Phải có chính sách cho người hi sinh vì phát triển đô thị

QUỲNH TRUNG 12/05/2018 15:05 GMT+7

Tác giả Erik Harms đã chia sẻ thêm với TTCT về quyển sách Luxury and Rubble của anh.

Erik Harms khi đang tìm hiểu về hoàn cảnh của nhiều gia đình ở Thủ Thiêm bị di dời qua bên kia sông Đồng Nai, ở một khu tái định cư thuộc huyện Nhơn Trạch vào tháng 7- 2012 (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Erik Harms khi đang tìm hiểu về hoàn cảnh của nhiều gia đình ở Thủ Thiêm bị di dời qua bên kia sông Đồng Nai, ở một khu tái định cư thuộc huyện Nhơn Trạch vào tháng 7- 2012 (Ảnh: nhân vật cung cấp)

 

Vì sao anh viết quyển sách này?

- Trước khi thực hiện dự án này, tôi nghiên cứu về sự phát triển đô thị và đã viết cuốn sách Saigon’s Edge: On the Margins of Ho Chi Minh City (tạm dịch: Bên lề Sài Gòn: Câu chuyện của những vùng ven) nói về sự phát triển của các khu vực vùng ven Sài Gòn như Hóc Môn.

Sau đó, tôi trở lại Việt Nam tìm hiểu thêm về những vấn đề quan trọng của đất nước các bạn. Tôi phát hiện sự phát triển đô thị mới ở Việt Nam rất quan trọng và tất cả mọi người đều quan tâm. Ngoài ra, giới trí thức và kiến trúc sư chưa phân tích đủ những ảnh hưởng xã hội của mô hình này.

Tôi đến Phú Mỹ Hưng (PMH) vào năm 2002. Người dân ở đó kể với tôi PMH trước kia chỉ là một vùng đầm lầy. PMH lúc đó vẫn là một khu vực ngoại thành và đang trong quá trình xây dựng một khu đô thị.

Tuy nhiên, PMH rất khác các khu vực còn lại của Việt Nam. Nơi này không có hẻm, mô hình không gian và xã hội rất khác với các ngôi nhà riêng biệt lập, những tòa nhà chung cư cao cấp. Tôi muốn nghiên cứu ở PMH là phát triển đô thị đã thay đổi cách sống của người dân như thế nào.

Trong khi đó, người dân ở Thủ Thiêm cũng chia sẻ với tôi rằng quá trình đô thị mới rất hay. Họ rất ủng hộ thành phố xây dựng một khu đô thị mới nhưng cũng quan tâm nhiều đến đời sống cá nhân của họ sau khi đô thị hóa, trong đó có vấn đề đền bù đất đai.

Ngoài ra, ở Thủ Thiêm, việc đô thị hóa đã phá hủy tính cộng đồng. Trước khi đô thị hóa, dù Thủ Thiêm có người nghèo, người giàu nhưng tình làng nghĩa xóm rất cao, mọi người sống gắn bó với nhau. Trong quá trình đô thị hóa, mỗi nhà làm việc với ban quản lý, chính quyền phường xã, làm cho mỗi nhà có hoàn cảnh khác nhau khiến tình làng nghĩa xóm mất đi.

Tôi thấy điều đó rất thú vị và quyết định làm nghiên cứu so sánh giữa hai khu đô thị Thủ Thiêm và PMH.

Bìa sách.
Bìa sách.

 

Điểm giống nhau giữa Thủ Thiêm và PMH là gì?

- Những người ở PMH suy nghĩ nhiều về quyền lợi của mình và rất quan tâm đến vấn đề xây dựng một xã hội dân chủ. Những người ở Thủ Thiêm cũng vậy. Cả hai nơi này đều quan tâm đến quyền sử dụng đất đai, một quyền được quy định trong Luật đất đai 1993 và được cả người dân và chính quyền ủng hộ. Cơ chế thị trường tạo cơ hội cho nhiều người.

Tuy nhiên, đằng sau ý tưởng cơ chế thị trường trong lĩnh vực bất động sản rất hay này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong chính sách đền bù cho người dân.

Ở Việt Nam có truyền thống trả ơn cho những người hi sinh vì đất nước, như trả ơn cho những người hi sinh trong chiến tranh. Do đó, Nhà nước cũng phải cần có chính sách hỗ trợ những người hi sinh cho sự phát triển đô thị. Chính sách hiện tại của Việt Nam là không được tốt lắm, vì những người bị giải tỏa ở Thủ Thiêm buộc phải mua nhà ở vùng xa, ngoại thành, không có điều kiện sống tốt như trước.

Có ý kiến tranh cãi rằng những người dân bị giải tỏa trước đây sống ở nhà lá, nhà cấp 4 thì tại sao phải đền bù cho họ bằng những căn hộ cao cấp ở khu đô thị mới? Quan điểm của tôi là nếu tôi làm dự án này, tôi sẽ bảo đảm dự án không chỉ nâng cấp cho thành phố mà còn phải nâng cao đời sống người dân nơi đây. Cư dân địa phương sẽ ủng hộ phát triển đô thị nếu biết rằng họ cũng được hưởng lợi từ dự án.

Nếu tôi là kiến trúc sư được giao vẽ bản quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, tôi chắc chắn dành một khu đất để bảo tồn những di tích văn hóa, lịch sử ở Thủ Thiêm và dành một khu đất khác để xây các căn hộ tái định cư cho những người dân bị giải tỏa.

Đô thị hóa ở Thủ Thiêm, dưới quan sát của anh, có thực sự mang lại lợi ích cho cư dân được giải tỏa hay không?

- Đa số người dân bị giải tỏa có cuộc sống khó khăn hơn. Một số ít người đầu cơ bất động sản vì nghe tin trước là có dự án phát triển đô thị thì có cuộc sống khấm khá hơn. Theo tôi biết, nhiều người dân bị giải tỏa chuyển đến khu chung cư tái định cư Thạnh Mỹ Lợi gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn các khu nhà xuống cấp quá nhanh, nằm ngay tuyến đường chính có mật độ lưu thông cao...

Ngoài ra, một số người chuyển đến đường Nguyễn Thị Định, Q.2 để xây và mua nhà nhưng họ không thích vì nhà trong hẻm, xa sông nên khí hậu nóng bức, khó chịu. Một chung cư tái định cư khác (10 mẫu) ở Q.2 được xây dựng với chất lượng rất thấp, khiến nhiều người dân không hài lòng...

Ngoài ra, có một số người chưa chịu giao đất sớm, đợi giá đền bù cao hơn, nhưng khi nhận tiền đền bù cao hơn thì giá bất động sản ở những nơi khác hay khu tái định cư cũng tăng theo, khiến cư dân bị giải tỏa gặp thêm nhiều khó khăn. Đó là một vấn đề thuộc cấu trúc thị trường chưa được lường trước.

Người dân tụ tập tại các quán cà phê gần nhà cũ của họ ở Thủ Thiêm năm 2010. Ảnh: Erik Harms
Người dân tụ tập tại các quán cà phê gần nhà cũ của họ ở Thủ Thiêm năm 2010. Ảnh: Erik Harms

 

Trong quyển sách của anh, qua so sánh giữa hai khu đô thị cũng đã chỉ ra khoảng cách giàu nghèo giữa cư dân hai bên?

- Tôi muốn nhấn mạnh yếu tố “rule of law” (pháp quyền). Vì một xã hội thực sự có pháp quyền thì nó công bằng cho tất cả mọi người, cả người giàu lẫn người nghèo. Pháp quyền ở Việt Nam dù có sự tiến bộ nhưng trong lĩnh vực đất đai vẫn chưa rõ ràng, minh bạch.

Anh có hài lòng với cuốn sách của mình không? Và những người khác như giới chuyên gia, học giả, chính quyền phản ứng ra sao?

- Tôi không bao giờ hài lòng cả. Tôi coi quyển sách như là một cuộc thảo luận, đưa ra thông tin cho mọi người cùng suy nghĩ. Có thể có người đồng ý hoặc không đồng ý. Tôi chưa biết giới chức ở Việt Nam có quan tâm đến quyển sách của tôi không, nhưng giới khoa học ở Việt Nam và Mỹ có lời khen. Tôi rất muốn mọi người thảo luận về nội dung quyển sách này, dù hiện tại tôi chưa thấy ai thảo luận cả.

Phương pháp nghiên cứu của anh như thế nào, đặc biệt ở khía cạnh nhân học và điều tra điền dã?

- Phương pháp nghiên cứu của tôi là gặp gỡ, nói chuyện với càng nhiều người dân địa phương càng tốt. Về dự án nghiên cứu nhân học ở hai khu đô thị PMH và Thủ Thiêm, tôi phỏng vấn tổng cộng 335 người, bao gồm 148 người ở Thủ Thiêm và 187 người ở PMH.

Trong 335 người có 122 người tôi phỏng vấn sâu bằng cách ghi âm và ghi chú trong sổ, còn lại là những cuộc trò chuyện ngắn, ví dụ như tôi hỏi người dân Thủ Thiêm là họ bị thu hồi đất như thế nào, hoặc hoàn cảnh gia đình của những người dân ở PMH ra sao...

Ngoài ra, tôi còn gặp và nói chuyện với một số sinh viên và chuyên gia ở Việt Nam am hiểu vấn đề này. Do từng có 3 năm học ngành Việt Nam học ở Trường ĐH Cornell (Mỹ) và sau đó học thêm tiếng Việt ở Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, tôi có thể giao tiếp bằng tiếng Việt với người dân ở Thủ Thiêm và PMH.

Ở Thủ Thiêm, vì vấn đề thu hồi đất được xem là nhạy cảm nên tôi đổi tên những nhân vật trong sách để bảo vệ họ. Phương pháp nghiên cứu nhân học nôm na là “quan sát và thâm nhập”. Trong nhân học, mình phải xem những người phỏng vấn như những người bạn.

Khi thực hiện đề tài nghiên cứu này, có những lúc tôi ngồi cà phê với nhân vật cả ngày, nghe họ kể về hoàn cảnh gia đình, con cái, cuộc sống, ước mơ... Tôi nhớ có một lần được một người dân ở Thủ Thiêm mời đến nhà chơi. Tôi ăn sáng, ăn trưa và ăn tối cùng họ, sau đó ngủ lại nhà. Rồi cùng theo họ đi nơi này nơi kia để có thể thực sự “thâm nhập” cuộc sống của họ.

Phương pháp này giống như câu tục ngữ của Việt Nam mà tôi hay đề cập khi giảng dạy cho các bạn sinh viên Việt Nam về nhân học: “Thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng ai thế nào”.

Tôi dành 9 tháng ở Việt Nam để thực hiện dự án này, nhưng tổng thời gian nghiên cứu là hơn 1 năm vì khi trở về Mỹ tôi tra Google tìm thêm tài liệu và vào các thư viện lớn ở Mỹ tìm những bản đồ của các chuyên gia nước ngoài về quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, đặc biệt ở Thủ Thiêm và PMH.

Tôi nghĩ thời gian nghiên cứu ở Việt Nam là khoảng thời gian vui nhất trong cuộc đời của mình, và càng vui hơn khi nghiên cứu này có hiệu quả về mặt khoa học. Nhưng trong thời gian thực hiện dự án, tôi cũng gặp những nỗi buồn, ví dụ khi gặp nhiều hoàn cảnh rất nghèo và khó khăn nhưng không thể giúp được họ. Tôi quan niệm rằng tôi là người nước ngoài nên không thể can thiệp vào vấn đề của Việt Nam. Việc bảo vệ quyền lợi của người dân Thủ Thiêm phải do người Việt giải quyết.

Quyển sách này được xuất bản tháng 10-2016. Lúc xuất bản sách trùng với thời gian mẹ tôi qua đời, nên tôi không còn tâm trí quảng bá nó. Tôi quyết định cung cấp bản pdf quyển sách này miễn phí trên mạng (*) với hi vọng nhiều người Việt có thể tiếp cận nó.

Chân thành cảm ơn anh. ■

(*): https://www.luminosoa.org/site/books/10.1525/luminos.20/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận