Những cộng hưởng từ phiên sách cũ

LAM ĐIỀN 19/01/2013 22:01 GMT+7

TTCT - Sau khi chứng kiến quyển bút ký Sông Đà bản in năm 1978 (NXB Tác Phẩm Mới) cùng chữ ký Nguyễn Tuân được bán 4 triệu đồng tại phiên đấu giá trong khuôn khổ offline sách cũ ở Nhã Nam thư quán hôm 13-1, nhà sưu tập Hoàng Minh tin rằng những bản sách kèm chữ ký, thủ bút của các nhà văn khác như Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Bích Khê... vẫn là sản phẩm văn hóa giá trị trong mắt nhiều người.

Phóng to
Bạn đọc Hoàng Lan (phải) thắng đấu giá cuốn sách Sông Đà có bút ký của nhà văn Nguyễn Tuân với giá 4 triệu đồng - Ảnh: T.T.D.

Đấu giá bút ký Sông Đà và chữ ký Nguyễn Tuân

Là người sở hữu nhiều bản sách quý hiếm và nhiều thủ bút của các danh gia, anh Hoàng Minh từ nhiều năm qua là người kỳ công lặn lội đến với nhiều nhà văn, nhà báo, nhà sưu tập, thậm chí làm quen và kết giao với con cháu, người thân của nhiều nhà văn chỉ với mục đích sưu tập được các ấn bản quý và tìm giữ chút gì những thủ bút, các con chữ được viết từ bàn tay của các nhà văn một thời được nhiều người mến mộ, mà vì thời cuộc, vì sự nghiệt ngã của thời gian và cả lòng người, dần dần chẳng mấy người còn biết đến.

Người trẻ nặng tình với sách

Còn nhớ trong một lần trò chuyện cùng nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương xung quanh chuyện sách vở của các vị tiền bối, bà Khương bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy lớp trẻ sau mình lại có người đam mê sách vở, thủ bút, chữ ký như vậy. Có lẽ cũng nhờ những người đam mê như Hoàng Minh mà một lượng tài liệu, sách báo, các bản thảo và tư liệu thành văn của văn giới, học giới nước nhà mới được lưu giữ.

Còn nhớ cách đây không lâu, thông tin lan truyền trong giới sưu tập Sài Gòn rằng bản sách Cours de langue mandarine ou de caractères Chinois (Bài giảng tiếng Quan thoại hay chữ Trung Quốc) của Trương Vĩnh Ký rất hiếm hoi vì in thạch bản tại Sài Gòn vào năm 1875 được bán từ trong nước ra cho một Việt kiều ở châu Âu. Sự kiện này làm những nhà sưu tập nhiệt thành như Hoàng Minh, Vũ Hà Tuệ tiếc mãi. "Với giá chỉ khoảng 1.000 USD mà để quyển sách quý ấy lọt ra nước ngoài thì uổng thật" - Vũ Hà Tuệ tiếc nuối.

Điều đáng quý là tinh thần của các nhà sưu tập trẻ như Hoàng Minh, Vũ Hà Tuệ đang được cộng hưởng bởi nhiều nhóm trao đổi, mua bán sách cũ tại Sài Gòn. Xuất thân từ nhiều ngành nghề, các bạn trẻ này có cùng niềm quan tâm là sách, và không ít người trong số đó đã xem sách như bạn đồng hành từ thuở nhỏ đến giờ.

Đó là Dạ Thương, người lập trang Booksale, là Tuấn Tài (trang Sách cũ Sài Gòn), Phạm Lê Quốc Hưng (trang Bán sách mua kem), và nhiều bạn khác đang góp sức xây đắp một thị trường sách trên Internet. Từ thế giới ảo, những buổi offline đơn sơ đầu tiên đã được tổ chức, được tiếp nối bởi sự mến mộ sách vở của công chúng TP.HCM, trong đó có rất nhiều bạn trẻ, để nay trở thành những sinh hoạt hằng tháng được nhiều người trông đợi.

Niềm tin vào văn hóa đọc

TS Nguyễn Thị Hậu - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - tham gia vào rừng người tìm sách, và ngay lập tức "khai quật" được quyển Những vấn đề văn hóa giáo dục xã hội xuất bản tại Sài Gòn năm 1966, để bất ngờ thốt lên "đã mấy chục năm rồi mà các vấn đề giáo dục xã hội vẫn giống y như bây giờ".

Luật sư, dịch giả Lâm Vũ Thao cũng chen chân cùng dòng người tìm sách. Anh cho rằng sự xuất hiện của những nhóm bán sách 8X mau mắn và chịu khó trên mạng như lâu nay đã đáp ứng nhu cầu những người tìm các sách đã in từ lâu. Cách phát hành "đúng người đúng sách" như vậy là một lợi thế của các nhóm sách Sài Gòn này.

Vì vậy mà tại buổi offline vừa qua, các sách xuất bản thời bao cấp như bộ Gió đầu mùa của Thạch Lam, sách của Sơn Nam, các bộ Tam Quốc, Thủy Hử thời giấy đen... cũng được nhiều khách hàng "săn lùng". Đầu giờ chiều, anh bạn nhà báo vui mừng ra mặt khi mua được quyển Lai rai viết vẽ của họa sĩ Chóe và Kỳ Lâm, quyển Nước mắt ngày gặp mặt của đại tá Nguyễn Văn Tào (tức Tư Cang - sĩ quan tình báo trong cụm H.63 của Phạm Xuân Ẩn)...

Những ý tưởng và cách thức ấy dù còn chút hơi hướng tự phát nhưng đã làm nức lòng giới yêu sách. Trên các diễn đàn mạng vẫn đang râm ran ý tưởng về các phiên tiếp theo tổ chức như thế nào cho xôm tụ, cho đúng chất Sài Gòn với tất cả niềm đam mê sách vở.

Trong mùa cuối năm, những tín hiệu về sách như thế cũng ấm lòng cho những ai đang kỳ vọng vào văn hóa đọc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận