Người nổi tiếng quảng cáo crypto: Sống chết mặc bay, tiền thầy đút túi

TỊNH ANH 21/10/2022 07:02 GMT+7

TTCT - Người nổi tiếng hiếm khi từ chối các hợp đồng quảng cáo sản phẩm, ngay cả khi họ không biết gì về thứ mình sẽ phải ca ngợi lên tận mây xanh để chào mời người hâm mộ cùng mua, thậm chí khi đó là thứ đầy rủi ro như tiền mã hóa (crypto).

Người nổi tiếng quảng cáo crypto: Sống chết mặc bay, tiền thầy đút túi - Ảnh 1.

Matt Damon và Kim Kardashian đều tham gia cơn sốt crypto. Ảnh: Getty Images

Hôm 3-10, Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) thông báo đã xử phạt ngôi sao truyền hình Mỹ Kim Kardashian vì "quảng bá bất hợp pháp" tiền mã hóa trên Instagram vào tháng 6-2021. Cụ thể, ngôi sao này đã vi phạm quy định của SEC vì không nói rõ cho trên 251 triệu người theo dõi của cô lúc đó biết cô được trả 250.000 USD để quảng bá đồng tiền mã hóa EthereumMax.

Theo thông cáo của SEC, "cô Kim siêu vòng ba" đã đồng ý chi 1,26 triệu USD để giải quyết vụ việc. Khoản tiền này chỉ "như vé phạt giao thông" với Kardashian, người có một đế chế truyền thông và giải trí riêng, cùng khối tài sản ròng 1,8 tỉ USD (Forbes 2022), song nó là một "án lệ" đáng chú ý, cho thấy Chính phủ Mỹ đang từng bước đặt các hình thức tài chính mới này vào khuôn phép.

"Cô Kim" đã làm sai điều gì?

Khoản tiền Kim Kardashian phải nộp cho SEC bao gồm khoản thù lao (cộng với lãi suất) mà cô nhận được từ EthereumMax và 1 triệu USD tiền phạt. Ngoài ra cô còn phải hợp tác với một cuộc điều tra còn đang diễn ra của SEC và bị cấm không được quảng bá bất kỳ "chứng khoán tài sản mã hóa" (crypto asset security) nào trong 3 năm tới.

Theo phân tích của Slate, dù nhiều người nổi tiếng khác cũng nhận tiền quảng cáo cho các công ty crypto, trường hợp của Kardashian có nhiều yếu tố cá biệt: (1) tầm ảnh hưởng (khảo sát của Hãng Morning Consult cho biết cứ 5 người Mỹ thì có 1 người từng thấy bài viết về EthereumMax của Kardashian), và (2) cô chào mời một sản phẩm gần như vô danh, thay vì những đồng tiền/sàn giao dịch dù gì cũng quen mặt biết tên.

Quan trọng nhất là cách dùng từ "chứng khoán tài sản mã hóa" của SEC. Khái niệm này dùng để chỉ loại tài sản được phát hành/chuyển nhượng sử dụng công nghệ blockchain nhưng khớp với định nghĩa "chứng khoán" trong luật chứng khoán liên bang của Mỹ. Luật này quy định người nổi tiếng và những người quảng bá đầu tư vào chứng khoán phải nói rõ họ được trả bao nhiêu để làm điều đó. Kim chỉ gắn thẻ #ads (quảng cáo) cho bài đăng mà không đá động gì đến chuyện thù lao này.

Bằng cách xem crypto là chứng khoán, SEC sẽ có thể quản lý chặt chẽ hơn thị trường này. Giới cổ võ crypto dĩ nhiên không muốn điều đó, và đang vận động quốc hội thông qua các điều luật xem crypto là "hàng hóa số" (digital comodity), chịu sự quản lý của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai, cơ quan chuyên quản lý các thị trường phái sinh như quyền chọn (option), hoán đổi tín dụng (swap).

Có gan làm liều

Tại Mỹ, danh sách người nổi tiếng với lượng người hâm mộ lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu nhảy vào con đường "cò mồi" crypto vô tội vạ toàn những cái tên "khủng", trải từ ngôi sao Hollywood đến siêu sao thể thao, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencer). 

Chẳng hạn, Matt Damon đóng quảng cáo cho sàn giao dịch tiền mã hóa Crypto.com, Tom Brady là người phát ngôn cho sàn FTX, ngôi sao TikTok 147 triệu người theo dõi Charli D’Amelio quảng cáo cho sàn Gemini, còn tay đấm Floyd Joy Mayweather cũng lăng xê EthereumMax như Kim Kardashian.

Trong video quảng cáo cho Crytpo.com, Damon, nam diễn viên nổi danh với phim Giải cứu binh nhì Ryan, bước dọc phòng trưng bày vinh danh những nhà thám hiểm, những người leo núi, những phi hành gia, rồi tuyên bố hùng hồn: Giàu sang chỉ ưa người có gan. Thông điệp rất rõ ràng: crypto là vùng đất tài chính bí ẩn, nhưng quý vị hoàn toàn có thể thành một nhà tiên phong dũng cảm, có gan làm giàu.

Vấn đề là, lúc đoạn quảng cáo được phát - mùa xuân 2022, giá Bitcoin đã rớt xuống dưới 30.000 USD, giảm 40% kể từ năm 2020, theo số liệu của Time. Dân mạng vì thế đã mặc tình chế nhạo và phê phán "binh nhì Ryan" vì quảng cáo cho sản phẩm kém tin cậy này.

Cách dùng từ "có gan" cũng bị dân mạng mỉa mai. "Phải có gan lắm mới dám lao vào đầu tư crypto vì đó là một trong những tài sản chưa được quản lý và có tính biến động cao nhất mà người bình thường có thể tiếp cận" - trang Quartz nhận xét. 

Một dân mạng chỉ ra: mẩu quảng cáo ví nhà đầu tư crypto như những nhà khai phá tiên phong, mà quên mất rằng rất nhiều người đã bỏ mạng khi xông pha khám phá.

Người nổi tiếng quảng cáo crypto: Sống chết mặc bay, tiền thầy đút túi - Ảnh 3.

Giàu sang chỉ ưa người có gan!

Thảm họa đạo đức

Các chuyên gia cho rằng người của công chúng lẽ ra cần cân nhắc mặt tối của đầu tư crypto trước khi nhận lời đứng ra làm "cò mồi" cho các đồng tiền mã hóa, vì chúng sẽ khiến những nhà đầu tư không có đủ thông tin lao vào loại tài sản nhiều rủi ro này.

"Người ta đang dùng tiền thật ném vào [crypto], vì thế những người quảng bá chúng cần phải thành thật hơn về các mặt trái tiềm ẩn của nó" - Giovanni Compiani, giáo sư marketing Đại học Chicago, nói với The New York Times

Tương tự, Beth Egan, giáo sư ngành quảng cáo Đại học Syracuse, cho rằng vẫn biết nghề của các ngôi sao là được đề nghị quảng bá giúp những thứ hứa hẹn để đổi lấy thù lao, nhưng riêng với những sản phẩm như crytpo, họ nên nghĩ thấu đáo hơn, vì thị trường lao dốc thì danh tiếng họ cũng ảnh hưởng. "Nếu tôi là Matt Damon (…) tôi sẽ tự hỏi mình có sẵn sàng nhận kèo quảng cáo này không" - Egan nói.

Tháng 10 năm ngoái, Ben McKenzie và Jacob Silverman, bộ đôi tác giả chuẩn bị xuất bản sách về crypto và lừa đảo, cùng viết chung một bài cho Slate, với lời chỉ trích mạnh mẽ: Người nổi tiếng cò mồi cho crypto là một thảm họa đạo đức. 

"Kardashian thúc giục 251 triệu người hâm mộ trên Instagram tham gia vào một thị trường có tính đầu cơ, biến động mạnh, vốn chẳng khác mấy so với việc đi đánh bài ở sòng bạc lừa đảo nhất thế giới" - bài báo viết.

Theo McKenzie và Silverman, vấn đề không chỉ gói gọn trong lĩnh vực tiền mã hóa, mà còn là "một thế giới rộng lớn hơn của các công nghệ tài chính chưa được kiểm chứng". "Những người nổi tiếng đang lấy tên tuổi và tài năng của họ để quảng cáo cho mọi thứ, từ NFT, sàn giao dịch crypto cho đến các đồng crypto tự phát hành. Họ đang truyền đi một điều cực kỳ gây hiểu lầm: rằng crypto và [các tài sản ảo khác] là con đường dẫn đến sự giàu có bền vững. Sự thật thì hầu như luôn ngược lại" - các tác giả viết.

Ngoài crypto, nhiều người nổi tiếng và influencer cũng làm "cò mồi" cho chứng nhận tài sản ảo NFT. NBC News kể chuyện anh Tyler, 35 tuổi, dồn khoảng 12.000 USD, trong đó có khoản vay tiền mẹ, vào mua NFT trong bộ sưu tập Bored Bunny vì nghe lời thần tượng Floyd Mayweather. Cuối cùng thì giá chúng rớt thảm hại, Tyler kiệt quệ tài chính ngay thời lạm phát, kiếm tiền đổ xăng và mua thức ăn cũng phải chật vật. Anh chua chát: "[Mayweather và những người quảng bá NFT khác] lấy tiền của nhà tài trợ rồi hết chuyện, còn những người nghe theo họ, nhịn ăn nhịn mặc để đầu tư cho tương lai, thì bị cướp sạch".

Một báo cáo gần đây ước tính thiệt hại trong lĩnh vực DeFi (tài chính phi tập trung) trong 7 tháng đầu năm nay vào khoảng 681 triệu USD. Các sàn giao dịch tiền mã hóa cũng thường xuyên bị hack, gian lận, lừa đảo, thậm chí có "ông chủ" bỏ trốn và bị truy nã quốc tế như Do Kwon (đồng Luna).

McKenzie và Silverman kết luận: "Hollywood hóa" tiền mã hóa là một thảm họa đạo đức và cũng có thể là thảm họa tài chính đối với người hâm mộ đã trót nghe theo người nổi tiếng, những người vốn sẵn giàu có và không ngần ngại "đặt khán giả của họ ngồi vào bàn đánh bạc có gian lận" khi đồng ý quảng bá các đồng crypto, nhất là các đồng nằm ngoài một nhóm rất ít crypto có tên tuổi (Bitcoin và Ethereum).■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận