TTCT - Với nhiều người mới bắt đầu làm quen với thanh toán không tiền mặt, nhất là sau cú hích COVID-19, ngoài sự bỡ ngỡ trước các khái niệm, công nghệ mới, thì việc sẵn sàng về mặt tâm lý cũng rất quan trọng để giúp họ là người tiêu dùng thông thái. Ảnh: MEL MAGAZINEĐồng tiền đi liền khúc ruột, nhưng khi tiền được biểu hiện bằng những con số trừu tượng “ở đâu đâu” trên mạng chứ không phải những tờ bạc xanh đỏ trong túi, cảm giác xót ruột khi tốn tiền sẽ phai nhạt.Đây là một hiện tượng tâm lý đã được gọi tên, và cũng sẵn luôn vài lời khuyên để tránh “viêm màng túi” khi làm quen với cách tiêu tiền mới.Dịch buồn quá thì ta tiêu phaỞ nhà tránh dịch có thể giúp ta tiết kiệm, hoặc ngược lại tốn rất nhiều tiền. Theo Tổ chức Money and Mental Health của Anh, cứ mỗi 8 người trưởng thành ở nước này, thì có 1 người tiêu tiền nhiều hơn khả năng chi trả của họ để mua sắm trực tuyến. Gần 25% người dân bỏ tiền để mua những thứ họ không cần đến.“Không có món nào trong số (hàng hóa đã mua) này là cần thiết. Thậm chí có nhiều món tôi chưa thèm mở bao bì, để chúng chất thành đống cạnh cửa” - nhà báo Sirin Kale tự thú trên The Guardian hồi đầu tháng 2, khi nước Anh đang thực hiện lệnh đóng cửa “thứ n+1” vì virus corona.Kale cũng cho rằng mình không đơn độc trong “tội lỗi” này. “Khi COVID tấn công, tôi quyết định: không mua sắm phù phiếm nữa. Báo chí vốn là một ngành bấp bênh ngay cả trong những thời điểm tốt đẹp. Nhưng đại dịch không chịu dừng lại. Tháng 3, kéo sang tháng 6, rồi sang tháng 1. Mỗi ngày của tôi thật nhạt nhẽo và vô hình. Tôi thấy chán nản. Vì vậy, tôi bắt đầu mua sắm online”.Đại dịch đã và đang thúc đẩy một bữa tiệc mua sắm điên cuồng. Thói quen mua sắm như của Kale được gọi là “tiêu tiền theo cảm xúc”. Mỗi khi ta mua một món đồ, ta trước hết đã tự thưởng cho mình một liều dopamine - loại hormon khiến ta hạnh phúc. Mặc dù chẳng có gì sai khi vỗ về bản thân giữa lúc khó khăn này, nhưng có câu: cái gì nhiều quá cũng không tốt.Thú vui mua sắm - khi được tiếp lửa bởi hệ thống tín dụng nhanh chóng và dễ dàng, cùng hàng tá cách thanh toán không tiền mặt nhanh gọn lẹ - có thể trở thành thảm họa.Sarah Kane, cô gái 26 tuổi làm trong ngành nhân sự, thấm thía bài học này hơn ai hết. Gánh trên vai một khoản nợ cá nhân, Kane thừa nhận mình chưa bao giờ được dạy về tài chính ở trường, và đã sử dụng thẻ tín dụng một cách thiếu suy nghĩ. Trước đại dịch, Kane đã quyết tâm trả nợ và hiển nhiên rất hạnh phúc.Thế nhưng, cô bắt đầu mua sắm theo cảm xúc, “thật dễ dàng… bạn nhìn thấy nó trên Instagram, nhấp vào nó và thanh toán nhanh bằng PayPal”. Kết quả là, “tôi đã khép lại năm 2020 với những khoản nợ như ban đầu”, Kane thở dài. Ảnh: ShutterstockHiệu ứng “không tiền mặt”Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy mọi người thường tiêu xài nhiều hơn khi không thực sự nhìn thấy những tờ tiền xanh đỏ. Tại sao lại thế? Trước hết, ta cần biết đến khái niệm “pain of payment”, gọi nôm na là “nỗi đau màng túi”. Càng cảm thấy “đau xót” khi xài tiền, người ta càng ít chi tiêu.Tiền mặt, bao gồm tiền giấy và tiền xu, là loại tài sản hiển hiện trước mắt mà ta có thể nhìn thấy và cầm nắm. Vì thế, với tiền mặt, con người dễ nhìn thấy tiền trong túi vơi đi mỗi khi tiêu xài, nên dễ cảm nhận “nỗi đau màng túi” hơn cả.Trong một nghiên cứu năm 2019 của ĐH Bách khoa Marche (Ý), khi người tham gia nghiên cứu xem hình ảnh thanh toán bằng tiền mặt, các nhà khoa học nhận thấy có nhiều kích hoạt ở vùng thùy não insula, nơi cơ thể tưởng tượng ra nỗi đau. Nhưng khi chính người đó được xem hình ảnh thanh toán qua thẻ hoặc điện thoại, kích hoạt não xảy ra ít hơn một cách đáng kể. Nói cách khác, thanh toán không dùng tiền mặt ít gây “đau đớn” hơn, và do đó chúng ta có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Đây chính là hiệu ứng “không tiền mặt”.Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên hiệu ứng này. Thứ nhất, như kết quả nghiên cứu kể trên, khi không phải chứng kiến cảnh tiền “không cánh mà bay”, chúng ta không còn cảm thấy “xót ruột”. Thứ hai, với không ít người, giá trị của chữ số điện tử và mấy chiếc thẻ nhựa nhiều màu trong ví dường như không rõ ràng, dễ hiểu bằng mệnh giá in trên tiền mặt.Một nghiên cứu đơn giản vào năm 2003 đã góp phần chứng minh hiệu ứng “không tiền mặt”. Giáo sư Dilip Soman thuộc ĐH Toronto (Canada) đã tìm hiểu mức độ “chịu chi” cho tiệm giặt công cộng của cư dân sống ở 2 khu chung cư khác nhau. Nhóm nghiên cứu thấy rằng người dân chi tiền ít hơn nếu máy giặt chấp nhận tiền xu, so với khi máy giặt sử dụng thẻ trả trước.Theo dòng tiến hóa của các hình thức thanh toán, từ tiền mặt sang thẻ tín dụng/thẻ thanh toán đến ví di động. Dùng app của ngân hàng quét QR để trả tiền, hiệu ứng không tiền mặt vẫn không thay đổi.Các nhà nghiên cứu từ Đại học Illinois tại Urbana-Champaign nghiên cứu dữ liệu giao dịch từ Trung Quốc và nhận thấy khi người tiêu dùng bắt đầu sử dụng ví di động, tổng số giao dịch của họ đã tăng 23,5%, chủ yếu chi cho các mặt hàng giá rẻ.Trong trường hợp của thẻ tín dụng, chuyện mua hàng và chuyện thanh toán (bằng tiền của chính mình) cách biệt về thời gian đến nỗi người ta khó nhận thức rằng mình đang tiêu tiền của tương lai, huống chi là nhớ về cái túi rỗng của hiện tại. Vì vậy, hiệu ứng “không tiền mặt” có thể dẫn đến tình trạng tiêu xài hoang phí, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần.Với thói quen mua sắm theo tâm trạng, thời gian chính là chìa khóa. Trước khi thao tác mua hàng, bạn hãy bắt bản thân chờ đợi - có thể là sau khi nghe xong 6 bài hát, hoặc qua một đêm ngon giấc - để xem món hàng đó còn hấp dẫn không. Hơn hết, đừng mua sắm online khi tâm trạng không tốt. Một nghiên cứu năm 2008, được tài trợ bởi Quỹ Khoa học quốc gia (Mỹ), đã chứng minh rằng mọi người chi tiêu nhiều hơn khi họ buồn. Hãy giữ tỉnh táoTrong bối cảnh thanh toán không tiền mặt phát triển mạnh mẽ nhờ cú hích COVID-19, hiệu ứng “không tiền mặt” càng có nhiều thuận lợi để lây lan. Vậy chúng ta có thể làm gì, để vừa tận hưởng sự tiện lợi, an toàn của hình thức thanh toán này, vừa tránh tiêu hoang?Về cơ bản, khi đã hiểu về hiệu ứng “không tiền mặt” và cơ chế lấy tiền nhanh - gọn - lẹ của các giao dịch kỹ thuật số, chúng ta có thể sáng tạo ra các “chướng ngại vật” để công cuộc mua sắm diễn ra ở tốc độ vừa phải, thúc đẩy những quyết định đúng đắn hơn.Để hạn chế chi tiêu, chúng ta nên níu giữ cảm giác “đau màng túi”, ngay cả khi bây giờ là thời đại của ví điện tử. Viết trên The Sydney Morning Herald, Melissa Browne - chuyên gia cố vấn tài chính và tác giả gợi ý: “Việc này có thể rất đơn giản, như là cho phép ngân hàng gửi một thông báo “ting ting” đến điện thoại mỗi khi bạn tiêu tiền, để kích hoạt tất cả giác quan của bạn”.Lập ngân sách và quản lý chi tiêu là việc làm cần thiết trong mọi hoàn cảnh. Và một lý do rõ ràng để không tiêu tiền sẽ luôn có ích. Nếu bạn đang khao khát một kỳ nghỉ sảng khoái sau khi đại dịch kết thúc, hãy bắt đầu tiết kiệm từ bây giờ.Không thể phủ nhận rằng những con số điện tử trên màn hình - chính xác đến từng số thập phân và không bỏ sót một giao dịch nào - sẽ giúp bạn biết chính xác tiền của mình đã đi đâu, còn bao nhiêu, vì vậy giúp việc lập ngân sách tốt hơn.Không còn phải vật vã tính nhẩm hay loay hoay với đống tiền chẵn lẻ, đó chính là vẻ đẹp và lợi thế của các giao dịch không dùng tiền mặt. Suy cho cùng, các cơ chế thanh toán sẽ khó tác động đến hành vi tiêu dùng của chúng ta, miễn là chúng ta đủ tỉnh táo và thấu hiểu.■Về phía nhà bán hàng, giúp khách hàng không nhận ra “nỗi đau màng túi” lại là công thức để tăng doanh thu. Apple và Amazon đang làm rất tốt việc này, nhờ đó tiết kiệm công sức và thời gian của khách hàng lẫn nhân viên. Cụ thể là công nghệ Apple Pay cho phép người dùng Apple chỉ cần vẫy thiết bị để thanh toán khi mua hàng, và công nghệ “một click mua ngay” được cấp bằng sáng chế của Amazon.Công bằng mà nói, những cải tiến này cũng giúp nâng cao trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng. Như Walt Disney từng nói rằng: “Mọi người tiêu tiền ở nơi và ở thời điểm mà họ cảm thấy thoải mái”.Với các công nghệ mới nói chung và thanh toán không tiền mặt nói riêng, sự cân bằng luôn là chìa khóa. Như trang tư vấn tài chính Motley Fool khuyên: “Nếu muốn bắt đầu dùng ví di động, hãy tham khảo các bước để kiểm soát cách quý vị dùng nó, thay vì để nó chi phối quý vị”. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Thanh toán không tiền mặt sau cú hích covid-19 Tiếp theo Tags: Không tiền mặtTâm lý họcNgày không tiền mặtHiệu ứng không tiền mặt
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Chậm hoàn thuế VAT vẫn 'nóng' tại phiên đối thoại thuế ở TP.HCM ÁNH HỒNG 13/12/2024 Câu chuyện chậm hoàn thuế VAT tiếp tục là tâm điểm tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục thuế và hải quan do Bộ Tài chính và VCCI tổ chức ngày 13-12.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình, khiển trách bà Trương Thị Mai THÀNH CHUNG 13/12/2024 Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và kỷ luật khiển trách bà Trương Thị Mai.
Giá vàng lại rơi tự do ÁNH HỒNG 13/12/2024 Giá vàng thế giới lúc 21h30 hôm nay, 13-12, bốc hơi thêm 23 USD/ounce, về mức 2.657 USD/ounce.
Hàn Quốc bắt 3 chỉ huy quân đội và cảnh sát liên quan thiết quân luật DUY LINH 13/12/2024 Bị bắt cùng ngày với Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc Cho Ji Ho còn có Giám đốc Cảnh sát Seoul Kim Bong Sik và Tư lệnh Bộ phòng thủ thủ đô Lee Jin Woo.