Phim dài lắm mộng

XUÂN TÙNG 19/11/2023 06:20 GMT+7

TTCT - Hollywood đang cho ra lò những bộ phim bom tấn dài từ 3 tiếng trở lên, nhưng có vẻ quên mất rằng khán giả (và bàng quang của họ) không vui vẻ lắm khi phải ngồi lì một chỗ lâu đến vậy.

Phim dài lắm mộng - Ảnh 1.

Ra mắt cuối tháng 10 vừa qua, Killers of the Flower Moon - tác phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn gạo cội Martin Scorsese - đã gây sốt trên các diễn đàn online, không chỉ vì màn trình diễn của Leonardo DiCaprio, hay các cảnh diễn tả sự đàn áp mà các sắc dân bản địa Mỹ phải chịu đựng, mà còn đến từ độ dài phim: 3 tiếng 26 phút - gấp đôi thời lượng trung bình.

Ngay cả các "mọt phim" chính hiệu cũng vất vả để tập trung xem tới chót. Ở buổi chiếu ra mắt phim tại Cannes hồi tháng 5, nhiều người đã ngủ gục ngay tại trận, hết phim thì nhất loạt chạy tìm nhà vệ sinh. Chẳng thế mà báo giới và người xem phim nửa đùa nửa thật gọi bộ phim là "hại bàng quang".

Một số rạp khi chiếu Killers of the Flower Moon đã phải tạm dừng giữa giờ để khán giả "tỉnh mộng" hoặc giải quyết nhu cầu cá nhân. Đây từng là cách làm phổ biến ở các rạp phim thời xưa, và khán giả ủng hộ hết mình chuyện mang nó trở lại. Nhưng nhiều người - trong đó có nhà làm phim - không đồng ý. Điều này đặt ra hai vấn đề: vì sao phim ngày càng dài, và tại sao các nhà làm phim vẫn không muốn khán giả nghỉ giữa giờ?

Dài nữa, dài mãi

Chỉ cần nhìn lại mùa phim hè 2023, sẽ thấy một loạt phim trên 2 tiếng: Mission: Impossible phần mới nhất dài 2 giờ 43 phút, Oppenheimer gói "gọn" đúng 3 tiếng, Fast and Furious X cũng kéo tới 2 tiếng 21 phút. Không phim nào trong số này tính đến phần nghỉ giữa giờ cho khán giả.

Số liệu thống kê cũng xác nhận xu hướng phim "dài nữa dài mãi" này là có thật. Theo thống kê 100.000 phim điện ảnh được sản xuất từ năm 1930 dựa vào dữ liệu của trang IMDB, độ dài trung bình của phim đã tăng khoảng 24%, từ 1 giờ 21 phút năm 1930 lên 1 giờ 47 phút năm 2022. 

Các phim bom tấn còn "lạm phát thời lượng" kinh khủng hơn: Độ dài trung bình của top 10 phim nổi tiếng nhất (theo số lượng người bình chọn trên IMDB) năm 2022 là 2 giờ 30 phút, tăng 50% so với 1930.

Trên thực tế, việc làm phim dù chỉ thêm 1 phút cũng hết sức tốn kém, và phim càng dài thì độ mạo hiểm của các nhà sản xuất nhận về là càng lớn. Tuy nhiên, lịch sử cũng đã cho thấy sự đánh đổi này thường là xứng đáng. 

Những cái tên như Titanic (3 tiếng 14 phút), Lawrence of Arabia (3 tiếng 38 phút), Gone With the Wind (3 tiếng 58 phút), Ben-Hur (3 tiếng 32 phút) hay The Godfather II (3 tiếng 32 phút) với độ dài gây sốc tại thời điểm phát hành đều đã được nhớ tới như những bộ phim phá vỡ ranh giới của điện ảnh, đem lại trải nghiệm chưa từng có cho người xem.

Dù vậy, cũng phải nói thêm rằng các phim này chỉ là ngoại lệ hiếm gặp tại Hollywood ở thời của chúng (đều ra mắt vào thế kỷ 20), trong khi hiện nay tất cả mọi thể loại phim, từ siêu anh hùng, đua xe, hài kịch đến chính kịch đều đang đua nhau chạm mốc 2 tiếng rưỡi - 3 tiếng khi ra rạp.

Một số phim dài trên 3 tiếng (từ trái qua): Django Unchained, Casino, Triangle of Sadness

Một số phim dài trên 3 tiếng (từ trái qua): Django Unchained, Casino, Triangle of Sadness

Tờ The Economist cho rằng xu hướng làm phim ngày càng dài bắt đầu từ những năm 1950-1960, khi điện ảnh tái định vị bản thân cho khác với truyền hình - loại hình truyền thông đang chiếm lĩnh phòng khách gia đình khắp nước Mỹ. Điện ảnh phải trở nên dài hơn, hoành tráng hơn để thuyết phục khán giả rằng trải nghiệm phim tại rạp sẽ không thể nào tái hiện được tại nhà. 

Độ dài phim từ đó tăng dần đều, nhưng chỉ bắt đầu bùng nổ từ khoảng 2018, cùng lúc với sự lên ngôi của streaming. Lúc này, các series phim siêu anh hùng cũng dồn toàn lực marketing, tạo ra trải nghiệm độc đáo để người xem tạm rời khỏi Netflix tại nhà - một trong số đó là những bộ dài phim 3 tiếng chen đầy kỹ xảo hình ảnh và âm thanh như Avengers: Endgame đạt doanh thu cao nhất năm 2019.

Tuy nhiên, một giả thuyết khác, đơn giản hơn cũng được đưa ra: Phim dài tập hầu hết được làm bởi các đạo diễn lớn, có tên tuổi để thỏa ý chí nghệ thuật, và vì họ quá có ảnh hưởng, không ai dám bảo họ cắt ngắn phim đi. 

Điều này đặc biệt đúng trong giai đoạn các kênh streaming bắt đầu đổ tiền vào các cây đại thụ như Scorsese để mang phim rạp lên nền tảng của mình: The Irishman năm 2019 của ông được Netflix đầu tư bao trọn, trong khi Killers of The Flower Moon do Apple sản xuất và sẽ được mang lên AppleTV+ ngay sau khi các tuần chiếu rạp kết thúc.

Đã đến lúc nghỉ giữa giờ!

Trong khi các nhà làm phim vẫn thỏa chí kéo dài phim để sáng tạo, khán giả bắt đầu lên tiếng bất bình. "Thật sự không hiểu nổi. Xét cho cùng thì ai cũng sẽ gặp 'tiếng gọi thiên nhiên' - liệu Hollywood thực sự trông đợi khán giả phải nín nhịn suốt một buổi tối xem phim? Họ có muốn phần lớn khán giả bị lỡ mất một chi tiết phim quan trọng trên đường đi vào nhà vệ sinh? Họ có nghĩ đến quả thận của chúng ta không?" - cây viết Spencer Buell của tờ Boston Globe phẫn nộ.

Thật trớ trêu, bởi quãng nghỉ giữa giờ từng là một phần không thể thiếu của Hollywood. Thực hành này có nguồn gốc từ sân khấu kịch và opera, các buổi diễn cần nghỉ giữa giờ để thay thế những cây nến chiếu sáng sân khấu. Ở các rạp phim đời đầu, quãng nghỉ cũng cần thiết để rạp phim thay cuộn phim nhựa giữa giờ chiếu. 

Đến những năm 1950, dù việc thay cuộn phim không còn cần tới, các rạp vẫn giữ việc nghỉ giữa giờ để khán giả ra ngoài nghỉ ngơi, giúp họ tăng doanh số bán đồ ăn. Dù vậy, đến năm 1990, mô hình kinh doanh của các rạp đổi thành "nhiều suất chiếu một ngày nhất có thể", dẫn đến các khoảng nghỉ biến mất khỏi lịch chiếu cho tới nay.

Mời quý khán giả giải lao và ra sảnh mua đồ ăn thức uống. Thông điệp nghỉ giữa giờ của hãng Technicolor vào năm 1957. Ảnh: Filmack Studios

Mời quý khán giả giải lao và ra sảnh mua đồ ăn thức uống. Thông điệp nghỉ giữa giờ của hãng Technicolor vào năm 1957. Ảnh: Filmack Studios

Các khán giả lớn tuổi vẫn không thể quên được trải nghiệm đặc sắc của khoảng nghỉ: được xả hơi, tư duy lại về những gì mình vừa xem, mua đồ ăn và trò chuyện với bạn bè trước khi quay lại với suất chiếu. 

Trong lúc ngành điện ảnh đang tìm mọi chiêu trò để kéo khán giả khỏi sofa phòng khách và trở lại rạp - từ 3D đến Imax, đến trải nghiệm toàn nhập - nhiều nhà phê bình đặt câu hỏi: tại sao quãng nghỉ giữa giờ, một giải pháp miễn phí, tiện lợi cho tất cả, và đem lại trải nghiệm mà Netflix không bao giờ có được lại chưa được "hồi sinh"?

Trên thực tế, một số ít phim bom tấn đã tính đến phương án này khi phát hành. Bản phim Justice League dài 4 tiếng của Zack Snyder, phát hành qua streaming trong đại dịch, có ghép thêm một đoạn nghỉ dài 10 phút. 

Quentin Tarantino cũng đưa một đoạn nghỉ dài 15 phút vào các suất chiếu sớm quảng bá của bộ phim dài 3 tiếng 8 phút The Hateful Eight (2015), với ý tưởng tái hiện trải nghiệm xem phim của thập niên 1950 (đoạn nghỉ này đã bị loại bỏ trong các suất chiếu thương mại sau này).

Không chỉ giúp rạp tăng thêm lợi nhuận và người xem thêm thoải mái, quãng nghỉ cũng sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất và đạo diễn thay đổi công thức làm phim quen thuộc của mình. Một ví dụ điển hình là Marvel, với công thức siêu anh hùng thân thiện với khán giả gia đình đã thành công qua nhiều năm, nhưng cũng đụng phải nhiều phản đối vì tính sáo mòn, dựa dẫm vào hiệu ứng kỹ xảo khiến người xem bị rợn ngợp suốt phim. 

Nếu cần đưa vào một quãng nghỉ 15 phút, Marvel hẳn sẽ phải xem lại công thức kể chuyện của mình, đặt các cao trào và tiết tấu hợp lý hơn, thậm chí thay đổi công thức 3 chương hồi đang có hiện tại. Người xem cũng sẽ được nghỉ mắt trong vài phút, sạc lại năng lượng để tiếp tục câu chuyện trong phần hai.

"Không có ai đang giả vờ rằng việc mang đoạn nghỉ trở lại sẽ vực dậy sự mệt mỏi của các rạp phim sau đại dịch trước sự trỗi dậy của Netflix, Disney Plus và các kênh streaming khác. Dù vậy, khi đem so với trải nghiệm thiếu thốn của việc xem tại nhà, bị cắt ngang bởi mạng xã hội mỗi 30 giây thì [quãng nghỉ giữa giờ] sẽ giúp nâng cao vị thế của phim rạp như một trải nghiệm cao cấp" - Phil Hoad, giám đốc của chuỗi rạp phim Vue Cinema, cho biết.

Ai cho các người cắt phim tôi

Theo tạp chí Variety, chuỗi rạp Vue tại Anh và nhiều rạp phim ở châu Âu đã chiếu Killers of the Flower Moon kèm "giờ giải lao" khoảng 15 phút để khán giả nghỉ ngơi, duỗi tay chân và đi vệ sinh. Thế nhưng, quyết định cắt đôi tác phẩm phim của các rạp đã đến tai đơn vị phát hành và đạo diễn Scorsese, và cả hai đều tỏ ý không hài lòng.

Scorsese trong một bài trả lời phỏng vấn tờ Hindustan Times đã bảo vệ phim của mình đến cùng: "Bạn ngồi xem tivi 5 tiếng thì được... cũng có nhiều người ngồi xem kịch suốt 3,5 tiếng... hãy dành sự tôn trọng cho phim ảnh chút".

Đơn vị phát hành phim Paramount và nhà sản xuất Apple Original Films còn cho biết họ sẽ có hành động pháp lý với các rạp vì chiếu phim với hình thức khác với thỏa thuận ban đầu, một nguồn tin nói với Variety.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu Martin Scorsese làm phim dài kiểu này. Phim của đạo diễn người Mỹ gốc Ý ngày càng có xu hướng phình ra về độ dài: Trong khi các phim khởi đầu sự nghiệp của ông chỉ dài dưới 2 tiếng, hầu hết các phim làm trong thế kỷ 21 của ông - lúc đã khẳng định được tên tuổi hàng đầu của mình và có dư ngân sách tài trợ để làm phim - luôn kéo qua mốc 3 tiếng. The Wolf of Wall Street (180 phút), The Irishman (209 phút) và Killers of The Flower Moon (206 phút) là 3 phim dài nhất trong sự nghiệp của ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận