Những "cục nợ" của 170 triệu dân Pakistan

DANH ĐỨC 19/09/2010 11:09 GMT+7

TTCT - Cựu tổng thống Musharraf đang rục rịch hồi hương trở lại chính trường. Cựu thủ tướng Sharif không ngớt lên tiếng kêu gọi quân đội ra tay thanh lọc chính giới Pakistan quá tham nhũng, buộc Thủ tướng Yusuf Raza Gilani phải trấn an: “Quân đội không có ý định nắm quyền và cũng sẽ không làm như thế”.

Thủ tướng Yusuf Raza Gilani (phải) bắt tay tướng tổng tham mưu trưởng Ashfaq Kayani trong chuyến thị sát các vùng bị lũ lụt ở tỉnh Punjab ngày 12-9. Sau gần sáu tuần lũ lụt, thiệt hại vật chất lên đến gần 43 tỉ USD và hơn 1.750 người chết - Ảnh: Reuters

Nếu cựu thủ tướng Nawaz Sharif đang sống tại một nước khác, chắc chắn ông đã bị ra tòa về tội âm mưu lật đổ chính quyền khi từ mấy tháng nay không ngừng kêu gọi: “Chỉ có một cuộc cách mạng mới giải quyết được các vấn đề của đất nước. Ngài Tổng thống Zardari mãi chẳng có lấy một lịch trình hành động hay chính sách gì cho quần chúng, càng không có sách lược gì chống tham nhũng” (1).

Pakistan - vài con số

GDP: 166,5 tỉ USD (2009)

GDP (tỉ lệ tăng trưởng): 4,2% (2009)

Ngân sách: thu 22,94 tỉ, chi 31,54 tỉ USD

Nợ công: 46,2% GDP (2009)

Chỉ số cảm nhận tham nhũng: hạng 139.

(nguồn: CIA World Factbook)

Xã hội phong kiến ở thế kỷ 21

Ngày 23-8, ông này không úp mở đe dọa: “Đất nước này đang cần một cuộc cách mạng kiểu Cách mạng Pháp. Phong trào MQM sẽ ủng hộ bất cứ hành động nào của các tướng lĩnh yêu nước, tỉ như ban bố tình trạng thiết quân luật, nhằm chống lại các chính khách cùng các cựu tướng phong kiến và tham nhũng. MQM sẵn sàng khởi xướng phong trào diệt tham nhũng và cứu quốc...” (2). 

Sáu ngày sau, ông lại lên tiếng: “Tối cao pháp viện có thể ra lệnh cho quân đội ra tay mà quân đội sẽ không cần phải nắm quyền” (3). 

Thế nhưng những phát biểu của ông Sharif chưa thấm gì so với ông Altaf Hussain, thủ lĩnh phong trào Muttahida Qaumi (tạm dịch: đoàn kết dân tộc, MQM), đảng có thế lực thứ ba ở Pakistan. 

Khi phán rằng các chính khách và tướng lĩnh Pakistan là “phong kiến và tham nhũng”, ông Altaf có phần có lý. Ở một đất nước đông dân đến 170 triệu người (gấp đôi VN), GDP/đầu người 1.067 USD (tương đương VN) mà chỉ 50% dân số trưởng thành biết chữ, thì việc các phú hộ cứ là lãnh chúa ở các địa phương, các “con ông cháu cha” cứ hết đời này sang đời khác lớn lên bay sang “mẫu quốc” Anh học hành như bà Bhutto 35 tuổi mới về nước, nhảy ra ứng cử dưới cái bóng của người cha lão thành cách mạng, hoặc vừa học vừa chơi như chồng bà Bhutto nay là Tổng thống Asif Ari Zardari bị tố là “không có bằng như đã khai trong lý lịch”, đến con trai bà này (cậu này ăn học đàng hoàng)..., về nước nhảy vào chính quyền, ghế này ghế nọ đã dọn sẵn..., thì ông Altaf có gọi đó là một xã hội phong kiến cũng đúng.

Quân đội sẽ lại ra tay?

Cũng dễ hiểu khi ông Altaf không ngừng lớn tiếng đòi quân đội ra khỏi doanh trại “chỉnh lý” (thanh lọc hàng ngũ chính quyền). Đây chính là điều Thủ tướng Gilani lo sợ. Nhật báo Daily Times của Pakistan ngày 10-9 cho biết Thủ tướng Gilani đã gọi báo chí đến để quả quyết “quân đội không có ý định nắm quyền và sẽ không làm như thế” (4). 

Ông lặp đi lặp lại tuyên bố này nhằm ngăn chặn từ xa mọi âm mưu đảo chính, như đã có thể đoán chừng qua các lời kêu gọi quân đội ra tay của các ông Sharif, Altaf...

Trong bối cảnh tấn tuồng dân chủ đang rối ren, cuộc chiến chống Taliban cứ sôi động, đến hạn trả nợ 3 tỉ USD/năm mà không thể trả..., nếu tướng tổng tham mưu trưởng Ashfaq Kayani có đứng lên “cứu nguy dân tộc” như tướng Musharraf 11 năm về trước để rồi sau đó lên ngôi tổng thống, thì đây lại là điều rất... hợp thời! 

Mỗi thời kỳ một tướng tổng tham mưu trưởng: 11 năm trước là thời của tổng tham mưu trưởng Musharraf, từ ba năm nay là thời của tổng tham mưu trưởng Kayani - nguyên giám đốc cơ quan tình báo ISI đầy thế lực ở Pakistan. 

Để ve vuốt tướng Kayani, ngày 24-7 Thủ tướng Gilani đã phong đại tướng cho tướng Kayani với hi vọng ông này sẽ vì ngôi sao thứ tư trên vai mà không đảo chính!

Từ khi lũ lụt xảy ra, quân đội hầu như độc diễn công tác cứu trợ, nhờ có nhân lực và phương tiện trong tay, lại được Mỹ tăng viện cả chục chiếc máy bay phục vụ cứu trợ để giành dân với tổ chức Al-Qaeda từ Afghanistan chạy sang đây lập an toàn khu, cũng đang cứu trợ với ưu thế là đồng đạo, thậm chí có khi đồng sắc tộc Pashtun, sinh sống ở tận cơ sở và không tham nhũng như các công chức nhà nước Pakistan. 

Thành ra, quân đội đang được xem là ân nhân của dân chúng, trong khi công chức cũng bị lũ lụt cứ biến đi đâu!

 “Ở thủ đô Islamabad, của đút cứ tăng cao nhờ ơn người dân Mỹ đóng thuế” 

Azeem Ibrahim, tác giả của quyển Hoa Kỳ đã cấp vốn cho tham nhũng ở Pakistan như thế nào?

Cứu tinh giữa các "cục nợ"

Đại sứ Pakistan tại Mỹ Haqqani than với Thông tấn xã Mỹ AP rằng quân đội Pakistan nay đang phải dàn trải rất mỏng để cứu lụt nên phải giảm bớt sức tác chiến ở miền bắc... 

Phát biểu đầy thực tế cũng có thể được xem như để dọn đường cho một sự “liên thông” giữa hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Pakistan, tức cho khả năng quân Mỹ nhảy vào Pakistan truy kích Al-Qaeda từ Afghanistan chạy qua, điều mà đến nay chưa được chính quyền dân sự Pakistan thuận tình, mà chỉ một chính quyền quân sự sẽ dễ dàng đồng ý.

Quân đội sẽ càng được tiếng là “cứu dân độ nước” vào lúc Tổng thống Zardari đang rất bị mất mặt khi ông viện trưởng Viện Kiểm sát do ông bổ nhiệm đã không chịu rời chức vụ sau khi tòa án tối cao ra phán quyết bác bỏ tính hợp pháp của sự bổ nhiệm này. 

Nguyên là vào đầu tháng 4, Tổng thống Zardari đã cách chức viện trưởng Viện Kiểm sát đã dám đòi khui tài khoản của các VIP trong các ngân hàng Thụy Sĩ, rồi bổ nhiệm một viện trưởng mới là người cùng “cánh hẩu” của mình. 

Thủ tướng Gilani buộc lòng phải ký lệnh cách chức ông viện trưởng này, song được ông này trả lời: “Tổng thống bổ nhiệm tôi thì tổng thống cách chức, chứ không ai khác!”.

Đứng trước tình hình tiền muôn bạc tỉ của các VIP cứ “ngủ yên” trong các nhà băng Thụy Sĩ, Chính phủ Pakistan không có tiền để lo cho dân đói khổ. Đó là Pakistan mới chỉ phải trả nợ có 3 tỉ USD/năm cho một tổng nợ mới là 54,3 tỉ USD. Song năm nay, nếu Pakistan trả nợ như mọi năm, 22 triệu dân đang bị lũ sẽ ra sao? 

Chính vì thế các tổ chức xã hội Pakistan và quốc tế nay phải yêu cầu các chủ nợ như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế giãn nợ cho Pakistan (5), vịn lẽ rằng đó là những món “nợ đểu” (tạm dịch thuật ngữ odious debts), tức các món nợ mà các chính phủ đã vay không có sự đồng ý của dân chúng.

Đáng buồn là tất cả các lãnh đạo Pakistan, từ cựu thủ tướng Sharif đến cố thủ tướng Bhutto, từ đương kim tổng thống Zardari đến cựu tổng thống Musharraf... đều từng khét tiếng tham nhũng, song lại cứ ra vào chính trường để rồi quân đội cứ lại là “cứu tinh”!

(1) “Only a revolution can solve country’s problems: Nawaz”, Paktribune, Wednesday June 23, 2010

(2) “MQM to support generals against corrupt politicians, says Altaf”, Paktribune, Monday August 23, 2010

(3) “SC can order Army to take actions, constitutionally: Altaf”, Paktribune Sunday August 29, 2010

(4) “World won’t back unconstitutional steps, says PM Gilani”, Paktribune Friday June 04, 2010

(5) “Cancel all debt to Pak: Oxfam”, Press Trust Of India, September 03

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận