TTCT - Câu chuyện thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới: số người lần đầu tiên sử dụng thanh toán không tiếp xúc tăng vọt sau hơn một năm Việt Nam trải qua đại dịch COVID-19. Một khảo sát trên 1.000 người tiêu dùng Việt Nam của Visa cho thấy 56% người dùng nói họ mang ít tiền mặt hơn và 68% sẵn sàng chi tiêu qua thẻ nhiều hơn.Dịch bệnh trở thành nhân tố thúc đẩy nhanh quá trình tiến tới một xã hội không tiền mặt ở Việt Nam không chỉ vì yếu tố tiện lợi mà còn để bảo vệ người dùng trước các nguy cơ lây nhiễm.Khảo sát của Visa còn chỉ ra các lý do khác: 58% người được khảo sát nói rằng sự an toàn của thanh toán kỹ thuật số so với tiền mặt là lý do chính để họ lựa chọn, và hơn một nửa (56%) cho rằng thanh toán số ít rắc rối hơn.Thực tế, dưới tác động của việc giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển, người tiêu dùng và doanh nghiệp đã nhanh chóng chấp nhận thanh toán kỹ thuật số với mục đích mang lại sự tiện lợi và tính bảo mật cao hơn. Không tiền mặt và mua sắm trực tuyến Sự gia tăng trong việc sử dụng thanh toán không tiền mặt còn đến từ sự chuyển đổi từ nhà bán hàng. Nhiều sàn điện tử cho biết các cá nhân, thương nhân bán hàng hiện nay đều đã thay đổi suy nghĩ về “thanh toán không tiền mặt”. Trước đây, các thương nhân bán hàng vẫn “bỏ nhỏ” với khách về thanh toán bằng tiền mặt để được hưởng ưu đãi, còn bây giờ, xu hướng hoàn toàn ngược lại.Ông Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành tại Shopee Việt Nam, cho biết năm 2020 mang ý nghĩa chuyển đổi đặc biệt đối với ngành thương mại điện tử Việt Nam. Việc ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận với thương mại điện tử đang thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt.Trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tại nhà, người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang các nền tảng trực tuyến để vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày vừa phục vụ mục đích tương tác và giải trí. Nhưng xu hướng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 không phải về cách mua hàng của người tiêu dùng mà là sự lên ngôi của thanh toán kỹ thuật số.Thống kê của sàn thương mại điện tử này cho thấy tổng số đơn đặt hàng được thanh toán qua ví điện tử trên toàn khu vực đã tăng trưởng gấp 4 lần. Trong đó, nhóm tăng trưởng mạnh nhất ở hầu hết các thị trường là nhóm người dùng trên 50 tuổi, minh chứng cho tính dễ tiếp cận đối với độ tuổi thường được xem là khó thích ứng với thanh toán kỹ thuật số. Người dùng ở nhiều độ tuổi đã "bén" hình thức thanh toán không tiền mặt khi mua sắm trực tuyến - Ảnh: QUANG ĐỊNH“Trong bối cảnh chính phủ đang hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt, tình hình dịch bệnh trở thành nhân tố thúc đẩy nhanh quá trình này ở một số khu vực, nơi phần lớn các giao dịch tiêu dùng được thực hiện bằng tiền mặt” - ông Trần Tuấn Anh nói.Shopee cho biết số lượng cửa hàng là đối tác tại Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán ví điện tử của sàn cũng đã tăng gấp 2 lần trong năm 2020.Nhiều nhà kinh doanh thừa nhận đa dạng hóa kênh thanh toán giúp họ bán hàng hiệu quả hơn. Thậm chí người tiêu dùng có xu hướng “né” những nơi chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt.Ngay khi dịch bùng phát, đầu tháng 6, sàn Tiki đã tung ra chương trình ưu đãi hấp dẫn nếu khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến qua thẻ ngân hàng, ví điện tử... Theo Tiki, họ muốn khuyến khích người tiêu dùng hạn chế sử dụng tiền mặt, được xem là nguồn nguy cơ lây bệnh trong giai đoạn dịch bệnh.Hiện nay, hầu hết các sàn thương mại điện tử, ứng dụng đi chợ hộ hay gian hàng online đều triển khai phương thức giao hàng không tiếp xúc, đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt để việc giao hàng vẫn có thể diễn ra thuận lợi và nhanh chóng nhất.Bà Lưu Hạnh, đại diện truyền thông sàn thương mại Lazada, cũng cho biết từ khi dịch bùng phát đến nay, tỉ lệ thanh toán không tiền mặt trên nền tảng này tăng đáng kể qua từng quý. Hình thức thanh toán này không chỉ đem lại sự tiện lợi, tránh nhầm lẫn trong các giao dịch thường gặp phải khi sử dụng tiền mặt mà hơn thế nữa, trong giai đoạn dịch, đây là phương thức thanh toán an toàn.“Chúng tôi đẩy mạnh và khuyến khích người dùng thanh toán online thông qua kênh trung gian như các ví điện tử và dịch vụ e-banking từ các ngân hàng. Điều này giúp tăng tiện ích thanh toán cho người dùng, đồng thời giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm khi giao dịch trực tiếp” - bà Hạnh nói.Xu hướng bền vững và không thể đảo ngượcBà Đặng Tuyết Dung, giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, nói sự sẵn sàng của doanh nghiệp và người tiêu dùng trước thanh toán số là bằng chứng cho thấy sự tin tưởng vào mức độ tiện lợi và bảo mật mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại. “Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể, đó là lý do vì sao chúng ta thấy nhiều người lần đầu tiên sử dụng thanh toán không tiếp xúc và ngày càng nhiều công ty chuyển dịch sang nền tảng kỹ thuật số. Các xu hướng này sẽ còn được duy trì” - bà Tuyết Dung tin tưởng.Ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng mấu chốt của chuyển dịch này không chỉ là số người mới tham gia vào các trải nghiệm kỹ thuật số như mua hàng online, thanh toán không tiền mặt tăng lên mà là “một khi đã sử dụng thanh toán không tiền mặt thì người tiêu dùng còn không muốn quay trở lại với thanh toán tiền mặt như trước kia nữa”.Hạ tầng ngày càng “chín”Theo ông Ngô Trung Lĩnh, tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ trực tuyến Cộng Đồng Việt (VietUnion), trước dịch, một số đối tác lớn của đơn vị còn do dự chưa chuyển dịch vì họ đang rất thành công với hình thức thanh toán truyền thống.Khi đại dịch bùng nổ vào tháng 4-2020, toàn quốc thực hiện cách ly xã hội, hành vi tiêu dùng thay đổi, buộc họ phải nhanh chóng chuyển đổi, đó là sử dụng các phương thức thanh toán điện tử nhiều hơn. “Dịch COVID-19 xuất hiện và tác động cộng hưởng chung với xu hướng chuyển đổi số và thanh toán điện tử, thúc đẩy mạnh hơn quá trình chuyển dịch này” - ông Lĩnh nói.Theo ông Lĩnh, có nhiều yếu tố lý giải cho sự tăng trưởng nhanh chóng này bên cạnh câu chuyện dịch bệnh. Việt Nam đã có quy định rõ ràng trong ngành thanh toán khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 39/2014/TT-NHNN vào cuối năm 2014 thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các đơn vị trung gian thanh toán và ví điện tử.Tính đến thời điểm này, đã có hơn 40 trung gian thanh toán được cấp phép. Số lượng các công ty fintech (công nghệ tài chính) cũng phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây và thu hút lượng lớn nguồn kinh phí đầu tư từ quốc tế sang Việt Nam. Các công ty này mang đến những giải pháp công nghệ đột phá, giải quyết những vấn đề cốt lõi từ thị trường và giúp thị trường thanh toán Việt Nam thêm sôi động.Thứ hai là các chính sách hỗ trợ đẩy mạnh việc thanh toán điện tử, cụ thể là việc chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành những chính sách khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời chuẩn hóa những nghị định, thông tư về thanh toán.Với sự hỗ trợ của Chính phủ, thị trường đã có sự chuyển dịch nhanh chóng. Các ngân hàng thương mại nhanh chóng thực hiện chuyển đổi từ Internet banking sang mobile banking. Các doanh nghiệp thương mại điện tử, các ứng dụng gọi đồ ăn cũng nhanh chóng tích hợp các phương thức thanh toán điện tử mới.“Còn nhìn từ góc độ công nghệ kỹ thuật, Việt Nam đã triển khai hầu hết các công cụ thanh toán phi tiền mặt hiện đại trên thế giới như thẻ, ví điện tử, QR code... Vấn đề còn lại là làm sao để người tiêu dùng thuận tiện hơn nữa” - ông Lĩnh nói và cho biết nền tảng thanh toán đa kênh Payoo của đơn vị ông đang tiếp tục xây dựng chiến lược “One-stop Payment” như một cách góp phần vào sự phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam. Ảnh: PayooTheo các chuyên gia, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng với tốc độ phát triển nhanh và môi trường có nhiều thuận lợi để phát triển thanh toán điện tử. Việt Nam có hạ tầng viễn thông đáp ứng tốt cho việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt rộng khắp toàn quốc, tạo nền tảng thúc đẩy cho chuyển đổi số, trong khi đó, tỉ lệ sở hữu điện thoại di động cao với 70% dân số sử dụng điện thoại di động. Trong số này, có 64% các thuê bao đã kết nối 3G và 4G.Phó tổng giám đốc kinh doanh một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng thị trường thanh toán phi tiền mặt Việt Nam đã “bùng nổ” hơn một năm qua. Nhìn từ góc độ cung ứng dịch vụ thanh toán cho các điểm bán hàng tiêu dùng, ông thấy những điểm bán hàng có mạng lưới lớn đã chịu đầu tư chính sách và nguồn lực để kết nối hệ thống, “chiều lòng” người dùng.“Cùng với đó, thủ tục mở mới tài khoản thanh toán/thẻ/ví xác thực bằng eKYC đã được các ngân hàng đẩy mạnh. Những trở ngại trong tâm lý người dân khi tiếp xúc với ngân hàng gần như được gỡ bỏ. Nhưng đây vẫn là một cuộc chạy vượt rào, chúng ta vẫn phải rướn hơn nữa trong chặng đua phía trước của thị trường” - vị này nói. ■ Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Thanh toán không tiền mặt sau cú hích covid-19 Tiếp theo Tags: Ví điện tửKhông tiền mặtVí di độngNgày không tiền mặtThanh toán
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.