TTCT- Pokémon như một biểu trưng cho nền kinh tế hiện đại đang gây hại cho nhân loại như thế nào - một bài trên tờ Vox mô tả một cách độc đáo.Cơn sốt trò chơi Pokémon Go có lẽ đã đến tai mọi người bởi báo chí, nhất là báo chí Mỹ khai thác cơn sốt này ở đủ mọi góc cạnh. Thế nhưng so sánh Pokémon như một biểu trưng cho nền kinh tế hiện đại đang gây hại cho nhân loại như thế nào thì bài trên tờ Vox là độc nhất. Toàn cầu hóa đem đến điều gì cho người nghèo-Atlantic Ngày xưa, giải trí có nghĩa đi cùng bạn bè ra sân bowling, đi ăn tối hay cùng nhau đi xem phim. Các hoạt động như thế đều có nghĩa chi tiêu ít nhiều cho nền kinh tế địa phương, tạo điều kiện cho mọi người bỏ vốn mở cửa hàng, lập sân bowling, xây rạp hát và bọn trẻ có cơ hội xin làm việc bán thời gian kiếm tiền giải trí. Tiền chảy vào đâu? Ngày nay giải trí bằng Pokémon Go thì cũng có thể liên quan đến tiền nếu bạn muốn mua thêm “đồ chơi” nhưng tiền đó không chảy vào nền kinh tế địa phương mà chảy thẳng vào túi công ty tạo ra Pokémon Go, dù ở Mỹ hay ở Nhật. Nhìn rộng ra, xem phim trực tuyến thì tiền chảy về Netflix, nghe nhạc thì rót tiền cho Apple hay Spotify, dạo chơi trên Facebook thì giúp Mark Zuckerberg thu tiền quảng cáo của bá tánh... Nghe nói hai công ty làm ra Pokémon Go hiện đang thu về chừng 1 triệu USD mỗi ngày. Tiền chảy về hai công ty này có nghĩa tiền không chảy về các nơi khác, nên suy ra các công ty Internet khác như Amazon chẳng hạn, có doanh số khổng lồ khi bán hàng trực tuyến, có nghĩa biết bao cửa hàng nhỏ lẻ mất đi doanh số này. Google với Facebook thu được bao nhiêu tiền quảng cáo thì bấy nhiêu báo, đài truyền hình mất đi từng đó tiền. Bài viết trên tờ Vox mang tựa đề “Pokémon Go là minh chứng cho sai lầm của chủ nghĩa tư bản hiện đại” cho rằng rất nhiều hoạt động kinh doanh dựa vào Internet hầu như không tạo ra công ăn việc làm nhiều. Kết cục nền kinh tế Internet đang chuyển đổi nền kinh tế nước Mỹ (mà thật ra cũng là nền kinh tế nhiều nước khác) thành hai bình diện song song. Các thành phố nơi đóng đô đại bản doanh các công ty Internet đang làm bá chủ thế giới ảo phát triển nóng, tuyển dụng ào ào, giá nhà đất tăng vọt. Phần còn lại chẳng thấy tăm hơi của tăng trưởng kinh tế đâu cả. Trong một bài khác trên tờ New York Times, tác giả nhận xét ở San Francisco khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo tăng nhanh hơn bất kỳ thành phố nào khác và cần một mức lương ít nhất là 254.000 USD/năm mới mua được nhà cỡ trung. Vậy phát triển nóng để làm gì, cũng huề tiền cả thôi? Mặt khác, trong thế kỷ trước, phát triển kinh tế đồng nghĩa với huy động vốn vì cần rất nhiều vốn để xây dựng các dây chuyền sản xuất xe hơi chẳng hạn. Người dân gián tiếp đưa tiền họ tiết kiệm vào nền kinh tế cho nó sinh sôi nảy nở, ai cũng có phần, kể cả ngân hàng ở giữa hưởng lợi. Tờ Vox tiếp tục dùng Pokémon Go để ví von rằng làm ra trò chơi này cần một ít tiền để tuyển lập trình viên, thiết kế trò chơi, mua máy chủ nhưng cộng lại chi phí không bằng một góc của dây chuyền sản xuất xe hơi. Nó cũng không tạo ra dây chuyền việc làm như kiểu sản xuất xe hơi cần thêm đại lý bán xe, gara sửa xe, trạm đổ xăng... Nền kinh tế kiểu Pokémon Go cắt đứt mối quan hệ tích lũy vốn và tăng trưởng kinh tế nên từ khủng hoảng năm 2008 đến nay, Mỹ và cả thế giới thừa vốn ê hề, lãi suất giảm đến mức âm; ý tưởng khởi nghiệp kiểu Internet nào dù có điên rồ đến đâu cũng kiếm được vốn mồi từ các quỹ mạo hiểm. Sự tách rời giữa tiết kiệm và lãi suất như thế có hại cho nền kinh tế vì nó không khuyến khích tiết kiệm để đầu tư nữa. Có gì sai trong bức hình này? Và bài học toàn cầu hóa Dùng Pokémon Go làm hình ảnh biểu trưng chỉ là thủ thuật thu hút người đọc. Thật ra câu chuyện toàn cầu hóa bị đảo ngược đang thu hút sự chú ý của nhiều người chứ không phải do trò chơi đang nóng sốt này. Nhưng nói cho chính xác thì toàn cầu hóa không đảo ngược, nó chỉ lật úp. Mới ngày nào chúng ta nghe mãi cái lập luận toàn cầu hóa dịch chuyển công việc giản đơn sang các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh... Nào ngờ mới đây đã thấy tin Trung Quốc dời dây chuyền sản xuất sang... châu Phi để tiết kiệm chi phí. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, từ đóng giày đến sản xuất linh kiện ôtô, từ sản xuất thép đến gia công hàng may mặc, đã qua tận châu Phi mở nhà máy để tận dụng giá nhân công còn rẻ ở đây. Lương tháng một công nhân tay nghề thấp ở Ethiopia chỉ bằng 25% lương của một công nhân như vậy ở Trung Quốc. Trung Quốc dịch chuyển cơ sở sản xuất qua châu Phi còn để tận dụng các lợi thế khác như hàng các nước này được ưu đãi ở phương Tây, y như ngày trước các nước phương Tây dịch chuyển dây chuyền sang Trung Quốc. Rõ ràng toàn cầu hóa vẫn là lực đẩy để nhà sản xuất như những bầy cào cào hết hạ cánh xuống nơi này, khai thác cạn kiệt tài nguyên, kể cả tài nguyên con người, rồi ào ào ra đi, đáp xuống nơi khác, để lại sau lưng ô nhiễm, hoang vắng và nỗi thất vọng. Chính điều này đã làm nhiều người dân ở các nước phương Tây chịu cảnh mất việc do nhà máy bị dời đi đang chống đối toàn cầu hóa ở mức độ mạnh hơn ngày xưa. Thế nhưng cái lật ngược ở đây không phải xu hướng từ Trung Quốc qua châu Phi, đó chỉ là sự nối dài toàn cầu hóa kiểu cũ - cái lật ngược là sự phổ biến người máy đủ loại đủ kiểu, để đến nỗi Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phải đưa ra dự báo 137 triệu công nhân vùng Đông Nam Á sẽ mất việc vào tay người máy trong vòng 20 năm sắp tới. Nặng nhất là các nước Campuchia, Indonesia và Việt Nam, ngành rõ nhất là dệt may và da giày. Đâu cần phải 20 năm nữa, hiện nay nhiều công ty Mỹ đã ứng dụng công nghệ tự động hóa rồi dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ các nước đang phát triển về lại Mỹ, kể cả các ngành thâm dụng lao động như may mặc. Đó là bởi một khi giá công nhân không còn là yếu tố cạnh tranh, doanh nghiệp “toàn cầu hóa” trước đây sẵn sàng đưa công đoạn sản xuất về lại trong nước, “vừa được tiếng vừa được miếng”. “Tiếng” là dư luận chống toàn cầu hóa ngày càng mạnh, doanh nghiệp phải lắng nghe và chiều theo. “Miếng” là tiết giảm chi phí vận chuyển, bớt nỗi nhức đầu chiều chuộng quan chức địa phương do nay đã có thể dùng robot thay người để làm ra hàng hóa. Cho nên xu hướng thế sự đã sản sinh ra những nhân vật như Donald Trump và đến lượt mình, các chính trị gia như ông ta lại thúc đẩy quá trình “lật ngược toàn cầu hóa” để các tập đoàn đa quốc gia rồi sẽ ca tụng chuyện sản xuất nội địa là yêu nước, là lập lại hàng rào bảo hộ, rồi vẫn hưởng lợi từ các thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ... Bất bình đẳng, điểm yếu nhất của toàn cầu hóa, vẫn còn nguyên đó dù có lật ngược lật xuôi quá trình này, bất kể có bao nhiêu trò Pokémon Go ra đời làm nhiều người quên lãng thực tại.■ Người thua thiệt vẫn là người nghèo vì công việc đưa về nước chủ yếu giao cho người máy chứ đâu cho người thật! Họ chỉ còn biết an ủi bằng cách chơi Pokémon Go, chen nhau ra công viên tìm bắt các nhân vật ảo. Cái ảo tưởng làm chủ được thực tế, cả thật lẫn ảo, mạnh lắm nên Pokémon Go hay các trò chơi tương tự dựa vào augmented reality. Thực tế có ai làm chủ được gì không lại là chuyện khác. Tags: Toàn cầu hóaPokémonPokemon GoBiểu trưng cho nền kinh tế hiện đại
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).