TTCT - Trong mùa dịch Covid-19, khi tất cả các trường buộc phải chuyển sang hình thức dạy học online, một câu hỏi vốn lâu nay được nhiều người quan tâm lại càng được nhấn mạnh hơn: “Dạy và học online liệu có thay thế được cách làm truyền thống?”. Ảnh: chronicle.com Thực ra câu hỏi này không phải quá mới, nó đã được đặt ra từ 70 năm qua. Tất nhiên là khi đó, chữ online phải để trong ngoặc kép. “Online” của những năm 1940 bản chất là học qua radio. “Online” của những năm 1950-1970 là học qua tivi. Chữ “online” của những năm 1980-1990 là học qua đĩa DVD. Chữ “online” như chúng ta đang dùng hiện nay thực tế chỉ phát triển trong khoảng 20 năm trở lại cùng với sự ra đời của Internet tốc độ cao. Cũng cần phải phân biệt rõ, học online ngày nay lại bao gồm hai kiểu: học online giao tiếp đồng bộ (synchronous) là hình thức học sinh ngồi nhà và lên mạng học trực tiếp với giáo viên ở trường thông qua nền tảng hỗ trợ như Zoom hay Google Classroom; học online giao tiếp không đồng bộ (asynchronous) là hình thức giáo viên thu hình bài giảng và học sinh học lại thông qua lớp học ảo như trên hệ thống của Coursera hay Khan Academy. Lợi thế 2 chữ P Việc trả lời câu hỏi trên rất quan trọng, bởi nó xuất phát từ hai lợi thế của học online mà học truyền thống không thể có được. Hai lợi thế đó gói gọn trong 2 chữ P. Chữ P thứ nhất là “productivity” (năng suất). Thực vậy, năng suất thấp vốn là một điểm yếu cố hữu mà học truyền thống khó thể vượt qua. Một giáo sư giảng bài ở đại giảng đường cho tối đa được khoảng 100-150 sinh viên. Quy mô như vậy cũng chỉ phù hợp với các giờ giảng bài lý thuyết. Với các giờ thực hành hoặc bài tập, tỉ lệ 1 giáo viên, giảng viên/20-30 học sinh, sinh viên từ lâu đã được xem là tiêu chuẩn, là khuôn mẫu khó thể thay đổi. Với học online thì con số 1 giáo viên, giảng viên/100-150 học sinh, sinh viên thực tế lại là con số quá bé. Thống kê cho thấy việc một khóa học trên Coursera có hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người học, đã trở nên quá bình thường. Chữ P thứ hai là “proximity” (khoảng cách). Học truyền thống có một điểm yếu là thầy và trò buộc phải gặp nhau. Điều này gây khó khăn cho cơ hội tiếp cận giáo dục của những người có điều kiện sống đặc thù, ví dụ người ở vùng sâu vùng xa, người có thói quen sống nay đây mai đó, người đi làm không thể đến trường trong giờ hành chính... Học online giúp giải quyết vấn đề này. Tại Mỹ, từ hàng chục năm qua đã có hình thức học tại gia (homeschooling) thông qua truyền hình; và học online đã là hình thức được nhiều người đi làm ưa chuộng từ lâu. Với hai chữ P này, nhiều người ủng hộ học online đã rất hi vọng trong một tương lai gần, online sẽ có thể thay thế học truyền thống: giáo viên/giảng viên không phải đến trường mà dạy ở nhà hoặc đến trường quay (ghi hình bài giảng); học sinh/sinh viên cũng có thể ngồi nhà, ngồi ở quán cà phê, thậm chí vừa đi bộ vừa học (thông qua điện thoại thông minh). Viễn cảnh đó đến nay vẫn chưa xảy ra bởi việc dạy và học truyền thống vẫn có một số ưu điểm mà dạy - học online không thể có được. Thứ nhất, đó là vấn đề tương tác giữa thầy và trò. Với học truyền thống, giáo viên có thể tương tác và kiểm soát toàn bộ lớp học, không chỉ thông qua lời nói mà còn qua ngôn ngữ cơ thể, đặc biệt là ánh mắt. Điều này rất quan trọng bởi nó sẽ giúp giáo viên có những điều chỉnh kịp thời ngay trên lớp. Ví dụ, sau khi giảng bài khoảng 10 phút, đột nhiên giáo viên cảm nhận không khí tương đối trầm lắng trong lớp sẽ có thể đảo mắt một vòng tới từng học sinh/sinh viên, nếu thấy có gì đó “bất ổn”, giáo viên sẽ hỏi lại cả lớp ngay, nhờ vậy bài giảng sẽ được điều chỉnh. Thứ hai, tương tự tương tác thầy và trò, tương tác trò và trò là một hạn chế khác của học online. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng tương tác ngang hàng, hay còn gọi là quá trình học hỏi từ bạn học (peer learning) là một phương thức có nhiều đóng góp tích cực đến quá trình thụ đắc tri thức của người học. Thứ ba, dạy - học online phụ thuộc vào năng lực công nghệ của thầy và trò, nhất là thầy, bởi một số người không quen cách dạy mới, xa rời bục giảng và bảng đen - phấn trắng truyền thống. Những nhà giáo dục ủng hộ học online hiểu rất rõ những nhược điểm của mình và đã có nhiều biện pháp được thử nghiệm và thực hiện. Ví dụ bài giảng online theo hình thức giao tiếp không đồng bộ (kiểu như học trên Coursera) được xen kẽ bởi các bài trắc nghiệm nhanh để người học có thể ôn bài tại chỗ, nếu không trả lời đúng thì sẽ không được chuyển qua bài học mới. Những phần mềm phát hiện mức độ tập trung của học viên (dùng webcam và quét mắt người học) được xây dựng nhằm đưa ra những kịch bản giảng bài linh động hơn. Ảnh: weizmann.ac.il Dự báo và mô hình hỗn hợp Những thống kê mới nhất cho thấy dạy - học online còn nhiều đất để phát triển dù ở thời điểm hiện tại vẫn lép vế so với học truyền thống. Thống kê tại Mỹ cho thấy trong năm 2014, cứ 100 sinh viên đại học thì có 25 người học online, 75 người học truyền thống. Con số tương ứng cho các năm 2015 và 2016 lần lượt là 30-70 và 32-68. Theo một dự báo của Global Market Insights đưa ra đầu năm 2019, đến năm 2025, thị trường dạy - học online toàn cầu có thể đạt doanh thu 300 tỉ đôla, so với 190 tỉ đôla vào năm 2018 (tốc độ tăng trưởng 7%/năm). Nhiều khả năng trong thực tế đến năm 2025, doanh thu của thị trường dạy - học online còn lớn hơn con số ước đoán 300 tỉ, bởi khi đưa ra ước đoán này, các nhà nghiên cứu của Global Market Insights chưa tính tới đại dịch Covid-19 - sự kiện giúp xã hội hiểu và làm quen nhiều hơn với học online. Trong khi cả hai bên online và truyền thống vẫn chưa khắc phục hết các nhược điểm của mình, thì một cách tiếp cận mới nổi lên, kết hợp cả hai cách kể trên: mô hình học hỗn hợp. Theo đó, người học sẽ học online tại nhà một phần (thường là các bài lý thuyết) và lên lớp học trực tiếp một phần (thường là các bài thực hành, bài tập). Theo nhiều nhà giáo dục, đây là hình thức học kết hợp được tất cả ưu điểm của cả hai hình thức học truyền thống và học online. Dạy - học hỗn hợp hứa hẹn đến mức năm 2009, Nhà xuất bản IGI còn cho ra đời hẳn một tạp chí có tên là International Journal of Mobile and Blended Learning, tập trung vào các công trình nghiên cứu về học tập qua thiết bị di động và học hỗn hợp. Không phải học online, không phải học truyền thống, học hỗn hợp có lẽ mới là mô hình học tập của tương lai. ■ (*): Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giáo dục Edlab Asia. Một số mốc quan trọng của học từ xa và học online: 1948: Đài NBC cung cấp một số bài học thông qua radio. 1953: Đại học Houston chấp nhận cho sinh viên lấy một số tín chỉ thông qua học trên tivi. 1969: Đại học Mở tại nước Anh ra đời, cung cấp các khóa học chủ yếu qua radio và tivi. 1999: Một số giải pháp học tập trên Internet ra đời như Blackboard, eCollege, Smartthinking. 2012: New York Times gọi 2012 là năm của “các khóa học online mở đại trà”. (MOOC) Tags: Dịch COVID-19Học onlineDạy học trực tuyếnThay thế học truyền thốngHọc truyền thống
7 chiếc tiêm kích Su30-MK2 bay trên bầu trời Hà Nội NAM TRẦN 25/11/2024 Trưa 25-11, bảy chiếc tiêm kích Su30-MK2 cùng nhiều trực thăng Mi bay tập trên bầu trời quanh sân bay Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội.
Cựu bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ bị đề nghị 28-29 năm tù TUYẾT MAI 25/11/2024 Ông Thọ nhiều lần nhận tiền, tài sản của bà Mai Thị Hồng Hạnh (chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil), tổng số tiền 22,8 tỉ đồng.
Đã tìm thấy hơn 400 bộ tiểu sành, hài cốt trên phố Tây Sơn, Hà Nội PHẠM TUẤN 25/11/2024 Cải tạo hệ thống thoát nước ở ngõ 167 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện hơn 400 bộ tiểu sành dưới mặt đất.
Ông Trump sẽ dàn xếp chiến sự Ukraine, Israel ra sao? TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Để chứng minh mình là nhà lãnh đạo mong mỏi hòa bình và khác biệt chính quyền Biden, ông Trump đang tìm cách tạo ra một thế giới ổn định.