sang tiếng Việt để hiểu, nhưng việc này không còn cần nữa khi tôi vô lớp 7 vào năm sau. 

Trong mỗi khoảnh khắc đi học, tôi đều nhớ rằng bố mẹ tôi đã bỏ lại tất cả ở Việt Nam để tôi được sang Pháp học. Vì vậy, tôi không thể làm họ thất vọng, quyết tâm làm cho sự hy sinh của họ trở nên có ý nghĩa và chăm sóc họ.

Mẹ của chị đã khóc ở sở tiếp nhận từ trại tị nạn, trên đường tới một ngôi làng và khi quyết định lên Paris để sống… Các quyết định của bà thật mạnh mẽ. Trong đời mình, có khi nào chị cũng phải quyết định việc gì đó quan trọng như vậy chưa?

- Mẹ tôi sinh ra ở Hà Nội, bà là một người phụ nữ rất đảm đang, chăm chỉ và rộng lượng. Vì hạnh phúc và tương lai của các con, bà sẵn sàng hy sinh tất cả, vượt qua những trở ngại tưởng chừng như không thể vượt qua và đưa ra quyết định theo bản năng làm mẹ của mình. Tôi thừa hưởng những nét tính cách này từ mẹ.

Về việc ra quyết định, điều này được phản ánh trong cam kết của tôi đối với chính trị. Tôi ủng hộ ứng cử viên Emmanuel Macron từ lúc bắt đầu phong trào En Marche vào năm 2016 dù tại thời điểm đó ông ấy không phải là ứng cử viên được coi là có thể thắng trong cuộc đua bầu tổng thống năm 2017. 

Và rồi, dù gia đình khuyên tôi không nên tham gia chính trị, tôi vẫn ra ứng cử cuộc bầu nghị sĩ Pháp, lúc là một phụ nữ Pháp gốc Việt trẻ (37 tuổi), và chưa có kinh nghiệm quản lý địa phương.

Bằng quyết tâm cao độ, cô đã thực hiện mọi nhiệm vụ để xứng đáng nắm lấy những chức vụ cao nhất. Stéphanie Do là hiện thân của nguyện ước giải phóng khắc sâu trong tâm khảm nước Pháp
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Tiếp cận cuộc sống bằng thơ ca và triết học

Một cô gái trẻ quyết tâm học vì gia đình gặp khó khăn, tập thể thao một mình hoặc với bố để đỡ mất tiền, học khuya và rất suy tư, phải nói chị đã có tố chất và ý chí từ nhỏ.

- Tôi tin rằng tôi được thừa hưởng từ ông cố nội niềm yêu thích văn học, thơ ca và triết học, cũng như mong muốn được truyền tải kiến thức và quan tâm đến đời sống của người dân. 

Đối mặt với những trở ngại lớn, tôi tiếp cận cuộc sống bằng rất nhiều thơ ca và triết học. Tôi đặt từng tình huống vào góc nhìn lạc quan, ghi nhớ những điều tích cực mang tính xây dựng trong mọi việc. Từ ông nội, tôi thừa hưởng tính công bằng, sự chăm chỉ, sự kiên trì và uy quyền.

Mục tiêu của tôi không phải là chứng minh điều gì đó với người khác mà là chứng tỏ bản thân mình. Tôi từng thất bại giống như mọi người, nhưng chúng không làm tôi sợ hãi. Tôi muốn đo khả năng của mình trong các dự án mà tôi không phải là chuyên gia. Điều quan trọng là có niềm tin trong việc biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Chị từng bị đe dọa về tính mạng, nhất là vì xuất thân từ châu Á, khi đảm nhận vai trò trong quốc hội. Chị làm gì trước những sự đe dọa ấy?

- Trong cuộc sống, tôi không sợ bất cứ điều gì, nhất là khi bạn nhìn thấy chặng đường tôi đã trải qua. Và càng ít sợ hơn khi chọn con đường chính trị để phục vụ người dân và đất nước. Một nữ chính trị gia không nên sợ hãi trước bất kỳ hình thức đe dọa nào. 

Tôi sẽ cho bạn một ví dụ còn quan trọng hơn cả những lời dọa giết vì tôi là một người Pháp gốc Á. Tôi đã đối mặt với cái chết trong giai đoạn khó khăn nhất là đại dịch Covid-19: con gái tôi mới 2 tuổi, tôi là một trong số những nghị sĩ hiếm hoi tới quốc hội từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 ở Pháp, khi chưa có vắc xin, không có khẩu trang và không có hiểu biết sâu sắc về căn bệnh này. Tôi tự làm khẩu trang, đến quốc hội trong khi toàn bộ nước Pháp đang bị phong tỏa.

Điều cần thiết lúc đó là phải có những nghị sĩ như tôi bỏ phiếu về ngân sách, giải quyết tình trạng thất nghiệp một phần cho đồng bào của chúng tôi, hỗ trợ các doanh nghiệp và cung cấp nơi ở cho những người vô gia cư.

Tôi cũng đã đấu tranh để Việt Nam nhận được sự tài trợ vắc xin từ Pháp, 600.000 liều vắc xin đã được gửi đến Việt Nam (Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai nhận tài trợ vắc xin từ Pháp, sau Tunisia). Đối với khu vực bầu cử của tôi, tôi ưu tiên phân phát khẩu trang cho người cao tuổi từ số khẩu trang mà tôi nhận được. Cứ bình tĩnh thôi, kể cả khi bạn nhận được những lời đe dọa!

Khi chị trở thành nghị sĩ, vì sao cha mẹ chị lại có thái độ rất bình thản trước thành tích của con mình như vậy?

- Tôi lớn lên trong một gia đình mà bố mẹ tôi rất hiếm khi chúc mừng những thành công của con cái. Mặt khác, họ quan tâm đến sức khỏe và sự an toàn của tôi, chỉ bảo tôi bớt đam mê, làm việc ít hơn và chăm sóc bản thân.

Cho phần tiếp theo của cuốn sách, tôi đang chờ mọi phản hồi trước khi bắt đầu viết, nhưng tôi hứa, phần tiếp theo sẽ đầy bất ngờ và thú vị như phần đầu.

Chân thành cảm ơn chị và chúc chị luôn thành công.

Trong vai trò nghị sĩ, Stéphanie Do đã tích cực tham gia chiến dịch chống Covid-19 và đề nghị tổng thống Pháp tặng Việt Nam 600.000 liều vắc xin. Cô biểu quyết bãi bỏ ngân sách dự trữ quốc hội vốn là khoản trợ cấp của nhà nước cho phép các đại biểu tùy nghi sử dụng, ủng hộ các chính sách giúp Pháp giảm bớt tỉ lệ thất nghiệp, giúp đỡ người già, bảo vệ quyền bình đẳng nam nữ, đối mặt với thách thức khí hậu và chuẩn bị cho tương lai của giới trẻ…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận