TTCT - Tết vừa rồi đến thăm một người bạn, tình cờ tôi gặp hai cụ già độ ngoài thất tuần đang ngồi uống trà nói chữ cùng nhau. Ngoài trời nắng ấm, trong nhà hương trầm tỏa lan càng làm không khí của cuộc hội ngộ, chuyện trò giữa mọi người thêm phần phấn chấn, tươi vui. Phóng to Ảnh: Thái A “...Thượng chính, hạ nghiêm. Thượng bất chính, hạ tất loạn. Bởi rứa, nếu bề trên ở chẳng kỷ cang, bề dưới ắt hẳn đặt đàng mây mưa...”, ông cụ kia vừa nói xong, ông cụ nọ liền tán vào ngay: “Đúng, thánh hiền dạy chí phải. Cho nên lệ luật ngày ấy mới biện ra cách nghiêm trị người ở ngôi thứ bên trên. Pháp bất gia quân tử, hình bất thượng đại phu. Kẻ tiểu nhân, dốt nát mà phạm tội thì có thể tha chớ người hay chữ thì không thể...”. Cuộc trò chuyện bằng những câu chữ Nho xoay quanh đạo lý làm người của hai ông già cứ thế kéo dài ra, người này vừa dứt người kia đã tiếp, mạch lạc, khúc chiết, phong thái từ tốn, do vậy đã hấp dẫn những người nghe thuộc lớp hậu sinh như tôi hôm ấy nhiều lắm. Những cuộc nói chữ mà hai cụ già này còn “níu kéo” đến nay và tôi may mắn được “gặp lại” trong dịp tết này có thể nói đã bị mai một, lụi tàn và chìm vào quên lãng tựa như ông đồ viết câu đối thuê giữa phố tết của nhà thơ Vũ Đình Liên thuở nào. Tôi biết cách đây trên ba mươi năm, tục nói chữ được duy trì không chỉ ở xứ Quảng quê tôi mà còn ở nhiều nơi khác nữa. Gọi là tục bởi ngày ấy nói chữ được xem như một sinh hoạt không thể thiếu đối với lớp người lớn tuổi có vốn chữ Nho ít nhiều trong các buổi giỗ chạp, lễ lạt cũng như trong những lần họ được gặp nhau bên bữa cơm hay chén rượu chén trà đạm bạc. Ở tuổi lên năm lên bảy, chưa mảy may biết gì về chữ nghĩa, lớp trẻ như tôi ngày ấy cũng đã biết thích thú trước cách nói chuyện sôi nổi, hay ho của lớp cha ông quanh những câu chữ Nho được họ xướng đọc lúc sang sảng lúc lắng trầm đầy ấn tượng. Lớn dần lên, cùng với cái chữ học được ở trường, những câu chữ Nho cùng cách chường nghĩa và lý giải của những người nói chữ luôn nghe được ấy đã cuốn hút lớp chúng tôi vì bắt đầu nhận ra ít nhiều hay ho, bổ ích trong đó. Rồi những cuộc nói chữ như thế dần trở thành những bài giảng về đạo đức cho đám học trò làng quê với sức hấp dẫn và thuyết phục có khi còn mạnh hơn những bài đức dục, giáo dục công dân ở trường. Có thể nói ngày ấy ít có nơi nào giỗ chạp, lễ lạt mà lại không có nói chữ. Nó như một nhu cầu thông truyền mà những người có được dẫu không nhiều, không đầy đủ vốn liếng chữ nghĩa hàm chứa những đạo lý này không thể ôm giữ cho mình mà không phô diễn, quảng bá cho người khác. Những bữa cỗ trong giỗ chạp, lễ lạt ngày ấy phần lớn đều rất đạm bạc. Nhưng những câu chuyện quanh những mâm cỗ ấy thì đậm nghĩa tình, đạo lý nhờ những cuộc nói chữ. Người nói chữ không hề có ý hợm mình, khoe mẽ, trái lại họ là những người chân chất, muốn điều hay lẽ phải được nhân ra. Bởi vậy những người không biết chữ Nho, thậm chí dốt cả chữ quốc ngữ (vốn có không ít trong bữa cỗ) vẫn luôn chăm chú ngồi nghe với nỗi say mê, thích thú. Triêu văn đạo, tịch tử khả hỷ - sáng sớm nghe điều đạo lý đến chiều tối chết cũng vui lòng, có ai lại không thích nghe điều hay lẽ phải, nhất là khi nó được người nói chữ biện giải rạch ròi! Cũng trong bối cảnh thịnh hành của tục nói chữ, tôi còn nhớ ngày ấy trẻ lớp lớn ở quê tôi đã thi nhau chép - đọc thuộc lòng những Truyện Kiều, Lục Vân Tiên từ những bản chép tay chữ quốc ngữ hiếm hoi có được nhờ những vị túc nho trong làng đọc cho con cháu họ chép ra từ những nguyên bản Hán - Nôm họ có được, cả quê làng đượm bầu khí đạo lý, văn chương... Khi những cuộc nói chữ lui vào dĩ vãng, những bữa cỗ giỗ chạp, liên hoan nơi quê làng ngày một lớn và hiện đại hơn, những cao lương mỹ vị, những trà ngon rượu quý đã không thiếu ngay cả ở những gia đình không lấy gì làm giàu có, không còn những cuộc nói chữ. Ở những bữa cỗ này người ta nói đủ chuyện với đủ cung bậc, mỗi người một ý một phách hay hùa theo nhau nhưng kỳ thực chẳng mấy toát lên được một điều gì và cũng chẳng mấy người thật sự lưu tâm. Lượng người hay chữ đời nay (dĩ nhiên là quốc ngữ) có rất nhiều, một số lại biết cả ngoại ngữ, tiếc thay vẫn không ai làm “sống lại” phần nào việc nói chữ để làm giàu hơn cho sinh hoạt tinh thần trong những bữa cỗ.
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Tin tức thế giới 27-12: Phương Tây lo Nga che giấu nguyên do máy bay rơi; Tìm thấy hộp đen thứ hai BÌNH AN 27/12/2024 Thủ tướng Israel tuyên bố chỉ mới bắt đầu chiến dịch chống Houthi; Nga ban bố tình trạng khẩn cấp do sự cố tràn dầu ở Biển Đen.
Báo chí Singapore đặt dấu hỏi về sân cỏ nhân tạo khi thua Việt Nam ĐỨC KHUÊ 26/12/2024 Sau trận thua Việt Nam 0-2 tại bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024, báo chí Singapore đã nêu ra nhiều vấn đề về sân đấu cũng như trọng tài.
Tin tức sáng 27-12: Biến động lãi suất liên ngân hàng qua đêm; trả cổ tức ngay đầu năm mới? TUỔI TRẺ ONLINE 27/12/2024 Một số tin tức đáng chú ý: 100% bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành phê duyệt đề án vị trí việc làm; Đại hội đồng cổ đông bất thường của FLC Faros bất thành; Nợ nhiều nghìn tỉ tiền trái phiếu, công ty bầu Đức vừa có động thái mới...
Lộ diện quốc gia ông Putin muốn chọn làm nơi tổ chức đàm phán Nga - Ukraine THANH BÌNH 27/12/2024 Tổng thống Nga Putin nói rằng Slovakia - quốc gia thành viên EU nằm giáp với Ukraine - là địa điểm thích hợp cho các cuộc đàm phán trong tương lai về giải quyết xung đột với Ukraine.