Olympic: Quốc tế hay quốc gia?

HUY ĐĂNG 16/08/2021 21:00 GMT+7

TTCT - Xem lễ bế mạc Olympic Tokyo, có một sự khác biệt khó bỏ qua. Trong lúc VĐV các nước khác nhún nhảy, hát hò, đúng nghĩa tham gia một ngày hội, thì đoàn VĐV Trung Quốc túm tụm với nhau, xa cách tất cả.

Trong một cuộc tập dượt cho nội dung thi đấu của mình ở Olympic Tokyo 2020, VĐV ném búa người Mỹ Gwen Berry từng đứng quay lưng lại khi quốc thiều Mỹ vang lên. Nếu là một VĐV Trung Quốc, điều gì sẽ xảy đến với Berry?

Ngay cả cách mừng chiến thắng, tôn vinh những người hùng cũng khác biệt. Những người hùng thể thao của Mỹ ở Olympic - như VĐV thể dục dụng cụ Sunisa Lee trong hình - được cư dân thành phố nơi cô sống đưa đi diễu hành trên một chiếc xe cứu hỏa, không có diễn văn diễn từ, không kính thưa kính gửi, thể hiện đúng tinh thần thể thao là thoải mái và hòa đồng. Ảnh: Facebook

 

Đến Olympic để lên tiếng  

“Activist Athletes” (VĐV tranh đấu) - Berry mặc trên người chiếc áo in dòng chữ đó để đến với Olympic Tokyo 2020. 

Cô là một trong những VĐV được chú ý nhiều nhất, dù không có thành tích nào đáng kể (chỉ xếp hạng 7 ở chung kết ném búa). VĐV 32 tuổi này cũng không quá thất vọng với thành tích như vậy, cô đã đạt được điều mình muốn. 

“Tôi biết có nhiều người giống tôi, nhiều VĐV giống như tôi. Họ sợ hãi khi muốn lên tiếng, và tôi ở đây để đại diện cho họ, tôi vẫn ổn”, Berry trả lời phỏng vấn CNN. 

Giống như nhiều VĐV da màu khác ở Mỹ, Berry là một người hoạt động tích cực của phong trào chống phân biệt chủng tộc “Black Lives Matter”. 

Với những VĐV như Berry, họ đến Olympic tất nhiên là để giành vinh quang cho cá nhân và đất nước, nhưng đồng thời cũng coi đó là cơ hội để nói lên tiếng nói về những vấn đề xã hội. Tất nhiên, sự thành công và nổi tiếng sẽ giúp cơ hội đó lớn hơn. 

Những VĐV như Gwen Berry không hiếm trong thời đại này. 

Họ là những VĐV ở đẳng cấp cao nhất nhưng không hô hào khẩu hiệu “lòng tự hào dân tộc” hay “vinh quang cho Tổ quốc”. Đó là Naomi Osaka - cô gái người Nhật gốc Mỹ từ chối tham dự Roland Garros chỉ để phản đối báo chí; hay là Simone Biles - nữ hoàng thể dục dụng cụ Mỹ bỏ 4 nội dung chung kết cá nhân để bảo vệ sức khỏe tinh thần.

Điều đáng nói là thái độ của công chúng với họ. Cả làng quần vợt chuyên nghiệp lên tiếng ủng hộ Osaka khi cô rút lui khỏi các giải đấu. Biles về cơ bản cũng nhận được sự ủng hộ tương tự. Sunisa Lee, đồng đội của Biles ở tuyển thể dục dụng cụ Mỹ, đăng trên Twitter: “Chúng tôi không nợ ai một tấm huy chương nào”. 

Cả nhãn hàng tài trợ cho Biles cũng bày tỏ sự đồng cảm.

Và khi cô đổi ý trở lại thi đấu ở nội dung cuối cùng rồi giành HCĐ, truyền thông Mỹ ca ngợi Biles nhiệt liệt. Hầu hết các tờ báo và hãng tin Mỹ đều sử dụng từ “chiến thắng” để mô tả màn trở lại của cô. 

Lượng khán giả truyền hình ngày hôm đó tăng lên mức 17,4 triệu lượt xem (so với mức trung bình 16,8 triệu/ngày). Xin mở ngoặc một chút ở đây để nói lên sự khác biệt, đó là không ít báo đài ở ta lại gọi chiếc HCĐ của Biles là thất bại.

Đến Olympic trong căng thẳng

Hình ảnh tương phản là các VĐV Trung Quốc - những người phải cắn răng thi đấu dưới kỳ vọng rất lớn từ người hâm mộ. Ở Olympic Tokyo 2020, sức ép này càng hiển hiện.

Hiểu rõ hơn hết có lẽ là đôi VĐV cầu lông Li Junhui - Liu Yuchen, những người đã bại trận trước đôi của Đài Loan trong trận chung kết cầu lông đôi nam. “Tệ hại”, “rác rưởi”, “trận thua nhục nhã nhất lịch sử”... là những bình luận về họ xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội Weibo.

Điều tương tự cũng xảy đến với Xu Xin và Liu Shiwen của bóng bàn, khi họ để thua trước đôi Mizutani - Ito của Nhật Bản trong trận chung kết đôi nam nữ. 

Ngoài thất bại trong việc giành HCV, việc để thua những đối thủ đến từ Đài Loan hay Nhật Bản càng khiến VĐV Trung Quốc hứng chịu nhiều chỉ trích, khi thể thao đỉnh cao ở Trung Quốc cũng gắn liền với những ẩn ức về chính trị, tranh chấp về lãnh thổ...

Không chỉ “soi” các VĐV thất bại chuyên môn, nhiều VĐV dù thành công cũng bị chỉ trích dữ dội khi có một số hành vi “nhạy cảm chính trị”. 

Ví dụ sau khi VĐV bắn súng Yang Qian giành HCV, người hâm mộ Trung Quốc bắt đầu soi mói tài khoản mạng xã hội của cô, và họ phát hiện được một post cách đó 8 tháng Yang chia sẻ bộ sưu tập giày Nike của mình. 

Thương hiệu thể thao này bị tẩy chay dữ dội ở Trung Quốc vì cam kết không sử dụng những nguyên phụ liệu xuất xứ Tân Cương. Do vẫn sử dụng giày Nike, Yang bị người hâm mộ Trung Quốc kết án “không yêu nước”. Chỉ vài giờ sau đó, Yang đã phải xóa bài đăng cũ.

Chửi bới, lăng mạ, kết án các VĐV bại trận trở thành một xu hướng quen thuộc của cộng đồng mạng Trung Quốc. Wang Luyao, nữ VĐV bắn súng không thể giành vé đến chung kết, đăng một bức ảnh selfie cùng câu bình luận: “Hẹn gặp lại sau 3 năm nữa”. 

Ngay lập tức, hàng trăm bình luận trút giận lên cô, đại ý: “Cô sử dụng tiền thuế và thất bại, rồi sau đó đăng ảnh tự sướng. Có bao nhiêu kẻ không não hâm mộ cô?”.

Cũng có một số người Trung Quốc không hiểu nổi thái độ tiêu cực mà các VĐV của họ phải chịu đựng. “Điều gì đang xảy ra ở Trung Quốc? Tôi là người Trung Quốc, nhưng tôi muốn được suy nghĩ độc lập”, một tài khoản Weibo nói.

Từ 10 năm trước, hình ảnh thể thao đỉnh cao khốc liệt đôi khi đến thiếu tình người của làng thể thao Trung Quốc đã lan truyền với phóng sự ảnh nổi tiếng của truyền thông Tây phương về việc tập luyện như hành xác với các VĐV nhí ở những lò thể thao chuyên nghiệp. 

Những gì diễn ra ở Olympic Tokyo 2020 cho thấy Trung Quốc đang bắt thể thao phải gánh vác quá nhiều chuyện ngoài thể thao. Điều đó gây ra áp lực đôi khi là quá lớn cho VĐV, khiến họ không còn sự thoải mái, vui vẻ và cả tận hưởng việc được chơi - vốn là bản chất của thể thao.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận