Quân đội Nga: Một cuộc chiến khác

HỮU NGHỊ 12/03/2023 10:25 GMT+7

TTCT - Đã qua rồi thời kỳ mà những tin tức về chuyện mua sắm nói chung và vũ khí nói riêng luôn luôn bị xem là "bí mật quốc gia".

Xu hướng của thế giới hiện là khai báo mua sắm vũ khí dần trở nên chuyện thường tình.

Ảnh: RAND Corporation

Ảnh: RAND Corporation

Từ đó, các tổ chức quốc tế có thể phân loại độ minh bạch của các nước. Lấy thí dụ Nga và Ukraine.

Khai báo mua sắm vũ khí có một mục đích cao cả hơn là để kiểm soát lẫn nhau, Cơ quan Giải trừ vũ khí của Liên Hiệp Quốc (UNODA) nhấn mạnh trên website của họ: "Chia sẻ thông tin về chi tiêu quân sự là rất quan trọng để tăng cường lòng tin giữa các chính phủ ở mọi nơi trên thế giới... Các chính phủ có thể báo cáo chi tiêu quân sự hằng năm của họ cho Liên Hiệp Quốc (LHQ)".

Không chỉ UNODA làm công việc này, nhiều tổ chức khác, có khi do chính phủ thành lập song hoạt động độc lập, tỉ như Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), hay phi chính phủ, như Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), hoặc tư nhân chuyên bán các phân tích sâu như Global Data... Minh bạch trong tương quan giữa các nước vì hòa bình thế giới, minh bạch với chính nhân dân các nước vì công bằng trong xã hội.

Khai báo, tổng kết, công bố

Trong góc độ đó, không lấy làm lạ khi Báo cáo Chi tiêu quân sự của UNODA năm 2020 về Liên bang Nga đề ngày 14-6-2021 chỉ vỏn vẹn như sau và không đính kèm tài liệu diễn giải chi tiết nào: 

"Năm tài chính 2020. Chính phủ Liên bang Nga, căn cứ nghị quyết 74/24 của Đại hội đồng, thông báo cho LHQ, tổng chi tiêu quân sự của họ cho năm tài chính 2020 là 2.248,5 tỉ rúp". 

Báo cáo của Ukraine khá hơn, bằng tiếng Anh và gồm hai trang chi tiết bằng bảng biểu Excel, đề ngày 30-4-2021.

UNODA, do chức trách giải trừ vũ khí, theo dõi nhiều lĩnh vực khác liên quan đến chiến tranh, hằng năm họp hội nghị giải trừ vũ khí mà mỗi nước đều có quyền phát biểu.

Bên cạnh UNODA thì nổi bật nhất là SIPRI - Viện quốc tế độc lập chuyên nghiên cứu về xung đột, vũ khí, kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị. 

Thành lập năm 1966, SIPRI cung cấp dữ liệu, phân tích và khuyến nghị, dựa trên các nguồn mở, cho giới hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, truyền thông và công chúng quan tâm.

Còn những tổ chức như Minh bạch Quốc tế (TI) quan tâm tới các vấn đề như báo cáo Chỉ số liêm chính quốc phòng chính phủ (GDI) đánh giá năng lực quản lý rủi ro tham nhũng trong cơ quan quốc phòng và an ninh các chính phủ. 

Ví dụ, GDI 2020 dựa trên bằng chứng gồm các khai báo được công bố từ tháng 10-2019 đến tháng 11-2021 và những người được phỏng vấn trên 77 lĩnh vực.

Từ các kết quả đánh giá, TI phân ra thành sáu nhóm từ A (nguy cơ rất thấp) đến F (hết sức nghiêm trọng). 

Nga và Ukraine nằm trong nhóm D (nguy cơ cao) cùng với Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hungary, Malaysia, Indonesia, song vẫn cao hơn nhóm E (nguy cơ rất cao), trong đó có Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ..., và nhóm F (hết sức nghiêm trọng) gồm Saudi Arabia, Qatar, Iran, Iraq, Myanmar... Hoa Kỳ cũng chỉ được điểm C (nguy cơ tương đối cao).

Ảnh: The Moscow Times

Ảnh: The Moscow Times

Đại cương về tham nhũng ở Nga

Theo TI, lĩnh vực quốc phòng của Nga có nguy cơ tham nhũng cao do sự giám sát bên ngoài với chính sách, ngân sách, hoạt động mua sắm của các tổ chức quốc phòng rất hạn chế. Tính minh bạch cũng hạn chế, đặc biệt là trong mua sắm, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong các hoạt động quân sự còn yếu.

Trên lý thuyết, Nga có đầy đủ các chính sách chống tham nhũng, đến mức "mọi bộ và cơ quan nhà nước đều phải tuân theo chiến lược chống tham nhũng quốc gia, được tổng thống ký vào ngày 13-4-2010 và luật liên bang "Về chống tham nhũng", được ký vào ngày 28-12-2008, theo đó tất cả các cơ quan phải lập kế hoạch riêng để chống tham nhũng. 

Bộ Quốc phòng thường xuyên lập kế hoạch phòng chống tham nhũng cho giai đoạn từ hai đến ba năm. Tỉ như Kế hoạch 2018-2020, được nghiên cứu trong báo cáo này, đã được bộ trưởng Quốc phòng Nga ký ngày 2-7-2018. Bởi vậy, về mặt chính sách chống tham nhũng, kết quả khảo sát của TI đã chấm Nga số điểm tuyệt đối 100/100", theo TI.

Thế nhưng giữa lý thuyết và thực tế ở đâu cũng có khác biệt. TI phân tích, so sánh các kế hoạch chống tham nhũng trong lĩnh vực quốc phòng của Nga giai đoạn 2016-2017 và 2018-2020. Họ thấy rằng trong cả hai kế hoạch, tổng cộng có 35 hành động được đề ra song hầu như không có thay đổi gì giữa kế hoạch trước và kế hoạch sau. 

Đáng nói hơn, kế hoạch sau không xác định bất kỳ điểm yếu nào về thể chế hay các hạng mục ưu tiên cần thay đổi. 

Thay vào đó chỉ là những hô hào chung chung như "tăng cường hiệu quả kiểm soát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng" hay "tăng cường kiểm soát việc lưu giữ thông tin về thân nhân của cán bộ, công chức nhằm ngăn chặn xung đột lợi ích". Thành ra, ở mục "Thực thi có hiệu quả", điểm số của Nga chỉ là 25/100!

Từ những nguồn thu thập và phân tích khác nhau, Foreign Policy 19-10-2022 đã kết luận như sau về quân đội Nga: "Tham nhũng nằm ở trung tâm của tình trạng rối loạn chức năng của quân đội Nga trong và ngoài chiến trường. 

Riêng BBC News tiếng Nga đã tìm thấy ít nhất 559 trường hợp tội phạm làm thất thoát tài sản trong quân đội kể từ năm 2014, khi Nga lần đầu xâm chiếm Ukraine. Tham nhũng đi xuống suốt chuỗi chỉ huy... cho đến tận cấp chỉ huy địa phương, lớn đến mức ngay cả các blogger ủng hộ chiến tranh nổi tiếng cũng phải phàn nàn. 

Những người quản lý khu phố đã ăn cắp đồng phục, ủng, quần áo mùa đông và túi ngủ bằng xe tải. Hàng trăm nghìn bộ quân phục lẽ ra được chuyển đến nơi mới bất ngờ được thông báo là đã mất".

"Hậu quả là truyền thông xã hội Nga tràn ngập clip về những người lính mới nhập ngũ phải đối mặt tình trạng trang thiết bị tồi tàn trong những chiếc lều được dựng lên vội vã và doanh trại bỏ hoang lạnh lẽo, không có ngay cả thức ăn, đồng phục, chỗ vệ sinh..., phải tự lo cho bản thân hoặc sống sót trên những gói đồ "thăm nuôi" của người thân. 

Khi những người đàn ông bị bắt từ đường phố và gửi ngay ra mặt trận chỉ với một khóa đào tạo sơ sài, người thân của họ phải chi trả cho những vật dụng cơ bản mà lẽ ra quân đội phải cung cấp, chẳng hạn như bộ dụng cụ sơ cứu hoặc quần áo mùa đông", Foreign Policy "tả oán". Các mô tả cụ thể này giải thích cho điểm D mà TI chấm cho Nga.■

Hàng giả trong sản xuất quốc phòng

Trong số ít nhà báo hay tổ chức độc lập Nga tìm cách phanh phui các sai sót trong lĩnh vực quốc phòng, có trang web Russian Defense Policy (Chính sách quốc phòng Nga). Trang này hôm 26-3-2020 đăng một bài nảy lửa tựa đề "Làm đồ giả hàng loạt".

Máy bay MiG-20. Ảnh: Wikipedia

Máy bay MiG-20. Ảnh: Wikipedia

Đoạn nổi bật như sau: "Làm đồ giả trong ngành công nghiệp quốc phòng của Nga không phải mới lạ, chỉ là nó chưa nhận được nhiều sự chú ý thôi. Có thể có những trường hợp nghiêm trọng về thiết bị giả không bao giờ được phanh phui. Nhưng một số ít thì có".

Như vụ một quan chức trong hãng đóng tàu số 1 của Viện Nghiên cứu kỹ thuật đóng tàu trung ương thuộc Bộ Quốc phòng Nga cho biết năm 2018 rằng các bộ phận bị làm giả đang cản trở nỗ lực của Nga trong việc chế tạo động cơ tàu của riêng mình để thay thế động cơ từng mua từ Ukraine và các nước phương Tây.

Hay vụ nhà sản xuất ngư lôi Dagdizel "tái chế" các bộ phận từ vũ khí cũ đã tháo dỡ để chế tạo ngư lôi "mới" vào cuối nửa đầu những năm 2010, hoặc vụ một số quản lý tại Zvezdochka bị bắt năm 2015 vì sử dụng các bộ phận giả để sửa chữa tàu ngầm Kilo của Ấn Độ.

Hay vụ một chiếc trực thăng Ka-60 thử nghiệm bị rơi năm 2010 do bộ phận cánh quạt đuôi từ một nhà sản xuất "chui" bị lỗi. Om sòm nhất là vụ máy bay chiến đấu MiG-29SMT được bán cho Algeria rồi bị trả lại hồi năm 2008: một số bộ phận "mới" trên những máy bay đó hóa ra xuất xưởng từ đầu những năm 1990!

Kết luận của Russian Defense Policy: "Một số ví dụ rõ ràng gần đây về việc làm đồ giả ở các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Nga hẳn đã dẫn tới nhận xét mới đây của Viện trưởng Tổng viện kiểm sát Liên bang Nga Igor Krasnov..., trong đó ông tuyên bố với các công tố viên quân sự đã phát hiện hơn 44.000 vi phạm pháp luật ở các tập đoàn".

Làm hàng giả trong lĩnh vực tiêu dùng, như quần jean giả, dầu thơm "Chà-néo" giả không giết ai, song làm vật tư quân sự giả thì không chỉ chết cá nhân người sử dụng mà có thể đe dọa cả sinh mệnh đất nước.

Đó là lý do khiến năm 2007 đã xảy ra bất đồng giữa Algeria và Nga về chất lượng 15 máy bay chiến đấu Mig-29SMT mà Nga giao cho Algeria (AP 18-2-2008). Được biết, sau khi Nga xóa khoản nợ 4,7 tỉ USD từ thời Liên Xô cho Algeria, Matxcơva và Algiers đã đồng ý một hợp đồng vũ khí, từ máy bay chiến đấu đến xe tăng, trị giá 7,5 tỉ USD.

Trục trặc xảy ra sau khi Algeria khiếu nại chất lượng của một số bộ phận trong loạt Mig-29 này và từ chối nhận thêm máy bay vào tháng 5-2007, chỉ vài tháng sau khi giao hàng loạt đầu tiên.

Theo AP, Algeria đã có thể nhanh chóng phát hiện các vấn đề về chất lượng máy bay Mig-29 khi đó. AP 19-2-2008 đưa tin thêm: "Nỗ lực trả lại các máy bay, dự kiến sẽ là vấn đề hàng đầu của chương trình nghị sự trong chuyến thăm của Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika hôm thứ ba này tại Điện Kremlin, có thể làm hoen ố danh tiếng của Nga như một nhà cung cấp đáng tin cậy và làm hỏng hy vọng mở rộng thị trường vũ khí của nước này trên thế giới".

Theo AP, Algeria trách cứ Matxcơva đã tân trang các khung máy bay cũ và bán như đồ mới. Đến tháng 10-2007, Algeria tạm dừng thanh toán cho các giao dịch quân sự khác với Matxcơva.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận