TTCT - Người phương Tây sang châu Á luôn mắt chữ A mồm chữ O khi thấy từ nam đến nữ, từ lớn tới bé ở châu Á ngồi xổm thật dễ dàng. Ảnh: dear.sg Từ Việt Nam đến Thái Lan, từ Trung Quốc đến Malaysia, đàn ông và phụ nữ có thể ngồi xổm ở đâu mà họ thấy thoải mái. Người ta ngồi chồm hổm khi bán hàng ở chợ, lề đường, khi giặt đồ, gội đầu, thậm chí khi ăn uống và dĩ nhiên khi đi vệ sinh trong nhà vệ sinh kiểu bệt.Hầu hết người phương Tây tin rằng họ không thể ngồi xổm. Tư thế giống nhất là họ sẽ nhón gót, ngồi trên mũi hai bàn chân, đổ người về phía trước, và họ khó mà vào nổi tư thế “Asian squat” - hạ mông xuống thấp nhất có thể, cả hai bàn chân chạm đất và giữ thăng bằng cho toàn bộ cơ thể.Bí ẩn trong mắt phương TâyNgười châu Á có lẽ đã ngồi xổm từ xa xưa, khi họ chưa biết đến nhà vệ sinh kiểu ngồi của phương Tây. Để ngồi xổm đúng điệu đòi hỏi sự linh hoạt và luyện tập vì trăm hay cũng không bằng… ngồi quen. Nhà trường không dạy học sinh cách ngồi xổm, nhưng nhiều người châu Á rõ ràng đã lớn lên với kiểu ngồi này nên thực hiện nó dễ dàng.Với người phương Tây, họ cần mô tả một chút mới có thể ngồi cho đúng, chẳng hạn: “động tác ngồi xổm là một chuỗi chuyển động nhiều bước trong đó chúng ta phải gập hông, đầu gối và khớp mắt cá chân để vào tư thế cuối cùng”, theo Bryan Ausinheiler - một nhà vật lý trị liệu ở California. Người phương Tây, nếu có, thỉnh thoảng chỉ ngồi kiểu này khi tập các bài tập thể dục, còn thì vẫn là kiểu ngồi nhón gót.Theo tác giả Sarah Zhang của tạp chí The Atlantic, sở dĩ có từ “Asian squat’”là vì tư thế này quá phổ biến ở châu Á trong khi hiếm thấy ở phương Tây, chứ việc ngồi xổm hay bệ xí bệt không phải là thứ chỉ châu lục này mới có. Trái lại, về lý thuyết, ngồi xổm là một hành động xưa nay ai cũng có thể làm. Khi sinh ra, khớp mắt cá của trẻ con thuộc mọi chủng tộc đều rất linh hoạt, cho phép việc gập duỗi dễ dàng nên ngồi xổm chẳng phải là điều gì tạo hóa biệt đãi riêng người châu Á. “Con người sinh ra đã có thể ngồi xổm, chúng ta chỉ thất bại khi ngừng cố gắng” - Zhang viết. Ngồi xổm là tư thế ngồi phổ biến ở châu Á - Ảnh: lifestyletraveller.com.auBí quyết thành côngBí mật của thứ được coi là tuyệt kỹ của dân Á châu này nằm ở tính linh hoạt của mắt cá. Trong một nghiên cứu năm 2009 ở Nhật Bản, người ta phát hiện những người đàn ông không ngồi xổm được là những người có khớp mắt cá chân thiếu sự linh hoạt.Bản thân Ausinheiler cũng đã đo độ mở của mắt cá chân của con gái khi bé một ngày tuổi và phát hiện khớp này có thể gập đến 70 độ. Vấn đề là với phần lớn người đã trưởng thành ở phương Tây, khớp mắt cá chân họ cứng lại và chỉ còn gập được khoảng 30 độ. Sự phổ biến của ghế, nhà vệ sinh kiểu ngồi làm cho ngồi xổm không còn phổ biến, nên sự linh hoạt cần thiết ở hông, đầu gối và khớp mắt cá chân của nhiều người dần kém đi, khiến họ khó khăn khi ngồi xổm.Ngoài ra, hình dáng cơ thể cũng là một yếu tố quan trọng: chân ngắn, đầu to, lưng dài giúp chúng ta dễ thăng bằng hơn khi ngồi xổm - điều này cũng lý giải vì sao hầu hết trẻ em, kể cả trẻ em phương Tây, nơi ngồi xổm không phổ biến, đều có thể ngồi xổm dễ dàng. Khi ngồi xổm, hông và mắt cá chân là hai nơi chịu lực nhiều nhất. Nhiều người đơn giản là không quen. Họ cũng sử dụng sức mạnh của cơ bụng và cơ đùi khi ngồi xổm. Nếu không quen dùng những nhóm cơ này, một số người sẽ thấy ngồi xổm là việc khá khó khăn. Chỉ có sự thành thục mới giúp chúng ta ngồi xổm tự nhiên như không. Người châu Á ngồi xổm khi còn nhỏ tới khi trưởng thành nên ngồi xổm với họ là dễ dàng.Với một số người chân dài, họ đơn giản là thấy ngồi xổm quá khó khăn. Ausinheiler - người mà Zhang mô tả là “vừa ám ảnh với chuyện ngồi xổm vừa có chuyên môn sinh lý học” - cho biết anh có 3 anh em và mỗi năm anh đều thử khả năng ngồi xổm của họ. “Tôi phát hiện rằng trong 4 người chúng tôi, tôi ngồi xổm tốt nhất, dĩ nhiên vì đó là do tôi biết cách ngồi sao cho đúng. Một người em của tôi có chân ngắn hơn tôi, em ấy ngồi xổm cũng khá dễ dàng. Người anh có chân dài nhất là người chật vật nhất khi ngồi xổm” - Ausinheiler nói.Adam Wright, nhà sáng lập trang lifehackerguy.com, cho rằng sự linh hoạt của cơ khớp và thực hành thường xuyên là yếu tố quan trọng để chúng ta ngồi xổm dễ dàng. Nếu không quen, ngồi xổm cũng có thể gây nguy hiểm. Khi ngồi xổm, mắt cá chúng ta gập lại, tư thế này khiến mắt cá chịu nhiều áp lực, có thể làm chúng ta không thoải mái hoặc đau khớp mắt cá. Nó cũng có thể làm tổn thương mắt cá. Với tư thế ngồi xổm, lưng chúng ta không có chỗ dựa, nhiều người có thể bị mỏi và đau lưng vì các cơ ở lưng phải gồng lên để giữ thẳng cột sống. Người bị đau lưng, đau mắt cá chân thường cảm thấy ngồi xổm khó khăn hơn với họ, Wright cho biết. Lợi ích sức khỏeNgồi xổm có nhiều lợi ích cho cơ thể. Khi làm đúng, nó giúp chúng ta cải thiện sự linh hoạt, tăng lưu lượng máu và tăng cường sức mạnh cho các cơ và khớp ở chân, hông và mông. Ngoài ra, nó có thể giúp cải thiện sự cân bằng và phối hợp.Và bất ngờ chưa, ngồi xổm giúp cho chúng ta đi đại tiện dễ dàng hơn. Năm 2003, Dov Sikirov làm một nghiên cứu để so sánh việc rặn khi đại tiện ở ba tư thế: ngồi ở bồn cầu tiêu chuẩn (cao 41 - 42 cm), ngồi ở bồn cầu thấp (cao 31 - 32 cm) và ngồi ở nhà xí bệt. 28 tình nguyện viên khỏe mạnh từ 17 - 66 tuổi, chức năng ruột bình thường được yêu cầu sử dụng đồng hồ điện tử để ghi lại thời gian thực tế cần thiết để họ làm xong việc "đi nặng" với ba kiểu bồn cầu. Họ cũng phải ghi lại đánh giá chủ quan của mình là đã phải vận bao nhiêu thành công lực để "giải phóng nỗi buồn". Nghiên cứu kết luận: khi “đi nặng” ở tư thế ngồi cần vận nhiều nội công hơn so với tư thế ngồi xổm.Vậy tại sao ngồi xổm lại tốt hơn? Khi thức ăn di chuyển từ dạ dày đến ruột non, dịch tiêu hóa sẽ phân hủy tất cả. Chất dinh dưỡng từ thức ăn di chuyển qua thành ruột non vào máu. Chất thải còn lại sẽ hòa với nước trong ruột già để tạo thành phân. Phân sẽ nằm lại trong trực tràng cho đến khi chúng ta sẵn sàng đại tiện qua cánh cổng “số 2”. Trong cơ thể chúng ta có một cơ hình chữ U gọi là cơ mu trực tràng bao quanh trực tràng, giữ cho phần dưới ruột uốn cong, nhờ đó phân được giữ an toàn bên trong, tránh cho chúng ta gặp những tai nạn đáng xấu hổ. Cơ chế này giống như đường ống nước bị gấp lại để ngăn nước chảy ra ngoài. Khi cần “đi nặng”, trực tràng co lại, cơ mu trực tràng giãn ra, phân không bị cản trở sẽ được “đường thông hè thoáng” bon bon ra khỏi cơ thể.Các nhà khoa học tin rằng khi “đi nặng” trong tư thế ngồi, đường gấp khúc trong trực tràng chúng ta không thẳng ra. Điều này buộc chúng ta phải vận nhiều “nội công” hơn để đẩy chất thải ra ngoài. Trong khi đó, ngồi xổm cho phép cơ mu trực tràng thư giãn và kéo thẳng đoạn trực tràng, tạo một con đường thẳng thuận lợi hơn. Ngoài ra, nó còn giúp toàn bộ quá trình “đi nặng” nhanh hơn, dễ dàng hơn, ít căng thẳng hơn và hiệu suất hơn khi “vật chất” được đẩy ra ngoài nhiều hết mức có thể.Tại Nhật Bản, 6 tình nguyện viên đã đồng ý cho các nhà khoa học dùng thuốc cản quang (thuốc để tăng hấp thu tia X) bơm vào trực tràng của họ để quan sát cấu trúc của cơ quan bên trong sử dụng nhà vệ sinh tư thế ngồi và bệt. Quá trình các tình nguyện viên giải phóng “vật chất” khi “đi nặng” ở tư thế ngồi và ngồi xổm được quay bằng phương pháp chụp X-quang trực tiếp. Các nhà nghiên cứu nhận thấy góc hậu môn trực tràng được mở rộng hơn ở tư thế ngồi xổm. Người tham gia cũng ít bị căng bụng hơn khi ngồi xổm. Vì giúp cho quá trình “đi nặng” dễ dàng hơn, tư thế ngồi xổm được cho là giúp giảm táo bón và ngăn ngừa bệnh trĩ. Thống kê cho thấy những người vẫn sử dụng nhà xí bệt ở các nước châu Á và châu Phi có tỉ lệ mắc táo bón và bệnh trĩ thấp hơn, điều này có thể do ngồi xổm nhưng cũng có thể các yếu tố khác như chế độ ăn, thể dục, thuốc và nước cũng có ảnh hưởng.Những người phải rặn quá mức khi “đi nặng” cũng có thể dễ bị rách niêm mạc hậu môn (nứt hậu môn). Một nghiên cứu ở Pakistan với những người bị nứt hậu môn với các biểu hiện như đại tiện đau, chảy máu trực tràng và khó ngồi cho thấy nếu họ bắt chước tư thế ngồi xổm, bằng cách kê chân trên một cái đôn hay ghế thấp khi ngồi trên bệ ngồi toilet, thì sẽ giảm đáng kể các biểu hiện đau.Điều thú vị là, trong khi các khu vực đô thị ở nhiều nước châu Á đã chuyển đổi và hầu như sử dụng nhà vệ sinh ngồi, phương Tây đang dần đánh giá cao lợi ích của nhà vệ sinh kiểu ngồi xổm. Để bắt chước tư thế ngồi xổm, Công ty Squatty Potty giới thiệu sản phẩm là chiếc ghế đôn có thể “chấm dứt bệnh trĩ, ngăn ngừa bệnh trực tràng, cải thiện sàn chậu và cung cấp nhiều lợi ích khác”. Chiếc ghế dùng để kê chân khi đi vệ sinh này cũng có thể hữu ích cho người lớn tuổi có vấn đề về khớp, những người khó ngồi xổm. Với những người thường xuyên bị táo bón, chiếc ghế này có thể thay thế thuốc nhuận tràng và nó dường như không có bất kỳ rủi ro nào khi sử dụng.■ Tags: Sức khỏeChâu ÁPhương TâyNGỒI xổmXương khớp
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Hạ Thái Lan, tuyển futsal nữ Việt Nam vô địch Đông Nam Á ĐỨC KHUÊ 21/11/2024 Tối 21-11, tuyển futsal nữ Việt Nam đánh bại Thái Lan trong trận chung kết Giải futsal nữ Đông Nam Á để giành chức vô địch.
TP.HCM đề xuất miễn phí đi metro số 1 cho 5 nhóm đối tượng THẢO LÊ 21/11/2024 TP.HCM kiến nghị miễn phí vé cho người có công cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, người đi các tuyến xe buýt kết nối với metro số 1 và người đi metro trong 30 ngày.