TTCT - Từ Bangladesh, một trong bốn đồng tác giả của báo cáo mới nhất mà Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF Việt Nam) công bố về sự tuyệt chủng của tê giác Java một sừng ở Việt Nam (Rhinoceros sondaicus), tiến sĩ Sarah Brook đã chia sẻ với TTCT những suy nghĩ của bà trước thực trạng đe dọa đối với sự tồn tại của các loài động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam. Ký ức loài tê giácTê giác Nam Phi kêu cứu Phóng to Tiến sĩ Sarah Brook và một trong hai chú chó đánh hơi để tìm ra phân tê giác ở Cát Tiên khi bà thực hiện khảo sát tại đây vào năm 2009-2010 - Ảnh do nhân vật cung cấp Vẫn còn suy sụp * Cảm giác đầu tiên của bà khi nhận ra con tê giác cuối cùng đã chết ở Việt Nam ra sao? - Tôi và chồng tôi (Simon Mahood, WWF Việt Nam) đã khảo sát tìm tê giác Java một sừng ở Cát Tiên trong sáu tháng. Khi khảo sát, dựa trên dấu chân, chúng tôi đã thấy số cá thể ít hơn nhiều so với hầu hết các dự báo trước đó, dù cần phải phân tích gen mới khẳng định được. Chúng tôi tìm thấy dấu chân và phân tê giác thường xuyên trong vòng bốn tháng đầu, rồi bỗng không thể tìm thấy nữa vào tháng 2-2010 và hai tháng cuối của cuộc khảo sát. Chúng tôi rất lo lắng cho con tê giác nhưng không ai dám chắc điều gì cho đến khi tìm thấy bộ xương - chỉ vài tuần sau khi chúng tôi dừng việc khảo sát. Lúc khám nghiệm bộ xương, tôi và đồng nghiệp đã choáng váng khi thấy viên đạn kẹt trong chân nó, cái sừng đã bị lấy đi. Nếu xét thực tế chúng tôi đã cố gắng tăng cường bảo vệ ở Cát Tiên và không thành công, thì con tê giác cuối cùng bị săn chết không phải là điều quá ngạc nhiên, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy suy sụp. “Số lượng hổ hiện đã quá thấp, voi chỉ có thể sống một số con tách biệt và đang bị săn đuổi. Do vậy, tôi nghĩ ưu tiên quốc gia hiện nay nên tập trung nguồn lực hạn chế của mình để bảo vệ các loài gần như tuyệt chủng như sao la, voọc mũi hếch...”. * Con tê giác cuối cùng chết ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam và thế giới? - Sự diệt chủng của loài tê giác Java một sừng ở Việt Nam thể hiện sự mất mát của một nguồn gen độc đáo, vì tê giác Java ở Việt Nam là một phân loài riêng biệt bên cạnh bầy đàn ở Indonesia. Đây là loài động vật rất đặc biệt, là một phần quan trọng của lịch sử loài người. Chúng từng sống rất nhiều ở Nam và Đông Nam Á, giờ đây không còn nữa. Mỗi sự diệt vong của một loài nào đó do con người gây ra đều là sự kiện bi thảm. Nhưng cũng là dịp để chúng ta phải học, để đảm bảo sẽ không lặp lại sai lầm, để mất thêm những của quý trong hệ thống sinh học đa dạng. * Các chuyên gia đã nhắc rất nhiều lần là Việt Nam sẽ mất tiếp những loài khác nữa, trong thời gian không lâu nữa. Khi làm việc ở Việt Nam, bà thấy điều gì đã khiến việc bảo tồn các loài vật quý hiếm trở nên khó khăn hơn? - Nếu xét thực tế xã hội có nhu cầu rất cao đối với các loài động vật hoang dã, ngày càng có nhiều người thích ăn thịt hay sử dụng động vật hoang dã vào việc chữa bệnh, tôi nghĩ khó khăn lớn nhất trong việc bảo tồn hiệu quả loài này là bảo vệ chúng ở ngay hiện trường, nơi chúng sinh sống. Cho tới nay, điều này chưa thực hiện được ở Việt Nam. Nhìn chung, các khu vực được bảo tồn không thật sự bảo vệ được đời sống hoang dã, săn bắn trộm vẫn rất nhiều ở phạm vi cả nước, việc đi tuần lại ở mức độ rất thấp. Tôi thấy rằng các luật liên quan thì có nhưng không được thực thi hiệu quả. Chưa có gì khích lệ hay thúc đẩy nhân viên kiểm lâm các khu vực được bảo tồn đi tuần tra thật sự, vì không ai bắt nhân viên hay giám đốc của nơi đó phải chịu trách nhiệm giải trình nếu họ không đi tuần, hay không bảo vệ được khu vực mà họ chịu trách nhiệm. Phóng to Tê giác một sừng - Ảnh: WWF Đa dạng sinh học nằm trong mức ưu tiên thấp * Thất bại trong việc tìm và cứu con tê giác cuối cùng ở Cát Tiên nay thường được lý giải là do “thiếu giải pháp tổng thể”, “thiếu sự hợp tác của các ban ngành hữu quan”. Đến nay, vẫn chưa tìm ra ai đã bắn con tê giác đó. Bà nghĩ gì về điều này? - Trong báo cáo, chúng tôi đã đưa ra rõ đâu là nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng của tê giác Java ở Việt Nam, cho dù tình huống thật sự phức tạp. Các tổ chức bảo tồn đã nỗ lực trong nhiều năm để có thể hoạt động dưới hệ thống ban bệ hiện nay, bằng cách hỗ trợ thêm kinh phí để tăng cường tuần tra, cải thiện năng lực, quản lý ở các khu vực được bảo tồn... Trường hợp con tê giác và thực tế hầu hết các loài khác đang giảm mạnh ở Việt Nam cho thấy những cách như vậy đều không có hiệu quả, và chúng tôi cần phải thay đổi cách tiếp cận giải quyết vấn đề. Vấn đề là các tổ chức bảo tồn thường bị giới hạn trong vai trò cố vấn kỹ thuật, và là nhà tài trợ tài chính, những người đưa ra khuyến nghị... Trừ phi các tổ chức bảo tồn thật sự có vai trò ngang với các giám đốc khu vực bảo tồn thì mới có thể hợp tác hiệu quả. Cả chính phủ và các tổ chức bảo tồn đều có lỗi trong việc để xảy ra chuyện với con tê giác. Các tổ chức bảo tồn phải tích cực hơn trong việc kiểm soát và đánh giá các hình thức can thiệp bảo tồn, để đảm bảo các khoản đầu tư có hiệu quả, đưa ra các biện pháp thay thế nếu cách làm truyền thống không có tác dụng. Chính phủ cần tiếp nhận các khuyến cáo của các tổ chức bảo tồn một cách nghiêm túc, vì nếu không có thay đổi trong cách quản lý các khu vực bảo tồn, việc rất nhiều loài khác sẽ bị tuyệt chủng là điều tất yếu xảy ra. Việt Nam cần đầu tư vào việc bảo vệ thực địa tại các khu vực cần được bảo tồn, không chỉ bằng cách tăng cường thực thi luật đối với những kẻ săn bắn trộm, mà còn buôn bán và trao đổi động vật hoang dã. Với chuyện chưa tìm ra được kẻ đã bắn con tê giác cuối cùng ở Việt Nam cho thấy việc bảo tồn đa dạng sinh học nằm trong mức ưu tiên thấp. * Việt Nam có thể tham gia vào nỗ lực bảo tồn tê giác trên thế giới ra sao sau khi không còn tê giác ở đây nữa? - Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong nỗ lực bảo tồn tê giác toàn cầu, thông qua việc giảm nhu cầu đối với sừng tê giác - vốn không có giá trị y học và đang được những người giàu sử dụng như một biểu chứng cho tài sản của họ. Việt Nam có thể tăng cường thực thi pháp luật để ngăn chặn nạn buôn bán và trao đổi sừng tê giác trong nước, cũng như nạn săn bắn trộm và buôn bán sừng tê giác từ Việt Nam sang nước khác. * Bà đánh giá ra sao về thực tế bảo tồn ở Việt Nam hiện nay? - Một hội thảo gần đây đã được tổ chức để đánh giá các dự án bảo tồn thành công và thất bại ở Việt Nam. Có một điểm rất đáng lo là tất cả những người tham gia chỉ có thể chỉ ra một hoặc hai ví dụ thành công, cho dù hàng triệu đôla đã được đầu tư vào lĩnh vực này. Thách thức lớn là nhu cầu với các loài hoang dã trong nước quá lớn, việc bảo vệ lại quá yếu. Theo tôi, với cách quản lý bảo vệ hiện nay, không phải loài nào cũng sẽ được cứu: số lượng hổ hiện đã quá thấp, voi chỉ có thể sống một số con tách biệt và đang bị săn đuổi. Do vậy, tôi nghĩ ưu tiên quốc gia hiện nay nên tập trung nguồn lực hạn chế của mình để bảo vệ các loài gần như tuyệt chủng như sao la, voọc mũi hếch... Sau khi con tê giác chết, WWF thực tế đã thay đổi hướng tiếp cận với bảo tồn ở Việt Nam, và phối hợp điều hành lại để thực thi các chương trình bảo tồn sao la ở Huế và Quảng Nam. Phải ưu tiên đầu tư để bảo tồn những loài gần tuyệt chủng, vì một khi những loài này mất là mất vĩnh viễn, nhưng không có nghĩa là bảo vệ các loài như voi và sư tử có thể được giảm nhẹ. Thực tế nếu chúng ta tập trung nguồn lực có hạn của Việt Nam vào bảo vệ các loài độc đáo thì có thể giúp cải thiện khả năng quản lý các khu vực cần bảo vệ nói chung, và như vậy sẽ đem lại lợi ích cho nhiều loài. Tê giác một sừng Việt Nam: Phát hiện và tuyệt chủng Theo ông Phạm Hữu Khánh - phó giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên, tại Việt Nam từng xuất hiện cả loài tê giác hai sừng chứ không chỉ có tê giác Java một sừng. Năm 1920, cá thể tê giác hai sừng cuối cùng của Việt Nam bị bắn chết tại vùng rừng Cam Ranh (Khánh Hòa). Riêng loài tê giác Java - tê giác một sừng, từ năm 1960, giới khoa học cho rằng đã không còn tại Việt Nam. Năm 1988, qua tin báo của một số bà con người dân tộc về việc thấy dấu chân một loài thú lớn tại khu rừng Cát Lộc (huyện Cát Tiên và Bảo Lộc, Lâm Đồng), các cán bộ thuộc Viện Điều tra quy hoạch rừng (Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng) đã điều tra và khẳng định có một quần thể tê giác Java đang sinh sống tại đây. Tháng 5-1999, thông qua bẫy ảnh (camera trapping), bảy tấm ảnh đầu tiên chụp hình ảnh một cá thể tê giác tại khu Cát Lộc được chính thức công bố. Qua đo đếm dấu chân và phân tích, năm 2002, chuyên gia Bùi Hữu Mạnh công bố quần thể tê giác một sừng tại Cát Lộc có 2-3 cá thể. Từ giữa tháng 10-2009 đến tháng 4-2010, tiến sĩ Sarah Brook (đại diện WWF) và chồng là Simon Mahood cùng thạc sĩ Bạch Thanh Hải (trưởng phòng khoa học và hợp tác quốc tế vườn quốc gia Cát Tiên) đã dùng hai chú chó nghiệp vụ (thuê của Mỹ) để điều tra, thu thập được 22 mẫu phân tê giác trong khu vực Cát Lộc. Sau khi điều tra, họ có chung kết luận: chỉ còn một cá thể tê giác một sừng tại khu vực Cát Lộc. Cuối tháng 4-2010, phát hiện bộ xương tê giác một sừng tại khu vực Cát Lộc. Cùng với 22 mẫu phân thu thập được trước đó, mẫu xương của cá thể tê giác chết được gửi qua Trường ĐH Queen (Canada) để phân tích ADN và cho kết quả: tất cả mẫu vật trên đều thuộc về một cá thể tê giác đã chết. Ngày 25-10-2011, WWF công bố tê giác Java một sừng của Việt Nam chính thức tuyệt chủng. Tags: Động vật hoang dãTuyệt chủngCửa sổ khoa họcTê giácBangladeshWWF Việt Nam
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Quyết định truy thu Thảo cầm viên Sài Gòn gần 800 tỉ được thanh tra kiến nghị từ năm 2022 ÁNH HỒNG 10/12/2024 Quyết định truy thu tiền thuê đất của Thảo cầm viên Sài Gòn là một câu chuyện dài, được Thanh tra TP.HCM kiến nghị từ năm 2022.
Trao thỏa thuận cấp chính phủ hợp tác với Trung Quốc xây 3 tuyến đường sắt DUY LINH 10/12/2024 Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đã thỏa thuận hợp tác xây dựng ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn trong cuộc họp tại Bắc Kinh ngày 10-12.
Người đàn ông đánh cô gái ở quận 4: 'Các bạn trẻ đừng nóng nảy rồi phải trả giá như tôi' MINH HÒA 10/12/2024 Tại cơ quan công an, Bùi Thanh Khoa có lời hối tiếc 'các bạn trẻ đừng nên nóng nảy mà mất đi kiểm soát, để khi sự việc đi quá xa như tôi làm ra như ngày hôm nay, để rồi phải trả giá, đó là bài học tôi cần phải ghi nhớ'.
Gần 3.000 người bị Mr Pips, Mr. Hunter lừa đảo phải làm gì để lấy lại tiền? DANH TRỌNG 10/12/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra xác định có gần 3.000 người là bị hại bị TikToker Mr Pips - Phó Đức Nam và Mr. Hunter - Lê Khắc Ngọ cùng đồng phạm lừa đầu tư chứng khoán.