Nhuộm chàm ở thung lũng Khói xanh và 3 cô gái Sín Chải

CODET HANOI 23/11/2023 11:58 GMT+7

TTCT - Ở nơi kỹ thuật cắt may hiện đại và kỹ thuật nhuộm chàm cổ xưa gặp nhau.

Tháng 11 này, những người đến xem triển lãm Khói xanh của ba cô gái Sín Chải (Sa Pa) với các nhà thiết kế, học viên tại Trường London College Design & Fashion (LCDF) đã được chứng kiến một sự kết hợp duyên dáng giữa hiện đại và truyền thống trên những sản phẩm có hiệu ứng thị giác và tính ứng dụng cao.

Thế hệ trẻ Mông vùng Tây Bắc đất nước đã tiếp nhận kỹ thuật hiện đại và các nhà thiết kế trẻ đã khám phá những tinh tế tiềm ẩn trong chất liệu vải lanh bản địa, trong kỹ thuật nhuộm chàm, thêu, xe sợi, vẽ sáp ong

Đằng sau những sản phẩm đó, điều gì đã và đang diễn ra?

Nhuộm chàm ở thung lũng Khói xanh và 3 cô gái Sín Chải- Ảnh 1.

Nguyễn Thị Phương Mai và Nguyễn Bình Đức là những người thuộc thế hệ 8X tại Hà Nội, một người là kiến trúc sư, một người làm công nghệ và viết văn.

Nhiều năm trước, trong một lần leo Fansipan, vợ chồng họ gặp anh Vàng A Chư lúc đó đang làm trưởng đội porter dẫn đoàn leo Fansipan. Người thủ lĩnh porter ấy đã gây ấn tượng mạnh đến mức Mai - Đức tìm tới tận nhà Vàng A Chư tại bản Sín Chải, xã San Sả Hồ, Sa Pa.

Mãi thế này để làm gì?

Vàng A Chư đẹp. Vẻ đẹp của một porter khỏe mạnh, trung thực với nhiều kỹ năng sinh tồn độc đáo và đầy cá tính Mông. Ngôi nhà của anh nằm trong thung lũng của bản Sín Chải, nơi được coi là linh hồn vẹn nguyên của núi rừng Sa Pa, mọi thứ còn hoang sơ chân chất nằm nép bên dãy núi Hoàng Liên Sơn.

Chư là con trai của bà Hạng Thị Sai, nghệ nhân vẽ sáp ong duy nhất còn lại của bản. Bà nắm giữ các bí quyết và kỹ thuật tạo nên các trang phục cầu kỳ tinh xảo của người Mông đen mà ít ai có thể làm được.

Tiếc thay, bà đã qua đời vào năm 2018. Nhiều năm sau đó, bản Sin Chải - nơi từng nổi tiếng với những nghệ nhân vẽ sáp ong trên vải nhờ những người như mẹ A Chư - không còn người phụ nữ nào muốn theo học các kỹ thuật may vá thêu thùa vẽ sáp ong hay nhuộm vải một cách chỉn chu kỹ lưỡng nữa. Phần vì khó, phần vì hết người dạy, phần vì làm lâu mất thời gian, và phần vì còn phải đi làm kiếm ăn. Người ta dần bỏ để đi làm nương rẫy hoặc xuống thị trấn làm công việc khác.

Một truyền thống tinh hoa tưởng đã theo bà Sai mà đi mất.

Bộ dụng cụ vẽ sáp ong lên vải của người Mông (phải), người Dao (trái).

Bộ dụng cụ vẽ sáp ong lên vải của người Mông (phải), người Dao (trái).

Vợ chồng Mai - Đức "phải lòng" vẻ đẹp và con người nơi đây. Họ lao đi tìm tài trợ vì muốn xây một ngôi nhà Mông đúng nguyên bản cổ truyền, bày cách cho anh Chư biết quản lý ngôi nhà đó, giữ cho vệ sinh sạch đẹp, biến chúng thành homestay để mọi người đến đây trải nghiệm thế nào là dân Mông, nhà Mông truyền thống. Dòng khách lưu trú ấy có thể sẽ giúp gia đình anh Chư có kinh tế để sinh sống.

Nhưng họ mãi không tìm được tài trợ, khó khăn và nhiều thất vọng…

Càng sống ở đây, họ càng tiếc khi chứng kiến văn hóa của người Mông bị dần tàn phá, quên lãng ở Sa Pa. Họ tiếc những mái nhà bằng gỗ pơ mu giờ đã thay thế bằng tấm lớp fibro ximăng, tiếc sự chất phác hồn nhiên mạnh mẽ hoang sơ của người Mông, tiếc bởi biết bao điều mà chỉ có người Mông mới có đang dần biến mất.

Chứng kiến người Mông trẻ không còn tha thiết với đồ truyền thống, các tập tục dần mai một trước làn sóng làm ăn thị trường ồ ạt đổ vào từng bản làng, Mai nói với Đức: "Mình cứ làm mãi như thế này, nếu tốt lành ra thì mình mua được nhà, mua được xe, rồi sau đó thì sao? Sau đó thì mình sẽ già đi, lo cho con cái đi học, bon chen với cuộc sống này, thế thôi. Mình gắng mua mảnh đất của anh Chư đi. Rồi mình dựng một ngôi nhà. Em sẽ lên ở đó dạy những người đàn bà làm việc, dạy họ tránh thai, dạy họ rửa ráy cho con, cho con uống thuốc, dạy họ kiếm tiền"…

Chờ được tài trợ thì có khi mọi thứ đã… "nát bét", bỏ tiền túi ra thôi… Vàng A Chư để lại cho Mai và Đức một khoảnh đất để họ dựng nhà. Đức đặt tên nơi này là "Thung lũng khói xanh", "Ngôi nhà tựa lưng vào vách núi, nhìn xuống dưới là thung lũng, ngước mắt lên là dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Fansipan" và ao ước tới ngày "về hưu", anh sẽ sống ở đây để ngày ngày viết tiểu thuyết.

Nhưng rồi họ không dùng ngôi nhà chỉ như một nơi đi về của cả gia đình. Mai - người đã muốn làm gì là phải làm bằng được - có kế hoạch lớn của cô.

Cứ thứ bảy đầu tháng, Mai lại kết nối, tổ chức các workshop cho sinh viên các nơi tới đây để học cách nhuộm chàm từ các loại lá cây rừng và kỹ thuật vẽ sáp ong lên vải của người Mông bản Sín Chải.

Bạn bè của Mai tình nguyện lên đây dạy học cho người dân trong bản - nơi mà từ người già tới trẻ em đều rất ham học. Lũ trẻ dần tự tin hơn, đã có những ước mơ cao hơn khi muốn thi vào các trường mà trước đây có lẽ trong giấc mơ chúng cũng không nghĩ tới.

Ngôi nhà nhỏ của Mai - Đức trở thành lớp học chữ, lớp học pha chế và lớp học kỹ thuật nhuộm chàm, may, thêu trang phục của người Mông.

Nhuộm chàm ở thung lũng Khói xanh và 3 cô gái Sín Chải- Ảnh 3.

Những trò chuyện giữa họ với người dân trong bản giúp cả hai bên cùng nhận ra nhiều điều mới mẻ, cùng có thêm những hiểu biết văn hóa truyền thống. Mai giúp Vàng A Nủ (con trai của Vàng A Chư) xuống Hà Nội học pha chế để em có thể trở về giúp đỡ gia đình và nhiều thanh niên khác trong bản.

Những ngày sinh viên ở lại thung lũng khói xanh để học nhuộm chàm hoặc thực hành các kỹ thuật của người Mông, không gian nơi này đặc biệt quyến rũ với màu núi đậm, màu mây biếc, màu của những tấm vải chàm phơi đong đưa trong nắng gió, trong sương mai… Bản nhỏ mở cửa đón nhận nhiều điều mới mẻ.

Và Mai nghĩ xa hơn. "Không, không chỉ là chờ người ta lên với mình, mình hãy chủ động đi học hỏi để rồi về dạy lại cho các chị em ở bản, khôi phục những ngành nghề truyền thống này của người Mông". Mai tìm kiếm, kết nối, đưa những người Mông xuống Trường LCDF - Hà Nội để học nâng cao kỹ thuật cơ bản trong ngành sáng tạo thời trang.

Đường vào bản Sín Chải

Đường vào bản Sín Chải

Ba cô gái Sín Chải xuống phố học thời trang

Lan, Bâu, Ày, tuổi từ 17-22, xuống Hà Nội học. Sùng Thị Lan, sinh năm 1999, là người ở bản Sin Suối Hồ (Lai Châu). Là con út trong gia đình có sáu người con, Lan thôi học từ lớp 9, ở nhà làm ruộng giúp bố mẹ, chờ ngày đi lấy chồng nữa là xong.

Nhưng rồi, nhân một dự án của Ford tài trợ cho phụ nữ ở Lai Châu theo học nghề ở Trường Hoa Sữa, chị em Lan được đi học. Học bốn tháng và thực tập thêm bảy tháng nữa, Lan phụ cho một bếp trưởng nấu ăn.

Tại Trường Hoa Sữa, cô gặp Vàng A Nủ (con trai của Vàng A Chư) khi Nủ theo học khóa pha chế tại đây. Họ yêu nhau và lấy nhau. Lan về làm dâu họ Vàng ở Sín Chải, giờ đã là mẹ của hai đứa con.

Nghe lời cô Mai bảo xuống Hà Nội học thêm kỹ thuật may hiện đại, Lan đồng ý luôn, bởi dù đã có nghề nấu ăn vững chắc có thể kiếm ra tiền rồi, cô vẫn thích làm việc may thêu sáng tạo mà cô Mai đã dạy.

Các cô gái Sín Chải học kỹ thuật may hiện đại.

Các cô gái Sín Chải học kỹ thuật may hiện đại.

Các cô gái Sín Chải học kỹ thuật may hiện đại.

Các cô gái Sín Chải học kỹ thuật may hiện đại.

Ngày xuống Hà Nội, cả ba về nhà Mai - Đức sống, ngày ngày đi xe buýt lên trường đi học, tối về họ cùng nhau nấu ăn. Hai tháng trôi qua giữa những giờ học miệt mài, những cuộc gọi điện nghe tiếng con, Lan và hai người bạn học may ráp kỹ thuật cao như smoking, weaving, kỹ thuật khâu trên vải để tạo các nếp gấp, đan dây, kết hoa.

"Tối nào về cũng mệt nhưng ăn cơm xong lại muốn làm tiếp sản phẩm. Sau này về, em sẽ dạy lại các bạn nữ ở đó để ai cũng có thể làm được giống em" - Lan nói.

Châu Thị Bâu, sinh năm 2003, là người bản Trung Chải, Sa Pa. Bâu bé nhỏ, xinh xắn, đôi mắt sâu hun hút, miệng cười mím chi. Ra chỗ đông người, Bâu càng bẽn lẽn ít nói. Nhà Bâu có chín anh chị em, Bâu con gái út. Học hết lớp 8, bố mẹ bảo Bâu nghỉ học, ở nhà phụ bố mẹ làm ruộng.

Rồi cô bị bắt làm vợ theo tục kéo vợ nơi này. Chồng Bâu là chàng trai họ Vàng, Vàng A Phai, cũng sinh năm 2003, ở bản Sín Chải. Họ thành vợ chồng khi cả hai mới 16 tuổi. Bâu thành bà mẹ hai con, ánh nhìn bớt xa xăm, họ sống dựa vào bố mẹ chồng, chưa kiếm được tiền, cuộc sống ngày mai không biết ra sao.

Hằng ngày Bâu ngồi thêu, may vá quần áo cho chồng con. Cô không biết làm gì ra tiền khi con còn nhỏ, không thể theo bạn bè ra thị trấn tìm việc được. Khi cô Mai về bản, Bâu thích tới chơi, nên khi được chị Lan rủ đi học may dưới Hà Nội, Bâu đồng ý.

Vàng Thị Ày sinh năm 2006. Cô cũng chỉ học hết lớp 9, vì bố mẹ bảo con gái không cần học nhiều. Con gái Mông nơi này thường được sắp xếp cuộc đời như vậy, không cần học cao, ở nhà làm phụ bố mẹ, lấy chồng, đẻ con, ngày ngày thêu thùa, lên nương hoặc vào rừng lấy măng.

Ày là con thứ năm, đã đến tuổi phải lấy chồng, bố mẹ sốt ruột lắm. Nhưng cô bảo không. Ày đã thấy chị Bâu bị kéo về làm vợ của anh Vàng A Phai rồi.

Không đi học nữa, nhưng Ày không chịu ở nhà làm ruộng, cô đi tìm việc làm. Một năm Ày làm ở bản Cát Cát, một năm làm ở Thác Bạc, lương được 5 triệu đồng/tháng. Hỏi Ày sao quay sang học nghề may, cô nói vì sau mấy năm làm việc ở ngoài thị trấn, giờ không thích nữa. 

Ày thích thêu thùa may vá, hoặc tạo các mẫu các mốt. Ở nhà Ày toàn mày mò khâu bằng tay lâu lắm. Ày bảo lên Hà Nội học thấy cái máy may công nghiệp khác với máy may ở bản. Ày muốn học thật nhiều thứ.

Ba cô gái Sín Chải xuống phố

Ba cô gái Sín Chải xuống phố

Mai - Đức không muốn nói về mình. Họ chỉ nói về tâm nguyện lưu giữ được những nét truyền thống đầy hồn cốt của người Mông nơi này, những giá trị mà đôi khi những người Mông giờ cũng không nhận ra, hoặc chưa biết cách.

"Để bảo tồn một nghề truyền thống thì nghề đó phải "sống", tức là sản phẩm phải có tính ứng dụng cao, đi vào cuộc sống hằng ngày. Muốn khuyến khích thế hệ trẻ học nghề truyền thống và giữ gìn nó, phải cho họ thấy họ có thể sống được bằng nghề" - Mai nói.

Thùng nhuộm chàm

Thùng nhuộm chàm

Để các phụ nữ trẻ ở bản có cuộc sống tốt đẹp hơn, bộc lộ được các giá trị bản thân, tự tin hơn và có tiếng nói trong gia đình, đẩy lùi nạn tảo hôn, họ cần có một công việc ổn định.

Thông qua dự án bài tập do các giáo viên, các nhà thiết kế thời trang và thiết kế nội thất của Trường London hướng dẫn, các cô gái Mông đã học được những kỹ thuật mới. Các sinh viên Trường London cũng học và hiểu hơn về nghề truyền thống của các dân tộc Tây Bắc như dệt vải, nhuộm chàm, thêu, vẽ sáp ong.

Nhuộm chàm ở thung lũng Khói xanh và 3 cô gái Sín Chải- Ảnh 9.

Ở dự án này, Mai nói ai cũng bình đẳng, ai cũng có thế mạnh riêng, cùng nhau chia sẻ kiến thức và kỹ năng, cùng nhau làm ra những thứ xinh đẹp, tạo ra sức sống mới cho một nghề truyền thống. Họ nhen nhóm một hành trình bền lâu cho những cô gái trẻ vùng cao và sinh viên để sử dụng các chất liệu truyền thống vào những thiết kế hiện đại.

Mai và nghệ nhân vẽ sáp ong Hạng Thị Sai.

Mai và nghệ nhân vẽ sáp ong Hạng Thị Sai.

Ngày khai mạc triển lãm Khói xanh, vợ chồng Vàng A Chư từ bản về thủ đô. Mai bảo người Mông chào nhau bằng tiếng hát, Chư hát. Giọng của anh trầm khỏe, mênh mang hồn nhiên như ở giữa núi rừng.

Chị Giả, vợ Chư ngồi quay guồng sợi, hai em Nhung và Đi ngồi xe đay, dạy thêu ngay tại chỗ. Những bộ trang phục hiện đại có chất liệu từ nghệ thuật Mông được trưng bày quanh họ.

Chất liệu vải lanh nhuộm chàm trên thiết kế hiện đại.

Chất liệu vải lanh nhuộm chàm trên thiết kế hiện đại.

Lũ trẻ ở phố tới đây học cách nhuộm, xem xe sợi... Rất nhiều người từ các nơi về đây học hỏi, thực hành, ai cũng ao ước được một lần tới Sín Chải…

Những sản phẩm nhuộm chàm được cắt may hiện đại trưng bày ở triển lãm Khói Xanh.

Những sản phẩm nhuộm chàm được cắt may hiện đại trưng bày ở triển lãm Khói Xanh.

Ày về bản sớm. Ước mơ của Ày nhiều lắm. Học được của các anh chị trên này rồi, Ày sẽ dạy lại cho các chị em ở bản. Chẳng đâu như quê hương mình, nếu làm ra tiền, có công việc yêu thích ở đấy thì còn gì bằng.

Mai trong tà áo dài xanh - tà áo mà các em nhuộm chàm tặng cô - cười một nụ cười thắm. Mọi chuyện như trong giấc mơ, Mai bảo chỉ hai tháng trước thôi, cô không thể tưởng tượng mọi việc sẽ thành công thế này.

"Lúc đầu cứ tưởng mình mang gì tới cho người ta, giúp cho người ta, nhưng không, chẳng phải. Họ mới là đang giúp chúng ta đấy!" - cô nói.

Đức cười, nói thêm, "Mình làm gì cho người nhà mình thì mình làm thôi!". ■

Nhuộm chàm ở thung lũng Khói xanh và 3 cô gái Sín Chải- Ảnh 13.

Đây là cái nhìn sâu sắc về một dự án quan trọng được thực hiện nhằm khuyến khích phát triển sinh kế bền vững cho các cô gái Mông trẻ từ 12-25 tuổi ở Sa Pa. Những cô gái trẻ này chủ yếu làm nông nghiệp, nếu không đi học, họ sẽ kết hôn sớm mà không có nguồn sinh kế bền vững để hỗ trợ bản thân và gia đình.

Nghề thủ công dệt vải linen, kỹ thuật nhuộm và vẽ hoa văn bằng sáp ong lên vải đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỹ năng nhưng hiện nay đang trở nên hiếm hoi do lợi nhuận thấp. Trang phục truyền thống có sức hút mới mẻ nhưng ít phù hợp với lối sống đương đại, chỉ được mặc trong những dịp đặc biệt.

Sinh viên ngành thiết kế thời trang và nội thất của LCDF đã làm việc như những nhà tư vấn thiết kế với các nghệ nhân địa phương để đạt được mục tiêu của dự án là cung cấp cơ hội việc làm trong tương lai, giảm thiểu kết hôn sớm, tạo sự kết nối với nghệ nhân địa phương, để họ nhận ra thông qua kỹ năng của mình, họ có đóng góp quan trọng đối với xã hội đương đại của chúng ta".

(Ông Douglas McLennan - hiệu trưởng đối ngoại LCDF - Hà Nội)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận