TTCT - Những hỗn loạn ở phe Cộng hòa trong Hạ viện Mỹ đã khiến họ bị so sánh với các gia đình mafia trong phim Bố già. Tân chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson. Ảnh: AxiosSau ba tuần đấu đá nội bộ, Đảng Cộng hòa Mỹ cuối cùng cũng chọn được chủ tịch Hạ viện mới là ông Mike Johnson từ Louisiana. Dù đứng thứ 2 trong danh sách kế nhiệm tổng thống Mỹ, ông Johnson là nhân vật quá mới (6 năm nghị sĩ, chưa từng làm chủ tịch ủy ban Hạ viện) tới mức nhiều nghị sĩ Cộng hòa phải lên Google để có thêm thông tin về ông trước khi bỏ phiếu. Phe Cộng hòa sau đợt khủng hoảng vừa rồi cũng tự hỏi: phải chăng họ đã quá hỗn loạn để có thể điều hành?Đầu tiên, họ chọn một nhân vật có ảnh hưởng từ lâu làm chủ tịch Hạ viện sau 15 vòng bỏ phiếu. Nhưng chỉ sau 9 tháng, phe cứng rắn của đảng chán và quyết định loại ông Kevin McCarthy. Sau đó họ chuyển sang nhân vật số 2 của đảng, một người bảo thủ chính thống, nhưng ông này cũng nhanh chóng bị chống. Phe Cộng hòa lại chọn một nhân vật cực hữu, nhưng lúc này phe chính thống bật lại và nhanh chóng loại ứng viên đó. Sau bốn ứng viên khác nhau, cuối cùng họ mới chọn được nhân vật hầu như không ai biết là Mike Johnson làm chủ tịch Hạ viện.Chỉ Jesus mới làm nổiCuộc khủng hoảng chủ tịch hạ viện làm lộ rõ những chia rẽ phe phái khiến Đảng Cộng hòa tê liệt thời gian qua. Theo The New York Times, các phe trong đảng có quan điểm quá đối lập và những thù hằn cá nhân khiến đảng không thể thống nhất."Giờ chỉ một người làm được việc này. Bạn biết ai không? Jesus - cựu tổng thống Donald Trump nói trong cuộc vận động tuần trước ở New Hampshire - Nếu Jesus hạ phàm và nói "Ta muốn làm chủ tịch hạ viện", thì ngài sẽ tiếp nhận vị trí đấy. Ngoài ra tôi không thấy ai đảm nhận nổi".Phe Cộng hòa không giấu những chia rẽ. Họ công khai gọi các nhóm trong đảng là "ngũ đại gia đình" - cách ví von với các gia đình mafia trong tiểu thuyết nổi tiếng The Godfather (Bố già). Đó là nhóm cực hữu Freedom Caucus, nhóm bảo thủ ủy ban nghiên cứu Đảng Cộng hòa, nhóm thân doanh nghiệp Main Street Caucus, nhóm điều hành chính thống và nhóm lưỡng đảng chuyên hợp tác với bên Dân chủ (nhóm giải quyết vấn đề).Nhóm Freedom Caucus có lẽ là nổi tiếng nhất khi các thành viên thường lên tiếng công khai bày tỏ quan điểm cứng rắn và thách thức các lãnh đạo đảng. Nhóm này có các nhân vật cực đoan thân Trump như Marjorie Taylor Greene và Chip Roy. Dù vậy, đây là nhóm tương đối nhỏ với khoảng 35 thành viên.Nhóm ủy ban nghiên cứu là nhóm lớn nhất với khoảng 173 thành viên. Với quy mô như vậy, số thành viên trong "gia đình" này cũng đồng thời có mặt ở các nhóm khác, từ ôn hòa cho tới cực đoan.Ở phía đối lập của Freedom Caucus là nhóm giải quyết vấn đề (29 thành viên) gồm ba nhóm nhỏ những nghị sĩ có quan điểm thực dụng và ôn hòa, những người sẵn sàng bắt tay với phe đối lập để thông qua các vấn đề khó. Nhóm này có cả các nghị sĩ Dân chủ và thường đề xuất các vấn đề mà hai đảng có thể thống nhất.Nhóm điều hành chính thống có 42 nghị sĩ, phần lớn là những người trung dung, coi trọng việc điều hành Hạ viện để hệ thống chạy. Hầu hết thành viên nhóm này quan điểm bảo thủ về ngân sách (cắt giảm chi tiêu) nhưng ôn hòa về các vấn đề xã hội.Nhóm Main Street có nhiều điểm chung với thành viên của nhóm điều hành dù họ không trung dung. Nhóm này gồm 67 nghị sĩ bảo thủ quan tâm đến việc đảm bảo Hạ viện vận hành tốt, tập trung các dự luật về kinh tế và an ninh quốc gia.Nhiều nghị sĩ Cộng hòa ghét bị ví von với "ngũ đại gia đình" trong Bố già, bởi cuối cùng 5 gia đình trong truyện đã quay sang bắn giết lẫn nhau. Lãnh đạo các nhóm đặc biệt khó chịu với biệt danh này vì cho rằng nó ám chỉ các nghị sĩ Cộng hòa cuối cùng sẽ tấn công lẫn nhau (điều quả đã diễn ra trên thực tế mấy tuần qua).Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor GreeneChằng chịt ân oánTrong 9 tháng cầm quyền, cựu chủ tịch McCarthy cố gắng hài hòa khác biệt bằng các cuộc họp hằng tuần. Nhưng khác biệt khiến việc này càng về sau càng khó, khi bản thân mỗi nhóm lại có các nhóm nhỏ nữa. Ví dụ nhóm cực hữu tự gọi là "The 20" bao gồm nhiều thành viên nhóm Freedom Caucus và một số nhóm còn lại. Một số người chỉ trung thành với đồng sự cùng bang, trong khi một số lại thân cận với các chủ tịch ủy ban Hạ viện hơn, dù khác bang. Cộng thêm những thù hằn cá nhân quá khứ không liên quan tới quan điểm chính trị, ta có một nồi lẩu thập cẩm tai họa.Ông McCarthy bị lật đổ một phần vì những ân oán giữa ông với ông Matt Gaetz từ thời họ còn ở Florida. Những người thân ông McCarthy lại có quan hệ không tốt với nhân vật số 2 của đảng, hạ nghị sĩ Steve Scalise từ Louisiana. Nghị sĩ Jim Jordan, lãnh đạo phe cực hữu Freedom Caucus, bị loại một phần vì các thành viên ủy ban tài chính Hạ viện rất cay ông trong nhiều cuộc đấu ngân sách từ trước. Hạ nghị sĩ Tom Emmer của Minnesota, nhân vật số 3 của phe Cộng hòa ở Hạ viện, cũng chỉ giữ vị trí ứng viên được vài giờ do ông quá nhiều ân oán với đối thủ Jim Banks từ Indiana trong cuộc chạy đua trước đó. "Quá khứ quá nhiều vết và một số người sẽ không thể vượt qua" - hạ nghị sĩ Kevin Hern của Oklahoma, chủ tịch nhóm ủy ban nghiên cứu, "đại gia đình" lớn nhất của đảng ở Đồi Capitol, nói.Do chỉ nắm đa số mong manh, phe Cộng hòa cần ít nhất 217 phiếu (không để mất quá 4 phiếu) để có thể bầu được chủ tịch Hạ viện. Phe Cộng hòa vẫn hy vọng việc ông Johnson nắm ghế chủ tịch sẽ là bước hòa hoãn tạm sau căng thẳng suốt ba tuần đấu đá nội bộ. Nhưng ông này nắm ghế chưa đầy một ngày (từ 25-10) thì hòa bình có vẻ đã kết thúc.Hạ nghị sĩ Gaetz từ Florida, nhân vật đứng sau chiến dịch hạ bệ ông McCarthy, giờ công khai đối đầu với một loạt nghị sĩ khác, đồng thời chỉ trích công khai chủ tịch một ủy ban quan trọng của Hạ viện. Ảnh: The Daily BeastCác nghị sĩ Cộng hòa từ New York muốn loại nghị sĩ George Santos khỏi Hạ viện vì gian dối. Cựu chủ tịch hạ viện tạm quyền Patrick McHenry thì công khai trút giận về việc ông McCarthy bị lật đổ. Một loạt nghị sĩ bảo thủ đã bắn tín hiệu sẽ đối đầu tiếp trong cuộc chiến ngân sách để ngăn chính phủ đóng cửa (thời hạn là 17-11). Đây sẽ là thách thức lớn với ông Johnson để lèo lái căng thẳng.Thách thức trước mắtÔng Johnson muốn phê chuẩn tiếp một gói ngắn hạn tới tháng 1 hoặc tháng 4-2024 để phe Cộng hòa có thêm thời gian bàn thảo gói ngân sách cả năm, nhưng nhiều nhóm trong đảng đã phản đối ý tưởng này. Nghị sĩ Andy Biggs từ Arizona, thành viên nhóm cực hữu, nói ít nhất có năm nghị sĩ Cộng hòa chống ý tưởng ngân sách ngắn hạn.Với cuộc chiến chính sách, phe Cộng hòa không chỉ khác biệt về ngân sách ngắn hạn, mà còn nhiều vấn đề trong ngân sách cả năm, gồm phần tiền cho Bộ Tư pháp và FBI. Ông Johnson cũng sẽ phải xử lý những thách thức liên quan tới các vấn đề về phá thai trong các dự luật mới. "Các chính sách này sẽ khó", nghị sĩ Tom Cole của Oklahoma nói. Ông cho rằng các nghị sĩ Cộng hòa sẽ phải là "chính trị gia và những người làm luật thật sự" trong các dự luật sắp tới.Dù các nghị sĩ Cộng hòa tuần trước đã thông qua nhanh chóng các dự luật về ngân sách nước và năng lượng, những người cánh hữu của đảng cảnh báo ông Johnson không nên nghĩ họ sẽ ủng hộ các đạo luật khác.Vấn đề đầu tiên ông Johnson đối mặt sẽ là ngân sách viện trợ cho Ukraine. Ông phản đối chi thêm tiền cho chiến tranh, trong khi các nghị sĩ khác trong đảng vẫn kêu gọi viện trợ cho Kiev. Vấn đề này sẽ là tâm điểm trong đàm phán về ngân sách năm của chính phủ để tránh chính phủ đóng cửa vào ngày 17-11 tới.Vấn đề Ukraine cũng là lời nhắc nhở rằng giống ông McCarthy, vấn đề lớn nhất với ông Johnson là kiểm soát các thành viên trong đảng, đặc biệt là nhóm cực hữu như Gaetz, vì tới một lúc nào đó, ông sẽ phải nhượng bộ phe Dân chủ và Tổng thống Joe Biden để thông qua được gói ngân sách, và rất có thể những nhượng bộ này sẽ dẫn tới một cuộc lật đổ nữa. ■ Theo Washington Post, có 14 nghị sĩ Cộng hòa không tham gia nhóm nào hết, với hạ nghị sĩ Matt Gaetz nổi tiếng là độc lập. Vì phe Cộng hòa chỉ hơn đa số có bốn phiếu, lãnh đạo của họ thường phải đảm bảo tất cả các nhóm và cả những người độc lập đều hài lòng - điều đặc biệt khó với những chủ đề như trần nợ hay ngân sách với nhiều yêu sách từ các nhóm cực hữu. Mà như lời ngạn ngữ tiếng Anh: lắm mối tối nằm không, hay "tìm cách làm hài lòng tất cả mọi người thì sẽ chẳng làm ai hài lòng cả". Tags: Hạ viện MỹĐảng cộng hòaTổng thống MỹĐại gia đìnhNghị sĩ bảo thủTân chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike JohnsonChủ tịch hạ việnHạ nghị sĩMike JohnsonMatt Gaetz
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.