TTCT - Từ TP Hà Giang lên huyện Đồng Văn, qua khỏi cổng trời Quản Bạ, những cung đường đèo càng lúc càng khúc khuỷu, hiểm trở, thử thách. Minh họa: VIIP Mùa tháng 6, trước mặt núi chập chùng núi, đá chập chùng đá, mây chập chùng mây. Hai bên đường là ngô xanh tươi ngút ngàn. Ngô cao quá đầu người khẳng định một sức sống mãnh liệt trên vùng cao nguyên khô khốc chỉ có đá và đá; màu đá đen pha sắc tím đậm, kiêu hùng, liên hoàn, không phải một mà nhiều đỉnh núi nhọn hoắt, thấp thoáng trong mây. Hơn trăm cây số đường đèo hẹp, uốn lượn quanh co, mà ở mỗi “cùi chỏ” chúng tôi không biết trước mặt mình sẽ có gì. Trên đường, những người phụ nữ, những đứa bé địu gùi, bên trong là củi hay cây ngô khô cao quá đầu, cảm giác như bó cây di động. Cũng có thể bên trong gùi là đất, can nước mà cũng có thể là ngô, rau, củ... Bạn đồng nghiệp (là dân Mèo Vạc, đi làm tại Hà Giang) nói trên này bé tí xíu đã biết địu, thường là thân cây ngô, chứ núi đá làm gì có củi! Nhìn kỹ, trước mặt, hai bên, núi đá phủ một lớp mỏng màu xanh loang lổ. Bạn nói tiếp, cây lương thực chủ yếu là ngô, nhà nào có lúa gạo đã là sang, mà chả có mấy nhà. Ngô để ngoài nương đến khô mới lấy về, thân cây làm chất đốt. Bên dưới mỗi gốc ngô lại trồng xen canh bí, rau, đậu... Thức ăn chính của đồng bào là ngô phơi khô, xay nhỏ, nấu thành mèn mén như kiểu đồ xôi. Tự cung tự cấp, mỗi năm một mùa ngô, chịu khó làm lụng, dự trữ cũng đủ thức ăn cho bốn mùa, dư thì bán. Còn cách Lũng Cú khoảng 5km, hai bên đường thấy có những đứa trẻ vẫy tay. Chúng tầm 8 tuổi đổ xuống, mà cũng khó đoán tuổi, trông dáng bé nhưng gương mặt lại thấy lớn. Bạn nói mùa hè chúng không đi học nhưng cũng chẳng biết những đứa trẻ này có chịu đi học hay không, ngày trước chúng còn chặn xe xin kẹo, nhưng bây giờ hết rồi vì chính quyền triệt để không cho phép. Những đứa lớn hơn thì bồng em và cầm tay em bé vẫy vẫy. Tôi thấy chúng chỉ vẫy tay, không cười, không biểu lộ gì trên mặt. Khi vẫy tay lại, tôi nhận được một nụ cười không tươi, nhưng chân chất. Từ Lũng Cú quay về, chúng tôi quyết định dừng lại vài chỗ có những đứa trẻ vẫy tay. Bánh kẹo dự trữ trên xe vẫn còn nhiều, chỉ là để ăn vặt, tán gẫu cho quên đường dài. Tuổi đang lớn, thèm đường, bọn trẻ không cần chúng tôi cho tiền, bởi ở vùng hẻo lánh này có tiền cũng chẳng mua được gì, cơ thể cần chất ngọt để lớn, giúp chống chọi qua mùa lạnh. Bên kia đường, một đứa bé, tôi đoán tầm khoảng 8 tuổi, tay cầm một cái liềm cắt cỏ ngần ngại nửa muốn băng qua để lấy kẹo, nửa lại sợ xe. Chúng tôi ngoắt tay nó mới dám qua. Một đứa tay bế em, tay giữ chặt một em nhỏ khác không cho chạy ra lấy kẹo vì sợ em ham kẹo, bất cẩn. Mấy đứa trẻ khác chơi phía trong chạy ào ra. Chúng tôi phát hết tất cả số kẹo bánh trên xe mà những đứa trẻ vẫy tay hai bên đường vẫn còn nhiều. Bạn lại nói trên này lao động chính là phụ nữ và trẻ em. Nếu ở bàn nhậu sẽ bảo bạn nói vui, nhưng ở đây nghe mà xót gan xót ruột! Hành trình về, chiều xuôi Nam, ngang qua những cánh đồng xanh mơn mởn, sóng lúa mịn như nhung ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Chiều lộng gió, từng nhóm trẻ con thả diều trên bờ ruộng, một bãi đất trống hay trên triền đê... Có đứa nằm vắt chân trên bãi cỏ ngắm diều đang ăn gió, có những đứa trẻ chạy theo diều. Bầu trời mới rộng rãi, thoáng đãng làm sao. Bất giác lại nhớ đến những đứa trẻ vẫy tay ở vùng cao nguyên, nơi mà đá lởm chởm phải tận dụng từng hốc nhỏ, bỏ đất vào, gieo hạt chờ nảy mầm “hi vọng”, nơi “Công viên địa chất toàn cầu” ấy, kho tàng quý hiếm cho các nhà khoa học, làm gì có một mặt đất hay bầu trời thênh thang để thả diều. Lại nghĩ đến những đứa trẻ thành phố giờ này bị nhốt trong những “cái hộp”, đang cắm mặt vào máy tính, iPad, điện thoại, tivi... Những đứa trẻ vẫy tay chắc là đang quây quần bên nồi mèn mén, có thêm món canh rau rồi đi ngủ vì trời bắt đầu lạnh. Ngày mai, đứa bồng em cho mẹ đi nương, đứa đi lấy củi, lấy ngô, lấy nước, đứa đi lấy đất đắp vào các hốc đá, lại cũng có những đứa trẻ tha thẩn ra đường vẫy tay. Có xe dừng lại, có xe qua nhanh vì lộ trình còn dài lắm, sợ không kịp thời gian tham quan cho hết bốn huyện của vùng cao nguyên đá: Yên Minh, Đồng Văn, Lũng Cú, Mèo Vạc mà toàn đường đèo, núi đá quanh co, hiểm trở... Tags: Hà Giang
Một lịch sử sơ lược địa lý hành chánh Việt Nam: Có bao nhiêu cách gọi tỉnh? PHẠM HOÀNG QUÂN 31/03/2025 2641 từ
Thủ tướng họp bàn ứng phó việc Mỹ áp thuế 46%: Lập tổ phản ứng nhanh NGỌC AN 03/04/2025 Việt Nam mong muốn Mỹ có chính sách phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, với mong muốn của người dân hai bên và những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đi Mỹ trong bối cảnh căng thẳng đánh thuế đối ứng NGỌC AN 03/04/2025 Chuyến đi Mỹ của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc được kỳ vọng sẽ đàm phán lại việc đánh thuế đối ứng mà chính quyền tổng thống Mỹ đưa ra đối với Việt Nam lên mức 46%.
Mỹ áp thuế Việt Nam 46%, đề xuất 3 cách cứu vãn tình thế cần làm ngay BÌNH KHÁNH 03/04/2025 Chuyên gia Vũ Minh Khương cho biết với các nền kinh tế chịu mức thuế cao từ Mỹ như Việt Nam, việc thực thi sẽ bắt đầu từ ngày 9-4. Việt Nam có gần 1 tuần để đàm phán, trong đó cân nhắc tính toán lại thuế xuất khẩu vào Mỹ.
Xây cầu Nhơn Trạch 2 để đồng bộ với cầu Nhơn Trạch 1, thông suốt với TP.HCM ĐỨC PHÚ 03/04/2025 Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét, báo cáo Thủ tướng chấp thuận về điều chỉnh tăng vốn vay ODA tại dự án cầu Nhơn Trạch nối tỉnh Đồng Nai với TP.HCM.