TTCT - Rắc rối đủ kiểu, từ chương trình đến tổ chức thực hiện. Một buổi tập huấn giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Vĩnh Hà"Mong học sinh đừng hỏi câu nào quá hóc búa", hay "dù có tập huấn lấy chứng chỉ, chúng tôi vẫn không thể dạy được"... là những phản hồi thành thực về chuyện "tích hợp" ở bậc THCS – một vấn đề nóng trong những ngày qua."tích" nhưng chưa "hợp"Từ năm 2014, Bộ GD-ĐT đã tiến hành xây dựng chương trình tổng thể theo nguyên tắc tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học, THCS), phân hóa mạnh ở bậc THPT.Theo dự thảo chương trình công bố năm 2015, riêng vệt giáo dục khoa học được thiết kế theo hướng nhất quán liên thông giữa các bậc học với môn Cuộc sống quanh ta (lớp 1,2,3), hai môn Tìm hiểu xã hội và Tìm hiểu tự nhiên (các lớp 4, 5) và hai môn học Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên (lớp 6-9). Đây là nhóm các môn học mới theo hướng tích hợp.Với dự thảo này, các đơn môn lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học không còn tên ở giai đoạn giáo dục cơ bản. Nhưng theo tinh thần tích hợp, kiến thức của các đơn môn trên được đưa vào các môn học mới, trong một bài học có thể có kiến thức hóa - sinh hay lý - hóa, lịch sử và địa lý… gần gũi với thực tế cuộc sống.Khi trưng cầu ý kiến thời đó, rất nhiều ý kiến trái ngược. Bên ủng hộ, như TS Nguyễn Anh Dũng (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) đưa ra minh chứng là thống kê của UNESCO từ năm 1960-1974 có 208 chương trình môn khoa học thể hiện quan điểm tích hợp (qua điều tra gần 400 chương trình của các nước) để khẳng định tích hợp ở bậc học thấp là một xu thế được quan tâm. Nhiều chuyên gia thời đó cũng cho rằng khi xây dựng các môn tích hợp sẽ cần tìm các điểm tiếp cận hoàn toàn khác với cách xây dựng các đơn môn truyền thống.Bên phản đối thì phản đối gay gắt, cho rằng nhiều kiến thức căn bản của các đơn môn phải được giữ, nếu "tích hợp" thì nhiều kiến thức sẽ không được dạy; các đơn môn như vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý ở các cấp dưới "biến mất" mà tới bậc THPT lại xuất hiện thì học sinh sẽ không có nền tảng. Trong số các ý kiến phản ứng, ý kiến "giữ môn lịch sử" bao gồm cả tên gọi và nội dung chương trình là ồn ào náo nhiệt nhất.Và một điểm quan trọng khác mà bên phản đối đưa ra: nếu các môn tích hợp được thiết kế thực sự là "tích hợp" sẽ xảy ra tình trạng dư thừa một số lượng lớn giáo viên các đơn môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Các trường sư phạm còn chưa mở được mã ngành đào tạo giáo viên dạy tích hợp thì lấy đâu giáo viên đảm nhiệm.Vì thế, rốt cuộc khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phê duyệt, bậc THCS chỉ còn giữ tên môn Khoa học tự nhiên, môn Khoa học xã hội phải điều chỉnh với tên gọi lịch sử và địa lý. Mảng giáo dục khoa học trong dự thảo chương trình giáo dục khoa học của năm 2015 cũng được điều chỉnh. Cấp tiểu học không có môn Cuộc sống quanh ta ở lớp 1,2,3 (dự thảo 2015) mà là Tự nhiên và xã hội ở lớp 1,2,3 và các môn khoa học, lịch sử và địa lý (lớp 4,5).Vỏ thay, ruột cũng khác đi. Môn lịch sử và địa lý được thiết kế khác so với hướng đi ban đầu, để rồi bao gồm hai phân môn tương đối độc lập, chỉ có 6-10 tiết cho chủ đề chung của hai phân môn này. Môn Khoa học tự nhiên thì thiết kế theo các chủ đề, nhưng cũng tương ứng với kiến thức môn vật lý, hóa học, sinh học theo tỉ lệ: lớp 6 có 20% hóa học, 38% sinh học, 32 % vật lý; lớp 7 có 24% hóa học, 28% vật lý, 38% sinh học; lớp 8 có 31% hóa học, 28% vật lý, 31% sinh học và lớp 9 có 30% vật lý, 31 % hóa học, 29% sinh học.Bộ GD-ĐT bấy giờ khẳng định nội dung môn học như thế sẽ không gây xáo trộn mạnh cho đội ngũ giáo viên. Giáo viên được đào tạo đơn môn nào vẫn đảm nhiệm phân môn/chủ đề phù hợp chuyên môn của mình. Với những chủ đề tích hợp liên môn, tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học và giao cho giáo viên có năng lực tốt dạy chính. Việc kiểm tra thường xuyên do giáo viên chủ động theo phân môn/chủ đề mình dạy, chỉ bài kiểm tra định kỳ mới thiết kế bao gồm nội dung của các phân môn.Cuộc "cưỡng hôn" ấy có thật là vô nghĩa?Bất luận các thiết kế và hứa hẹn, tới giờ, nhiều giáo viên phổ thông vẫn cho rằng đó chỉ là một sự ghép vá sống sượng, như một cuộc "cưỡng hôn". "Nó không khác gì việc dạy riêng rẽ môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, vậy tại sao không tách bạch ra cho đỡ rắc rối mà phải ghép chung dẫn đến nhiều rắc rối trong dạy học và kiểm tra đánh giá?", một giáo viên THCS ở Hà Nội hỏi. Đây cũng là thắc mắc của hàng trăm giáo viên khác ở Hà Nội và một số địa phương phản ánh với báo chí và trên các diễn đàn giáo viên phổ thông.Thực chất, so với các đơn môn ở chương trình cũ (năm 2000), nội dung các môn tích hợp cũng có những thay đổi. Ví dụ chương trình môn lịch sử và địa lý, dù mỗi phân môn được thiết kế mạch riêng nhưng có nhiều nội dung liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ. Nhưng tỉ lệ "tích hợp sâu" như thế ít hơn so với mong muốn. Tương tự, môn Khoa học tự nhiên được thiết kế theo mạch của từng phân môn và có một số chủ đề liên môn. Tuy cách tiếp cận theo chủ đề phù hợp với quan điểm tích hợp, nhưng về cơ bản nó vẫn tách rời theo ba phân môn.Nói cho công bằng, khi các phân môn được xếp chung trong một môn học, học sinh có nhận thức về mối liên quan giữa các môn học, giữa học và thực tế. Cách này cũng giúp giản lược kiến thức trùng lặp giữa các môn trong cùng lĩnh vực. Với chỉ đạo thực hiện theo hướng mở (cho phép nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học khác nhau), việc tổ chức triển khai các chuyên đề liên môn có thể được áp dụng linh hoạt hơn. Như vậy, dẫu chưa thực sự là "tích hợp" nhưng cũng không "vô nghĩa" như nhiều giáo viên nhận định.Vấn đề là trên thực tế ở nhiều nhà trường, nó đang được thực hiện như một cuộc "cưỡng hôn" do cách chỉ đạo, triển khai bất nhất, máy móc của các cấp quản lý.Nỗi khổ của giáo viên đến từ đâu?Một loạt giáo viên các môn tự nhiên bậc THCS ở Hà Nội phải dạy lớp 6,7 (theo chương trình mới) đang kêu trời vì quá tải. Có giáo viên phải đảm nhiệm 35 - 40 tiết/tuần, do nhiều trường đang bố trí thời khóa biểu "cuốn chiếu", dạy hết nội dung của phân môn này mới đến phân môn kia."Học sinh học bốn tiết hóa một tuần là việc chưa từng có. Vì dồn lịch học hóa lên trước nên có những kiến thức nền toán học các em chưa được học ở môn toán mà đã phải sử dụng trong môn hóa khiến thầy trò đánh vật không xong" - một giáo viên ở Hà Nội cho biết.Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), họ đã nêu nguyên tắc giáo viên dạy bám sát chương trình (nội dung, trình tự) để đảm bảo tính logic. Mỗi trường căn cứ vào chương trình và điều kiện hiện có (giáo viên, cơ sở vật chất) để bố trí thời khóa biểu khác nhau nhằm tận dụng nguồn nhân lực mà không gây quá tải cho giáo viên, học sinh. Ví dụ, trong tổ tự nhiên, khi giáo viên hóa đang dạy lớp 6 hay 7 thì miễn xếp lớp 8, 9. Giáo viên lý, sinh khi đó sẽ lo dạy chương trình lý, sinh lớp 8, 9. Khi tới lượt giáo viên lý dạy lớp 6, 7 thì giáo viên hóa lại chuyển sang dạy hóa của lớp 8, 9 để tránh quá tải.Trên chỉ đạo như vậy, nhưng xuống tới cấp trường, mọi thứ trở nên rối tung. Với môn Khoa học tự nhiên, đại đa số hiệu trưởng, giáo viên vẫn hiểu đó là môn lý, hóa, sinh ghép trong một môn học, chưa quen với tư duy đó là môn khoa học tự nhiên. Nhiều trường ở Hà Nội được hướng dẫn xếp thời khóa biểu cuốn chiếu, dạy tất các chủ đề hóa, rồi đến lý và sinh, khiến cả giáo viên và học sinh đều quá tải. Họ đành chọn việc dễ: phân công mỗi giáo viên tổ tự nhiên đảm nhiệm 1-2 lớp 6 và 7. Như vậy, giáo viên lý phải dạy cả chủ đề hóa, sinh dù chưa được đào tạo.Câu hỏi là: Khâu tập huấn triển khai chương trình của bộ ra sao? Các giáo viên nói rằng nó không hiệu quả. Theo con số Bộ GD-ĐT cung cấp, có gần 650.000 giáo viên được tập huấn về chương trình mới theo diện đại trà, gần 50.000 cán bộ quản lý các cấp, trên 30.000 giáo viên được tập huấn theo diện cốt cán. Kinh phí đổ vào việc này không nhỏ, nhưng tình trạng cán bộ và giáo viên không nắm được tinh thần chỉ đạo, triển khai sai, cứng nhắc rất phổ biến. "Trên đã chỉ đạo thế", "cứ thế mà theo", sợ "thanh tra, kiểm tra bị phê bình" là những tâm thế có thật, dẫn tới sự suy yếu về chất lượng khi thực hiện chương trình mới.Và đã qua 2 năm thực hiện chương trình mới ở bậc THCS, cho đến giờ Bộ GD-ĐT chưa có đánh giá, phân tích thấu đáo cội rễ của những điều không ổn để có các giải pháp cụ thể khắc phục. Những trường đã triển khai tốt, không chỉ với các chủ đề liên môn lý, hóa, sinh hay sử và địa mà còn lồng ghép yêu cầu của môn ngoại ngữ, giáo dục công dân, ngữ văn…, đưa chủ đề ra ngoài lớp học bằng các hoạt động trải nghiệm, thực hành, dự án nghiên cứu… thì tiếc thay, chưa được lan tỏa.■Những môn học mới đều đang xộc xệchCả những môn học, hoạt động lần đầu tiên được đưa vào chương trình chính khóa bắt buộc như tin học, ngoại ngữ (bậc tiểu học), hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương (THCS,THPT), nghệ thuật (THPT) đều đang có những xộc xệch do thiếu giáo viên và triển khai chưa đúng.Tình trạng thiếu giáo viên tin học, ngoại ngữ ở bậc tiểu học là nghiêm trọng dù đây là hai môn bắt buộc dạy cho 100% học sinh lớp 3 từ năm học 2022-2023. Tương tự ở bậc THPT, môn nghệ thuật xem như "chết yểu" khi không có giáo viên, vì thế các trường không xếp môn này vào các tổ hợp để học sinh lựa chọn.Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và giáo dục địa phương cũng đang... mất phương hướng. Tại nhiều tỉnh phía Bắc, nhiều hiệu trưởng cho biết họ chưa hiểu về "trải nghiệm, hướng nghiệp" dù đã được tập huấn về chương trình, nên có nơi tính hoạt động chào cờ đầu tuần và sinh hoạt lớp là chương trình trải nghiệm. Trong khoảng thời gian dạy và học trực tuyến, hoạt động trải nghiệm "đóng băng".Và vì chưa hiểu thế nào là "dạy học phát triển năng lực" nên nhiều giáo viên ra sức đưa ra đủ thứ " phương pháp tích cực" trong một tiết học, bắt học sinh "hoạt động" nhiều trong khoảng thời gian cực kỳ eo hẹp, lạm dụng công nghệ. Cách làm đầy tính trình diễn này khiến học sinh bị quá tải và sinh ra đối phó. Tags: Giáo dục phổ thôngChương trình mớiDạy tích hợpĐào tạo giáo viênChương trình giáo dục
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
Đà Lạt hướng tới mục tiêu trở thành hình mẫu tiêu biểu về tăng trưởng xanh MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.