TTCT - Làm thế nào xây dựng được một nền y tế mang lại sức khỏe tốt hơn cho người dân, với chi phí thấp hơn và tạo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe? Câu trả lời lại đơn giản không ngờ: chăm sóc sức khỏe ban đầu. Khám sao cho đúng? Phóng to Chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSBĐ) bao gồm cả những hoạt động ở mức cá nhân lẫn dân số, có tích hợp các yếu tố sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, CSBĐ gồm cả những chính sách xã hội như khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe, sự hợp tác bên trong cũng như bên ngoài lĩnh vực y tế. Vai trò gác cổng Những nghiên cứu dịch tễ so sánh các quốc gia cho thấy quốc gia nào có CSBĐ tốt hơn thì chi phí cho sức khỏe chung thấp hơn nhưng sức khỏe người dân tốt hơn. So sánh các vùng trong cùng một quốc gia với nhau cũng có kết quả tương tự: những vùng có CSBĐ tốt hơn có kết quả về sức khỏe tốt hơn, bao gồm tỉ lệ tử vong chung, tử vong do bệnh tim mạch, tử vong trẻ em và phát hiện sớm ung thư đại trực tràng/vú/tử cung/cổ tử cung và u hắc tố da. CSBĐ tốt hơn liên quan đến sự phân phối chăm sóc sức khỏe công bằng hơn trong dân số. Báo cáo thường niên về sự không bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe toàn quốc của Mỹ năm 2009 kết luận rằng CSBĐ loại trừ được sự không bình đẳng liên quan đến các dịch vụ phòng bệnh và điều trị các bệnh mãn tính được cung cấp ở mức CSBĐ. Theo một nghiên cứu của Trường Y Đại học Rochester (Mỹ), bệnh nhân sử dụng bác sĩ CSBĐ giảm được 33% chi phí y tế và 19% tử vong so với những bệnh nhân tương tự được bác sĩ chuyên khoa (BSCK) điều trị. Một nghiên cứu khác tại Trường Y Dartmouth cho thấy bang nào có số bác sĩ CSBĐ theo đầu người cao hơn thì có chi phí bảo hiểm y tế thấp hơn mà chất lượng dịch vụ lại cao hơn. Đáng chú ý, CSBĐ liên quan mạnh hơn với kết quả sức khỏe ở những vùng có nhiều hơn sự bất bình đẳng về thu nhập, điều này gợi ý rằng sự mở rộng CSBĐ đến những vùng này có thể có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng. Việt Nam cần làm gì? Mô hình ngày càng phổ biến ở những nước có CSBĐ thành công như Úc, Anh, Hà Lan, Pháp chính là vai trò “người gác cổng” (gatekeeper) của bác sĩ CSBĐ hay còn gọi là bác sĩ gia đình (BSGĐ). Trách nhiệm đầu tiên của vị trí gác cổng là BSGĐ phải có khả năng giải quyết hầu hết các nhu cầu sức khỏe thường ngày của bệnh nhân trong sự gắn bó lâu dài. Tiếp theo, cổng này chính là cổng giữa bệnh nhân với thế giới y khoa đầy phức tạp gồm vô số bệnh viện, BSCK, quy trình chẩn đoán và điều trị, kể cả các thủ tục hành chính. Khi BSGĐ xác định bệnh nhân có vấn đề cần phải gặp BSCK, BSGĐ sẽ tư vấn và giới thiệu bệnh nhân đến một BSCK cụ thể. BSCK có quyền liên lạc với BSGĐ của bệnh nhân để hỏi những chi tiết y khoa liên quan đến bệnh nhân cần cho công việc của mình. Ngược lại, trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh chuyên khoa, BSCK có trách nhiệm phải thông báo bằng thư kết quả chi tiết cho BSGĐ để phối hợp trong theo dõi bệnh nhân. Điều này bảo đảm cho sự thành công của chăm sóc chuyên khoa. Thật vậy, có những bệnh thì phần điều trị tiếp theo hoàn toàn do BSGĐ đảm trách, còn những bệnh cần được BSCK tái khám, dù là mỗi 3-6 tháng, mỗi tháng bệnh nhân vẫn phải được BSGĐ xem xét toa thuốc, tình trạng lâm sàng, cho xét nghiệm và tư vấn kịp thời. Một bệnh nhân thường cần nhiều BSCK (tim mạch, thận, ngoại khoa...) trong đời mình, do đó vai trò phối hợp viên (coordinator) của BSGĐ có tính sống còn đối với sự thành công trong chăm sóc sức khỏe của cá nhân, khiến cho BSGĐ giữ vị trí trung tâm trong CSBĐ. Điều quan trọng ở đây là vai trò trung tâm của BSGĐ được luật hóa trong mô hình này, nghĩa là một người có bảo hiểm y tế đều có quyền chọn (và phải chọn) cho mình một BSGĐ và khai báo tên người này cho công ty bảo hiểm. Ngoài trường hợp cấp cứu là bệnh nhân có thể vào thẳng khoa cấp cứu, bệnh nhân phải gặp BSGĐ về các vấn đề y khoa để được điều trị hoặc chuyển đi. Sự hợp tác giữa BSGĐ và BSCK cũng là một văn hóa gần như bắt buộc trong sự vận hành của mô hình này. Hoạt động của BSGĐ mang tính toàn diện, không chỉ có điều trị bệnh mà còn các hoạt động phòng ngừa - tầm soát bệnh, sức khỏe sinh sản và trẻ em, kế hoạch gia đình, chủng ngừa, tư vấn tâm lý... Chúng ta có thể học hỏi gì từ mô hình này là một vấn đề quan trọng, đặc biệt khi chương trình đào tạo BSGĐ đã có ở các trường đại học y trong cả nước từ năm 2000. Liệu có ích gì khi đào tạo BSGĐ cốt chỉ để đưa về tuyến cơ sở, trong khi CSBĐ không đồng nghĩa với “tuyến cơ sở”? Liệu việc thành lập hàng loạt phòng khám BSGĐ có nâng chất lượng sức khỏe người dân không, nếu các cơ sở này hoạt động như một phòng khám đơn thuần trong khi không hề có sự hợp tác chặt chẽ giữa BSGĐ và BSCK? Và dù CSBĐ được cổ xúy có nhiều đến mức nào mà chất lượng đào tạo BSGĐ còn thấp thì lấy gì để người dân tin tưởng đây? Tags: Người lao độngBác sĩBác sĩ gia đìnhKhám bệnhKhám sức khỏeKhám sao cho đúng
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Doanh nhân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc THÀNH CHUNG 11/10/2024 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chuyển Bộ Công an điều tra dấu hiệu sai phạm 8 dự án tại Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương THÂN HOÀNG 11/10/2024 Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ, tài liệu sang Bộ Công an để điều tra, xử lý dấu hiệu sai phạm 8 dự án tại Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương sau khi có kết quả thanh tra đối với 9 khu đất, dự án.
Tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM tiêu biểu năm 2024 NGỌC HIỂN 11/10/2024 Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh “Doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM tiêu biểu" năm 2024 vào tối 11-10.
Giá điện tăng 2.103 đồng/kWh, người dùng điện phải trả thêm bao nhiêu? NGỌC AN 11/10/2024 Việc tăng giá điện tác động thế nào đến các hộ tiêu dùng điện, khách hàng nào phải trả tăng tiền điện nhiều nhất?