TTCT - Với ngôi chợ vùng ven như Thạch Đà, đi chợ sớm cỡ trước 7g thì cả khu nhà lồng chợ tối nhờ nhờ dù đây đó các hàng thịt hàng khô có treo chiếu lệ vài bóng đèn con con. Phóng to Minh họa: bích khoa Nhưng cả người mua và người bán vẫn nhận ra nhau trong không gian nhờ nhờ ấy. Sáng sớm năng lượng cãi vã chưa tích tụ nhiều nên chợ không quá ồn ào, chỉ những tiếng chào mời í ới và các loại xe cộ chân chen sột soạt. Một bữa theo thói quen ghé lại chỗ hàng rau thường mua, bất ngờ tự nhiên thấy chỗ ấy trống không. Cái khựng lại cũng theo thói quen chắc khiến nhiều người xung quanh thấy mắc cười. Một chị ngồi hàng kế bên nói sang: “Bữa nay nhỏ bán rau này nghỉ rồi, con nó bịnh ở nhà”. Mình vừa gục gặc ra chiều tiếp nhận nhiệt tình cái thông điệp ấy, vừa nom xem thế thì sẽ mua rau ở cái hàng nào tiếp theo. Thiệt ra thì trước kia chỗ góc chợ này chưa có hàng rau, mà là một sạp bán binh thiên những thạch những kẹo, những bánh trái gì đó của Trung Quốc nhập về hàng đống. Thời gian sau chẳng rõ lý do gì mớ hàng ngọt ấy chuyển đi đâu mất tiêu, thay vào đó là hàng rau với những mớ rau dền, đọt lang, rau cải non... được lặt sẵn. Tranh thủ lúc vắng khách, cô bán rau nhẩn nha ngồi lặt rau như đang chuẩn bị bữa cơm ở nhà vậy. Người lười biếng như mình mà đi chợ thì thấy quái lạ với cách làm siêng của người bán hàng kiểu đó. Nhưng hàng này bán ít rau quá, chỉ khi nào cần mua rau má, hoặc cải non, rau dền thì mới ghé lại. Nhưng cái khoảng trống cùng với thông tin “con nó bịnh ở nhà” làm cho mình phan duyên nghĩ sạp rau sơ lược đó đang gắn chặt với một mái gia đình, với con nhỏ, với những bất trắc đời thường, với những chi tiêu thời trượt giá... Con nó bịnh, thông điệp ngắn ngủi ấy có khi là cả một nỗi hãi hùng đối với người mẹ trẻ. Một người mẹ trẻ bán rau thì vượt qua những nỗi hãi hùng bằng cách nào? Lại một hôm phát hiện cái chỗ mình hay mua bí đỏ bỗng trống huơ. Hôm sau có một chiếu áo quần may sẵn thế vào, giăng mắc lung tung như thể nơi này chưa từng có bóng dáng một hàng bí đỏ, măng chua và các loại cà pháo, khoai mỡ, me chua, hành ớt... Đột nhiên bữa nọ đang ghé hàng cua ở ngoài đường, nghe tiếng kêu: “Ê, anh mua cà bí gì không?”. Quay lại nhìn nhận ra bà chị bán bí đỏ trong chợ giờ ra túm tụm bên cạnh anh hàng cua, lắc đầu hỏi ủa sao dời ra đây thì nghe bảo trong chợ mướn sạp mắc tiền mà bán chỗ đó chậm quá. Thì ra vậy, một chỗ bán trong chợ cũng ẩn chứa bao nhiêu cân phân, đắn đo, tính toán quyết định, bởi đằng sau nó cũng gắn với cả một gia đình. Nhưng rồi mấy tuần sau tự nhiên thấy chiếu áo quần may sẵn bỗng bốc hơi, và hàng bí đỏ cà chua hành me tỏi ớt xuất hiện trở lại. “Ngoài kia giải tỏa rồi nên vô lại đây...” - bà chị phân trần. Từ chợ ra đường rồi từ đường vô chợ, lần này chỗ bà chị dời đi là cả một khoảng trống rộng lớn hơn rất nhiều, nơi sinh nhai của mấy chục hàng rau chồm hổm phải ra đi vì “giải tỏa”. Cũng có khi cái khoảng trống đến với mình giữa lúc chợ đông người xuôi ngược. Ấy là vì mùa đông năm trước, bữa nào đi chợ sớm cũng bắt gặp một chị còm nhom ẵm đứa con đi bán vé số. Chị đi như vô hồn với đứa con ăn mặc phong phanh trên tay, bước qua những hàng áo quần ngồn ngộn. Đứa bé còn nhỏ quá, chắc chưa tự đứng được. Giữa không gian nhờ nhờ của một ngôi chợ nghèo vùng ven, nó nhìn những hàng cá thịt, nghe những tiếng va chạm, ngửi hỗn tạp biết bao nhiêu mùi thanh trọc của cuộc đời. Không gian sống của đứa bé ấy, trên tay người mẹ ấy, tiếp xúc với cuộc đời như thế ấy rồi sẽ thế nào? Nếu có một nguồn thu khá hơn, một chỗ nuôi con khả dĩ hơn, một phương cách mưu sinh ổn định hơn, chắc không bà mẹ nào chọn cho mình cảnh đời như vậy. Giữa mùa lạnh, có hôm mưa dầm, hai mẹ con vẫn lay lắt giữa những dòng người đi chợ, và chưa bao giờ mình thấy chị dừng lại bán cho ai, chỉ bước qua bước qua những hàng rau, hàng thịt, hàng khô và nhiều hàng xa xỉ khác... Cho đến một hôm, sực nhớ lại đã lâu không thấy hai mẹ con ấy nữa. Những dòng người giữa các dãy hàng trong chợ vẫn đông nhưng đã trống vắng dáng hình hai mẹ con lay lắt ấy. Giữa cuộc đời đầy bất trắc, những mái gia đình như vậy đang sống thế nào? Cô hàng rau nghỉ vì “con nó bịnh” dẫu sao còn được “ở nhà”, chớ như hai mẹ con mới sớm tinh mơ đã ra đường bán từng tấm vé số thì có khi giữa “bịnh” và “nhà” còn rất xa nhau... Và những khoảng trống ngoài đời khi không lại làm lòng người đầy ứ quá! TTCT cảm ơn các bạn: Trần Thị Thanh, Nguyễn Thị Việt Hà, Thùy Trang, Mai Thị Tiên, Ngọc Trường, Sơn Khê... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố. Tags: Nhật ký thành phốKhoảng trống
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
Hà Nội công bố kế hoạch tổ chức lễ diễu binh, diễu hành mừng 80 năm Quốc khánh PHẠM TUẤN 03/07/2025 UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch số 173 về tổ chức Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9.
Tìm kiếm từ khóa 'sâm Ngọc Linh' trên mạng, 90% kết quả là hàng giả NGUYỄN TRÍ 03/07/2025 Khi người tiêu dùng tìm kiếm từ khóa "sâm Ngọc Linh" trên mạng, thì có đến 90% kết quả hiện ra không phải là sâm Ngọc Linh thật.
Giá vàng miếng SJC vượt 121 triệu đồng/lượng, giá USD kịch trần ÁNH HỒNG 03/07/2025 Giá vàng thế giới đi xuống nhưng giá vàng miếng SJC bất ngờ bật tăng mạnh vào cuối ngày hôm nay 3-7, lên 121,3 triệu đồng/lượng, cao nhất trong vòng hai tháng qua.
Thái Lan nói tình hình biên giới với Campuchia đang hạ nhiệt, ông Hun Sen lên tiếng TRẦN PHƯƠNG 03/07/2025 Quan chức Thái Lan cho biết tình hình biên giới với Campuchia đang bắt đầu lắng dịu và hy vọng Phnom Penh sẽ rút quân khỏi biên giới, quay lại đàm phán.