Quả bơ đắng

TRỌNG NHÂN 18/06/2024 16:52 GMT+7

TTCT - Nhiều vùng nông thôn của Mexico đang bị các băng đảng xâu xé kèm theo vô số màn đối đầu đẫm máu. Tất cả là vì trái bơ.

Nông dân đưa bơ mới hái lên xe tải tại đồn điền bơ ở Tacambaro (Michoacán, Mexico) tháng 6-2017. Ảnh: Reuters

Nông dân đưa bơ mới hái lên xe tải tại đồn điền bơ ở Tacambaro (Michoacán, Mexico) tháng 6-2017. Ảnh: Reuters

Nhiều vùng nông thôn của Mexico đang bị các băng đảng xâu xé kèm theo vô số màn đối đầu đẫm máu. Tất cả là vì trái bơ.

Mexico chiếm khoảng 30% sản lượng bơ toàn cầu và là nhà cung ứng thức quả bổ dưỡng này lớn nhất của nước Mỹ: cứ 10 quả bơ nhập vào Hoa Kỳ thì 8 quả là từ nước láng giềng. 

Thế nhưng có lúc người ta phải đặt câu hỏi: Người Mỹ mua bơ có phải đang gián tiếp cung cấp tài chính cho các xung đột băng đảng ở Mexico?

Nguyên nhân là Michoacán - thủ phủ bơ của Mexico, chiếm tới 90% sản lượng trong nước, từng ghi nhận hơn 10.000 vụ giết người, chỉ tính từ thời tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador (bắt đầu từ tháng 12-2018), theo Forbes.

Quả bơ là "siêu trái cây" ở đâu không biết, chứ ở bản quán, nó là thứ quả của xung đột, là "trái cấm", là ngòi nổ chiến tranh. Bơ là "vàng xanh", và người ta đổ máu vì nó.

Cuộc chiến "vàng xanh"

Tháng 2-2021, Linda bồng bế con nhỏ tháo chạy khỏi thị trấn Ixtaro (Michoacán). Hai mẹ con phải chui rúc trong mền, giấu mình trên chiếc xe tải vì bị người của Pueblos Unidos, băng đảng khét tiếng đang kiểm soát thị trấn, truy đuổi. Willie, anh của Linda, từng đối đầu với băng này và bị chúng sát hại. Linda biết nếu không trốn, mẹ con cô sẽ là nạn nhân tiếp theo.

Theo báo El País (Tây Ban Nha), Pueblos Unidos đã chiếm Ixtaro nhằm cai quản ngành trồng bơ tại thị trấn nhỏ chỉ vỏn vẹn 1.500 dân này. 

Ban đầu, Pueblos Unidos là một nhóm tự vệ, giương cờ nghĩa nhằm bảo vệ dân làng khỏi áp bức của Los Viagras, một nhóm vũ trang ngang nhiên áp chi phí cho từng hộ trồng bơ, phải trả từ 150 - 250 USD (2021) cho mỗi hecta. 

Tự xưng là nông dân không khuất phục bất bình, Pueblos Unidos đuổi Los Viagras rồi lập lại hòa bình cho thị trấn bằng cách... kiểm soát hết nhà cửa, vũ khí, vườn tược rồi thu "thuế" bơ.

Thành viên Pueblos Unidos canh gác một đồn điền bơ ở Ario de Rosales (Michoacán, Mexico) tháng 7-2021. Ảnh: AFP

Thành viên Pueblos Unidos canh gác một đồn điền bơ ở Ario de Rosales (Michoacán, Mexico) tháng 7-2021. Ảnh: AFP

Bơ chỉ được dân địa phương trồng tại Ixtaro hơn 10 năm trước, thay cho những thửa ruộng nhỏ hoặc vườn đào. Bơ giúp dân làng sung túc hơn, nhưng ở xứ Mễ, hễ chỗ nào ăn nên làm ra là sẽ hút tội phạm có tổ chức. 

Ngoài Los Viagras, Pueblos Unidos, còn nhiều băng đảng khác, thanh trừng lẫn nhau để giành quyền kiểm soát bơ. Ngoài Ixtaro, chuyện còn xảy ra ở các thị trấn khác tại Michoacán-Patzcuaro, Santa Clara del Cobre, Uruapan...

Theo Forbes, từng có những chiến dịch bình định của chính quyền địa phương nhưng không ăn thua. Cao điểm vào ngày 4-4-2023, một cuộc đụng độ long trời lở đất đã xảy ra giữa các tay súng băng đảng tại Michoacán và lực lượng cảnh sát, khiến 2 sĩ quan thiệt mạng. 

Màn đối đầu không khác gì thời chiến khi các băng đảng dùng máy bay không người lái ném bom, còn cảnh sát phải dùng tới xe bọc thép hạng nặng.

Vấn đề là bạo lực và bơ không phủ định lẫn nhau mà tồn tại song song. Giá bơ càng tăng, bạo lực càng nhiều và ngược lại, theo báo cáo Violence and Vibran của Sáng kiến toàn cầu chống lại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (GI-TOC).

Chẳng hạn, từ 2005 - 2015, tỉ lệ án mạng ở thủ phủ bơ Michoacán là khoảng 17 - 24 vụ trong 100.000 dân/năm, nhưng đến giai đoạn 2016 - 2021 đã tăng vọt hơn gấp đôi, lên mức 54 vụ trong 100.000 dân/năm; tổng cộng số người phải bỏ mạng lên tới 2.628. Tương ứng, giai đoạn 2017 - 2021, xuất khẩu bơ của Mexico sang thị trường châu Âu tăng gần gấp 4 lần.

Bán bơ, mua… súng

Vì đâu có sự "sánh đôi" giữa bạo lực và giá trị của ngành bơ? Los Angeles Times phân tích: chuyện băng đảng tại Mexico không mới vì trước đây đã có nhiều tổ chức vũ trang vận hành những đường dây ma túy xuyên biên giới.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là các "băng đảng bơ" có thể hoạt động công khai dễ dàng hơn so với việc phải điều hành hoạt động ngầm với vô số mắt xích buôn ma túy. Nhìn ở một góc độ nào đó, các băng đảng bơ giống như một "doanh nghiệp địa phương", biết cách vận hành để thu lợi nhuận tối đa, dù bản chất không khác gì bóc lột…

Chẳng hạn, trước đây công một người hái bơ được trả vào khoảng 60 USD/ngày, cao hơn rất nhiều so với mức lương trung bình 5 USD/ngày tại Mexico. Nhưng giờ, nhiều thanh niên bị ép buộc làm không công. 

Mayco Ceja, một thanh niên ở ngoại ô Tancitaro, Mexico, từng bị một băng đảng triệu tập đến các vườn bơ, bắt phải hái bơ trong 7 giờ mỗi ngày và không trả tiền. Cũng có khi băng đảng không cho nhóm của Ceja đi làm nhằm tạo sự khan hiếm nguồn cung, từ đó đẩy giá, tăng lợi nhuận.

Chuyên gia Falko Ernst, chuyên gia phân tích Mexico tại Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group), giải thích bạo lực tại Mexico là một phần trong cách đàm phán các giao dịch kinh doanh ở thủ phủ bơ Michoacán, không phải là một yếu tố ngoại sinh làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp. 

Ngoài ra, các băng đảng được xem là những nhóm tự trị, có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan nhà nước do đang tài trợ tranh cử cho nhiều chính trị gia.

Trong những năm gần đây, nội bộ các băng đảng tiếp tục ly khai thành những nhóm nhỏ cát cứ từng khu vực. Cùng với đó, do gắn chặt với đảng phái chính trị vốn cũng đang chia bè kết phái sâu sắc, nên mâu thuẫn giữa các nhóm tội phạm ngày càng nghiêm trọng.

Theo Ernst, các cơ quan chức năng Mexico đã mất quyền quản lý các băng đảng tội phạm. Đặc biệt khi quyền lực nhà nước bị phân tán như hiện nay, các nhóm tội phạm càng gắn sâu với hoạt động kinh tế và những cuộc đụng độ giữa các nhóm để tranh giành lợi ích sẽ ngày càng khốc liệt.

Lực lượng địa phương tuần tra các đồn điền bị các băng nhóm đe dọa ở Michoacán, bang duy nhất của Mexico được phép xuất khẩu bơ sang Mỹ. Ảnh: AFP

Lực lượng địa phương tuần tra các đồn điền bị các băng nhóm đe dọa ở Michoacán, bang duy nhất của Mexico được phép xuất khẩu bơ sang Mỹ. Ảnh: AFP

Rốt cuộc, băng đảng nào mạnh sẽ thắng. Muốn mạnh, vũ khí phải mạnh. Theo El País, phần lớn vũ khí cho các băng đảng bơ của Mexico đến từ… Mỹ. Các đường dây buôn súng lậu từ Mỹ sang Mexico sớm được hình thành.

Giáo sư Đại học Brown (Mỹ) Ieva Jusyonite cho biết người mua súng thường là công dân Mỹ sống ở các bang biên giới như Arizona, Texas. Mua xong, họ chuyển súng cho thành viên thứ 2 trong đường dây mang ra các trạm kiểm soát ngoài biên giới. 

Tại đây, súng tiếp tục qua tay người thứ 3 vận chuyển vào lãnh thổ Mexico. Timothy Sloan - cựu tùy viên Cơ quan quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ của Mỹ - cho biết phía biên giới Mexico kiểm tra vũ khí rất lỏng lẻo nên số lượng vũ khí thu giữ ở biên giới rất ít.

Về phía Mexico, vào tháng 6-2023, quân đội nước này cho biết trong suốt 6 năm nắm quyền của tổng thống Andrés Manuel López Obrador, họ đã thu giữ hơn 39.000 vũ khí bất hợp pháp. Chính phủ nước này đã đệ đơn kiện hình sự 11 cửa hàng súng ở Massachusetts và Arizona nhưng bị bác bỏ.

Không chỉ những loại súng thông thường, nhiều loại vũ khí uy lực đang được các băng đảng sắm sửa. Dễ dàng thấy các loại súng bắn tỉa hạng nặng Barrett, súng trường AR-15, máy bay không người lái và nhiều thiết bị chiến thuật trên các nông trại tại Mexico. 

Irene Alvarez - một chuyên gia nghiên cứu về các băng đảng ở Michoacán - cho rằng việc vũ khí tầm cỡ đang lưu hành tràn lan trong nước là một trong những nỗi lo lắng nhất của chính quyền địa phương, tiềm ẩn vô số rủi ro về an ninh, nhất là khi lực lượng cảnh sát đang được trang bị vũ khí thua xa những băng đảng này.

Quay lại nỗi lo "ăn bơ là tiếp tay tội phạm" của dân Mỹ, Ernst đề xuất ngành bơ phải có giải pháp chứng nhận để người tiêu dùng biết sản phẩm "không dính dáng tới xung đột" mà yên tâm thưởng thức. 

"Các nhà nhập khẩu và sản xuất cần bảo vệ nông dân mạnh mẽ hơn và tạo ra cơ chế chi trả tốt hơn để có bơ "sạch"" - ông nói với Forbes.

Độc canh rất… độc

Viết trên The Conversation, Viridiana Hernández Fernández, phó giáo sư lịch sử môi trường Mỹ Latin thuộc Đại học Iowa (Mỹ), cho biết Michoacán là nơi duy nhất trên thế giới trồng bơ quanh năm nhờ khí hậu ôn hòa, lượng mưa dồi dào và đất núi lửa sâu, xốp, rất giàu kali. Do điều kiện quá thuận lợi, người dân chỉ trồng duy nhất cây bơ suốt năm (độc canh), dẫn tới những rủi ro về môi trường.

Trước hết, độc canh dẫn đến nạn phá rừng để trồng bơ. Theo Ủy ban Lâm nghiệp quốc gia Mexico (CONAFOR), từ năm 2001 đến 2018, nạn phá rừng nghiêm trọng đã xảy ra trên 269.676ha ở Michoacán (14.982ha mỗi năm), trong đó 70,69% bị chuyển thành đồng cỏ và 28,16% thành đất trồng trọt. 80% vườn bơ ở Michoacán được thành lập bất hợp pháp, ban đầu là do sử dụng đất trái phép, sau đó được hô biến thành đất hợp pháp nhờ đút lót cơ quan công quyền.

Độc canh cũng đồng nghĩa từ bỏ các giống cây bản địa, làm hệ sinh thái địa phương dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa như sự xâm nhập của sâu bệnh và làm giảm độ đa dạng thực phẩm. Điều này cũng làm xói mòn đất màu mỡ và tăng cường sử dụng hóa chất nông nghiệp, gây tổn hại đến độ che phủ rừng.

Ngoài ra, cây bơ tiêu thụ lượng nước nhiều gấp 4-5 lần so với cây thông bản địa của Michoacán, tiềm ẩn nguy cơ thiếu nước trong tương lai cho người dân địa phương. Ở nhiều vườn bơ Mexico, các khảo sát tìm thấy bằng chứng thuốc trừ sâu hóa học trong tầng ngậm nước, từ đó con người có thể dùng nước bị ô nhiễm kéo theo nhiều bệnh liên quan. Không chỉ tác động đến con người, việc thay thế rừng bằng vườn cây ăn trái cũng liên quan đến việc giảm số lượng loài động vật.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận