TTCT - Năm nay 22 tuổi, chỉ còn hai tháng nữa tôi sẽ tốt nghiệp đại học và bắt đầu bước vào đời, nhưng đến tận lúc này tôi vẫn loay hoay chưa biết mình muốn làm gì, trở thành người như thế nào. Chung quy cũng chỉ bởi một vấn đề: tôi sợ ràng buộc, sợ thất bại, sợ mất tự do. Có một “Thế hệ tôi”? Nhận dạng giới trẻ thời công nghệ số, Time tóm gọn trong ba đặc điểm: quá yêu bản thân, theo chủ nghĩa vật chất và nghiện công nghệ. Giới trẻ Việt thì sao? Họ có “yêu mình quá mức” như không ít bạn trẻ trên thế giới? Trích đăng tự sự của một bạn trẻ sắp bước vào đời, TTCT mời độc giả và cả những bạn trẻ chia sẻ những băn khoăn, những khó khăn và thách thức của thế hệ lớn lên cùng nhịp đập kỹ thuật số. Phóng to Minh họa: Vũ Đình Giang Tôi có một cuộc sống không khác nhiều bạn trẻ lớn lên trong giai đoạn mở cửa, đất nước phát triển. Gia đình tôi không giàu nhưng chưa bao giờ cha mẹ để con cái phải thật sự thiếu thốn. Dụng cụ học tập, sách vở, tiền học chính khóa, học thêm, ngoại khóa, kể cả việc đưa đón đến trường cha hay mẹ đều chăm lo đầy đủ, dù khá chật vật, cũng vì muốn tôi an tâm học hành. Thậm chí đến cả việc nhà, việc nội trợ, chỉ từ khi vào đại học tôi mới bắt đầu đỡ đần được, còn trước đó mẹ đều giành làm hết, chỉ yêu cầu tôi hãy tập trung mà học thật tốt. Tôi đã quen việc mình trở thành trung tâm của mọi hoạt động trong gia đình. Đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, lại sống trong những điều kiện nhiều thuận lợi, con đường học vấn của tôi, và nhiều bạn bè tôi, khá suôn sẻ, đạt được khá nhiều thành tựu. Những thành tích đó cùng với vai trò “trung tâm vũ trụ” ở gia đình đã nuôi trong chúng tôi niềm tin rằng mình là kẻ có tài, ít ra là trong lĩnh vực chuyên môn mình đang theo đuổi. Riêng tôi, làm việc nhóm, tôi luôn nhận làm nhóm trưởng để dễ dàng phân công các bạn. Trong việc học, tôi cố giữ cho mình một tư tưởng riêng. Tôi e sợ những thứ cũ, những gì gọi là phổ thông. Dường như việc để ai đó, mà tôi tin là không bằng tôi, chỉ đạo hay dạy dỗ, với tôi, đôi khi cũng là xúc phạm. Thà ta phụ người Chính sự yêu quý và chiều chuộng bản thân đã giúp chúng tôi ý thức về mình cao độ, đã luôn tự tin để khẳng định mình, song cũng lại khiến sức chịu đựng của chúng tôi với cuộc đời trở nên mong manh, thiếu kiên nhẫn và dễ thất vọng ghê gớm. Những lưỡng lự đó, mâu thuẫn đó lắm khi đã khiến tôi thấy tuổi trẻ này, thời đại này vừa hấp dẫn, thách thức, lại đầy hoang mang. Bạn bè tôi thường truyền nhau những “lời có cánh” đại loại như “người không vì mình thì trời tru đất diệt”, “thà ta phụ người còn hơn để người phụ ta” làm một phần của phương hướng sống. Điều này, xét đến cùng, thì có gì là ích kỷ, khi cố gắng bảo vệ quyền lợi, giá trị, vị thế của mình? K., cô bạn thân của tôi, vừa chia tay bạn trai gắn bó sáu năm từ thời phổ thông. K. sắp ra trường thì may mắn quen được một người đàn ông tốt bụng, giàu có và quan trọng hơn là ông hứa hẹn sẽ giúp cô xin vào một công ty lớn nọ, miễn là K. đồng ý nhận lời yêu. Hôm thông báo tin ấy với tôi, K. chẳng vui chẳng buồn rõ rệt, chỉ dặn tôi là lớn rồi phải biết kiếm tiền, “yêu mà không có tiền thì bất hạnh lắm, kiếm ra tiền là thương lấy mình, gia đình mình, chứ nghèo thì dễ hèn lắm mày ạ”. Lời K. nói đã ám ảnh tôi mấy ngày, một đứa cũng sắp phải bươn bả vào đời trong lo sợ. Mà suy cho cùng thì K. cũng đâu phải là đứa cá biệt khi chúng tôi lớn lên với sự tôn sùng những giá trị vật chất. Từ nhỏ chẳng bị để cho thiếu thốn, lớn lên thì giá trị mỗi người dường như tăng thêm cùng mỗi cái “like” cho bộ quần áo thời thượng hay một thú ăn chơi lạ. Một người bạn khác của tôi, M., sau một thời gian phấn đấu xây dựng hình tượng trên mạng xã hội đã trở thành niềm mơ ước cho kha khá cô gái khác, khi vừa có nhiều ảnh đẹp, vừa có chàng người yêu giỏi giang, lãng mạn (thông qua những gì hai người chia sẻ), vừa sành điệu với thời trang, mỹ phẩm đẳng cấp, vừa sống ngọt ngào, hiểu biết và viên mãn. Ít ai (trừ bạn bè cùng lớp) biết cô còn nợ năm môn do “còn nhiều thứ phải lo” và sẵn sàng buông lời lẽ vô cùng nặng nề với những ai vô tình nhận xét bộ quần áo này của cô chưa ổn, hình như tình yêu của cô phô diễn quá hay không... Với M., đó đều là những kẻ vì thua kém mà ganh tị với cô, chẳng đáng để coi trọng. M. cứ sống trong hân hoan và hãnh diện. Độc đáo, cá tính và xuất chúng? Chúng tôi đã luôn bị ám ảnh bởi những từ ngữ như: độc đáo, cá tính, xuất chúng. Có những người bạn của tôi lúc trò chuyện hay viết lách luôn chêm tiếng Anh vào vì bạn tin phải như thế mới đúng chuẩn phát âm, mới đạt trình độ toàn cầu hóa, thậm chí khi viết thì Sài Gòn cũng phải thành Saigon, Việt Nam cũng phải là Vietnam. Một người bạn khác mỗi ngày đều đặn cập nhật mạng xã hội bằng những dòng tự sự đầy triết lý, hiểu biết, hạnh phúc, những bí quyết này công thức nọ, điểm tô cho mình bằng những món hàng công nghệ, mỹ phẩm, thời trang mới sắm - tất thảy đều thời thượng và có gu thẩm mỹ. Dần dần bạn trở thành thần tượng thu nhỏ trong mắt cộng đồng xung quanh tôi, ít ra là thế, vì bạn đã có lượng người theo dõi trên mạng đông đảo và luôn ủng hộ, đồng cảm với mọi hành động, mọi ý kiến của bạn. Lao theo sự khẳng định này, có khi chúng tôi làm tổn thương người khác mà không hay. Như chuyện T., người anh khóa trên, phản biện ý tưởng của một giảng viên từng là thầy mình trên mạng xã hội. Anh thẳng thắn, tự tin, thậm chí có đôi phần mỉa mai. Chỉ sau mấy tiếng entry đã trở nên vô cùng hấp dẫn, thu hút hàng loạt lượt bình luận, đồng tình có, phản đối có, và bỗng chốc anh trở thành một cái tên khá nổi tiếng trong lứa chúng tôi. Về sau tôi biết được tuy không lên tiếng nhận xét gì và khá tôn trọng sinh viên, song thầy tôi đã phải trải qua một giai đoạn tổn thương trầm trọng. Công nghệ cho chúng tôi thể hiện mình theo những cách khác nhau. Hằng ngày lướt Facebook bạn bè, tôi bắt gặp không ít những lời than vãn về sự bất công mà cuộc sống đã trút lên chúng tôi; về môi trường tệ hại, dịch vụ kém, lạc hậu so với nước ngoài. Ngược lại, chúng tôi xuýt xoa trầm trồ khi được ngắm một bộ ảnh lung linh, một món hàng hay ho, tán dương nhau khi một bằng chứng của tình yêu đẹp mà bạn bè vui vẻ tung lên chia sẻ với mọi người. Công nghệ giúp chúng tôi thể hiện chính mình, trở thành trung tâm nhận thức, được thừa nhận, được đông đảo theo dõi, được tán thưởng, được “like”. Vì thế, bạn đừng ngạc nhiên vì sao chúng tôi chìm đắm trong Internet. Thế rồi một hôm... Tôi quyết định tạm khóa Facebook nhằm cố gắng tập trung vào thi cử vì việc suốt ngày chia sẻ và theo dõi mọi người đã ngốn quá nhiều thời gian. Và tôi ngộ ra nhiều điều. Rằng lâu nay cha mẹ biết về mình còn ít hơn bạn bè, dù rằng sống chung nhà. Rằng lâu nay em trai cũng chẳng trò chuyện gì với tôi vì đã có nút chia sẻ trên mạng. Lâu nay có hàng đống sách tôi mua mà lần lữa mãi chưa đọc, vì nghĩ trên mạng còn bao nhiêu thông tin hay ho. Rồi tự dưng thấy mình đáng thương, cả bạn bè tôi nữa, đáng thương quá chừng. Vì thật ra tụi tôi giống nhau nhiều đấy chứ, giống từ cách thể hiện, cách tiêu dùng, mua sắm, cách đánh giá đẹp hay xấu, tốt hay tồi, xịn hay dỏm, yêu hay không yêu, cách thất vọng và phản ứng lại với đời... Chúng tôi, biết đâu, đã tự đồng hóa mình trong ảo tưởng về cái tôi và sự độc - đáo - thời - thượng. Vì nếu không có những giá trị đó, những thứ nhãn mác đặc sắc gắn lên thì chúng tôi sẽ bất an và tự ti đi bao nhiêu. Mọi điều mà chúng tôi nỗ lực, dù hào nhoáng hay thầm lặng, đều là cố gắng bảo vệ cá tính và nhằm xây dựng hình ảnh riêng cho bản thân. Chính sự yêu quý và chiều chuộng bản thân đã giúp chúng tôi ý thức về mình cao độ, đã luôn tự tin để khẳng định mình, song cũng lại khiến sức chịu đựng của chúng tôi với cuộc đời trở nên mong manh, thiếu kiên nhẫn và dễ thất vọng ghê gớm. Những lưỡng lự đó, mâu thuẫn đó lắm khi đã khiến tôi thấy tuổi trẻ này, thời đại này vừa hấp dẫn, thách thức, lại đầy hoang mang. Dường như chúng tôi đã luôn sống trong kiêu hãnh và cô đơn... Còn bạn thì sao? Những người trẻ thời công nghệ số là... “thế hệ đáng ngại nhất và cũng đáng phấn khích nhất kể từ thời cha mẹ họ làm cách mạng, không phải vì họ đang cố gắng chiếm lấy cơ cấu cầm quyền trong xã hội, mà vì đang lớn lên mà không cần có cơ cấu đó. Cách mạng công nghệ đã làm mỗi cá nhân mạnh mẽ hơn, họ có thể di chuyển tới thành phố mới, khởi nghiệp, đọc và thành lập các tổ chức. Cuộc cách mạng thông tin cũng tăng quyền hơn cho mỗi cá nhân bằng cách trao cho họ công nghệ để cạnh tranh với các tập đoàn lớn: tin tặc đối đầu với tập đoàn, blogger - tòa soạn báo, khủng bố - quốc gia, đạo diễn trên YouTube - các studio.... Họ không cần những gì đã có sẵn. Họ là thế hệ Tôi Tôi Tôi (Me-Me-Me generation)”. Time Tags: Giới trẻCâu chuyện cuộc sốngThế hệ tôiThời công nghệ sốBẢO LINH
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.