TTCT - Từng tham gia tuyến đầu chống dịch, không ít nhân viên ngành y đã phải xoay xở mưu sinh bằng đủ thứ nghề khi dịch tạm lắng. Ảnh: Chị Lê Thanh Huyền bán hàng ở một góc vỉa hè tại Hà Nội. Ảnh: NAM TRẦNCuối năm 2021, Bệnh viện (BV) Tuệ Tĩnh, thuộc Học viện Y dược học cổ truyền VN (Hà Nội), nợ lương suốt 8 tháng khiến nhiều cán bộ, y bác sĩ phải "xuống đường" cầm băngrôn đòi quyền lợi. Để trang trải cuộc sống trong thời gian khó khăn, nhiều y bác sĩ phải làm shipper, ngồi chợ bán rau, bán hàng online.Nữ hộ sinh bán rau, bán trứngNữ hộ sinh Lê Thanh Huyền công tác 11 năm tại BV Tuệ Tĩnh, dù đã vào biên chế chính thức nhưng từ năm 2019, khi BV chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính, mức lương của chị Huyền ngày một giảm. Tháng 5-2021 tổng lương của chị còn 2.350.000 đồng/tháng và bị nợ lương. Để có thêm chi tiêu cho gia đình, chị Huyền phải "tăng ca" bằng việc kéo xe hàng bán rau trên góc vỉa hè. Mỗi ngày làm việc của chị Huyền gồm 2 "ca": từ 8h-16h30, chị chăm sóc, hỗ trợ bác sĩ thăm khám cho phụ nữ mang thai, phát thuốc cho bệnh nhân...Sau khi hoàn thành công việc ở BV, chị chạy về nhà trọ cách BV 5km, kéo xe hàng đặt lên vỉa hè, bán đến 20-21h để kiếm thêm thu nhập.Chị Huyền nhớ lại những ngày đầu phải ngồi vỉa hè bán rau với những câu chuyện dở khóc dở cười. "Rau, trứng thì ông bà dưới quê (ngoại thành Hà Nội) chuyển lên. Tôi lấy nem chua, mắm tôm, chả cá... của đồng nghiệp ở BV bán thêm. Ngày đầu tìm chỗ bán hàng, hai vợ chồng đi khắp các khu chợ quanh nhà trọ ở quận Hà Đông xem ở đâu ngồi bán được. Mất 1 tuần mới tìm được chỗ ngồi, là khoảng vỉa hè trống chưa có ai xí chỗ. Mới đầu mọi người ra đuổi, nói không được ngồi nhưng khi nghe câu chuyện khó khăn của mình, rồi báo đài cũng đưa tin về việc đó, mọi người lại thương. Có chị đồng nghiệp thấy tôi chỉ trải cái bao tải để rau, trứng thì gọi điện: "Nhìn mày mà chị phát khóc, nhắn ngay cho chị địa chỉ để chị bảo người ta mang cho cái xe hàng đứng bán cho hẳn hoi", chị Huyền kể.Vậy là xe hàng được đồng nghiệp cho, ô che nắng mưa thì xin, điện sáng cũng nhờ bà con trong chợ."Giờ không bị nợ lương nhưng thu nhập chẳng đủ trang trải nên tôi vẫn đi bán hàng. Có khách quen rồi, đi bán như thế này cũng vui", chị Huyền cười nói và sắp xếp từng gói nem chua, chai nước mắm lên kệ để bắt đầu một buổi chợ. Chồng chị tranh thủ ra phụ giúp một lúc rồi về chăm sóc hai con nhỏ ở nhà trọ.Chị Huyền cho biết lúc mới ra trường, xin được vào BV cả nhà mừng lắm. Bản thân chị cũng thấy tự hào với bố mẹ, làm đúng chuyên môn được học, lại là BV ở Hà Nội nữa. Giờ thì chuyện nợ lương của BV ai cũng biết, mỗi lần về quê người thân, làng xóm đều hỏi han."Tôi thấy ngại, chạnh lòng lắm. Có người vô tâm họ nói những lời khiến mình buồn: tưởng bác sĩ, y tá làm BV thế nào chứ lương thấp lại còn nợ lương. Chẳng bằng người ta đi làm công nhân lương tháng cũng 10 triệu rồi", chị Huyền nghẹn lại.Tiền thuê trọ, tiền điện nước...mỗi tháng 4 triệu đồng, rồi tiền nuôi hai con nhỏ nhưng tổng thu nhập từ lương, trợ cấp của chị Huyền hơn 5 triệu đồng. Chồng chị làm công việc tự do nên thu nhập cũng bấp bênh. Ngày bán đắt hàng thì lãi được 100.000 đồng, hôm nào ế ẩm chỉ kiếm được 30.000 - 50.000 đồng. "Được đồng nào hay đồng ấy để lo cho con cái ăn học", chị Huyền nói.Tối muộn, khi dòng người đi lại vắng vẻ, chị Huyền mới dọn hàng, đẩy xe về khu nhà trọ. Cái nóng oi bức của mùa hè khiến mồ hôi ướt đẫm lưng chị."Một tháng tôi trực 3 buổi tối ở BV, ngày nào không bán hàng là khách quen biết ngày đó tôi phải trực. Điều tôi cảm thấy buồn là không có nhiều thời gian ở cạnh các con. Đôi khi con hỏi "sao mẹ lại phải đi bán rau", rồi "con muốn mẹ về sớm để chơi cùng con, tắm cho con" nhưng biết làm sao được", chị Huyền chia sẻ."Đỉnh dịch qua mới yên tâm nghỉ việc"Theo thống kê của công đoàn ngành y tế Hà Nội, gần 900 nhân viên y tế tại Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác hơn năm qua do mức lương thấp, công việc ngày càng áp lực.Chị Mai công tác tại một trạm y tế phường ở Hà Nội xin nghỉ việc hồi cuối tháng 3-2022. Những ngày dịch bệnh COVID-19 ở Hà Nội căng thẳng, chị và đồng nghiệp dường như không khi nào ngơi nghỉ, hết giờ làm việc mọi người thay phiên cập nhật số liệu F0, hoàn thiện báo cáo, áp lực chồng chất nhưng chỉ thêm khoảng 500.000 đồng/tháng tiền trách nhiệm."Tôi không còn thời gian dành cho gia đình nên quyết định tìm một công việc khác", chị Mai buồn nói.Còn chị Trang, nhân viên y tế từng công tác tại một trạm y tế ở Hà Nội vừa quyết định xin nghỉ việc cho biết ngày thường nhân viên y tế như chị cũng bận rộn nhưng dịch COVID-19 lên đỉnh điểm, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm mới, áp lực công việc tăng gấp nhiều lần."Thái độ của một số người dân cũng khiến chúng tôi mệt mỏi, nhiều người gọi điện đến như quát nạt, "sao chúng tôi gọi mãi không thấy trạm nghe máy?", "Các cô ăn lương của Nhà nước mà làm ăn như vậy?". Có bạn bị chửi mắng, đe dọa ở trạm bật khóc tu tu", chị Trang nhớ lại.Mức lương của chị Trang 6 triệu đồng/tháng, các cán bộ y tế khác ở trạm có người 2-4 triệu đồng. Nhiều lúc các chị em ở trạm trêu đùa để động viên nhau: "Đi làm cả ngày, cả đêm như vậy làm gì có thời gian tiêu tiền mà phải lo lương".Chị Trang kể: "Một tuần trước khi nghỉ việc, tôi cứ suy nghĩ đấu tranh mãi. Công việc đã gắn bó nhiều năm, cũng là vị trí mình phải phấn đấu lắm mới có được. Nhưng nghĩ lại những áp lực, cơ chế đãi ngộ thì phải chọn cho mình một hướng đi mới".Nhiều người thắc mắc tại sao lúc đỉnh dịch vất vả, khó khăn không nghỉ, khi dịch qua rồi, khó khăn vơi bớt, chị lại có quyết định này. "Đơn giản là thời điểm này tôi có thể yên tâm nghỉ việc, để không cảm thấy thấy có lỗi, áy náy với bản thân đã không cố gắng hết sức với công việc mình đã lựa chọn. Tôi không muốn lúc khó khăn, vất vả lại bỏ đồng đội, người dân", chị tâm sự.Anh N.V.C. (Hà Nội) thì nghỉ việc ở một BV tuyến huyện Hà Nội để bán hàng online đồ gia dụng, thời trang. Anh C. nói cả hai vợ chồng làm chung một BV, anh làm ở phòng chụp X-quang, tổng thu nhập hai vợ chồng mỗi tháng gần 10 triệu đồng nhưng phải nuôi 2 đứa con."May mắn công việc mới thuận lợi, có lúc thu nhập 1 tháng bán hàng bằng cả nửa năm làm ở BV. Trước mắt tôi có thể chăm lo tốt hơn cho gia đình cả về tinh thần lẫn vật chất", anh C. lạc quan.Chợ VATM (từ viết tắt của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) do các y bác sĩ bệnh viện tạo trên Facebook. Ảnh: D.Liễu chụp từ màn hìnhLo không tuyển dụng được y bác sĩTrước đây BV Bạch Mai có tiếng về mức lương trả cho y bác sĩ nhưng hai năm dịch và nhiều tháng nay y bác sĩ không có thu nhập tăng thêm, thưởng tết cũng ít ỏi.Đại diện một BV trung ương khác ở Hà Nội chia sẻ thời điểm dịch không có người đến khám chữa bệnh, BV phải vay nợ để trả lương cơ bản cho nhân viên."Công chức, viên chức trong biên chế lương theo ngạch bậc chỉ 7-8 triệu đồng/tháng, còn điều dưỡng, y công… có người làm sắp đến tuổi nghỉ hưu mới được 5 triệu đồng/tháng. Có người đang phải thuê nhà mà chỉ được nhận 80% lương, đời sống hết sức khó khăn", vị này cho biết.Tại BV Tâm thần trung ương 1, điều dưỡng Trần Thị Thu Lan cho biết việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần nhiều đặc thù nên các anh chị phải kiểm tra từng người xem bệnh nhân đã uống thuốc chưa; cắt móng tay móng chân và cắt tóc cho bệnh nhân; đưa những bệnh nhân đang ì trệ đi tắm…"Sau dịch COVID-19, tuyển dụng nhân lực về BV Tâm thần càng khó khăn hơn, mới đây BV nịnh mãi mới có một bác sĩ nội trú về làm việc, nhưng lương chỉ được có 6,7 triệu đồng/tháng, rất khó để bác sĩ yêu nghề và gắn bó với nghề" - ông Nguyễn Tuấn Hưng, phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế, nói. ■Mọi chi phí đều tăng, chỉ lương không tăngBà Lê Thanh Bình, tổ trưởng tổ công đoàn BV Tuệ Tĩnh, cho biết từ đầu năm 2022 đến nay đã có 15 cán bộ, y bác sĩ xin nghỉ việc không lương và chuyển công tác. "Sau khi chúng tôi phản ứng về việc nợ lương thì đến nay BV đã trả đủ lương cho cán bộ, y bác sĩ.Tuy nhiên, với mức lương rất ít ỏi, người cao nhất 9 triệu đồng/tháng, thấp nhất chỉ 3 triệu, không đủ sống thì sao gắn bó với công việc được. Nếu cứ tình trạng lương một đằng, giá một nẻo như vậy, không biết tới đây còn ai muốn gắn bó với nghề nữa không", bà Bình trăn trở.Bà Bình nói không chỉ chị Huyền mà các đồng nghiệp khác tại BV cũng đang chật vật "tăng ca". "Gần như ai cũng làm thêm những công việc bên ngoài, bỏ việc ở BV thì nhiều người không nỡ. BV có riêng "cái chợ" trên Facebook, mọi người ai có gì bán đó, từ trứng, thịt, rau… để mua ủng hộ nhau. Chúng tôi đi học 4-5 năm, chỉ mong công việc ngành y có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Thế nhưng thực tế thì phũ phàng như vậy", bà Bình buồn nói. Tags: Nhân viên y tếXoay xở mưu sinhMôi trường làm việcNgành y tếXin nghỉ việc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam - Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện THANH HIỀN 21/11/2024 Quan hệ Việt Nam - Malaysia đánh dấu cột mốc mới khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân đến Malaysia.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
TP.HCM chính thức chốt giá vé đi tàu điện metro số 1 CHÂU TUẤN 21/11/2024 UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định giá vé dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1).
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".