Nhà nông cực nhọc, lợi nhuận lại thấp

TẤN ĐỨC THỰC HIỆN 23/07/2013 19:07 GMT+7

TTCT - Gặp gỡ ông Lê Văn Lam (62 tuổi, ấp Tuyết Hồng, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) - người nông dân cách đây năm năm (tháng 5-2008) đã gửi thư đến Thủ tướng nói về những khó khăn và nguyện vọng của nông dân trong thời “bão giá”.

Phóng to
Vụ hè thu 2013 lúa khó bán giá thấp kéo dài, nông dân đành chở lúa về nhà phơi trữ - Ảnh: Đức Vịnh

Ông Lê Văn Lam - Ảnh: Tấn Đức

Theo ông, hiện tại nông dân gặp khó nhất ở khâu nào?

- Việc tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua giá nông sản hàng hóa lên xuống thất thường là do sản phẩm làm ra quá thừa hoặc thiếu. Những người làm quản lý, điều hành đã không bám sát thực tế. Lẽ ra ngành nông nghiệp phải tiến hành khảo sát thổ nhưỡng, địa hình, xác định đặc điểm của từng địa phương, từng vùng đất, nơi nào đất đai và điều kiện khí hậu thích hợp cho trồng lúa, nơi nào trồng cây màu, nơi nào phù hợp việc chăn nuôi gia súc gia cầm... rồi trên cơ sở đó lập quy hoạch vùng nuôi trồng.

Có thể những việc này người ta đã làm rồi nhưng làm không tới nơi hoặc làm một cách chủ quan, áp đặt, không phù hợp điều kiện tự nhiên, không tính toán đầu ra. Hệ quả là nông dân chúng tôi cứ loay hoay tự trồng, tự nuôi rồi tự gánh hậu quả.

Riêng với cây lúa thì sao, thưa ông?

- Hiện nhiều nơi đang “rắp tâm” xuống giống vụ ba, ngay sau khi thu hoạch vụ hè thu. Theo tôi, việc này không nên làm. Sản xuất vụ ba hiệu quả không cao do chi phí đầu tư đội lên rất nhiều lần, trong khi năng suất thấp: giá thành sản xuất 1ha lúa vụ đông xuân vào khoảng 16 triệu đồng, vụ hè thu tăng lên 19 triệu đồng, tới vụ ba thì phải mất 22-25 triệu đồng/ha.

Chi phí tăng nhưng năng suất theo chiều ngược lại, từ vụ đông xuân qua hè thu rồi tới vụ ba, giảm dần đều 20-30%, chưa kể hàng loạt yếu tố bất lợi khác kéo theo khi làm vụ ba như nguy cơ lây lan dịch bệnh, đất đai bạc màu...

Chính phủ có đặt mục tiêu sao cho nông dân đạt lợi nhuận tối thiểu 30%. Ông thấy việc này có khả thi?

- Nói thiệt lời 100% cũng chưa ăn thua. Tại sao? Vì khi hạch toán chi phí đầu tư người ta quên tính giá trị đất, chỉ tính tiền mua phân, thuốc bảo vệ thực vật, giống, công cày xới, tưới tiêu khoảng 2 triệu đồng/công (1.000m2)... Diện tích canh tác của các nông hộ phần lớn chỉ 5-7 công, lợi nhuận dù 30% hay 100% theo như cách tính này thì nông dân khó mà vươn lên được.

Vậy theo ông, nông dân cần được hỗ trợ gì?

- Trước giờ nông dân chúng tôi quen trồng trọt, chăn nuôi theo kinh nghiệm, cha mẹ truyền cho con cái. Bởi vậy bên cạnh việc sớm thực hiện quy hoạch, chuyển đổi sản xuất, có chính sách đầu tư đột phá cho nông nghiệp, Nhà nước cần chú ý việc dạy nghề cho nông dân. Nuôi trồng loại cây, con gì cũng phải học thì hiệu quả mới cao.

Quan trọng nữa là phải tính toán, tìm cách cân bằng quyền lợi giữa nông dân - những người sản xuất trực tiếp - với những doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu. Nông dân cực nhọc vài ba tháng mới làm ra sản phẩm, nhưng lợi nhuận thu được thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp.

Trên nhiều tuyến đường nông thôn có khẩu hiệu “Học là cách thoát nghèo”. Ông nghĩ gì về điều này?

- Tiếc là trường dạy nghề phổ thông của mình còn ít quá. Học sinh chỉ có con đường học lên “tới đọt” tức là vào đại học, chứ những nhánh dành cho người không lên “tới đọt” ít quá, nên con em gia đình nghèo ít cơ hội học tập tới nơi tới chốn. Tôi có cháu gái trúng tuyển đại học quản trị kinh doanh tại TP.HCM nhưng cha mẹ cháu nghèo, tính cho con bỏ học.

Hay tin, tôi tới phân tích: Một công ruộng bây làm cực nhọc suốt ba tháng (một vụ lúa) cũng chỉ thu được lợi nhuận chừng 2 triệu đồng, chi bằng bán đất cho con ăn học. Nó nghe theo, bán một công ruộng lấy 50 triệu đồng gửi tiết kiệm, đầu năm học rút ra 10 triệu đồng đóng học phí, sau đó mỗi tháng rút thêm 3-4 triệu gửi cho con chi tiêu. Bây giờ con bé đã vào năm thứ ba, còn năm rưỡi nữa mới ra trường nhưng đã đi làm thêm, lương gấp mấy lần làm công ruộng.

Nếu con bé ngày trước không được đi học, ở quê giờ này chắc đã có hai, ba mặt con, cuộc sống lại loay hoay dựa vào mấy công ruộng như cha mẹ nó. Cho nên tôi nghĩ dù còn nhiều khó khăn nhưng phải ưu tiên cho việc học.

Ông thấy điều gì thay đổi sau năm năm?

- Cũng là những câu chuyện cũ. Nhưng dẫu sao những ý kiến, trăn trở của mình đã được nhiều người quan tâm, chia sẻ!

___________

Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp - Ảnh: H.T.D.
“Chẳng những cần thay đổi tư duy, mà còn cần chuyển từ quyết tâm chính trị sang bài toán kinh tế cho nông nghiệp” - thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, trao đổi với TTCT.

Chuỗi giá trị sản xuất, kênh phân phối, phân khúc thị trường của các mặt hàng nông sản đang có vấn đề, rõ nhất là đối với cây lúa. Ông đề xuất giải pháp nào để khắc phục?

- Tôi nghĩ cần hệ thống giải pháp căn cơ, đồng bộ mới giải quyết được tình trạng “trúng mùa mất giá, được giá hết hàng” và vòng luẩn quẩn “trồng cây gì, nuôi con gì” quá xưa cũ, thay bằng “cung cấp cái gì thị trường cần và có lợi nhuận”. Nói cách khác là cần nền kinh tế “giá trị” thay cho “sản lượng”. Cần phải chuyển từ tư duy làm ra “chén cơm đầy” - nhiều sản lượng, sang “chén cơm ngon” - mang lại nhiều giá trị, đặc biệt là lợi nhuận hợp lý cho nông dân.

Như vậy, phải chuyển được từ quyết tâm chính trị sang bài toán kinh tế. Nông dân cần được giải phóng bằng kiến thức của nhà kinh doanh.

Tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL phải là quá trình hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái và xây dựng nông thôn mới, giúp hàng chục triệu nông dân ĐBSCL vượt qua thách thức, trở thành “doanh nhân nông nghiệp”. Hơn cả tái cơ cấu, phải đổi mới tư duy như ta từng làm trong nông nghiệp.

Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2020 thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008. Tuy nhiên, đề án chỉ mới vạch ra hướng đi, đích đến, lộ trình, phương tiện..., còn nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều yếu tố và điều kiện thực thi. ĐBSCL là vựa lúa của cả nước, vì vậy cần có một vị trí quan trọng trong việc thực thi đề án này.

Bộ NN&PTNT khuyến cáo cần giảm trên 200.000ha trồng lúa ở ĐBSCL chuyển sang trồng đậu nành hoặc các loại cây khác. Nhiều tỉnh lại cho rằng không nên vội vàng chuyển đổi khi đầu ra còn rất mù mờ? Quan điểm của ông thế nào?

- Bây giờ mà vội vã chuyển sang đậu nành, rau màu hay cây trồng khác chỉ vì lúa gạo đang gặp khó là cách làm không căn cơ. Ai đảm bảo đậu nành làm ra tiêu thụ tốt, nông dân lãi cao trong khi các loại rau màu, khoai lang, con cá tra, con tôm cũng đang gặp khó? Mà để đầu tư cho chuyển dịch này, nông dân cần nhiều vốn hơn, kỹ thuật canh tác tốt hơn, rồi giống nào để giá đậu nành trong nước đủ sức cạnh tranh?

ĐBSCL từng chuyển đổi trồng đậu nành, bông vải, mè, nuôi bò sữa... nhưng không thành công vì thiếu giải pháp đồng bộ. Thực tế hiện nay rất cần một cuộc “chuyển đổi lớn” trong nông nghiệp, mang tính cải cách mạnh mẽ.

Các vấn đề đất đai, khoa học kỹ thuật cho sản xuất hàng hóa lớn đang cần những sửa đổi cực kỳ mạnh dạn để chuyển đổi nông nghiệp sang một mô hình khác, chứ cứ lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp tạm trữ, một ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật... có tính đối phó, theo đuôi thiệt hại như vừa qua thì rõ ràng không ăn thua.

Câu chuyện liên kết đã được đề xuất từ nhiều năm mà vẫn chưa có cơ chế thực thi. Nhiều nơi “nóng ruột” tìm đến với nhau như Long An và Tiền Giang liên kết sản xuất trái cây. Theo ông, có nên ủng hộ xu hướng này?

- Kịch bản cung - cầu nông sản hiện nay đã được các nhà khoa học của Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam, Trường ĐH Cần Thơ dự báo cách đây năm năm với một đề án tổng thể liên kết vùng với năm dự án kết nối, phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trái cây, tôm, cá tra; đào tạo nghề cho nông dân và cơ chế, chính sách kèm theo.

Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã nhiều lần làm việc với các bộ ngành, địa phương xác định quy hoạch sản xuất và thị trường cụ thể các dòng sản phẩm chủ lực. Thủ tướng Chính phủ đã ra nhiều văn bản chỉ đạo, giao Bộ NN&PTNT trình thủ tục nhưng đến nay đề án vẫn chưa được phê duyệt.

Trong bối cảnh như vậy, việc một số tỉnh chủ động liên kết với nhau cần được khuyến khích, nhưng cần liên kết thực chất theo chuỗi giá trị ngành hàng chứ không nên cam kết chung chung. Những vấn đề như dịch bệnh, nguồn nước, thị trường... phải được giải quyết ít nhất ở cấp vùng chứ vài ba tỉnh không làm nổi. Liên kết vùng cần phải được hỗ trợ bằng khung cơ chế, chính sách và pháp lý từ trung ương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận