TTCT - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thăm Sochi ngày 5-8, cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chưa đầy một tháng (mới gặp nhau ở Iran ngày 19-7). Nga, Ba Tư và Ottoman? Ảnh: APTại thượng đỉnh ở Tehran về Syria, ba bên Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua tuyên bố chung, tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác nhằm đạt được bình thường hóa bền vững tình hình Syria."Ngoại giao lãnh đạo"Tấm ảnh ông Erdogan chụp chung với hai người đồng cấp, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Nga Putin tại Tehran khiến phương Tây phật ý. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tức giận cho rằng sự thân cận Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ là một "thách thức với NATO".Ba ngày sau, ông Erdogan lại cùng với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov ký thỏa thuận cho phép mở cửa các cảng ở biển Đen để xuất khẩu ngũ cốc.Thỏa thuận được coi như một thắng lợi của Nga, bởi ngoài việc lúa mì Ukraine thoát phong tỏa, Nga cũng yêu cầu Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ hạn chế với nông sản và phân bón Nga. Bà Baerbock chỉ trích: là thành viên NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, một mặt hỗ trợ Ukraine, mặt khác lại cùng với Nga tham gia thỏa thuận ngũ cốc: Chính ông Erdogan là người khởi xướng đàm phán ở Istanbul để thỏa thuận ngũ cốc được ký vào ngày 22-7.Tiếp tục bỏ ngoài tai các chỉ trích, cuối tuần này ông Erdogan lại đến Sochi. Tại cuộc gặp với ông Putin ngày 5-8, nội dung hội đàm là vấn đề Ukraine và hành lang xuất khẩu ngũ cốc mà một hội đồng điều phối Istanbul (gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc) đang được lập để giám sát. Tiếp đó là vấn đề người Kurd miền bắc Syria, nơi Nga đang đóng vai trò quan trọng.Chưa đầy 10 ngày sau chuyến công du của ông Erdogan tới Tehran, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tập trung ở biên giới phía bắc Syria bắt đầu động binh, dù nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không nhận được sự chấp thuận của Tehran và Matxcơva. Sau đó, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin ra tuyên bố khá cứng rắn rằng Ankara "không có nghĩa vụ phải xin phép bất kỳ ai để tiến hành các hoạt động ở miền bắc Syria" và "không phải thông báo cho bất kỳ ai về thời gian của các hoạt động này, vì tình hình ở những khu vực này đe dọa trực tiếp đến an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ". Trong khi đó, Matxcơva tiếp tục hỗ trợ cho Damascus. Đáp lại, ngày 30-7, Nga đã tổ chức tập trận lớn ở Aleppo với với các biệt đội người Kurd và quân đội Syria, theo tin của Russkaya Vesna.Chủ tịch Viện Trung Đông Yevgeny Satanovsky thừa nhận Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn bất đồng về một loạt vấn đề, ít nhất là ở những khu vực mà hai nước có lợi ích chiến lược khác nhau: Syria, Transcaucasia... "Nhưng Putin và Erdogan khác nhau ở chỗ họ có thể tìm ra giải pháp quân bình cho mọi bất đồng - kết quả là họ không đụng độ nhau. Đây được gọi là ngoại giao lãnh đạo", Satanovsky nói.Trong số những bất đồng còn có việc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp máy bay không người lái Bayraktar cho Ukraine. Một số phương tiện truyền thông đồn đoán đây sẽ là đề tài thảo luận giữa Ankara với Matxcơva sau khi Kremlin thông báo chủ đề hợp tác quân sự - kỹ thuật trong chương trình hội đàm 5-8. Cơ sở cho các đồn đoán là trên báo Thổ Nhĩ Kỳ Milliyet 26-7 nói ông Putin đã đề nghị với ông Erdogan cùng sản xuất máy bay Bayraktar.Nhà khoa học chính trị Pavel Feldman nhận định trên Ura.ru rằng hợp tác quân sự - kỹ thuật giữa hai nước khá sâu rộng: "Thổ Nhĩ Kỳ đã mua thiết bị phòng không của Nga, đặc biệt là hệ thống S-400", nên ông cho rằng việc Matxcơva và Ankara hợp tác sản xuất Bayraktar hoàn toàn khả thi. Theo nhà khoa học chính trị Nga Vladimir Kornilov, "Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng đóng vai trò trung gian giữa Nga và Ukraine... Đây là ví dụ rất kinh điển về sự hợp tác giữa các quốc gia không phải đồng minh, nhưng đối xử với nhau bằng sự tôn trọng".Cơn đau đầu của phương TâyKiểu "đi hàng hai" của Thổ Nhĩ Kỳ khiến tờ The New York Times (NYT) gọi ông Erdogan là "cơn đau đầu của Biden". Tờ Life (Nga) phụ họa rằng ông Erdogan là cơn đau đầu không chỉ của ông Biden, mà còn "của cả thế giới phương Tây".Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quả đã không dưới một lần làm những chuyện "trêu ngươi" với cả Nga lẫn Mỹ. Từ khi lên nắm quyền vào năm 2002, ông thường xuyên sẵn sàng làm trái ý Mỹ khi Washington đi ngược lại lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Từ năm 2003, Ankara đã từ chối cho Mỹ sử dụng lãnh thổ để tấn công miền bắc Iraq. Còn mới đây, ông Erdogan phớt lờ những kêu gọi từ Mỹ về chiến dịch quân sự nhắm vào người Kurd ở Syria.Life do đó bình luận ông Erdogan hẳn phải nắm chắc những con át chủ bài của mình.Quân chủ bài thứ nhất là tầm vóc của Thổ Nhĩ Kỳ. Tờ Life so sánh ông Erdogan với một "kẻ nổi loạn" khác là Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ông Orban có thể phản Đức, Pháp và các quan chức châu Âu nhưng thường là mềm mỏng, không mạo hiểm đối đầu trực tiếp với Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ thì khác. Họ là tiền đồn của NATO ở Trung Đông và Caucasus, là điểm trung chuyển quan trọng, là cầu nối thay thế Nga duy nhất giữa châu Âu và phương Đông. Ngoài ra, nước này sở hữu quân đội vào loại lớn nhất trong khối NATO. Ngay cả Hoa Kỳ cũng không muốn tranh cãi tay đôi với Ankara, nhất là sau cuộc đảo chính thất bại đầy thuyết âm mưu nhắm vào ông Erdogan tháng 7-2016.Con át chủ bài khác là vị trí địa lý. Nằm cạnh hai trung tâm quyền lực thù địch với phương Tây là Nga và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn đóng vai trò mũi nhọn của ngọn giáo phía Tây (như Ukraine) mà gây thù chuốc oán. Họ đang cố giữ cân bằng giữa các trung tâm quyền lực, duy trì quan hệ với Hoa Kỳ và EU cũng như với Iran và Nga. Mỹ ngại rằng nếu gây áp lực quá lớn lên Erdogan, họ sẽ đẩy Ankara vào vòng tay của Matxcơva và Tehran. Nhưng Nga và Iran cũng vậy: Nếu họ đòi hỏi quá nhiều từ Thổ Nhĩ Kỳ (như ở Syria hoặc Ukraine), Erdogan có thể ngả về phe Mỹ.Kết quả là ông Erdogan đã có thể cư xử như một "sultan" đích thực. Ankara đang ngăn chặn việc gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan cho đến khi tất cả những nhà tranh đấu người Kurd bị trục xuất khỏi các nước này. Cách hành xử của Thổ Nhĩ Kỳ tạm thời có thể coi là có lợi cho Nga. Nó cho thấy quan hệ hợp tác Nga - Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể diễn ra bình thường, không lo sợ các lệnh trừng phạt và gây khó khăn cho một chính sách chung nhắm vào Nga của phương Tây.Alexei Malashenko, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế (IMEMO) thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, trả lời phỏng vấn NSN nói Nga cần một "vectơ Hồi giáo để đối đầu với phương Tây". Phải chăng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một "vectơ" như thế? Có thể khái quát câu trả lời bằng bình luận của nhà khoa học chính trị Nga Maxim Shevchenko: "Không bạn, cũng chẳng thù - Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác luôn sẵn sàng cho các mối quan hệ tỉnh táo".■Pavel Feldman, phó giám đốc Viện nghiên cứu và dự báo chiến lược của Đại học Hữu nghị nhân dân Nga, cho rằng bằng việc thu hút thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ cùng tạo ra một trung tâm quyền lực độc lập, ông Putin đã mở "mặt trận thứ hai" trong cuộc chiến chống phương Tây. Tuy nhiên, ông Feldman cũng cảnh báo những rủi ro chính nằm ở vị trí độc quyền đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ trong tương quan với bán đảo Crimea và các khu vực phía nam của Ukraine. "Tham vọng Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa bị lãng quên", ông cảnh báo.Nga là một trong những đối tác quan trọng trong lĩnh vực du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, 4,7 triệu người Nga đã đến thăm đất nước này. Xuất khẩu hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga trong tháng 6 năm nay tăng 46% so với năm 2021 và 52% so với tháng trước, theo Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ.Trong các mặt hàng xuất khẩu, phổ biến nhất là trái cây và các loại hạt, trị giá 168 triệu USD. Mua bán ôtô và các thiết bị, linh kiện liên quan cũng tăng mạnh trong bối cảnh Nga bị cấm vận. Theo các chuyên gia, nếu các nước châu Âu tiếp tục giảm nguồn cung theo các lệnh trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ có thể chiếm vị trí thứ 4 hoặc thứ 5 trong danh sách các nước xuất khẩu lớn nhất sang Nga, chỉ sau Trung Quốc, Belarus, Đức và Kazakhstan.Về khí đốt, Nga là một trong ba nhà cung cấp chính cho Thổ Nhĩ Kỳ (cùng Iran và Azerbaijan). Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa gia hạn hợp đồng mới với Nga. Bộ trưởng Năng lượng và tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez cho biết: "Ở châu Âu, khả năng tiếp cận khí đốt quan trọng hơn giá cả… Kho của chúng tôi ở Silivri đã đạt 82%, chúng tôi hy vọng vào cuối năm sẽ đầy, và chúng tôi sẽ có 6 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên". (Theo Ria-ru) Tags: NgaThổ Nhĩ KỳIranErdoganVladimir PutinChiến tranh Ukraine
Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025 THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.