Nhà giáo đối mặt nhiều áp lực

TTCT - Đã bao năm những người dạy học chúng tôi không thể vượt qua bao rào cản từ nhiều phía. Ai chẳng muốn một kết quả giáo dục đúng thực chất. Nhưng thật sự chúng tôi có muốn làm đúng thực chất cũng không thể được. Vì sao như vậy?

Sau hai câu chuyện giáo dục trên TTCT tuần trước (số 26, ngày 3-7-2011), chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi của thầy cô và các bậc cha mẹ. Xin giới thiệu cùng độc giả.

Xin đừng dạy trẻ sự dối trá

Phóng to

Trước tiên là chỉ tiêu trên giao đầu năm: từng bộ môn phải đạt con số phần trăm ở mức cao nhất trong tỉ lệ khá giỏi. Số học sinh giỏi được chỉ định phải đạt từng học kỳ và cả năm. Thậm chí lấy cớ phải phổ cập giáo dục ở bậc trung học, chúng tôi được chỉ đạo không thể để học sinh có điểm kém, phải thi lại và học lại lớp nữa. Khi thanh tra về chúng tôi được nhắc nhở cần hạn chế cho điểm dưới 5 để khuyến khích học sinh học tập.

Điểm càng cao giáo viên càng an toàn, ít bị phê bình. Điều này dẫn đến kết quả điểm thi bao giờ cũng thấp hơn điểm trong lớp. Và để đạt yêu cầu tất cả học sinh đều lên lớp, người dạy chỉ còn biết nâng điểm kiểm tra tại lớp đến mức cao nhất, phòng khi điểm thi chỉ có 1, điểm trung bình vẫn đạt yêu cầu. Giáo viên nào trung thực hoặc tiên liệu chưa đến mức chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong xếp loại thi đua cuối năm.

Về mặt chuyên môn, chúng tôi được yêu cầu dự đầy đủ các lớp bồi dưỡng, học thêm tin học, tiếng Anh để ứng dụng trong giảng dạy. Địa phương tôi còn quy định mỗi giáo viên phải dự giờ đồng nghiệp đúng 22 tiết trong năm và cho biết đây là thực hiện công văn của Bộ GD-ĐT. Họp thì dự đủ bốn buổi trong tháng, dù không có nội dung gì cũng ngồi đủ giờ mới về. Đã vậy giáo viên chủ nhiệm còn vất vả vận động học sinh đi học. Nếu để có em thôi học là ban giám hiệu nhà trường đánh giá khả năng của giáo viên ngay.

Dù nhiều em thôi học do sinh kế và giáo viên đã nhiều lần đến nhà kết hợp cả với địa phương động viên, nhà trường vẫn kết luận giáo viên đó không có “nghệ thuật sư phạm”! Chính vì vậy chúng tôi bằng mọi giá phải giữ sĩ số lớp, sau đó nâng điểm cho các em để vừa lòng cấp trên. Nếu chúng tôi “đi ngược dòng” làm ảnh hưởng đến danh hiệu thi đua của trường chắc chắn sẽ bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ. Và chỉ hai năm như thế là bị đưa vào diện giảm biên chế ngay.

Mong mọi người hiểu cho nhà giáo chúng tôi. Bao giờ những chỉ tiêu về học sinh lên lớp, hạnh kiểm tốt, học sinh giỏi, thi tốt nghiệp... không còn là áp lực mà chỉ là con số tham khảo giúp việc quản lý giáo dục tốt hơn mới mong có được thực chất trong giáo dục.

Tôi từng tiếp tay với sự dối trá

Hồi con tôi học lớp 2, trong lần chuẩn bị thi học kỳ, khi đi học về cháu nói: “Ba cắt dán và xếp hình sẵn giùm con ba mẫu mà cô con dặn để bữa thi môn kỹ thuật con nộp”. Khi tôi ngạc nhiên hỏi “Sao không đợi vào phòng thi rồi hãy làm và nộp luôn?”, cháu thật thà nói: “Cô con bảo nhà trường cho thời gian làm bài có 15 phút nên nói tụi con về nhà mượn cha mẹ hay anh chị làm phụ mấy mẫu đó, không làm trước thì bữa thi làm không kịp. Cô dặn đến bữa thi, khi bắt thăm xong tụi con cũng lấy giấy, keo, kéo... ra giả bộ làm, đợi gần hết giờ thì lấy cái mang sẵn cất trong hộc bàn đem ra nộp”.

Tôi là cha cũng là thầy giáo nên nhất định không làm theo cách “bày binh” của cô giáo dạy môn kỹ thuật ấy. Nhưng cháu còn quá nhỏ, rất ngây thơ, ham điểm số cao, nghe cô mình bày như vậy rất thích nên khi tôi không chịu làm thì cháu khóc lóc, giận dỗi, không thèm ăn cơm, buộc lòng tôi phải... tiếp tay sự dối trá này nhưng ở mức độ có khác hơn một chút. Đó là tôi không trực tiếp làm các mẫu thủ công ấy mà chỉ hướng dẫn để cháu tự tay làm lấy.

Tôi nói cháu làm nhiều lần cho quen tay, lấy đồng hồ để ngay chỗ làm để cháu canh thời gian. Cháu hứng thú lắm, chẳng mấy chốc đã thực hiện khá nhanh các mẫu cô đã dặn. Cuối cùng tôi nói: “Con đã làm được các mẫu này cũng không mất quá 15 phút, vậy bữa đó con cứ vô lớp mà làm, chứ đem theo sẵn làm gì”, nhưng cháu vẫn không chịu vì theo cháu: “Cô nói em nào mà bữa đi thi không mang theo ba mẫu đó vào để trong hộc bàn là chết với cô!”. Đến nước này thì nói thật tôi phải chịu thua.

Đấy! Con trẻ như tờ giấy trắng, vậy mà người lớn vẽ lên đó những nét vẽ đầu tiên một cách dối trá như vậy thì mình có nên trách sao học trò ngày nay “sao khó dạy quá!”?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận