Nỗi buồn của "những giấc mơ đá"

TTCT - Một xìcăngđan văn học đang nổ ra ở Azerbaijan, khi một nhà văn 75 tuổi bị tước danh hiệu “nhân dân” và mất lương hưu vì một quyển sách.

TTCT trích giới thiệu trả lời phỏng vấn của tác giả cho tờ Ngọn Lửa Nhỏ Gazeta (Nga).

Phóng to
Nhà văn Akram Ailisli - Ảnh: gazeta.ru

Tháng 12-2012, trích đoạn tiểu thuyết Những giấc mơ đá của nhà văn Azerbaijan Akram Ailisli (viết từ năm 2006) do tác giả dịch sang tiếng Nga được in trên tạp chí Tình hữu nghị các dân tộc của Nga. Tiểu thuyết viết về những người Armenia sống ở Azerbaijan, về những cuộc tấn công người Armenia ở Sumgait và Baku năm 1988, thời kỳ của cuộc xung đột Nagorno - Karabakh giữa hai đất nước từng là láng giềng của Liên Xô cũ.

12.000 USD cho ai cắt tai nhà văn!

Sau khi tiểu thuyết xuất hiện trên tờ báo Nga, làn sóng chống tác giả Akram Ailisli ở đất nước ông lập tức nổ ra. Từ những chỉ trích nhỏ lẻ, sự bài bác lớn dần. Ngày 1-2-2013, gần 50 thành viên trẻ của Đảng cầm quyền Eni Azerbaijan đã tổ chức ở Baku một cuộc "chôn cất" Những giấc mơ đá. Cùng ngày, quyển sách được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Azerbaijan. Các đại biểu đã cáo buộc tác giả phản bội và đề nghị tước danh hiệu "Nhà văn nhân dân", các giải thưởng quốc gia và cả quốc tịch của Ailisli. Hội Hữu nghị Azerbaijan cũng tuyên bố tác phẩm của ông "từ đầu đến cuối chỉ nhằm phục vụ nền chính trị Armenia".

Ngày 7-2-2013, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev đã ký quyết định tước danh hiệu "Nhà văn nhân dân" lẫn lương hưu của Akram Ailisli. Đảng Musavat hiện đại treo giá 10.000 manat (hơn 12.000 USD) cho cái tai của nhà văn. Nhưng không chỉ bản thân tác giả, vợ con ông cũng bị liên đới: mất chức và mất việc.

Ðể dàn hòa, phải tạo được niềm tin

Vụ việc đã gây chấn động thế giới. Trung tuần tháng 2, Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga đã lần lượt kêu gọi Azerbaijan bảo vệ an toàn cho nhà văn và chấm dứt việc truy đuổi. Về phần mình, tác giả Ailisli đã phản bác những cáo buộc rằng ông hạ nhục dân tộc Azerbaijan cũng như bóp méo sự kiện. Ông khẳng định tác phẩm nhằm mục đích dàn hòa hai dân tộc, mà để làm được điều đó người Azerbaijan cần phải tạo dựng được niềm tin của người Armenia đối với mình: nhìn nhận lại những sai lầm quá khứ và xin lỗi người Armenia.

Akram Ailisli sinh ở Azerbaijan, là nhà văn, nhà viết kịch và dịch giả. Tốt nghiệp Đại học viết văn Gorki, từ năm 1969 là tác giả kịch bản xưởng phim Azerbaijan...Từng là tổng biên tập tạp chí Azerbijan, tổng thư ký Hội Nhà văn Azerbaijan. Từ năm 2005 được bầu làm đại biểu của Quốc hội Azerbaijan.

Danh tiếng đến với Ailisli sau bộ ba tác phẩm Con người và cây cỏ (1966-1968), được in bằng tất cả các thứ tiếng của Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Ailisli là tác giả kịch bản nhiều vở kịch dựng ở Azerbaijan và một số phim. Ông cũng từng dịch các tác phẩm của Turgenev, Chekhov, Korolenko, Pautovsky, Shukshin, Aitmatov ra tiếng Azerbaijan.

Phóng to
Sách của Akram Ailisli bị đốt trước nhà ông - Ảnh: Trend

Đạo đức không có tổ quốc!

* Những tuần qua không chỉ ông mà cả những người thân của ông đã bị truy đuổi. Điều nào khó khăn nhất cho ông khi trải qua?

- Tôi không thể quên những biến cố “vui vẻ” nhất xảy ra với tôi những tuần qua. Con trai tôi đứng đầu một bộ phận điều hành tài chính của thuế quan, bị sa thải; vợ tôi, từng 30 năm làm giám đốc thư viện thiếu nhi, cũng chung số phận. Tôi mất hết các danh hiệu. Kịch của tôi bị đưa khỏi lịch biểu diễn của nhà hát, còn các tác phẩm bị rút khỏi tất cả sách giáo khoa. Xuất hiện một chỉ thị rõ ràng từ bên trên: dọn tất cả các sách của tôi khỏi thư viện và hiệu sách. Truyền hình tận hưởng cảnh sách tôi bị đốt. Nhưng kết cục của tất cả “sự vui vẻ” này là giáo chủ Hồi giáo Kavkaz Allkhshukiur Pashazade tuyên tôi là kẻ thù của đạo Hồi.

* Trước đây có bao giờ sự không hài lòng của người dân và nhà nước vì quan điểm hòa hoãn của ông trong cuộc xung đột Azerbaijan - Armenia lộ ra hay không?

- Vâng, sự không hài lòng quan điểm của tôi từng thấy cả trước đây. Đặc biệt là chúng rất nhiều sau khi tạp chí Tình hữu nghị các dân tộc đăng bức thư của tôi năm 1989. Trong bức thư đó tôi bảo vệ quan điểm của mình, như bây giờ vậy.

* Và vào tháng 12-2012, phần đầu tiểu thuyết Những giấc mơ đá của ông xuất hiện... Chẳng lẽ ông không đoán được những phản ứng tiêu cực ở tổ quốc mình, bởi tinh thần dân tộc ở Azerbaijan biểu lộ khá rõ?

- Vâng, các bạn biết đấy, suốt đời mình tôi không bao giờ đứng cạnh cái “tinh thần dân tộc” đó cả. Tôi luôn cảm thấy chán ghét nó. Tôi biết rõ phản ứng đối với tác phẩm của tôi sẽ không đơn giản, nhưng tôi không ngờ là nó hoang dã và trung cổ như thế.

Tôi đã từng hi vọng vào sự sáng suốt của chính quyền và vào hiến pháp đất nước, vốn bảo đảm quyền tự do sáng tạo và ý kiến. Nhưng tôi đã bị lừa. Tôi - một người mơ mộng không thể sửa chữa được và sẽ luôn là như thế.

* Theo ông thì sứ mệnh của nhà văn hiện nay là ở đâu, tính đến thế giới đối với con người hậu Xô viết không còn hợp thành từ hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, mà từ nhiều thế lực mâu thuẫn nhau, mỗi thế lực có sự thật của mình - từ dân tộc, tôn giáo, tới nhân loại? Và nhìn chung, liệu nhà văn phải ở sau những rào chắn này hay rơi vào đó theo sự xui khiến của số phận?

- Dù điều gì xảy ra cho thế giới đi nữa thì sứ mệnh của nhà văn, theo tôi, phải luôn không thay đổi. Đạo đức không có tổ quốc, và trong ý nghĩa đó nhà văn không thể thuộc những thế lực chống đối nhau. Họ phải cùng nhau đấu tranh để “chiếm” trái tim con người, bất luận họ thuộc dân tộc nào.

Những nhà văn lớn luôn ở tuyến đầu - đã có những tấm gương ấy trong văn học Azerbaijan. Đó là vào thế kỷ 19, và con người ấy là Mirza Akhundov - nhà chính luận, triết gia, nhà soạn kịch, người sáng lập văn học mới Azerbaijan. Ông đã đi trước thời của mình xa đến nỗi cho đến nay tiếp tục là một nhà tư tưởng, nhà văn hiện đại sắc sảo.

Tiểu thuyết của Ailisli... nỗ lực gửi tới thế giới hình ảnh tầng lớp trí thức Azerbaijan, xa lạ với những kẻ giết người Sumgait và Baku. Những giấc mơ đá không đơn giản là một tác phẩm nghệ thuật, nó còn là một hành động dũng cảm của nhà văn, một người yêu nước chân chính, vì danh dự và phẩm giá của nhân dân mình mà không sợ nói lên sự thật cay đắng.

Được nói lên bởi một đồng bào mà tình yêu của ông với tổ quốc mình không thể nào nghi ngờ, sự thật đó cần thiết và có ích. Có ích cho tất cả - người Nga, người Armenia, người Gruzia, người Serbia và Albania, người Ả Rập và Israel - tất cả những ai đang đau khổ đi tìm tiếng nói chung.

(Trích bình luận của tạp chí Tình hữu nghị các dân tộc khi đăng tác phẩm của Ailisli)

-------------------

(*): Orhan Pamuk - nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, Nobel văn chương 2006, đã bị Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích kịch liệt sau khi ông lên án những vụ thảm sát hàng loạt người Armenia của đế chế Ottoman năm 1915. Trong một trả lời phỏng vấn năm 2005, ông khẳng định: "30.000 người Kurd và hàng triệu người Armenia đã bị giết", rằng "những gì xảy ra thời đế chế Ottoman đã bị che giấu tại Thổ Nhĩ Kỳ, như một điều cấm kỵ. Gần như không ai dám nói về điều đó. Nên tôi phải làm".

Trong những phiên tòa xử ông vì tội kích động thù hận chống người Thổ Nhĩ Kỳ, Pamuk khẳng định ông chỉ muốn lôi kéo sự chú ý tới quyền tự do phát biểu. Nhưng kết quả là sách của ông đã bị đốt và có lúc ông phải rời đất nước trong năm 2005, chỉ trở lại khi phải ra tòa năm 2007. (Wikipedia)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận