Ngọn đèn năm cũ...

HỒ SĨ BÌNH 13/03/2012 22:03 GMT+7

TTCT - Nơi ngã tư đường Hải Phòng - Ông Ích Khiêm, gần ga Đà Nẵng có một hàng quán bán cháo gà, cháo vịt, bún bò. Hàng quán cũng tuềnh toàng với một tấm nilông trên đầu và vài cái bàn nhỏ kê sát dọc theo vỉa hè nhưng thức ăn lại rẻ và ngon nên khách cứ lai rai ghé lại.

Quán bán suốt đêm, khách thường là giới bình dân làm nghề chạy xe thồ, khách đi tàu về khuya, những công nhân đi làm đêm... Bà lão bán quán cũng đã tròm trèm 80 tuổi nhưng thao tác còn nhanh nhẹn lắm.

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

Những đêm đi chơi về khuya, tôi với mấy người bạn cũng thường ghé lại. Vắng khách, hay trò chuyện với bà. Bà lão người Huế, theo chồng vào Đà Nẵng lập nghiệp, cũng nhờ cái quán cỏn con này mà sau khi chồng mất bà đã một mình nuôi con khôn lớn. Giờ thì đứa nào cũng thành đạt, cháu nội cháu ngoại đầy đàn.

Mấy cậu con trai lớn đã nhiều lần họp bàn, thôi mẹ già rồi chẳng phải nuôi ai, mà con cái đều thành đạt, mẹ nghỉ ngơi cho khỏe. Không thì miệng đời nói vô nói ra, răng con cái cứ để cho mẹ già phải còng lưng suốt đêm bên hè vắng. Có lần, con trai đầu còn dụ khị đưa mẹ đi du lịch Thái Lan, cho mẹ có cớ “bỏ quách” quên đi quán xá.

Nhưng rồi lão vẫn không thể bỏ, bà lão bảo. Ngồi không buồn chết đi được, nhớ cảnh nhớ người nhớ những đêm sâu hun hút, làm răng chừ. Mà chú biết không, tui ngồi ri ba chục năm rồi, ba chục năm không đêm nào ngủ, chừ làm răng mà ngủ, đêm nằm mà mắt cứ thao láo mệt trong người lắm… Vả lại, con cái nên người cũng nhờ chỗ ni, răng mình nỡ phụ.

Ghé lại nhiều lần mới thấy rằng bà lão là một người buôn bán nhân từ. Nhiều lần để ý, dù là khách quen nhưng đều kêu một đĩa thức ăn có cùng một giá mà bàn bên cạnh với khách là mấy người bốc vác ngồi nhâm nhi, đĩa thức ăn của họ nhiều hơn bên bàn tôi. Thử hỏi, bà lão mới nói thiệt chú khác, họ khác (có lẽ bà biết mình không phải là người lao động chân tay), dân lao động cực lắm, thêm thắt chút ít ăn cho no thôi mà.

Lần khác, đứa giúp việc định bưng thức ăn cho khách, liếc mắt thấy đám khách là người lao động, bà kéo lại vội vàng bỏ thêm mấy miếng thịt. Tôi thấy quý bà lão hơn, quý cái phẩm hạnh sâu kín của một người có một đồng hồ sinh học ròng rã suốt 30 năm không đêm nào chợp mắt.

Mấy năm gần đây, dù tuổi già sức yếu, bà lão quấn một chiếc áo lạnh ngồi yên trên chiếc ghế dựa, mọi việc bếp núc đều do đứa cháu gái làm, bà chỉ là người “cố vấn”. Dù vậy, đêm đêm nơi góc vỉa hè ấy, ngọn đèn khuya vẫn chưa bao giờ tắt, như hiện thân của lòng yêu mến công việc thầm lặng mà bền bỉ của một con người đang chống chọi với sự giới hạn của thời gian.

Nhưng rồi điều không ai muốn đã đến. Thời gian gần đây, ngọn đèn lúc tắt lúc đỏ, có lẽ bà lão đã suy kiệt sức lực. Những khách quen lâu năm ngơ ngác ngang qua góc ngã tư đường cảm thấy bất an, lo lắng. Và đã mấy tuần nay, ngọn đèn tắt hẳn, không còn một chút hi vọng hồi sinh, bóng tối đã mang theo người muôn năm cũ đi mất rồi...

Bộ râu của ông già

Ông già bước vào quán cắt tóc, bàn tay mân mê chòm râu bạc như cước, tần ngần nhìn vào chiếc gương rồi cất tiếng nói khàn đục: “Cắt hộ tui bộ râu”. “Bộ râu đẹp vậy sao lại cắt đi hả ông?” - người cắt tóc thắc mắc. Ông già tặc lưỡi: “Vướng lắm!”. Vậy là chòm râu bạc trắng rơi xuống đất. Khuôn mặt ông già nhẵn thín, ngượng ngạo, tiếc nuối, đôi mắt ông cứ nhìn trừng trừng vào chiếc gương một lúc lâu.

Ông già ấy cắt bộ râu của mình không phải vì vướng, ông nuôi nó bao nhiêu năm nay, nó là niềm tự hào của ông khi người ta cứ xuýt xoa khen đẹp. Nhưng sáng nay ông lại quyết định cắt đi bộ râu.

Bao năm nay ông là đôi chân cho đứa cháu ngoại tật nguyền mồ côi cha lẫn mẹ. Suốt 12 năm trời, nắng cũng như mưa ông cõng cháu tới trường. Rồi cháu đậu đại học, ông theo cháu khăn gói vào Sài Gòn, lại tiếp tục làm đôi chân cho cháu vào giảng đường.

Nhưng đêm qua đứa cháu ngoại một hai không đi học nữa vì nó chợt nhận ra mình ngày càng nặng mà ông ngày càng già, râu tóc ông bạc gần hết mất rồi. Vậy là ông quyết định đi cắt bộ râu của mình để mong thuyết phục được cháu rằng ông còn trẻ, còn khỏe, còn có thể cõng cháu đi học, còn có thể làm đôi chân của cháu như bao năm nay vẫn thế. Chẳng biết ông cắt râu đi có làm yên lòng cháu hay không?

TTCT cảm ơn các bạn: Tấn Khôi, Nguyễn Quốc Việt, Bồ Kết, Nguyễn Thị Thùy Vân, Ngọc Hạnh, Lê Tấn Thời,... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận