​Người được chọn

LÊ MINH NHỰT 26/10/2014 23:10 GMT+7

TTCT - Chẳng hiểu ngày xưa ông bà mình có “sên” bùa ngải gì vô những vật dụng đã dùng qua hay không, mà bây giờ để cho con cháu chạm đến thứ gì cũng đều gọi nhớ!

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

Hôm dời Nhà Lớn, bác Hai trai moi ra từ trong góc bếp một chiếc tĩn nhỏ. Chẳng ai biết nó đã nằm ở đó từ bao lâu rồi. Thân tĩn chìm trong đất, chắc là đám chuột đào hang lâu ngày đùn đất lên chôn luôn chiếc tĩn. Phần miệng còn nhô lên trên, chứa đầy rác rến.

Tụi con cháu vây quanh chiếc tĩn, ngó nghiêng ngó ngửa như đang đứng trước kho của chìm của dòng họ, cũng bởi chính thái độ trịnh trọng khó tả của bác. Moi hết rác rến trong chiếc tĩn ra, chẳng có gì trong đó ngoài... rác rến. Lớp bên trên có cái vỏ trứng vịt còn mới tinh, chắc là gần đây chuột mới tha vào.

Tuần tự, những lớp bên dưới cứ xỉn màu từ từ lại. Một chiếc kẹp tóc không rõ màu, vài mẩu vải vụn nhòe nhoẹt hoa hòe “quê” chưa từng thấy. Lớp dưới cùng thì chịu thua. Toàn bụi là bụi. Nhưng chắc chắn trước khi trở thành bụi, chúng đã từng là thứ gì đó được gọi tên đàng hoàng.

Từ trên miệng xuống đáy chiếc tĩn, cứ như nhìn xuyên ngược lại lớp lớp thời gian đã vùn vụt trôi qua. Nhiều tiếng thở dài hụt hẫng kín đáo của người lớn, trẻ con thì huỵch toẹt: cái hũ, có gì mà coi!

Cũng vẫn vẻ trịnh trọng đó, bác nâng tĩn bằng hai tay, đi ra cầu ao rứt nắm lá chuối khô. Bác nhẹ nhàng đặt nó xuống nước, một tay vịn phần miệng, một tay nhè nhè cọ nắm lá chuối từ trong ra ngoài cho đến khi chiếc tĩn sạch bong. Chiếc tĩn đó, sau khi được cọ rửa lau khô kỹ lưỡng, chỗ của nó là ở trên bàn thờ bà nội. Thái độ kỳ quặc của bác khiến nhiều người lớn nhíu mày vỗ trán. 

Sau cùng cũng có người truy được lý lịch: chiếc tĩn nhỏ này khi bà nội còn sống, vốn dùng đựng tương, thường để ở đầu bếp. Còn trước đó nó thuộc sở hữu của bà cố, bà cố truyền lại cho bà nội. Khi bà nội bắt đầu truyền lại cho bác gái thì một ngày sáng trưng hay chiều nhập nhoạng chi đó, chiếc tĩn biến mất.

Ngặt nỗi nó không biết mất vào lúc khác mà ngay sau khi giữa mẹ chồng - nàng dâu xảy ra chuyện lục đục. Bác gái thì cằn nhằn cái miệng tĩn nhỏ xíu, mỗi lần múc tương muốn mắc kẹt bàn tay ở trỏng. Bác gái cằn nhằn lúc về đêm với bác trai. Không ngờ bà nội còn thức, nằm ở gian kế bên nghe được.

Bà nội nói khó múc cũng phải xài nó, muốn xài cái khác thì đợi sau khi bà nhắm mắt. Khi chiếc tĩn biến mất, chẳng ai muốn đi tìm vì nó là... chiếc tĩn. Bà nội đinh ninh rằng bác gái đã đem giấu biệt. Bác gái thì giận dỗi: mất thì đỡ phải kẹt tay trong đó.

Trước khi bà nội mất, bà còn hỏi bác gái: “Vợ thằng Hai, bây nói thiệt đi, bây giấu chiếc tĩn của má ở đâu?”. Bác gái chỉ tay lên trời thề: “Con mà có giấu nó, trời đánh con liền”. Bà nội lắc đầu, trào nước mắt rồi lịm dần. 

Đến khi bác gái mất, bác còn dặn bác trai: nhớ tìm cho bằng được chiếc tĩn để minh oan cho mình; để mẹ chồng, nàng dâu dưới suối vàng còn có thể nhìn mặt nhau mà mừng mà tủi. Chiếc tĩn bề hoành chắc chỉ được ba gang tay người lớn vậy mà dường như có sức nặng ngang cả khối ngũ hành sơn.

Nhà Lớn dọn phải đến cả tuần lễ mới xong. Quá nhiều thứ được đem ra ngắm nghía, truy nguyên lai lịch, rồi quy đổi và đâu đó có người còn định giá ngầm. Toàn là những thứ “vô giá”. Thứ có giá duy nhất mà mọi người còn nhớ là chiếc máy hát đĩa của ông nội thì không thấy ở đâu. Ai đó ác miệng nói khơi khơi: có khi đã bán đi từ lâu rồi, tìm chi nữa. 

Nhiều người nói người hưởng hương hỏa là người may mắn nhất vì thừa kế phần lớn gia sản của ông bà tổ tiên để lại, nhiều khi chẳng cần làm gì mà cũng có của ăn của để đến cả đời. Nhưng không ai nhận ra trên thực tế chỉ đơn giản bác là người-được-chọn để gánh cái gánh truyền đời.

Thứ hữu hình mót được từ Nhà Lớn thì bán chẳng ai mua, toàn là những ơ nồi gãy gọng, vòng gặt mối mọt, nơm lọp mục bấn, cối quết bánh phồng sứt sẹo... việc gọi tên chúng ra giữa thời buổi bây giờ thôi cũng đủ làm dậy bụi nghèo nàn một thuở.

Còn những thứ vô hình, chắc không bao nhiêu người có khả năng “định giá” và trong số ấy, ai có đủ can đảm để “mua”?

Thành ra khi Nhà Lớn được dọn, minh bạch không chừa một ngóc ngách nào, đâu đó có người đã thở phào nhẹ nhõm: may mà mình không phải là người được chọn!

Người-được-chọn đang đứng đằng kia, trên nền nhà cũ, chạm vào vô hình mà nghe chuyện trăm năm...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận