Những bãi xanh khiến Trái đất “hao tài tốn của”

CHỦNG HẠNH 30/04/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Nếu nhập từ khóa “sân golf” vào công cụ tìm kiếm hình ảnh của Google, vô vàn ảnh chụp những thảm cỏ xanh mướt, cảnh quan mát mẻ hiện ngay trước mắt. Chúng có thể khiến người chơi thư thả thoải mái, nhưng đối với sức khỏe của thiên nhiên… đó là câu chuyện hoàn toàn khác.

 
 Ảnh: golfinsighter.net

“Có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng chơi golf là đắm mình vào thiên nhiên. Sai quá sai. Các sân golf không hề thuần tự nhiên - chúng là những công viên giải trí theo chủ đề thiên nhiên” - Abbie Richards, một nhà truyền thông khoa học bình luận trên trang Euronews.

Vài điều cơ bản ở một sân golf

Theo Quỹ Golf Hoa Kỳ (NGF), môn golf ra đời trên nền đất cát dọc theo bờ biển Vương quốc Anh, nơi có khí hậu ôn hòa, thoát nước tự nhiên - điều kiện lý tưởng cho trò chơi này phát triển.

Khi môn thể thao này ngày một phổ biến, sân golf bắt đầu “mọc lên” trên những vùng đất ít lý tưởng hơn, như đồng cỏ, đất nông nghiệp và những công viên rợp bóng cây. Kết quả là người ta phải tốn công sức xây dựng các sân chơi, sinh ra nghề kiến trúc sân golf, cùng nền công nghiệp quản lý sân golf.

Ngày nay, một sân golf đúng chuẩn có 18 lỗ. Mỗi lỗ golf bao gồm nhiều khu vực khác nhau: green (vùng cỏ ngắn và mịn bao quanh lỗ golf), tee (khu phát bóng), fairway (khoảng sân cỏ êm ái ở giữa tee và green), rough (khu vực biên, cỏ thô nhám) và bunker (bẫy cát).

Ngoài ra, sân golf còn có các khu luyện tập và cây cối, hồ nước nhằm tạo cảnh quan. Do các thảm cỏ phải có độ cao khác nhau, những khu vực kể trên phải được chăm nom với cách thức, cường độ và thiết bị khác nhau.

Nhìn chung, bên cạnh tưới nước, bón phân và xịt thuốc, chuyện làm cỏ ở các sân golf còn bao gồm mấy việc lắm công phu sau: nào là tạo các lỗ nhỏ trong lớp đất bề mặt giúp tăng oxy trong lòng đất, nào là cắt cỏ theo chiều dọc để cỏ mọc thẳng, bề mặt sân mịn, êm. Và còn cả việc phủ cát (topdressing) đều khắp sân cỏ để tạo bề mặt phẳng và chắc chắn.

Một người còn đang phân vân về môn golf có thể thắc mắc: trồng nhiều cỏ đến thế, liệu các sân golf có giúp Trái đất “chôn” khí carbonic từ khí quyển nhờ vào quá trình quang hợp hay không? Giới nghiên cứu lâu nay đã đi tìm câu trả lời. Một công bố năm 2011 trên tạp chí khoa học SAGE đi đến kết luận: khó khả thi.

Nguyên nhân là thực tế éo le sau: trong khi đám cỏ phần nào giảm phát thải carbon thì việc chăm sóc chúng lại bao gồm nhiều nguồn phát thải CO2, do lẽ sân golf vốn rộng lớn, con người cần dùng máy móc đủ loại, đủ chức năng để duy trì cảnh quan.

Những cỗ máy này vốn chạy bằng dầu diesel, xăng hoặc cũng có thể là điện và nhiên liệu sinh học - tùy vào mức độ “trăn trở” với môi trường của chủ sân. Việc sử dụng các hóa chất nông nghiệp và xử lý chất thải cũng góp phần làm dấu chân carbon của ngành golf phình to.

Cạnh tranh quỹ đất

Tính đến cuối năm 2018, trên cả 5 châu lục có tổng cộng gần 39.000 sân golf, với 51% trong số đó nằm tại Mỹ, theo nghiên cứu “Golf vòng quanh thế giới 2019” do NGF thực hiện.

Trong khi đó, Hiệp hội Kiến trúc sư sân golf của Mỹ cho biết: một sân 18 lỗ tiêu chuẩn (72 gậy) cần khu đất rộng tối thiểu 49ha, hay nói theo ngôn ngữ của bà con Nam Bộ xứ mình là 490 công - rộng hơn cả quốc gia nhỏ nhất thế giới là Vatican.

Đất sử dụng cho việc phát triển các sân golf đôi khi tọa lạc trong những khu vực có giá trị đối với cả cộng đồng địa phương, như gần biển, rừng, hoặc hồ nước. Thêm đất cho golf có thể đồng nghĩa với bớt đất cho nông nghiệp, nhà ở giá rẻ, công viên và khu bảo tồn thiên nhiên.

Ấy thế mà, golf chưa bao giờ là môn thể thao của toàn dân. Năm 2019, tờ The Sun-Herald (Úc) tiết lộ rằng các sân golf chiếm gần 10% diện tích đất đai ở Sydney, mặc dù chưa đến 3% dân số ở đó thường xuyên chơi môn này.

 
 Ảnh: golfinsighter.net

Hao tài nguyên nước

Các sân golf sử dụng rất nhiều nước cho việc tưới tiêu và các mục đích khác, ví dụ như ao hồ, tạo chướng ngại vật. Nếu sân golf nằm trong một quần thể nghỉ dưỡng, giải trí thì ta còn phải kể đến nước sinh hoạt của những vị khách rủng rỉnh tiền.

Hầu như không có số liệu thống kê gần đây về tổng lượng nước được dùng để nuôi sống ngành golf mỗi năm. Bởi vì chỉ xét riêng việc tưới tiêu, lượng nước cần thiết ở mỗi vùng không giống nhau, phụ thuộc vào khí hậu, thổ nhưỡng của nơi đó và giống cỏ được trồng. Nguồn nước sử dụng cũng tùy nơi.

Nhưng giữa cuộc khủng hoảng nước sạch đang diễn ra trên toàn cầu, có vẻ lực lượng nông dân và những người “không chơi golf” hẳn khó mà ngồi yên, khi hàng vạn khu đất của người giàu, trồng toàn cỏ độc canh và cây cối không ăn được, vẫn tưới tắm đều đặn mỗi ngày!

Mâu thuẫn đó thể hiện rõ nét trong đợt hạn hán “lịch sử” ở bang California (Mỹ) trong năm 2014 - 2015. Tình hình nghiêm trọng đến mức chính quyền yêu cầu tất cả người dân phải tiết kiệm nước: ngừng rửa đường, rửa nhà, rửa xe... kèm với mức phạt cảnh cáo 500 đôla.

“Nếu California nghiêm túc trong việc bảo tồn nước, họ đáng lý không cần bắt bẻ chuyện người dân rửa những chiếc xe ngu ngốc - họ đáng lý cần đóng cửa những thứ như sân golf, với số lượng gần một ngàn sân” - cây bút Charles Davis bức xúc trên trang Vice media vào năm 2014, và so sánh rằng mỗi sân golf sử dụng lượng nước bằng 780 gia đình bốn người ở Mỹ trong một ngày.

Ngày nay, có những sân golf lựa chọn tái chế nước thải để phục vụ tưới tiêu. Theo khảo sát năm 2018 của Hiệp hội Golf Hoa Kỳ (USGA), 25% các sân golf ở quốc gia này tưới bằng nước tái chế. Tuy nhiên, sáng kiến này đi kèm với nhiều thách thức, đòi hỏi thêm các giải pháp kỹ thuật và nguồn đầu tư. Nước thải có thể bị nhiễm mặn, hoặc chứa các chất gây ô nhiễm. Nếu nhà máy xử lý nước và sân golf cách xa nhau, việc xây dựng và bảo trì đường ống nước sẽ gây tốn kém tiền bạc và năng lượng.

 
 Các sân golf phải thường xuyên topdressing. Ảnh: USGA

Ngốn cát, hại môi trường

Đây là toàn bộ thực đơn những món từ cát, phục vụ riêng cho các sân golf: cát trộn cho bunker, cát trộn kiểu khác nữa cho topdressing, và cát nhuộm màu xanh lá cây dành để sửa chữa các mảng cỏ bị văng khỏi mặt đất sau những cú đánh.

USGA cho biết nhiều sân golf xịn thực hiện topdressing đều đặn mỗi tuần, hoặc cách 2 tuần, nhờ đó mà cỏ mọc tốt tươi. Đồng thời, lượng cát khô cần dùng sẽ vào khoảng 48kg trên 100m2 (tức 480 tấn trên 1ha).

Cũng như đất, nước và đa số tài nguyên trên Trái đất, cát ngày nay cũng đã vào hàng khan hiếm. Ngay cả với một sân golf mọc trên nền sa mạc ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), xây dựng các khu vực cát cũng khó như trồng thảm cỏ xanh.

Trong bài viết “Thế giới đang cạn kiệt cát”, đăng trên The New Yorker năm 2017, David Owen giải thích: “Các hạt cát [từ sa mạc nội địa] bị phong hóa quá tròn trịa nên “nuốt chửng” các quả bóng golf, do đó cát trong các bunker của nhiều sân golf ở Dubai phải được nhập khẩu”.

Trên tất cả, mọi chuyện tạo dựng, chăm sóc và duy trì mảng xanh đều có thể gây hại cho môi trường. Bên dưới những thảm cỏ xanh mướt được cắt tỉa cẩn thận, không có cỏ dại kia rất có thể là những “nhà kho” chứa đầy chất độc hại từ phân bón tổng hợp, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt nấm và thuốc trừ sâu. Không những gây hại cho sức khỏe của những ai trực tiếp hoạt động trên sân golf, những chất này có thể ngấm vào nguồn nước và ảnh hưởng đến những vùng lân cận.

Theo Bách khoa toàn thư Britannica, golf ra đời vào cuối thế kỷ 14. Sau hơn 6 thế kỷ, bộ môn vốn lành mạnh này ngày càng xấu đi trong mắt các nhà tranh đấu vì môi trường. Số lượng sân golf vẫn tăng đều. Báo cáo “Golf vòng quanh thế giới 2019” tự hào xướng tên quốc gia mới nhất trong danh sách “ở đây đã có sân golf” là Turkmenistan, và cả Việt Nam - nổi lên với tư cách là một thị trường lớn, đang sử dụng môn golf để phát triển địa phương.■

Ô nhiễm vi nhựa cũng là một vấn đề của thú chơi golf. Năm 2009, trong một cuộc săn lùng quái vật hồ Loch Ness ở Scotland, người ta đã tìm thấy một quái vật khác không ai ngờ tới: hàng trăm, hàng ngàn quả bóng golf ở đáy hồ. Người chơi golf thường dễ để lạc mất những quả bóng; uớc tính mỗi năm có 300 triệu quả golf bị mất chỉ riêng ở Mỹ. Các nhóm nghiên cứu tại Liên minh Golf Đan Mạch từng công bố rằng phải mất từ 100 đến 1.000 năm để một quả bóng golf phân hủy trong tự nhiên.

 
 Bóng golf đe dọa sinh vật biển. Ảnh: Matthew Savoca, nhà sinh vật học biển tại ĐH Stanford (Mỹ)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận