Nho nhỏ, giản dị, có chất riêng, những hiệu sách độc lập đang nuôi dưỡng một bầu không khí văn hóa êm ả nhưng bền bỉ, trong tình yêu sách đích thực của nhiều độc giả. Momo bookstore ở hẻm 595 Cách Mạng Tháng Tám, Cầu liên phường 15 & 2, P.15, Q.10, TP.HCM.-Ảnh: QUANG ĐỊNH Nếu là cư dân lâu năm của mảnh đất Sài Gòn, hẳn bạn từng tha thẩn trên phố Nguyễn Thị Minh Khai, nơi có những nhà sách nhỏ nằm sát nhau. Khách tìm đến những hiệu sách nhỏ này vì sự am hiểu của người bán sách, vì được tư vấn cuốn nào hay - dở và vị chủ tiệm thành thạo luôn có thể lôi ra trong cái “mê cung” sách ấy đúng cuốn khách cần tìm. Những người chủ thạo sách ấy chính là điểm thu hút độc giả đến với những nhà sách này một thuở. Nhưng rồi chúng dần biến mất. Những người đi xa lâu quay về, bỗng thấy tiệm sách thân quen bao năm của mình nay thành... tiệm trà sữa, như nhà sách Hà Nội - một nhà sách có tiếng trên con đường này. Hiệu sách Kafka (Ảnh: Quang Định) Từ cửa hiệu nhỏ đến cửa hàng online Tìm được mặt bằng và kham nổi tiền thuê, có thể nói, là điều nan giải nhất đối với những nhà sách nhỏ. Nhà sách Kafka - một nơi được nhiều bạn đọc ưa thích vì lối chọn sách có gu - ban đầu nằm trong một con hẻm hẹp trên đường Kỳ Đồng, sau đó dời sang đường Nguyễn Cư Trinh và nay an vị tại đường Cù Lao. Tiền thuê mặt bằng tăng mỗi năm ở nơi tấc đất tấc vàng như Sài Gòn, nhiều tiệm sách kham không nổi, ngậm ngùi treo biển “đại hạ giá” rồi biến mất, hoặc lui về bán sách online như một cách tiếp tục niềm đam mê với nghề. Bán sách online đưa những tiệm sách này sang một không gian và phương thức giao tiếp khách hàng hoàn toàn mới, khoảng cách địa lý dường như đã được thu hẹp thông qua hình thức đặt sách trực tuyến, sách được đóng gói giao tận nơi. Và đây là cuộc chiến thứ hai, khốc liệt không kém, bởi sự “tàn phá” không nương tay của những ông lớn bán hàng trực tuyến như Tiki. “Giảm giá không lại Tiki, mà không giảm thì người ta không mua, tiền mặt bằng thì cao, bán không lời gì mấy. Ngoài việc phải giảm giá cho bằng chị bằng em, còn phải tính toán vụ ship (giao hàng) sao cho không quá lỗ nữa” - một chủ nhà sách trên đường Điện Biên Phủ, TP.HCM than thở. Các cửa hàng sách đã thế, những người làm sách còn gặp khó khăn gấp bội. Dù năm 2018 ngành sách tăng trưởng về số lượng bản in và doanh thu chung, nhưng con đường làm sách không hề được trải hoa hồng, nhất là khi làm sách trong thời đại “nghe nhìn” này. Trong khi các công ty sách lớn nỗ lực để khẳng định vị thế, các công ty sách nhỏ cũng xoay xở chật vật để trụ lại. Số lượng công ty sách ra đời, in vài quyển sách rồi biến mất trong vòng mười năm trở lại đây không hề ít. Hiệu sách Trí Văn (Ảnh: Quang Định) Dấn thân... làm sách Nhưng cũng trong một điểm sáng tích cực của thị trường toàn cầu, năm vừa qua, vẫn không ít công ty sách mới ra đời, không kể một số công ty có nguồn tài chính vững vàng, vài thương hiệu sách chỉ với quy mô nhỏ, hoạt động theo kiểu công ty gia đình như Như Books và Domino Books... cũng bắt đầu rộn rã. Vì sao ngần ấy khó khăn không ngăn cản nhiều người mở nhà sách hay lập công ty sách? Anh Từ Hồng Sơn của Như Books chia sẻ: “Trong một cuộc trà dư tửu hậu, bạn văn thổ lộ sắp in Đốt lò hương cũ của Đinh Hùng. Đang sẵn mê sách, ngưỡng mộ các cụ xưa ấy nên tôi sốt sắng tham gia ngay. Cũng là muốn có thêm trải nghiệm ở vị trí người làm sách”. Chị Phạm Thị Ngọc, đồng sáng lập Công ty Sao Bắc, giải thích: “Thời bao cấp khốn khó, ông ngoại tôi lúc đó làm ở Nhà xuất bản Văn Hóa đem việc về, cả nhà cùng chung tay quét màu vào truyện tranh in sẵn. Nghiệp sách gắn với tôi từ ngày đó chăng?”. Còn anh Bùi Quang Viễn - người sáng lập Công ty Domino Books - tâm sự về quyết định làm sách: “Vì tôi tin vào sách, vào tri thức, vào lương tri... hơn bất cứ thứ gì khác. Và tôi cũng biết rằng chỉ sách mới có thể đem lại những thứ đó một cách bền bỉ nhất”. Khi được hỏi về lựa chọn của mình, những chủ nhân của nhà sách hay công ty sách đều ôm ấp một giấc mơ có phần lãng mạn về sách, mong muốn những cuốn sách của mình đóng góp vào việc cải thiện dân trí. Không có tiềm lực tài chính mạnh để đuổi theo những cuốn sách đang “hot” hay những chiến dịch truyền thông ồn ào, họ tự tin trong việc lựa chọn những đầu sách mình sẽ thực hiện. Nhiều nhà sách tuyên bố không xuất bản hay bán sách ngôn tình, hay những tản văn sướt mướt thời trang... Họ cũng không chạy theo số lượng, mà thật sự thích mới làm, như Sao Bắc ra đời từ năm 2009 đến nay nhưng số lượng đầu sách mà công ty này xuất bản chỉ hơn chục cuốn. Cách làm sách nho nhỏ, giản dị và có “chất riêng” như thế đang quyến rũ nhiều người ấp ủ giấc mơ mở một tiệm sách, một công ty sách. Họ có một điểm chung: ai cũng lấy sự tin cậy của bạn đọc làm động lực để tiếp tục con đường của mình.■ Dù không tiết lộ con số cụ thể, một số nhà sách độc lập cho biết doanh số năm 2018 giữ ở mức ổn định như với năm trước. Tính trung bình ở Việt Nam hiện nay, một đầu sách mất 1-2 năm để tiêu thụ hết số lượng (thông thường khoảng 2.000 bản), các đầu sách khó thì “vòng đời” thường kéo dài hơn. Một công ty sách nhỏ thì khả năng linh động cao hơn vì phần lớn những người chủ trương thường có nghề tay trái. Nhân sự và cả sức ép về mặt bằng cũng không đặt nặng như các công ty sách lớn. Ông Lê Nguyên Đại - chủ Công ty sách Thời Đại, đang điều hành một nhà sách độc lập trên đường Nguyễn Thị Minh Khai - nói: “Thị trường sách thời kỳ sau này có lực lượng trẻ tham gia năng động hơn, cạnh tranh khốc liệt hơn. Nhưng chính sự cạnh tranh sôi động đó đã tạo nên một bước tiến bộ đáng mừng của làng sách”. Tags: Xuất bảnVăn chươngHiệu sáchSách giấy
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.