Nước Ý: Khi một người da màu làm bộ trưởng...

THANH GƯƠNG (ROMA) 01/08/2013 08:07 GMT+7

TTCT - Ngày 13-7-2013, trong một buổi mittinh của Đảng Liên đoàn Phương Bắc (Lega Nord) ở thành phố Treviglio, bắc Ý, ông Roberto Calderoli, lãnh đạo của đảng này và cũng là phó chủ tịch Thượng viện Ý, tuyên bố trước hàng ngàn đảng viên tham dự mittinh rằng: “Mỗi khi trông thấy bà Cécile Kyenge... tôi không thể nào không liên tưởng đến con... đười ươi!”.

Một chuyến tàu chở người nhập cư Bắc Phi đến đảo Sicily (Ý) - Ảnh: globalimmigrantnews.com
Bà Cécile Kyenge - Ảnh: The Star.com

Bà Cécile Kyenge - người Ý gốc Congo, bác sĩ nhãn khoa, bộ trưởng Bộ Hội nhập - là bộ trưởng da màu đầu tiên trong lịch sử Cộng hòa Ý.

Ông Roberto Calderoli, lãnh đạo của Đảng Liên đoàn Phương Bắc, một đảng chính trị hoạt động chủ yếu ở các vùng mạn bắc nước Ý - có đường lối kỳ thị bài ngoại, chủ yếu chống lại tất cả các chính sách nhập cư và hội nhập của người nước ngoài ở Ý.

Người Ý chẳng lạ gì Roberto Calderoli, một nhân vật “đình đám” về kỳ thị. Như năm 2006, khi còn giữ ghế bộ trưởng trong chính phủ Silvio Berlusconi, trên một “talk-show” truyền hình, ông ta vạch áo sơmi để cho thấy áo thun lót bên trong có in hình châm biếm đấng Muhammad của Hồi giáo. Làn sóng phản đối dữ dội sau đó khiến ông ta phải từ chức bộ trưởng.

Lần này, câu tuyên bố thóa mạ đối với bà Cécile Kyenge cũng đã làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội. Đã có nhiều tổ chức ký tên yêu cầu ông Roberto Calderoli phải từ chức phó chủ tịch thượng viện. Roberto Calderoli đành xuống nước xin lỗi bà bộ trưởng và chống chế rằng ông ta chỉ “đùa chơi chứ… không có ý kỳ thị…”.

Liên đoàn Phương Bắc thì biện hộ cho Calderoli với lý lẽ rằng nước Ý đang còn có nhiều vấn đề khó khăn mà chính phủ nên đặt trọng tâm hơn là tranh cãi về mấy lời “đùa giỡn” của Calderoli.

Kể từ khi bà Cécile Kyenge nhậm chức bộ trưởng đến nay non ba tháng, Liên đoàn Phương Bắc đã liên tục có những lời kỳ thị đối với bà. Như ngày 13-6 vừa qua, một nữ đảng viên của Liên đoàn Phương Bắc và cũng là thành viên của hội đồng quản trị phường khóm của một tỉnh lẻ ở miền bắc Ý, nhân sự cố một phụ nữ Ý suýt bị một vài người nhập cư da màu hãm hiếp đã đặt câu hỏi trên trang Facebook rằng “Tại sao không ai hãm con mẹ ấy đi. Để thử xem con mẹ ấy cảm nhận như thế nào về cái tội ác ghê tởm này !!!”. Ai cũng hiểu người được ám chỉ là Cécile Kyenge.

 Tính đến năm 2010, Ý có khoảng 4,2 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 7% dân số Ý, đứng thứ 5 trong các quốc gia châu Âu về số người nhập cư, sau Đức (7,1 triệu người), Pháp (6,7 triệu), Tây Ban Nha (5,7 triệu) và Anh (4,4 triệu). 

(Nguồn: Eurostat)

Thực tế nước Ý cũng giống như các quốc gia công nghiệp châu Âu, cũng có yêu cầu lao động nhập cư, nhất là lao động giản đơn trong các cơ sở sản xuất công nghệ hay nông nghiệp, hoặc trong khu vực dịch vụ như vú già (trông nom người già cả), y tá, ôsin, lau chùi, quét rác, lao động trong các cửa hàng ăn uống... vốn là những lao động cực nhọc và không mấy “sang trọng” nên không có mấy người châu Âu chấp nhận.

Nhưng một số người Ý vẫn thích đặt những người nhập cư trong tình trạng bất ổn để dễ gây áp lực khi có tranh chấp lao động: tình trạng bất ổn sẽ khiến người nhập cư buộc phải chấp nhận những điều kiện không thuận lợi, hay dễ bị sa thải mà không có điều kiện phản đối.

Thậm chí, chính tình trạng nhập cư bất hợp pháp, một hiện tượng mà chính Đảng Liên đoàn Phương Bắc vẫn ra rả tố cáo, lại là khoảng đất màu mỡ để các cơ sở sản xuất công nghệ hay nông nghiệp tận tình khai thác tìm nguồn lao động rẻ tiền, lao động chui để tránh phải đóng thuế, đóng bảo hiểm, đóng phúc lợi hưu trí...

Hơn một năm trở lại đây, Liên đoàn Phương Bắc đang trong tình trạng thoái trào bởi những xìcăngđan trong hàng ngũ lãnh đạo liên quan đến các vụ bòn rút công quỹ để chi tiêu cá nhân, tệ nạn phe nhóm. Để lấy lại tín nhiệm, một trong những chiêu bài của đảng này là thổi bùng ngọn lửa kỳ thị đối với người nhập cư.

Chiêu này được xem là khả dĩ do tình hình kinh tế khó khăn của nước Ý hiện nay: công ăn việc làm càng giảm sút, càng nhiều cơ sở kinh tế phá sản, phúc lợi xã hội càng bị cắt giảm, áp lực thuế càng gia tăng... thì người dân Ý lại càng dễ có cảm giác “khó chịu” khi thấy người nhập cư đến Ý để lao động, thậm chí người da màu còn được phong làm bộ trưởng!

Theo lời kể của một vài người Việt sống lâu năm ở những vùng bắc nước Ý thì hiện tượng kỳ thị của người Ý không phổ biến, chủ yếu thường xảy ra trong tầng lớp xã hội thấp, ít hiểu biết. Như chị K., làm nhân viên trong một cơ sở y tế địa phương ở thành phố Torino (nơi có cơ sở công nghệ sản xuất xe hơi Fiat).

Nhiệm vụ của chị là đứng ở quầy tiếp nhận yêu cầu y tế: theo thể thức thì khi tiếp nhận yêu cầu, chị phải kiểm tra xem người yêu cầu đã đóng lệ phí chưa. Thế mà đôi khi có người chưa đóng lệ phí vẫn khăng khăng đòi chị phải chấp nhận yêu cầu y tế của họ, và mỗi khi chị từ chối thì có người “nóng mặt” cự nự với chị rằng đây là cơ sở y tế của nước Ý, với hàm ý rằng chị chỉ là người nước ngoài nhập cư nên đừng làm khó làm dễ người Ý.

Hay chị M. có chồng người Ý, sống ở Milano, đi chợ thấy vật giá ngày càng tăng, buông lời than thở thì lập tức bị một vài người Ý xung quanh “xỏ nhẹ” rằng “sao không về xứ của các người mà sống cho nó khỏe?”.

Anh P., doanh nhân Việt có cơ sở may mặc ở thành phố Modena, nhận xét sự kỳ thị của người Ý thường ngấm ngầm chứ không công khai, thể hiện qua sự ganh tị khi họ thấy người nhập cư làm ăn khấm khá, cứ như là người nhập cư chỉ được quyền làm ăn sinh sống trong một giới hạn nào đó... chứ không được “qua mặt” người bản xứ.

Người Ý kỳ thị?

Thông thường thiên hạ hay nói dân Ý hiền lành, tốt bụng (Italiani, brava gente). Người ta kháo nhau rằng trong thời Đệ nhị thế chiến so ra lính Ý (dưới thời phát xít) “nhân đạo hơn lính Đức” rất nhiều. Và rằng người Ý xuề xòa, dĩ hòa vi quý, không “kỳ thị như người Thụy Sĩ” (?).

Những “truyền thuyết” vừa kể phần nào có thể phản ảnh sự thật trong một vài tình huống nào đó. Công tâm mà nói, dân Ý “hiền lành, tốt bụng” phần nào vì lịch sử trong những thế kỷ qua không có điều kiện để “thử lửa” dân Ý. Mãi đến đầu thập niên 1970, người Ý còn phải đi sang các nước khác để mưu sinh... chứ mấy ai đến nước Ý để lao động.

Cứ coi các quy định và chế độ hành chính của nhà nước Ý đối với vấn đề nhập cư thì rõ: vào thập niên 1960, các nước châu Âu khác như Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan... đã có những chính sách để giải quyết vấn đề nhập cư, tận dụng các nguồn lực nhập cư đóng góp vào guồng máy kinh tế và văn hóa chính trị.

Đó là chưa kể đến các nước Bắc Mỹ như Mỹ hay Canada... Trong khi đó, mãi cho đến đầu thập niên 1970, chính sách quản lý nhập cư của nước Ý còn rất mơ hồ.

Từ giữa thập niên 1980 trở đi, số người nhập cư vào Ý bắt đầu tăng nhanh, một phần do làn sóng di dân thời “hậu hiện đại”, một phần do các biên giới bắt đầu mở rộng. Các chính sách tự do đi lại trong một số khu vực châu Âu (hiệp ước Schengen) đã khách quan biến nước Ý thành một “đầu cầu” của làn sóng nhập cư bất hợp pháp, vượt biển Địa Trung Hải tìm đường vào các quốc gia châu Âu khác. Chính đấy là lúc người dân Ý bắt đầu được “thử lửa”.

Kết quả là nếu theo dõi đài phát thanh hay truyền hình Ý những ngày này, bạn sẽ thường xuyên nghe các tin thời sự từ hành hung, bóc lột lao động nhập cư bất hợp pháp, đến các tuyến đường mại dâm; từ các phát ngôn hùng hổ của các lãnh đạo Liên đoàn Phương Bắc đến nạn bài ngoại ở các khu vực Bắc Ý...

Đặc biệt khi các lực lượng chính trị mị dân tận dụng chiêu bài kỳ thị bài ngoại để thu hút cử tri ít hiểu biết ở các khu vực đông bắc nước Ý (Veneto, Friuli Venezia Giulia, Trentino Alto Agide, Lombardia). Đó cũng là nguyên nhân phát triển “siêu tốc” trong hai thập niên vừa qua của Liên đoàn Phương Bắc ở đây.

Vấn đề kỳ thị ở nước Ý cũng có một khía cạnh xã hội khá đặc biệt, và cũng là nét đặc thù của nước Ý: chính các băng đảng mafia là một trong những tổ chức khai thác triệt để vấn đề kỳ thị. Vì chính sự kỳ thị hay các chính sách nhà nước giới hạn sự hội nhập của cộng đồng nhập cư đã khiến đại bộ phận người nhập cư sống gần như bên lề xã hội, dễ trở thành một đạo quân lao động rẻ tiền cho các yêu cầu của mafia: từ buôn lậu vũ khí đến ma túy, từ ăn cướp trấn lột đến mại dâm...

Trên nền những khó khăn này, sự chống đối bà Cécile phần nào xuất phát từ một chủ trương của bà: ủng hộ việc trẻ em sinh ra trên nước Ý được tự động có quốc tịch Ý. Bởi nhà nước Ý đến nay vẫn còn áp dụng chính sách “huyết thống” để ngăn cấm trẻ em có cha mẹ người nước ngoài nhưng sinh ra ở Ý.

Chính vì vậy, đáp lại những lời thóa mạ của ông Calderoli, bà Cécile Kyenge chỉ nói: “Tôi không coi những lời của ông ta là công kích nhắm vào cá nhân tôi, mà chỉ buồn vì hình ảnh nước Ý mà nó vẽ nên” (*).

___________

(*): http://www.guardian.co.uk/world/2013/jul/14/italian-senator-roberto-calderoli-cecile-kyenge

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận