Những đứa con xưa nay trở về nhà

HỒNG VÂN 15/09/2020 21:09 GMT+7

TTCT - Trở về sống chung với cha mẹ khi đã bước qua tuổi mười tám, đôi mươi là một quyết định đau khổ mà nhiều người bị ảnh hưởng về mặt tài chính do đại dịch COVID-19 ở một số nước phương Tây buộc phải đưa ra, dù điều này giáng mạnh vào sự tự tin của họ trong tư cách một người trưởng thành.

Giới trẻ Âu Mỹ ám ảnh mặc cảm thất bại khi dọn nhà về với gia đình. Ảnh: The Guardian
Giới trẻ Âu Mỹ ám ảnh mặc cảm thất bại khi dọn nhà về với gia đình. Ảnh: The Guardian

Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ theo thống kê của Cơ quan Lao động Mỹ, tính đến tháng 5-2020 là khoảng 16%. Những người trong ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, giải trí bị ảnh hưởng nặng do làn sóng sa thải. Hệ quả là các khoản trả tiền thuê nhà và các chi phí khác ngày càng khó khăn hơn, từ đó dẫn đến một làn sóng về với gia đình mới của người trẻ.

Còn biết đi đâu nữa

Theo khảo sát năm 2015 của Cơ quan dân số Mỹ, có đến 82% người Mỹ trưởng thành nghĩ không ở nhà cha mẹ là một việc làm khá, thậm chí là rất quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của một người. Thực tế, theo tạp chí The Atlantic, trước khi xảy ra dịch COVID-19, đa số người trẻ ở Mỹ dù là đi học hay đi làm đều sống tự lập khi sang tuổi 18. Nhưng đại dịch đã đảo lộn mọi thứ.

Theo phân tích của trang web chuyên về bất động sản Zillow, dựa trên số liệu khảo sát của Chính phủ Mỹ về sự dịch chuyển của dân số, khoảng 2,9 triệu người Mỹ trưởng thành, trong đó bao gồm cả những sinh viên đang học đại học, cao đẳng, trở về sống với cha mẹ hoặc ông bà trong các tháng 3, 4 và 5 của năm nay. Đa số họ tầm 25 tuổi hoặc trẻ hơn.

Derek Kurashima, sinh viên Trường đại học Southern California, phải trở về nhà sau khi trường đóng cửa vào tháng 3 để chuyển sang học online. Nam sinh viên này cho biết anh nhớ bạn bè, cảm thấy bực bội, nhất là khi phải học qua máy tính với mức giá 30.000 USD/học kỳ.

Điểm sáng mà chàng trai này tự an ủi mình là ở nhà mẹ, anh không phải trả tiền ăn, tiền nhà. Mỗi tháng, sinh viên này tiết kiệm được khoảng 800 USD chỉ riêng tiền nhà.

Trong khi đó, Marielle Brenner, một nữ sinh 25 tuổi đến từ New York, lại đau khổ nhiều hơn vì mặc cảm thất bại, vì trở về nhà là từ bỏ lý tưởng về cuộc sống “có thể tự lập, kiếm tiền đủ sống, có không gian sống riêng và một công việc tốt”.

Trước khi quyết định về nhà, dù không ai trách móc và thậm chí hoàn toàn thấu hiểu sự việc là do “hoàn cảnh đẩy đưa”, với Brenner và nhiều người bạn của cô, lựa chọn này thật khó khăn.

Nhưng có cách nào hơn khi một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew vào tháng 3-2020 cho thấy, một người Mỹ trưởng thành càng trẻ thì càng có nhiều khả năng đại dịch đã lấy đi công việc hoặc thu nhập của họ hoặc ai đó trong gia đình họ.

Ngược lại, cũng có người về nhà để được nâng đỡ về tâm lý. COVID-19 đã đặt nhiều người trước một tương lai bất định. Giãn cách xã hội làm chúng ta cảm thấy cô đơn - ngay cả khi mình đang sống trong thời đại mà mọi người kết nối với nhau hơn bao giờ hết thông qua các ứng dụng cho phép gọi điện thoại trực tuyến và mạng xã hội.

Ezra Klein lý giải trên trang Vox, khi mọi thứ bỗng trở nên không chắc chắn, tâm lý chung là chúng ta muốn gặp lại các thành viên lớn tuổi trong gia đình, tâm lý này đặc biệt phổ biến với những người sống xa nhà và không có nhiều thời gian với những người thân yêu.

Sau tất cả, nhà là nơi ai đó có thể chăm sóc chúng ta và ngược lại. Ngoài ra, một người họ hàng hay cha mẹ là những người đáng tin cậy và trách nhiệm hơn nhiều so với một người bạn cùng nhà.

Tình thân và bản thân

Bác sĩ tâm lý trị liệu Lara Fielding nói về hiện tượng giới trẻ trở về nhà hiện nay: “Trong lúc này, điều tự nhiên nhất trên đời là muốn kết nối gắn bó với người thân, những người bạn cảm thấy an toàn khi ở bên. Chúng ta mong muốn sự quen thuộc vì hiện tại có quá nhiều sự không chắc chắn. Do đó, khao khát sự thoải mái trong gia đình là điều tự nhiên nhất trên thế giới”.

Theo tiến sĩ tâm lý Mariana Martinez, nhà tư vấn cho Ngân hàng Wells Fargo, việc dọn về nhà cha mẹ của giới trẻ có thể mang lại cơ hội xây dựng mối quan hệ tốt hơn và những cuộc trò chuyện trưởng thành hơn giữa cha mẹ và con cái đã trưởng thành. “Đây không còn là cuộc nói chuyện của cha mẹ và trẻ nít mà là của những người lớn với nhau. Hai bên có thể hiểu thêm về nhau”.

Nhiều bạn trẻ cho biết họ nhận ra, dù đại dịch thật tồi tệ về nhiều mặt, với từng cá nhân, nó có thể là cơ hội để kết nối và được tắm trong tình thân. Senthorun Raj (người Anh gốc Ấn) cho biết mẹ anh vô cùng hạnh phúc khi anh về nhà. Bà nướng bánh và dạy anh nấu những món truyền thống của người Tamil.

Trong khi đó, Fletcher Lowe, một tay trống, cho biết anh xem tin tức với mẹ mình rất nhiều khi trở về nhà ở Tulsa (Oklahoma, Mỹ). Ngoài ra, anh cũng gần gũi hơn với em gái nhỏ của mình sau 4 năm xa cách để đi học đại học.

Nhìn chung, trở về sống chung đòi hỏi những điều tiết nhất định như thiết lập một số hoạt động chung dù là làm việc nhà hay giải trí cùng nhau. Với Ann Tran, một sinh viên gốc Việt ở Boston, cô hơi áp lực khi về nhà mẹ do những khác biệt trước đây của cả hai.

Việc Ann quyết định sống độc lập bên ngoài dù là con một từng làm mẹ cô, một người phụ nữ gốc Việt một mình nuôi con lớn khôn, tổn thương sâu sắc. Cuộc sống hai mẹ con họ khi lại sống cùng dưới một mái nhà nhìn chung là phẳng lặng; họ thường đi bộ ra bãi biển, làm việc ở bếp ăn tình nguyện cùng nhau.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg, Ann cho biết bất đồng vẫn xảy ra xuất phát từ những tình huống vô lý như việc mẹ Ann cho rằng con gái không muốn dành thời gian cho mình. “Tôi cố gắng làm cho mẹ hiểu rằng thời gian chúng tôi có với nhau là chất lượng và tôi thích khoảng thời gian này. Tôi cũng học được cách làm mọi thứ nhẹ nhàng hơn như giữ khoảng cách và kiểm soát những phản ứng của mình với mẹ” - cô nói.

Ann được sống chậm hơn trước đây. Cô thừa nhận thật khó hình dung sẽ quay về cuộc sống lúc còn ở bên ngoài như dạo trước tháng 3-2020. Khi đó, mỗi tuần của cô đều kín những cuộc hẹn, ăn trưa với bạn, làm việc, chuẩn bị ăn tối, ra ngoài công việc hay gặp gỡ bạn bè ban đêm. “Nghĩ đến tất cả những điều đó khiến tôi kiệt sức. Thật khó quay lại cuộc sống cũ với năng lượng trước đây”.

James, một người Anh, cũng trải qua những phức tạp của cuộc sống chung với mẹ và cha dượng. Anh về nhà cha mẹ ở tạm trước Giáng sinh nhưng đúng lúc định dọn đi, vào tháng 3-2020 thì Tổ chức Y tế thế giới công bố tình trạng đại dịch.

“Tôi dọn dẹp, giặt giũ nhiều hơn và trở thành người tử tế hơn trong nhà bố mẹ mình. Tuy nhiên, tâm trạng của tôi rất tệ, tôi uống rượu nhiều hơn và đôi lúc gần như muốn phát điên nhưng bố mẹ cũng hiểu và kiên nhẫn hơn với tôi”.

Giữa họ đã nảy sinh nhiều khác biệt. Trong lúc James cẩn thận cách ly thì cha mẹ lại coi dịch như không; mẹ vẫn đi làm, cha dượng mỗi ngày ra ngoài ăn trưa cùng bạn theo thói quen.

Do bỗng nhiên phải sống cùng và nhìn thấy nhau mỗi ngày, họ nảy sinh rất nhiều tranh cãi và còn lôi ra những vấn đề ngày xửa ngày xưa, thậm chí từ 20 năm trước. Dù sao đi nữa, James cho biết đôi bên đều cố gắng để thích nghi cùng nhau trở lại.

Về một nơi ở tưởng mới mà cũ với những người thân đã lâu không sống chung, các bạn trẻ cần nhận ra sự cần thiết phải “sống sao cho được” trong mắt những người xung quanh, cụ thể là cha mẹ mình.

Theo Lara Fielding, các bậc cha mẹ chắc chắn mong rằng đứa con đã lớn tướng của mình sẽ làm một ít việc nhà như nấu ăn hoặc làm việc vặt, thay vì hành xử như một người ở trọ lười biếng.■

Năm 2010, trước khi chia tay nước Mỹ để về Việt Nam sau khi tốt nghiệp, người viết đến Boston thăm nhà giáo sư của mình. Tôi đã ngạc nhiên khi biết có một người con trai đã trưởng thành đang sống cùng ông ở đó.

Anh chia sẻ mình làm trong ngành môi giới thiết bị y tế nhưng bị mất việc, hậu quả của suy thoái kinh tế từ năm 2008 và mong muốn lớn nhất là trở lại cuộc sống trước đây, với một căn hộ đi thuê của riêng mình. Những năm đó, tôi chứng kiến nhiều người Mỹ trong độ tuổi 20 - 30 trở về nhà cha mẹ vì thất nghiệp.

Suy thoái kinh tế cách đây hơn 10 năm không tốt cho bất cứ ai nhưng những người từ 22 - 38 tuổi hiện nay là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự suy giảm tiếp theo do COVID-19 gây ra.

Thế hệ thiên niên kỷ (những người sinh ra trong giai đoạn từ năm 1980 - 2000) và những người thuộc tốp đầu của thế hệ Z tiếp nối là những người bị ảnh hưởng của hai suy thoái kinh tế liền nhau trong hai thập niên. Trong đó, thế hệ thiên niên kỷ có nguy cơ sẽ không trở thành người có thu nhập trung bình, và là thế hệ đầu tiên trong lịch sử kinh tế hiện đại có thể nghèo hơn cha mẹ mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận